Hướng dẫn thủ tục đăng ký và điều chỉnh đóng BHXH, BHYT

Hướng dẫn thủ tục đăng ký và điều chỉnh đóng BHXH, BHYT theo Quyết định 1318/QĐ-BHXH về việc công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ được đề cập trong nội dung bài viết của Luật Hòa Nhựt dưới đây.

1. Thủ tục đăng ký, đăng ký lại, điều chỉnh đóng BHXH tự nguyện; cấp sổ BHXH

Theo Quyết định 1318/QĐ-BHXH về việc công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thủ tục đăng ký, đăng ký lại, điều chỉnh đóng BHXH tự nguyện; cấp sổ BHXH bao gồm các bước sau:

Bước 1. Lập, nộp hồ sơ

- Người tham gia:

+ Trường hợp người tham gia đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH hoặc Tổ chức dịch vụ: Lập hồ sơ theo quy định tại tiết 1.1 điểm 1 Mục 2.3 (Thành phần hồ sơ) và nộp cho Tổ chức dịch vụ hoặc cơ quan BHXH trên phạm vi toàn quốc.

+ Trường hợp người tham gia nộp hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công: Lập hồ sơ theo quy định tại tiết 1.2 điểm 1 Mục 2.3 (Thành phần hồ sơ) và nộp trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công.

+ Trường hợp người tham gia có yêu cầu hoàn trả tiền đóng BHXH tự nguyện: Lập hồ sơ theo quy định tại tiết 1.3 điểm 1 Mục 2.3 (Thành phần hồ sơ), nộp trực tiếp cho cơ quan BHXH hoặc Tổ chức dịch vụ.

- Tổ chức dịch vụ: Nhận hồ sơ của người tham gia, lập hồ sơ theo quy định tại điểm 2 Mục 2.3 (Thành phần hồ sơ) và nộp cho cơ quan BHXH.

Hồ sơ đăng ký, đăng ký lại, điều chỉnh đóng BHXH tự nguyện; cấp sổ BHXH bao gồm:

Đối với người tham gia:

- Trường hợp người tham gia đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH hoặc Tổ chức dịch vụ: Tờ khai tham gia điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) đối với người tham gia lần đầu hoặc có mã số BHXH nhưng chưa đủ thông tin.

- Trường hợp người tham gia nộp qua Cổng Dịch vụ công: Tờ khai điện tử đăng ký tham gia BHXH tự nguyện trên Cổng Dịch vụ công (Mẫu 02-TK);

- Trường hợp hoàn trả tiền đã đóng

+ Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS);

+ Sổ BHXH;

+ Văn bản chứng thực hoặc bản chụp kèm theo bản chính giấy chứng tử (đối với trường hợp đã chết).

Đối với tổ chức dịch vụ:

- Danh sách người tham gia BHXH tự nguyện (Mẫu D05- TS) kèm theo Mẫu TK1-TS;

- Giấy thanh toán thù lao cho tổ chức làm dịch vụ thu (Mẫu C66a-HD) tương ứng với số tiền nộp.

Bước 2. Đóng tiền

- Người tham gia: Đóng tiền theo phương thức đăng ký cho tổ chức dịch vụ hoặc cơ quan BHXH trên phạm vi toàn quốc hoặc đóng tiền trực tuyến khi thực hiện qua Cổng Dịch vụ công.

- Tổ chức dịch vụ: thu tiền đóng BHXH phần thuộc trách nhiệm đóng của người tham gia BHXH tự nguyện; cấp biên lai thu tiền cho người tham gia theo quy định. Nộp số tiền đã thu của người tham gia cho cơ quan BHXH hàng ngày thông qua tài khoản ngân hàng hoặc hệ thống tiện ích thông minh.

Bước 3. Cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ và giải quyết theo quy định.

Bước 4. Nhận kết quả giải quyết gồm: Sổ BHXH; Quyết định hoàn trả (Mẫu C16-TS) và tiền hoàn trả (nếu có) theo hình thức đã đăng ký.

2. Hướng dẫn thủ tục đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH, BHYT

Ngày 19/9/2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Quyết định 1318/QĐ-BHXH về việc công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Theo đó, công bố thủ hành chính sửa đổi, bổ sung về việc đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT.Trình tự thực hiện như sau:

Bước 1: Lập, nộp hồ sơ

Đối với người lao động:

- NLĐ là người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN: Lập hồ sơ theo quy định tại điểm 1 mục Thành phần hồ sơ; nộp hồ sơ cho đơn vị quản lý.

- Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

+ Trường hợp đóng qua đơn vị đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài: Lập hồ sơ theo quy định tại điểm 2 mục Thành phần hồ sơ và nộp hồ sơ, đóng tiền cho đơn vị quản lý.

+ Trường hợp đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH nơi thường trú của NLĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài: Lập hồ sơ theo quy định tại điểm 2 mục điểm 2 mục Thành phần hồ sơ và nộp hồ sơ, đóng tiền cho cơ quan BHXH.

+ Đối với NLĐ được gia hạn hợp đồng hoặc ký HĐLĐ mới ngay tại nước tiếp nhận lao động truy nộp sau khi về nước: Lập hồ sơ theo quy định tại điểm 2 mục điểm 2 mục Thành phần hồ sơ và nộp hồ sơ, đóng tiền cho đơn vị hoặc cho cơ quan BHXH.

+  Người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài: Lập hồ sơ theo quy định tại điểm 3 Mục Thành phần hồ sơ và nộp hồ sơ, đóng tiền cho đơn vị quản lý.

