Cách viết đơn khiếu nại quyết định xử phạt của cảnh sát giao thông

Khi người dân cho rằng quyết định xử phạt hành chính của cảnh sát giao thông xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì có quyền làm đơn khiếu nại. Cách viết đơn khiếu nại quyết định xử phạt của cảnh sát giao thông sẽ được đề cập trong nội dung bài viết của Luật Hòa Nhựt dưới đây.

1. Bị xử phạt hành chính có phải nộp phạt trước khi khiếu nại không?

Trong trường hợp việc áp dụng hành vi, quyết định của Cảnh sát giao thông là sai phạm, gây ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp nhưng cá nhân vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo hành vi, quyết định đó và tiến hành khiếu nại. Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:

- Cá nhân, tổ chức khi nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì phải thực hiện quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày; Một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính kéo dài thời hạn để cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện trong thời gian nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó;

- Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật.

- Việc thực hiện quyết định xử phạt phải nằm trong sự giám sát của người có thẩm quyền xử phạt đã ra quyết định xử phạt. Cá nhân này có trách nhiệm thông báo kết quả thi hành xong quyết định để cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính cập nhật thông tin vào hệ thống của Bộ Tư pháp, cơ quan tư pháp địa phương.

Như vậy, nếu cá nhân không đồng tính với quyết định xử lý của Cảnh sát giao thông thì cá nhân, tổ chức có hành vi được cho là vi phạm vẫn phải thực hiện nộp phạt theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính, sau đó thực hiện quyền khiếu nại của mình theo quy định pháp luật.

2. Cách viết đơn khiếu nại quyết định xử phạt của cảnh sát giao thông

Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Thông tư 19/2022/TT-BCA thì đơn khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của CSGT phải đáp ứng đủ yêu cầu sau:

Hình thức đơn khiếu nại quyết định xử phạt của cảnh sát giao thông:

- Đơn được viết bằng tiếng Việt; trường hợp đơn viết bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm bản dịch được công chứng;

- Trong đơn phải ghi rõ:

+ Ngày, tháng, năm viết đơn;

+ Họ, tên, địa chỉ của người viết đơn;

+ Có chữ ký hoặc điểm chỉ của người viết đơn.

Nội dung đơn khiếu nại quyết định xử phạt của cảnh sát giao thông: 

Đơn khiếu nại phải có các nội dung sau:

- Tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại;

- Nội dung, lý do khiếu nại, kiến nghị, phản ánh;

- Yêu cầu của người khiếu nại, kiến nghị, phản ánh.

 Các tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại quyết định xử phạt của cảnh sát giao thông:

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân làm đơn khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của CSGT phải lưu ý các trường hợp đơn khiếu nại sẽ không được xử lý sau đây:

- Đơn được gửi cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong đó có cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền giải quyết mà cơ quan, đơn vị tiếp nhận đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết;

- Đơn trùng nội dung đã chuyển đơn hoặc đã được hướng dẫn theo quy định;

- Đơn có nội dung chống đối đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đơn có nội dung chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo; đơn có lời lẽ thô tục, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị;

- Đơn rách nát, chữ viết bị tẩy xóa, không rõ, không thể đọc được.

3. Cảnh sát giao thông có được gửi quyết định xử phạt về cơ quan, đơn vị không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, trong thời hạn 02 ngày làm việc, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành.

Theo quy định tại Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh: Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị.

- Trong quá trình xử lý các vi phạm giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm giao thông phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

- Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua trọng xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.

- Cương quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, trong trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm giao thông, cảnh sát giao thông có thể gửi quyết định xử phạt về cơ quan để xử lý theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị.

Đối với cá nhân không phải cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức... cảnh sát giao thông thường không thực hiện việc gửi quyết định xử phạt về nơi làm việc của người vi phạm.

4. Cảnh sát giao thông được xử phạt vi phạm tối đa bao nhiêu tiền?

Căn cứ theo quy định tại Điều 76 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 28 Điều 2  quy định thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân như sau:

- Chiến sĩ Công an nhân dân phạt tiền đến 500.000 đồng đối với cá nhân và tổ chức là 1.000.000 đồng.

- Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động cấp đại đội, Trưởng trạm, Đội trưởng của Chiến sĩ Công an nhân dân phạt tiền đến 1.500.000 đồng đối với cá nhân và tổ chức là 3.000.000 đồng

- Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động có quyền phạt tiền đến 2.500.000 đồng đối với cá nhân và tổ chức là 5.000.000 đồng.

- Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng, phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Trưởng phòng Cảnh sát cơ động, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động có quyền:

Phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân và tổ chức là 30.000.000 đồng.

- Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 37.500.000 đồng đối với cá nhân và tổ chức là 75.000.000 đồng.

- Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Tư lệnh Cảnh sát cơ động có quyền phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với cá nhân và tổ chức là 150.000.000 đồng.

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Cách viết đơn khiếu nại quyết định xử phạt của cảnh sát giao thông  mà Công ty Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.

Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: [email protected]để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!