Trường hợp công dân được đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự

Các trường hợp nào công dân được đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự được quy định cụ thể tại Điều 19 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015. Trường hợp công dân được đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự sẽ được đề cập trong nội dung bài viết của Luật Hòa Nhựt dưới đây.

1. Một số điểm mới trong Luật Nghĩa vụ quân sự 2015

So với Luật cũ,Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 (gọi tắt là Luật mới) đã được sửa đổi một cách cơ bản và toàn diện. Cụ thể, về kết cấu, Luật mới gồm 09 chương, 62 điều; so với Luật cũ, giảm 02 chương, 09 điều do bỏ chương “Việc phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp” gồm 04 điều (sẽ có luật riêng), 10 chương còn lại viết gọn thành 09 chương, không có điều nào được giữ nguyên. Về nội dung, Luật mới cơ bản kế thừa có chọn lọc Luật cũ, sắp xếp, trình bày một cách chặt chẽ, khoa học hơn và đã sửa đổi, bổ sung một số vấn đề đáng chú ý sau:

 - Kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đối với sinh viên được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học

Luật Nghĩa vụ quân sự cũ quy định độ tuổi gọi công dân nhập ngũ trong thời bình cao nhất là hết 25 tuổi, dẫn đến tỷ lệ công dân có trình độ cao đẳng, đại học tham gia thực hiện nghĩa vụ phục vụ tại ngũ thấp; khi hoàn thành chương trình đào tạo, nhiều trường hợp đã đến tuổi 25. Mặt khác, những công dân không học cao đẳng, đại học thì phải thực hiện nghĩa vụ phục vụ tại ngũ ngay từ khi đủ 18 tuổi, nên đã tạo ra sự bất bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự. Do vậy, để nâng cao chất lượng công dân nhập ngũ và hạn chế sự bất bình đẳng, Điều 30 của Luật mới, ngoài quy định chung độ tuổi gọi công dân nhập ngũ trong thời bình giống như Điều 12 của Luật cũ, còn bổ sung thêm: “công dân đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi”.

- Thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ

Điều 21 của Luật mới quy định thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng; trong khi đó, Điều 14 của Luật cũ quy định thành 2 mức: 18 tháng dành cho hạ sĩ quan và binh sĩ nói chung; 24 tháng dành riêng cho hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do Quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ phục vụ trên tàu hải quân. Đây là sự sửa đổi hợp lý, vì thời hạn phục vụ tại ngũ 18 tháng như trước chỉ bảo đảm thời gian huấn luyện chiến đấu đến cấp phân đội; mặt khác, để tồn tại 2 hạn mức phục vụ tại ngũ cũng tạo ra sự thiếu công bằng. Quy định như trong Luật mới sẽ bảo đảm đủ thời gian huấn luyện quân sự, kỹ thuật, chiến thuật, giáo dục chính trị; qua đó, giúp cho quân nhân nâng cao được bản lĩnh chiến đấu, kỹ năng khai thác, làm chủ các loại vũ khí, trang bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đồng thời, nâng cao được chất lượng lực lượng dự bị động viên, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở; khắc phục được sự bất bình đẳng và tiết kiệm được ngân sách Nhà nước.

- Tạm hoãn và miễn gọi nhập ngũ

Tạm hoãn gọi nhập ngũ được quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật cũ và tại khoản 1 Điều 41 của Luật mới. Qua so sánh cho thấy, Luật mới đã bổ sung thêm diện tạm hoãn “trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận” và “Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%”. Tuy nhiên, Luật mới bỏ đối tượng “đang nghiên cứu công trình khoa học cấp Nhà nước,..” được tạm hoãn; đặc biệt, đối với học sinh, sinh viên diện tạm hoãn thu hẹp hơn, cụ thể: “Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo”. 

 - Đăng ký nghĩa vụ quân sự và quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự

Chương II của Luật mới có nhiều nội dung được bổ sung và quy định cụ thể hơn so với Chương VIII của Luật cũ, như: nguyên tắc đăng ký nghĩa vụ quân sự, quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung, khi thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc, học tập, tạm vắng, đăng ký miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến; đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị; đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự...Việc bổ sung, sửa đổi các quy định trên, nhằm đơn giản hóa về thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự.

- Các hành vi bị nghiêm cấm

Đây là nội dung hoàn toàn mới, được quy định tại Điều 10 của Luật mới. Theo đó, những hành vi bị nghiêm cấm là: trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự; chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự; gian dối trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về nghĩa vụ quân sự; sử dụng hạ sĩ quan, binh sĩ trái quy định của pháp luật; xâm phạm thân thể, sức khỏe; xúc phạm danh dự, nhân phẩm hạ sĩ quan, binh sĩ.

2. Trường hợp công dân được đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự

Theo quy định tại Điều 19 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 thì Các trường hợp đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự được quy định cụ thể như sau:

- Chết;

- Hết độ tuổi phục vụ trong ngạch dự bị;

- Trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 13 hoặc Điều 14 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, cụ thể:

+ Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích;

+ Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) hoặc đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

+ Bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

+ Người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có xác nhận của cấp có thẩm quyền, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, cơ quan, tổ chức có công dân thuộc các trường hợp đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự phải báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định.

3. Trình tự đăng ký nghĩa vụ quân sự

- Bước 1: Trước thời hạn 10 ngày, tính đến ngày đăng ký nghĩa vụ quân sự, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có trách nhiệm chuyển Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự đến công dân. Trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự, thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chuyển Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự đến công dân;

- Bước 2: Sau khi nhận được Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi chung là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện) công dân có trách nhiệm đến Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là Ban Chỉ huy quân sự cấp xã) để trực tiếp đăng ký nghĩa vụ quân sự.

- Bước 3: Trong thời hạn 01 ngày, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có trách nhiệm đối chiếu bản gốc giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy khai sinh; hướng dẫn công dân kê khai Phiếu tự khai sức khỏe nghĩa vụ quân sự, đăng ký các thông tin cần thiết của công dân vào Sổ danh sách công dân nam đủ 17 tuổi trong năm, Sổ đăng ký công dân sẵn sàng nhập ngũ và chuyển Giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự cho công dân ngay sau khi đăng ký.

Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!

Link nội dung: https://luathoanhut.vn/truong-hop-cong-dan-duoc-dua-ra-khoi-danh-sach-dang-ky-nghia-vu-quan-su-a19706.html