Cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ từ ngày 01/12/2023

Cho tôi hỏi từ ngày 01/12/2023, cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ sẽ có thay đổi như thế nào theo quy định mới nhất? – Gia Hiếu (Đồng Tháp)

Cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ từ ngày 01/12/2023

Cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ từ ngày 01/12/2023 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LUẬT HÒA NHỰT giải đáp như sau:

Ngày 27/11/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 81/2023/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ.

Cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ từ ngày 01/12/2023

Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ từ ngày 01/12/2023 sẽ bao gồm các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập sau đây:

1. Vụ Pháp chế.

2. Vụ Tổ chức cán bộ.

3. Vụ Hợp tác quốc tế.

4. Vụ Kế hoạch - Tổng hợp.

5. Văn phòng.

6. Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối kinh tế ngành (Vụ I).

7. Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II).

8. Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối văn hóa, xã hội (Vụ III).

9. Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 1 (Cục I).

10. Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 (Cục II).

11. Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 3 (Cục III).

12. Cục Phòng, Chống tham nhũng, tiêu cực (Cục IV).

13. Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra (Cục V).

14. Ban Tiếp công dân trung ương.

15. Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra.

16. Báo Thanh tra.

17. Tạp chí Thanh tra.

18. Trường Cán bộ Thanh tra.

19. Trung tâm Thông tin.

Trong đó các đơn vị quy định từ 1 đến 14 là các tổ chức hành chính, giúp Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các đơn vị từ 15 đến 19 là các đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ.

Ban Tiếp công dân trung ương có bộ phận thường trực tại Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổng Thanh tra Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Thanh tra Chính phủ.

So với hiện hành tại Nghị định 50/2018/NĐ-CP thì cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ đã có sự thay đổi, cụ thể: chuyển đổi “Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra” thành Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra (Cục V).

Nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra Chính phủ trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Cụ thể tại khoản 7 Điều 2 Nghị định 81/2023/NĐ-CP quy đinh về nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra Chính phủ trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực như sau:

-Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo thẩm quyền hoặc theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thanh tra;

-Thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo thẩm quyền; thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp, tổ chức xã hội khu vực ngoài nhà nước theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ;

- Chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực; thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đôn đốc việc xử lý người có hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật và theo phân cấp quản lý cán bộ của Đảng và Chính phủ;

- Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền;

- Xây dựng, quản lý, khai thác, bảo vệ cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; theo dõi, đánh giá tình hình tham nhũng, tiêu cực và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các bộ, ngành, địa phương và khu vực ngoài nhà nước;

- Phối hợp với Kiểm toán nhà nước, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Ban Nội chính Trung ương trong việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu, kinh nghiệm về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình tham nhũng, tiêu cực và kiến nghị chính sách, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Link nội dung: https://luathoanhut.vn/co-cau-to-chuc-cua-thanh-tra-chinh-phu-tu-ngay-01122023-a18980.html