Tổ chức thẩm định và tổ chức phê duyệt Hồ sơ mời thầu?

Tư vấn về vấn đề bảo đảm dự thầu khi đấu thầu ? Tư vấn về thủ tục hoàn thiện hồ sơ đấu thầu ? Liên danh thực hiện gói thầu dưới 5 tỷ đồng ? và các vấn đề khác liên quan đến luật đấu thầu sẽ được Luật Hòa Nhựt tư vấn cụ thể:

1. Cách tổ chức thẩm định và tổ chức phê duyệt Hồ sơ mời thầu?

Thưa Luật sư, tôi có câu hỏi cần tư vấn như sau: Tôi thắc mắc về Luật đấu thầu và có hai câu hỏi sau:

1. Theo quy định tại Luật Đấu thầu số 43 và Nghị định 63 thì ''Tổ chức thẩm định'' là cơ quan nào vậy? (Gói thầu quy mô nhỏ)

2. Cơ quan nào ''phê duyệt Hồ sơ mời thầu''? (Gói thầu quy mô nhỏ)

Mong Luật sư sớm giải đáp. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Người gửi: L.V

Trả lời:

Theo Điều 57 Luật đấu thầu năm 2013, tổ chức thẩm định là đơn vị có nhiệm vụ lập báo cáo thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ mời sơ tuyển, kết quả sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà đầu tư trình người có thẩm quyền.

Các cơ quan, tổ chức thẩm định là Các cơ quan, tổ chức thẩm định cụ thể được quy định tại Điều 104 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Việc xác định cơ quan nào là cơ quan thẩm định đối với một gói thầu thì không chỉ xét về mức độ quy mô của nó mà phụ thuộc vào gói thầu đó thuộc thẩm quyền của cơ quan nào. Đối với gói thầu có quy mô nhỏ thì có thể áp dụng theo khoản 5, 6 hoặc 7 của Điều 104 Nghị định 63/2014/NĐ-CP:

Điều 104. Trách nhiệm của đơn vị thẩm định

5. Bộ phận có chức năng về kế hoạch, tài chính cấp huyện chịu trách nhiệm thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch Ủy bannhân dân cấp huyện.

6. Bộ phận giúp việc liên quan chịu trách nhiệm thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án thuộc thẩm quyền, quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, thủ trưởngcác cơ quan khác ở địa phương, Hội đồng quản trị của doanh nghiệp liên doanh, công ty cổ phần và đại diện hợp pháp của các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh.

7. Chủ đầu tư giao cho tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan mình thực hiện thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà thầu, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân được giao thẩm định không đủ năng lực thì chủ đầu tư tiến hành lựa chọn một tổ chức tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm để thẩm định. Việc lựa chọn tổ chức hoặc cá nhân thẩm định được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Điều này có nghĩa là sẽ được lựa chọn thông qua áp dụng một trong các hình thức như: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu hoặc quy trình lựa chọn tư vấn cá nhân.

Trong mọi trường hợp, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về việc thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển và kết quả lựa chọn nhà thầu.

Yêu cầu đối với thành viên cơ quan, tổ chức thẩm định bao gồm:

Điều 4. Yêu cầu đối với thành viên cơ quan, tổ chức thẩm định

Thành viên cơ quan, tổ chức thẩm định (bao gồm cả tư vấn cá nhân) phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

1. Có chứng chỉ tham gia khóa học về đấu thầu;

2. Có trình độ chuyên môn liên quan đến gói thầu;

3. Có tối thiểu 3 năm công tác trong lĩnh vực liên quan đến công việc được phân công; trường hợp đối với gói thầu được thực hiện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chỉ yêu cầu tối thiểu 1 năm;

4. Có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu đối với gói thầu được tổ chức đấu thầu quốc tế;

5. Không phải là cá nhân đã tham gia lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đối với cùng một gói thầu.

Điều 4 Thông tư số 21/2010/TT-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết về thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu:

Về cơ quan phê duyệt hồ sơ mời thầu: Tại Điều 13 Nghị định 63/2013/NĐ-CP có quy định như sau:

Điều 13. Thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu

1. Hồ sơ mời thầu phải được thẩm định theo quy định tại Điều 105 của Nghị định này trước khi phê duyệt.

2. Việc phê duyệt hồ sơ mời thầu phải bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu.

Cơ quan có trách nhiệm phê duyệt hồ sơ mời thầu, đối với gói thầu có quy mô nhỏ được quy định tại các Điều 101, 102, 103 cũng tại Nghị định này, bạn có thể tham khảo để xác định trong trường hợp cụ thể của mình:

