Nhãn sinh thái là gì? Có mấy loại nhãn sinh thái?

Nhãn sinh thái là một loại nhãn được cấp cho những sản phẩm thoả mãn một số tiêu chí nhất định. Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây

1. Tìm hiểu chung về Nhãn sinh thái

Nhãn sinh thái có nhiều cách hiểu khác nhau, theo ý nghĩa thông thường. Nhãn sinh thái (ecological label) là một loại nhãn hiệu hoặc thông điệp trên sản phẩm hoặc dịch vụ, cho biết rằng sản phẩm hoặc dịch vụ đó đã được sản xuất hoặc cung cấp theo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và duy trì cân bằng sinh thái. Mục tiêu của nhãn sinh thái là thúc đẩy sự bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên tự nhiên bằng cách khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm hoặc dịch vụ có tác động môi trường thấp hơn. Các tiêu chuẩn và quy định của nhãn sinh thái có thể liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau của sản phẩm hoặc dịch vụ, bao gồm nguồn gốc của nguyên liệu, quy trình sản xuất, vận chuyển, đóng gói, sử dụng tài nguyên, và khả năng tái chế hoặc tái sử dụng. Nhãn sinh thái thường được cấp phép và kiểm định bởi các tổ chức độc lập hoặc cơ quan chính phủ có thẩm quyền trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Khi bạn mua sản phẩm hoặc dịch vụ có nhãn sinh thái, bạn có thể tin rằng nó tuân theo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và đóng góp vào việc duy trì cân bằng sinh thái hơn là gây hại cho môi trường.

Còn theo khái niệm của một vài tổ chức trên thế giới về nhãn sinh thái:

- Theo tổ chức thương mại thế giới WTO và Ngân hàng thế giới WB thì: Nhãn sinh thái là một loại nhãn được cấp cho những sản phẩm thoả mãn một số tiêu chí nhất định do một cơ quan chính phủ hoặc một tổ chức được chính phủ uỷ nhiệm đề ra. Các tiêu chí này tương đối toàn diện nhằm đánh giá tác động đối với môi trường trong những giai đoạn khác nhau của chu kỳ sản phẩm: từ giai đoạn sơ chế, chế biến, gia công, đóng gói, phân phối, sử dụng cho đến khi bị vứt bỏ. Cũng có trường hợp người ta chỉ quan tâm đến một tiêu chí nhất định đặc trưng cho sản phẩm, ví dụ mức độ khí thải phát sinh, khả năng tái chế, v.v…

- Theo Mạng lưới nhãn sinh thái toàn cầu (GEN) định nghĩa Nhãn sinh thái là nhãn chỉ ra tính ưu việt về mặt môi trường của một sản phẩm, dịch vụ so với các sản phẩm, dịch vụ cùng loại dựa trên các đánh giá vòng đời sản phẩm.

- Theo Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế ISO: Nhãn sinh thái là sự khẳng định, biểu thị thuộc tính môi trường của sản phẩm hoặc dịch vụ có thể dưới dạng một bản công bố, biểu tượng hoặc biểu đồ trên sản phẩm hoặc nhãn bao gói, trong tài liệu về sản phẩm, tạp chí, kỹ thuật, quảng cáo các hình thức khác.

Dưới đây là quy định của pháp luật Việt Nam về khai niệm cũng như phân loại nhãn sinh thái, cụ thể:

2. Khái niệm và phân loại Nhãn sinh thái

Căn cứ tại Điều 2 Thông tư 19/2009/TT-BKHCN có nêu khái niệm về nhãn sinh thái, theo đó: "Nhãn sinh thái (hay còn gọi là nhãn xanh, nhãn môi trường) là các nhãn mác của sản phẩm, dịch vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về sự thân thiện với môi trường hơn so với các sản phẩm, dịch vụ cùng loại"

Cũng tại Điều 2 nêu trên, pháp luật quy định về phân loại nhãn sinh thái bao gồm 3 loại: 

- Nhãn kiểu I là nhãn được chứng nhận, cấp cho sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất;

- Nhãn kiểu II là nhãn tự công bố, do các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp phân phối đưa ra dựa trên kết quả tự đánh giá hoặc đánh giá của bên thứ ba;

- Nhãn kiểu III là nhãn tự nguyện của doanh nghiệp sản xuất và cung ứng cho người tiêu dùng theo chương trình tự nguyện của ngành kinh tế và các tổ chức kinh tế đề xuất.

