Thủ tục đăng ký giải pháp hữu ích theo quy định mới nhất năm 2024

Thủ tục đăng ký giải pháp hữu ích theo quy định mới nhất năm 2024 cụ thể là như thế nào? cùng tìm hiểu cụ thể qua nội dung bài viết dưới đây:

1. Điều kiện để sáng chế được cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ich

Theo quy định của Luật Sở Hữu Trí Tuệ thì sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Sáng chế có thể được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thông qua thủ tục đăng ký cấp bằng độc quyền sáng chế hoặc cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Để một sáng chế được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích, thì giải pháp kỹ thuật phải không phải là hiểu biết thông thường trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng và cần tuân theo hai điều kiện chính là có tính mới và có khả năng áp dụng công nghiệp.

Về tính mới của sáng chế: Để đáp ứng điều này, giải pháp hữu ích phải được mô tả mà không trùng với bất kỳ mô tả nào khác trong đơn đăng ký đã nộp, và không được công bố trước ngày ưu tiên cấp đăng ký. Trước ngày ưu tiên, giải pháp không được công bố công khai dưới bất kỳ hình thức nào, bao gồm cả sử dụng và mô tả bằng văn bản. Một số trường hợp giải pháp hữu ích không mất đi tính mới:

+ Người không phải là chủ sở hữu giải pháp có thể công bố thông tin về nó, kể cả khi không có sự đồng ý từ người nộp đơn, nhưng phải trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày nộp đơn.

+ Nếu giải pháp được trưng bày tại triển lãm quốc gia Việt Nam hoặc triển lãm quốc tế chính thức trong 6 tháng kể từ ngày nộp đơn.

+ Người có quyền đăng ký có thể công bố giải pháp dưới dạng báo cáo khoa học trong 6 tháng trước ngày nộp đơn và đã yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ.

+ Bảo Mật Thông Tin của Giải Pháp Hữu Ích:

Thông tin về giải pháp không bị coi là công khai nếu chỉ một số người giới hạn biết và chịu nghĩa vụ giữ bí mật. Chủ sở hữu giải pháp cần kiểm soát số lượng người biết và thông tin về giải pháp mà họ giữ.

Về khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế: Sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định.

 

2. Hồ sơ đăng ký cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích

Bộ hồ sơ đăng ký bằng độc quyền giải pháp hữu ích sẽ gồm các tài liệu và giấy tờ sau.

- 02 tờ khai đăng ký giải pháp hữu ích của sản phẩm hoặc dịch vụ.

- 02 bản mô tả cụ thể giải pháp hữu ích của sản phẩm hoặc dịch vụ (bao gồm cả phạm vi bảo hộ).

- 02 bản tóm tắt giải pháp hữu ích của sản phẩm hoặc dịch vụ.

- Chứng từ nộp phí và lệ phí

Các tài liệu khác (nếu có):

+ Giấy ủy quyền (nếu đơn đăng ký bằng độc quyền giải pháp hữu ích được nộp thông qua tổ chức dịch vụ sở hữu công nghiệp);

+ Giấy chuyển nhượng quyền nộp đơn (nếu có);

+ Các tài liệu xác nhận quyền đăng ký giải pháp hữu ích của sản phẩm hoặc dịch vụ (nếu như được thụ hưởng từ người khác);

+ Các tài liệu chứng minh quyền ưu tiên giải pháp hữu ích của sản phẩm hoặc dịch vụ.

 

3. Quy trình thẩm định và cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích

Bước 1: Tiến hành nộp hồ sơ: Bạn có thể nộp hồ sơ đăng ký bằng sáng chế theo 3 cách dưới đây.

+ Nộp hồ sơ trực tiếp đến trụ sở Cục Sở Hữu Trí Tuệ Tại Hà Nội hoặc hai văn phòng đại diện của Cục tại Đà Nẵng và  TP. Hồ Chí Minh

+ Nộp hồ sơ online website trực tuyến của Cục Sở Hữu Trí Tuệ Việt Nam.

+ Nộp hồ sơ qua đường bưu điện VNPost, Viettel Post,…

Bước 2: Thời gian thẩm định hồ sơ đăng ký sáng chế

Thời gian xử lý đơn đăng ký sáng chế là 1 tháng kể từ ngày Cục Sở Hữu trí tuệ tiếp nhận đơn.

+ Nếu như hợp lệ, Cục Sở Hữu trí tuệ sẽ đưa ra thông báo đã chấp thuận đến thông tin mà bạn đăng ký bằng sáng chế.

+ Nếu như không hợp lệ, Cục Sở Hữu trí tuệ sẽ từ đưa thông báo từ chối chấp nhận đơn đến bạn, đồng thời cũng sẽ nêu rõ lý do và yêu cầu cần chỉnh sửa đơn. Thời gian sửa đơn là hai tháng, nếu như bạn không chỉnh đúng theo thời hạn, thì Cục Sở Hữu trí tuệ sẽ quyết định từ chối đơn đăng ký của bạn.