Điều 101. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và Thủ trưởng các cơ quan khác ở địa phương

2. Đối với dự án do mình là chủ đầu tư:

a) Phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

Điều 102. Trách nhiệm của Hội đồng quản trị, người đứng đầu doanh nghiệp

2. Đối với dự án do mình là chủ đầu tư:

a) Phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

Điều 103. Trách nhiệm của Hội đồng quản trị của doanh nghiệp liên doanh, công ty cổ phần và đại diện hợp pháp của các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh

2. Đối với dự án do mình thực hiện chức năng chủ đầu tư:

a) Phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

2. Quy định về  bảo đảm dự thầu khi đấu thầu?

Xin chào Luật Hòa Nhựt, Tôi có câu hỏi xin được nhờ giải đáp về vấn đề bảo đảm dự thầu như sau:

1/ Hồ sơ mời thầu quy định hình thức bảo đảm dự thầu là tiền mặt (chuyển khoản vào tài khoản của Chủ đầu tư). Nghĩa là: không chấp nhận các hình thức khác như thư bảo lãnh của ngân hàng, tổ chức tín dụng. Câu hỏi: Quy định như trên có vi phạm Luật Đấu thầu không ?

2/ Trong số những nhà thầu nộp Hồ sơ dự thầu, có một nhà thầu nộp thư bảo lãnh của ngân hàng (mặc dù HSMT quy định phải nộp bảo đảm bằng tiền mặt). Bên mời thầu đánh giá bảo đảm dự thầu của nhà thầu là không hợp lệ.

Câu hỏi: Đánh giá của Bên mời thầu như vậy là có phù hợp không ? Vì theo luật quy định thì bảo đảm dự thầu được coi là không hợp lệ chỉ trong những trường hợp sau: có giá trị thấp hơn/ không đúng đồng tiền quy định/ thời gian hiệu lực ngắn hơn/ không nộp theo địa chỉ và thời gian quy định trong HSMT/ không đúng tên gói thầu, tên nhà thầu.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Người gửi: Nguyễn Thanh Duy

Trả lời:

1/ Theo qui định của pháp luật về đấu thầu, hiện nay pháp luật chỉ điều chỉnh một số vấn đề về bảo đảm dự thầu như: các trường hợp áp dụng bảo đảm dự thầu, mức bảo đảm dự thầu tối đa, thời gian thực hiện bảo đảm dự thầu, các trường hợp không được hoàn trả bảo đảm dự thầu,.... Vấn đề mà bạn đề cập đến là "hình thức" thực hiện bảo đảm dự thầu, tuy nhiên theo Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định chi tiết thi hành mốt số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu thì không có đề cập đến khái niệm hình thức bảo đảm dự thầu mà chỉ có quy định về các "biện pháp" bảo đảm dự thầu, cụ thể tại khoản 1 Điều 4 Luật này như sau:

"Bảo đảm dự thầu là việc nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam để bảo đảm trách nhiệm dự thầu của nhà thầu, nhà đầu tư trong thời gian xác định theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu."

Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 358 Bộ luật Dân sự 2005:

"Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự...."

Như vậy, pháp luật cho phép các bên thỏa thuận về các biện pháp để bảo đảm dự thầu hoặc sẽ do bên mời thầu đưa ra cho phù hợp với nhu cầu, mục đích của họ. Do vậy, việc bên mời thầu quy định biện pháp bảo đảm dự thầu là bằng tiền mặt (chuyển khoản vào tài khoản của Chủ đầu tư) là thuộc quyền hạn của họ và không trái với các qui định của pháp luật.

2/ Về vấn đề như thế nào được coi là hồ sơ dự thầu không hợp lệ: như trên chúng tôi đã phân tích, biện pháp bảo đảm dự thầu là do các bên thỏa thuận hoặc do bên mời thầu đưa ra. Do vậy, nếu bên mời thầu đưa ra các tiêu chuẩn về biện pháp thực hiện bảo đảm dự thầu thì đó sẽ được coi là tiêu chuẩn mà các bên dự thầu phải tuân thủ. Nếu bên mời thầu quy định hình thức bảo đảm dự thầu là tiền mặt (chuyển khoản vào tài khoản của Chủ đầu tư) thì việc bên dự thầu nộp thư bảo lãnh của ngân hàng nếu không được bên mời thầu đồng ý, chấp thuận thì sẽ bị coi là không hợp lệ. Bên dự thầu có thể điều chỉnh biện pháp bảo đảm dự thầu sao cho phù hợp với yêu cầu của bên mời thầu.