Điểm chung của cả ba loại này là đều phải tuân thủ 9 nguyên tắc được nêu trong tiêu chuẩn ISO 14020:1998 (nguyên tắc về tiêu chuẩn đánh giá, các điều khoản áp dụng, thủ tục, phương pháp…) trong đó, điểm mấu chốt là các thông tin đưa ra phải khoa học, chính xác và dựa trên kết quả của quá trình đánh giá vòng đời sản phẩm, các thủ tục phải không cản trở cho hoạt động thương mại quốc tế.

3. Quy trình, thủ tục chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam

Hồ sơ cần chuẩn bị đề nghị chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam theo Điều 146 Nghị định 08/2022/NĐ-CP bao gồm: 

- Văn bản đề nghị chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam đối với sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục XXXII ban hành kèm theo Nghị định này.

- Báo cáo sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục XXXIII ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP

- Kết quả thử nghiệm sản phẩm có thời hạn không quá 06 tháng, tính đến ngày Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ kèm theo mẫu sản phẩm đăng ký chứng nhận. Việc thử nghiệm sản phẩm phải được tiến hành bởi các tổ chức thử nghiệm, phân tích, đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, dịch vụ với tiêu chí đáp ứng quy định tại Điều 149 Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

- Bản vẽ hoặc bản chụp kiểu dáng công nghiệp có kích cỡ 21 cm x 29 cm và thuyết minh các thông số kỹ thuật của sản phẩm.

- Hồ sơ đề nghị chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam chỉ có giá trị trong thời gian 06 tháng, kể từ ngày có văn bản tiếp nhận hồ sơ. Nếu quá 06 tháng, tổ chức, cá nhân phải lập bộ hồ sơ mới đề nghị chứng nhận.

Thủ tục cấp chứng nhận nhãn sinh thái được tuân thuể theo quy định tại Điều 147 Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Theo đó, trình tự, thủ tục chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam được thực hiện như sau:

- Người nộp hồ sơ đăng ký chứng nhận nhãn sinh thái chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định sau đó nộp đến Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký chứng nhận, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ; trường hợp, hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đăng ký để hoàn thiện hồ sơ. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đánh giá theo trình tự chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam được quy định như sau:

- Trước hết là thành lập hội đồng đánh giá; tiến hành khảo sát thực tế; họp hội đồng đánh giá; trong trường hợp cần thiết, tiến hành trưng cầu giám định để đánh giá sự phù hợp với bộ tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam.

- Sau khi có kết quả họp hội đồng đánh giá sản phẩm, dịch vụ đáp ứng bộ tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quyết định chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam đối với sản phẩm, dịch vụ.

- Trường hợp kết quả đánh giá sản phẩm, dịch vụ không đáp ứng bộ tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân biết và nêu rõ lý do không đạt yêu cầu.

- Trong trường hợp tổ chức, cá nhân có nguyện vọng tiếp tục được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam thì sớm nhất là 03 tháng trước khi quyết định chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam hết hiệu lực, tổ chức, cá nhân đã được cấp quyết định chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam lập hồ sơ đề nghị chứng nhận theo quy định được nêu ở trên.

-Trong trường hợp tổ chức, cá nhân có các thay đổi về thông số kỹ thuật, đặc tính của sản phẩm, dịch vụ hoặc các thay đổi khác có liên quan đến tiêu chí chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam thì gửi hồ sơ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, chứng nhận theo quy trinh thủ tục đánh giá của tổ chức quan trắc, phân tích, sự phù hợp của sản phẩm, dịch vụ

 Quyết định chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam đối với sản phẩm, dịch vụ thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục XXXIV ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Theo đó, mẫu quyết định chứng nhận nhãn sinh thái bao gồm 3 điều theo quy định

Trường hợp được cấp quyết định chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam đối với sản phẩm, dịch vụ thì cần phải biết về thời hạn đó là 36 tháng tức 3 năm kể từ ngày ban hành.

Trên đây là Nhãn sinh thái Việt Nam và phân loại. Nếu có thiếu sót khách hàng có thể liên hệ 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được hỗ trợ