Bước 3: Thời gian công bố đơn sáng chế

Sau khi đã có thông báo đăng ký đơn hợp lệ chính thức, Cục Sở Hữu trí tuệ sẽ công bố đơn Công báo sở hữu công nghiệp. Thời gian công bố đơn là tháng thứ 19 kể từ ngày nộp đơn hoặc từ ngày ưu tiên đối với đơn được hưởng quyền ưu tiên hoặc vào thời điểm sớm hơn theo yêu cầu của người nộp đơn.

Bước 4: Thời gian thẩm định nội dung đã đăng ký

Thời hạn yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích là 36 tháng kể từ ngày nộp đơn hoặc kể từ ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, nếu đơn yêu cầu cấp Bằng độc quyền sáng chế thì thời hạn này là 42 tháng. Đơn đăng ký sáng chế sẽ được tiến hành thẩm định trong không quá 18 tháng, kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn.

Bước 5: Thời gian cấp bằng sáng chế

Sau khi Cục Sở Hữu trí tuệ đã thẩm định xong nội dung trong đơn đăng ký sáng chế, sẽ tiến hành cấp bằng.

+ Trường hợp 1: Bằng sáng chế phải đáp ứng đủ các yêu cầu về bảo hộ, người nộp đơn đã thực nộp đầy đủ chi phí, Cục Sở Hữu trí tuệ sẽ cấp bằng bảo hộ sáng chế.

+ Trường hợp 2: Đối với sáng chế không đạt đủ những điều kiện nêu trên, Cục Sở Hữu trí tuệ có quyền ra quyết định từ chối từ cấp văn bằng bảo hộ sáng chế.

 

4. Yêu cầu chung đối với đơn đăng ký sáng chế

- Mỗi đơn chỉ được yêu cầu cấp một văn bằng bảo hộ và loại văn bằng bảo hộ được yêu cầu cấp phải phù hợp với đối tượng giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn;

- Mọi tài liệu của đơn đều phải được làm bằng tiếng Việt.

- Mọi tài liệu đều phải được trình bày theo chiều dọc (riêng hình vẽ, sơ đồ và bảng biểu có thể được trình bày theo chiều ngang) trên một mặt giấy khổ A4 (210mm x 297mm), trong đó có chừa lề theo bốn phía, mỗi lề rộng 20mm, theo phông chữ Times New Roman, chữ không nhỏ hơn cỡ 13, trừ các tài liệu bổ trợ mà nguồn gốc tài liệu đó không nhằm để đưa vào đơn;

- Đối với tài liệu cần lập theo mẫu thì bắt buộc phải sử dụng các mẫu đó và điền đầy đủ các thông tin theo yêu cầu vào những chỗ thích hợp;

- Mỗi loại tài liệu nếu bao gồm nhiều trang thì mỗi trang phải ghi số thứ tự trang đó bằng chữ số Ả-rập;

- Tài liệu phải được đánh máy hoặc in bằng loại mực khó phai mờ, một cách rõ ràng, sạch sẽ, không tẩy xóa, không sữa chữa; trường hợp phát hiện có sai sót không đáng kể thuộc về lỗi chính tả trong tài liệu đã nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ thì người nộp đơn có thể sữa chữa các lỗi đó, nhưng tại chỗ bị sửa chữa phải có chữ ký xác nhận (và đóng dấu, nếu có) của người nộp đơn;

- Thuật ngữ dùng trong đơn phải thống nhất và là thuật ngữ phổ thông (không dùng tiếng địa phương, từ hiếm, từ tự tạo). Ký hiệu, đơn vị đo lường, phông chữ điện tử, quy tắc chính tả dùng trong đơn phải theo tiêu chuẩn Việt Nam);

- Đơn có thể kèm theo tài liệu bổ trợ là vật mang dữ liệu điện tử của một phần hoặc toàn bộ nội dung tài liệu đơn.

Có thể thấy rằng điều kiện để sáng chế được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích sẽ đơn giản, ít phức tạp hay nghiêm ngặt hơn so với yêu cầu cấp bằng sáng chế. Riêng về tính sáng tạo của giải pháp kỹ thuật được cấp bằng sáng chế có yêu cầu cao hơn so với giải pháp hữu ích. Thực tế cho thấy, các công nghệ mới tại Việt Nam thường được chọn lựa dưới hình thức giải pháp hữu ích để tiện lợi trong quá trình áp dụng công nghiệp và sản xuất.

Trên đây, Luật Hòa Nhựt đã giải đáp thắc mắc về Thủ tục đăng ký giải pháp hữu ích theo quy định mới nhất năm 2024 cho Quý khách hàng và Quý bạn đọc. Nếu quý khách hàng còn có những thắc mắc nào hãy liên hệ qua số điện thoại 1900.868644 hoặc gửi thư qua email luathoanhut.vn@gmail.com để được hỗ trợ.