Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo Luật Sở hữu trí tuệ

Bài viết tập trung phân tích các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và các bước xử lý khi nhãn hiệu của mình bị xâm phạm. Mời bạn đọc tham khảo để có thêm nhiều thông tin hữu ích.

1. Nhãn hiệu là gì? Các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu

- Căn cứ quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022) thì có thể hiểu nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Theo đó, nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

+ Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ hoạ;

+ Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.  

Vậy các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là những hành vi nào? Theo quy định của pháp luât Sở hữu trí tuệ, cụ thể tại Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ thì các hành vi được nêu sau đây sẽ bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nếu được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu:

+ Thứ nhất, sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;

+ Thứ hai, sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;

+ Thứ ba, sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;

+ Thứ tư, sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng định nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng của hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kết cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó bởi chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng (Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam).

Vậy chỉ cần bạn thực hiện một trong các hành vi trên là bạn đã xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

2. Cách xác định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu

Nhìn chung để xác định một hành vi xâm phạm thì theo Điều 72 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, để xác định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu thì phải có đủ các yếu tố cấu thành một hành vi xâm phạm, bao gồm:

- Thứ nhất, đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ;

- Thứ hai, có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét. Yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là dấu hiệu gắn với hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biểu hiện, phương tiện quảng cáo, và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ;

- Thứ ba, người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu công nghiệp và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ;

- Thứ tư, hành vi bị xem xét ra tại Việt Nam. Lưu ý: Nếu hành vi xâm phạm xảy ra trên mạng Internet và được thực hiện trên trang thông tin điện tử dưới tên miền Việt Nam; hoặc có ngôn ngữ hiện thị là tiếng việt; hoặc nhằm vào người tiêu dùng; hoặc người dùng tin tại Việt Nam thì hành vi đó cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam.

Như vậy nếu hành vi đủ 4 yếu tố gồm đối tượng bảo hộ đang được bảo hộ bị xâm phạm, có yếu tố xâm phạm, chủ thể không phải là chủ thể quyền và hành vi bị xem xét tại Việt Nam thì được xác định là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ.

3. Khi nhãn hiệu bị xâm phạm chủ sở hữu nhãn hiệu phải làm gì?

Khi phát hiện có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu xảy ra, chủ sở hữu có có thể thực hiện các biện pháp sau để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:

+ Áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm nhãn hiệu;

+ Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xoá nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;

+ Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo quy định pháp luật;

+ Khởi kiện ra toà án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Chủ sở hữu nhãn hiệu có thể thực hiện một hoặc kết hợp nhiều biện pháp cùng một lúc. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể tự thực hiện hoặc uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân khác áp dụng các biện pháp trên để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình, tuy nhiên không được lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Nếu tổ chức, cá nhân lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (bao gồm hành vi cố ý vượt quá phạm vi hoặc mục tiêu của thủ tục này) mà gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên lạm dụng thủ tục đó phải bồi thường cho những thiệt hại do việc lạm dụng gây ra, trong đó bao gồm chi phí hợp lý để thuê luật sư.

Trên thực tế, có rất nhiều vụ việc xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, điển hình là việc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) bị xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu. Theo báo cáo công bố ngày 30/3/2012 của Petrolimex, trên địa bàn cả nước có 884 doanh nghiệp của các thành phần kinh tế với 1.006 cửa hàng xăng dầu đang xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu "Petrolimex" thuộc sở hữu của Tập đoàn. Trong đó, các hình thức xâm phạm chủ yếu diễn ra ở các cửa hàng xăng dầu không còn liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu với Petrolimex, chủ yếu ở các trường hợp đã chấm dứt quan hệ đại lý, tổng đại lý với Petrolimex; nhưng không tháo dỡ các dấu hiệu nhận diện thương hiệu của Petrolimex. Nhiều trường hợp chưa bao giờ làm đại lý, tổng đại lý của Petrolimex nhưng tự ý sử dụng trái phép nhãn hiệu Petrolimex, nhằm lợi dụng uy tín, danh tiếng của Petrolimex thu hút khách hàng. 

Khi phát hiện hành vi xâm phạm, phía Petrolimex đã ngay lập tức gửi công văn tới Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương yêu cầu rà soát, thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trên nhằm bảo vệ nhãn hiệu đã được pháp luật bảo hộ. Đồng thời, Petrolimex đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tiếp tục gửi thư khuyến cáo đến các cửa hàng xăng dầu, doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu "Petrolimex". Nếu sau 3 lần gửi thư khuyến cáo mà bên vi phạm vẫn không cam kết bằng văn bản, tiếp tục sử dụng trái phép nhận diện của Petrolimex thì đơn vị chủ động gửi đơn tới Chi Cục Quản lý thị trường, Thanh tra Sở Khoa học Công nghệ yêu cầu phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm.

(Nguồn Petrolimex.com)

Như vậy, khi bị xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu thì chủ sở hữu có thể dùng những biện pháp đã nêu trên để gửi tới những cơ quan chức năng quản lý nhà nước nhằm bảo vệ nhãn hiệu đã được pháp luật bảo hộ. 

Bạn đọc vui lòng gọi vào số máy 1900.868644 nếu có yêu cầu dịch vụ luật sư tư vấn Sở hữu trí tuệ. Nếu có bất kỳ câu hỏi liên quan đến pháp luật cần được giải đáp mời bạn đọc liên hệ vào số tổng đài 1900.868644 hoặc liên hệ email: [email protected] . Trân trọng cảm ơn!

Link nội dung: https://luathoanhut.vn/hanh-vi-xam-pham-quyen-doi-voi-nhan-hieu-theo-luat-so-huu-tri-tue-a19183.html