+ Đối với NLĐ và người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH bắt buộc còn thiếu tối đa 06 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc trợ cấp tuất hàng tháng: NLĐ hoặc thân nhân NLĐ chết lập hồ sơ theo quy định tại điểm 4 Mục Thành phần hồ sơ và nộp hồ sơ, đóng tiền vào quỹ hưu trí và tử tuất cho cơ quan BHXH nơi thường trú hoặc thông qua đơn vị trước khi nghỉ việc.

+ NLĐ có từ 02 sổ BHXH đóng trùng BHXH, BHTN: Lập hồ sơ theo quy định tại điểm 5 mục Thành phần hồ sơ: Nộp hồ sơ trực tiếp cho cơ quan BHXH nơi quản lý hoặc nơi cư trú.

Đối với đơn vị sử dụng lao động

- Kê khai hồ sơ theo quy định tại điểm 6 mục Thành phần hồ sơ và nộp cho cơ quan BHXH;

- Nộp tiền đóng của đơn vị (bao gồm tiền đóng thuộc trách nhiệm của đơn vị SDLĐ và NLĐ), tiền đóng của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tiền đóng của phu quân hoặc phu nhân, tiền đóng của NLĐ còn thiếu tối đa 06 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc trợ cấp tuất hàng tháng đóng thông qua đơn vị cho cơ quan BHXH.

Bước 2: Cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ và giải quyết theo quy định.

Bước 3: Nhận kết quả gồm: Sổ BHXH, thẻ BHYT; Quyết định hoàn trả; Tiền hoàn trả thời gian đóng trùng BHXH, BHTN (nếu có).

3. Vai trò của chính sách BHXH, BHYT đối với an sinh xã hội

Thứ nhất, triển khai chính sách Bảo hiểm Xã hội (BHXH) và Bảo hiểm Y tế (BHYT) nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống của người lao động và hỗ trợ họ khi gặp các rủi ro như ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, và những giai đoạn như khi sinh đẻ và chăm sóc con cái, khi không làm việc, cũng như khi già cả.

Theo quy trình BHXH và BHYT, người lao động khỏe mạnh và có việc làm sẽ đóng góp một phần tiền lương hoặc thu nhập vào quỹ dự phòng. Quỹ này sẽ được sử dụng để hỗ trợ người lao động trong những tình huống kể trên, giúp họ duy trì và ổn định cuộc sống của bản thân và gia đình.

Do đó, hoạt động BHXH và BHYT không chỉ đòi hỏi sự chịu trách nhiệm của mỗi người lao động đối với bản thân, gia đình và cộng đồng, mà còn thể hiện sự gắn kết và trách nhiệm giữa các thành viên trong xã hội. Các chính sách này tạo ra một môi trường đoàn kết, thúc đẩy trách nhiệm xã hội và hỗ trợ bền vững cho quốc gia.

Thứ hai, việc thực hiện chính sách Bảo hiểm Xã hội (BHXH), đặc biệt là chế độ hưu trí, đóng góp tích cực vào việc ổn định cuộc sống của người lao động khi họ về già và không còn khả năng lao động.

Chính sách BHXH ở Việt Nam được thiết lập với mô hình tài chính quỹ, và được điều chỉnh dựa trên các dự báo về yếu tố kinh tế - xã hội trong tương lai. Mô hình này yêu cầu sự chịu trách nhiệm của người lao động trong việc đóng góp vào quỹ BHXH, tạo ra một nguồn tài chính dành cho tuổi già và hưu trí, giảm bớt gánh nặng cho thế hệ tương lai. Việc này cũng gắn kết trách nhiệm của các thế hệ kế tiếp trong chính sách BHXH.

Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam cũng đã đóng góp vào việc cải thiện mức sống của người lao động về hưu. Điều này là kết quả của sự đóng góp tích cực của thế hệ đương thời, theo truyền thống "con hơn cha". Quỹ BHXH được quản lý và phát triển bền vững bởi Nhà nước có vai trò bảo hộ, là cơ sở để không ngừng cải thiện các chính sách BHXH và chất lượng cuộc sống của người nghỉ hưu.

Thứ ba, việc triển khai chính sách Bảo hiểm Xã hội (BHXH) và Bảo hiểm Y tế (BHYT) đóng góp tích cực vào ổn định và nâng cao chất lượng lao động, đồng thời đảm bảo sự bình đẳng về vị thế xã hội của người lao động trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau, thúc đẩy sự phát triển sản xuất.

Nguyên tắc cơ bản "đóng - hưởng" của chính sách BHXH và BHYT đã tạo ra bước tiến quan trọng về sự bình đẳng của người lao động trong việc hưởng các quyền lợi từ các chính sách này. Dưới hình thức này, mọi người lao động, không phụ thuộc vào thành phần kinh tế, ngành nghề hay địa bàn làm việc, đều có quyền tham gia và hưởng các chính sách BHXH, BHYT. Việc mở rộng liên tục phạm vi đối tượng tham gia đã thu hút hàng triệu lao động từ các lĩnh vực kinh tế khác nhau, khuyến khích họ tự giác thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi BHXH, BHYT. Điều này giúp tạo ra tinh thần an tâm, tin tưởng và yên tâm trong công việc, sản xuất và kinh doanh.

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Hướng dẫn thủ tục đăng ký và điều chỉnh đóng BHXH, BHYT mà Công ty Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.

Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email:[email protected] để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!