Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024, trừ các quy định sau đây được thực hiện theo lộ trình:
Lộ trình thực hiện kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề y
Căn cứ Điều 24 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (hay nghề y) trước khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề áp dụng đối với các chức danh bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng.
Người tham dự kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có văn bằng phù hợp với từng chức danh chuyên môn theo quy định.
- Đã hoàn thành việc thực hành khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.
Việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng Y khoa Quốc gia chủ trì tổ chức thực hiện. Người tham dự kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải chi trả chi phí kiểm tra đánh giá.
Lộ tình thực hiện kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trước khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề như sau:
(1) Từ ngày 01/01/2027 đối với chức danh bác sỹ;
(2) Từ ngày 01/01/2028 đối với các chức danh y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh;
(3) Từ ngày 01/01/2029 đối với các chức danh kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng.
Lưu ý:
- Người đề nghị cấp giấy phép hành nghề theo chức danh bác sỹ từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 31/12/2026 không phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề theo quy định nêu trên.
- Người đề nghị cấp giấy phép hành nghề theo chức danh y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 31/12/2027 không phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề theo quy định nêu trên.
- Người đề nghị cấp giấy phép hành nghề theo chức danh kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 31/12/2028 không phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề theo quy định nêu trên.
Lộ trình thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 từ ngày 01/01/2024 (Hình từ internet)
Điều kiện phải đáp ứng năng lực tiếng Việt với người nước ngoài thực hiện từ ngày 01/01/2032
Căn cứ Khoản 4 Điều 120 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định điều kiện phải đáp ứng năng lực tiếng Việt đối với người nước ngoài quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 19 và Điểm c Khoản 2 Điều 30 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thực hiện từ ngày 01/01/2032.
Lộ trình yêu cầu hạ tầng công nghệ thông để cấp phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh
Căn cứ Điểm d khoản 2 Điều 52 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì cần phải đáp ứng điều kiện có cơ sở vật chất phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn và quy mô của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó hạ tầng công nghệ thông tin phải bảo đảm kết nối với Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Khoản 1 Điều 112 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 để được cấp giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Quy định về điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin nêu trên thực hiện theo lộ trình như sau:
- Từ ngày 01/01/2027 đối với trường hợp nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động từ ngày 01/01/2027;
- Chậm nhất từ ngày 01/01/2029 đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động trước ngày 01/01/2027.
Lộ trình áp dụng tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành
Việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành tại Điểm a Khoản 1 Điều 57 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thực hiện như sau:
- Từ ngày 01/01/2025 đối với bệnh viện;
- Từ ngày 01/01/2027 đối với các hình thức tổ chức khác của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Khoản 7 Điều 120 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh sau đây tại Điều 104 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thực hiện từ ngày 01/01/2025:
(i) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, tư nhân được chia thành 03 cấp chuyên môn kỹ thuật như sau:
- Cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, điều trị ngoại trú, chăm sóc sức khỏe ban đầu; quản lý bệnh tật, phục hồi chức năng tại cộng đồng;
- Cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, điều trị ngoại trú, nội trú tổng quát; đào tạo thực hành tổng quát, tổ chức cập nhật kiến thức y khoa liên tục cho người hành nghề;
- Cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, điều trị ngoại trú, nội trú chuyên sâu; đào tạo thực hành chuyên sâu; nghiên cứu, đào tạo liên tục chuyên sâu; chuyển giao kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh.
(ii) Các cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh được tổ chức bảo đảm tính liên tục, liên thông trong cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo tình trạng, mức độ bệnh và bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
- Một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được xếp vào một cấp chuyên môn kỹ thuật; trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện được nhiệm vụ của cả 03 cấp chuyên môn kỹ thuật thì được xếp vào cấp chuyên sâu; trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện được nhiệm vụ của cấp ban đầu và cấp cơ bản thì được xếp vào cấp cơ bản;
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp nào phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ của cấp đó và được thực hiện kỹ thuật chuyên môn của cấp khác nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; thực hiện nhiệm vụ của cấp chuyên môn kỹ thuật khác phù hợp với đặc thù của ngành, lĩnh vực theo quy định của Chính phủ.
(iii) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được xếp vào cấp chuyên môn kỹ thuật theo các tiêu chí sau đây:
- Năng lực cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và phạm vi hoạt động chuyên môn;
- Năng lực tham gia đào tạo thực hành y khoa;
- Năng lực tham gia hỗ trợ kỹ thuật cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác;
- Năng lực nghiên cứu khoa học về y học.
Hoàn thành Hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trước 01/01/2027
Căn cứ Khoản 8 Điều 120 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định phải hoàn thành việc xây dựng và vận hành Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trước ngày 01/01/2027.
Theo đó, Điều 112 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bao gồm thông tin về các nội dung chủ yếu sau đây:
- Người bệnh và thông tin sức khỏe của từng cá nhân;
- Người hành nghề;
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Chuyên môn kỹ thuật;
- Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, giá dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ theo yêu cầu;
- Chi phí khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm cả chi phí khám bệnh, chữa bệnh do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán.
Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế thống nhất, tập trung quản lý, phải đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật và bảo đảm liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế quy định các nội dung sau đây:
- Chuẩn định dạng dữ liệu đầu ra đối với Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh qnêu trên;
- Việc xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Cơ quan chuyên môn về y tế thuộc UBND cấp tỉnh cấp giấy phép hoạt động bệnh viện tư nhân từ 01/01/2027
Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 51 và Khoản 9 Điều 120 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc cấp mới, cấp lại, điều chỉnh và thu hồi giấy phép hoạt động đối với bệnh viện tư nhân trên địa bàn quản lý từ ngày 01/01/2027, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Link nội dung: https://luathoanhut.vn/lo-trinh-thuc-hien-luat-kham-benh-chua-benh-2023-tu-ngay-01012024-a18968.html