Các trường hợp bảo đảm dự thầu được coi là không hợp lệ mà bạn nêu ra: có giá trị thấp hơn/ không đúng đồng tiền quy định/ thời gian hiệu lực ngắn hơn/ không nộp theo địa chỉ và thời gian quy định trong HSMT/ không đúng tên gói thầu, tên nhà thầu bị coi là không hợp lệ vì trái với các qui định của pháp luật. Tuy nhiên, về hình thức bảo đảm dự thầu, pháp luật lại trao quyền cho bên mời thầu.

3. Đất bồi đắp thêm có được bồi thường khi trả lại đất do hết hạn đấu thầu?

Thưa luật sư! Tôi đấu thầu khu ao rộng 2 mẫu 7 sào của thôn 20 năm, từ năm 1994, nay đã hết hạn. Thôn đòi lại không cho đấu thầu và để cho hội cựu chiến binh sử dụng (cả bờ vùng và cây tôi đã trồng). Trong thời gian đấu thầu tôi đã khoanh vùng khu ao và trồng cây xung quanh. Một nửa diện tích tôi vượt lên bằng mặt ruộng để trồng cây nông nghiệp, một nửa để tôi thả cá. Địa phương đòi lại và có kế hoạch làm sân bóng khu tôi đã vượt đất lên. Khi tôi yêu cầu địa phương trả cho tôi tiền đất tôi đã vượt thì dân và bí thư chi bộ không nghe và lí sự yêu cầu tôi phải trả lại nguyên hiện trạng như trong văn bản hợp đồng (văn bản xưa kia nó quá lạc hậu không phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế trang trại).

Vậy yêu cầu của tôi với địa phương như thế thì có chính đáng không và tôi phải làm thế nào với số bờ vùng và cây trồng lâu năm (cây vải) đã cho thu hoạch ?

Xin luật sư giúp đỡ!

Luật sư tư vấn:

Do anh không trình bày rõ về việc anh khoanh vùng khu ao, trồng cây xung quanh, một nửa diện tích ao vượt lên bằng mặt ruộng để trồng cây nông nghiệp, một nửa để thả cá như vậy là bạn có xin phép hay không cũng như có được địa phương cho phép hay không?

- Trường hợp thứ nhất, anh đã tự ý vượt đất lên bằng mặt ruộng để trồng cây nông nghiệp: Như anh trình bày là anh đấu thầu khu ao rộng 2 mẫu 7 sào của thôn trong thời gian 20 năm. Ở đây, anh không nói rõ anh được Nhà nước giao đất với mục đích sử dụng sử dụng đất là gì? Như anh trình bày anh đấu thầu ao, đây là mặt nước chuyên dùng thuộc nhóm đất phi nông nghiệp theo quy định tại Điều 10 Luật đất đai 2013 . Việc anh san lấp diện tích đất để trồng cây, tức là chuyển mục đích sử dụng đất. Căn cứ Điều 57 Luật đất đai 2013 quy định về chuyển mục đích sử dụng đất như sau:

"1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:

a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;

b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;

c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;

d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;

đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất

e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;

g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.”

Theo quy định trên, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Nếu anh tự ý san lấp đất để trồng cây, không có sự đồng ý của cơ quan thẩm quyền như vậy anh đang sử dụng đất sai mục đích. Căn cứ Điều 92 Luật đất đai 2013 quy định các trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất gồm:

"1. Tài sản gắn liền với đất thuộc một trong các trường hợp thu hồi đất quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, i khoản 1 Điều 64 và điểm b, d khoản 1 Điều 65 của Luật này.

2. Tài sản gắn liền với đất được tạo lập trái quy định của pháp luật hoặc tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và công trình xây dựng khác không còn sử dụng."

Như vậy, bạn sử dụng đất sai mục đích thì bạn sẽ không được bồi thường đối với phần đất bồi đắp thêm theo quy định Luật đất đai 2013 .

- Trường hợp thứ hai, việc anh lấp đất để trồng cây nông nghiệp, anh đã thự hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Như vậy, đối với cây trồng nông nghiệp và phần đất bạn tự bồi đắp thêm sẽ được bồi thường khi trả lại tài sản cho Nhà nước theo quy định tại Điều 88 và Điều 90 Luật đất đai 2013 như sau:

+ Điều 90 Luật đất đai 2013 quy định bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi:

"1. Khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với cây trồng thì việc bồi thường thực hiện theo quy định sau đây:

a) Đối với cây hàng năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch. Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 03 năm trước liền kề của cây trồng chính tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất;

b) Đối với cây lâu năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị hiện có của vườn cây theo giá ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất mà không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất;

c) Đối với cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại;

d) Đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cây rừng tự nhiên giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây; tiền bồi thường được phân chia cho người quản lý, chăm sóc, bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

2. Khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với vật nuôi là thủy sản thì việc bồi thường thực hiện theo quy định sau đây:

a) Đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất đã đến thời kỳ thu hoạch thì không phải bồi thường;

b) Đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất chưa đến thời kỳ thu hoạch thì được bồi thường thiệt hại thực tế do phải thu hoạch sớm; trường hợp có thể di chuyển được thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại do di chuyển gây ra; mức bồi thường cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

+ Điều 80 Luật đất đai 2013 về bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất phi nông nghiệp không phải là đất ở của hộ gia đình, cá nhân như sau:

"1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng; trường hợp không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo thời hạn sử dụng đất còn lại đối với đất sử dụng có thời hạn.

2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm; cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng được miễn tiền thuê đất, khi Nhà nước thu hồi đất thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất do thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này."

4. Thủ tục hoàn thiện hồ sơ đấu thầu như thế nào?

Thưa luật sư, chúng tôi là công ty kinh doanh trang thiết bị y tế. Chúng tôi đang có một khách hàng là bệnh viện muốn mua một mặt hàng và đưa vào đấu thầu nhưng lại yêu cầu công ty chúng tôi làm tất cả mọi thủ tục từ đầu đến cuối. Chúng tôi muốn bán hàng và cũng muốn tiếp xúc dần với những thủ tục trên rất mong Quý công ty tư vấn giúp thủ tục gồm những gì ?

Xin cám ơn.

Trả lời:

Căn cứ vào khoản 1 điều 214 Luật thương mại 2005 quy định về khái niệm đấu thầu:

"Điều 214. Đấu thầu hàng hoá, dịch vụ

1. Đấu thầu hàng hoá, dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên mua hàng hoá, dịch vụ thông qua mời thầu (gọi là bên mời thầu) nhằm lựa chọn trong số các thương nhân tham gia đấu thầu (gọi là bên dự thầu) thương nhân đáp ứng tốt nhất các yêu cầu do bên mời thầu đặt ra và được lựa chọn để ký kết và thực hiện hợp đồng (gọi là bên trúng thầu)".

Từ khái niệm này có thể hiểu đấu thầu gồm hai bên là bên mời thầu (bên mua) và bên dự thầu ( bên bán). Như vậy đối với hoạt động đấu thầu thì bên mua là bên mời thầu - bên đưa ra các thông tin, các tiêu chí để các bên dự thầu ( bên bán ) đăng ký tham gia và từ các gói thầu của bên dự thầu để lựa chọn gia bên dự thầu tốt nhất để các bên tiến hành ký kết hợp đồng.

Như vậy, trong trường hợp này phía bên bạn là bên dự thầu, do đó bên dự thầu không thể làm thay các công việc của bên mời thầu là đưa ra các thông tin cũng như thẩm định hồ sơ dự thầu được. Mà bên dự thầu thì thấy bên mời thầu đưa ra các thông tin thì bên dự thầu sẽ đăng ký, mua hồ sơ để tham gia dự thầu, nếu trúng thầu thì các bên có thể tham gia ký kết hợp đồng chính thức.

Tiêu chuẩn lựa chọn nhà thầu sẽ do bên mời thầu quy định, tuy nhiên, tại điều 5 của Luật đấu thầu 2013 có quy định về tư cách hợp lệ của bên dự thầu, nhà đầu tư như sau:

"Điều 5. Tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư

1. Nhà thầu, nhà đầu tư là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có đăng ký thành lập, hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu, nhà đầu tư đang hoạt động cấp;

b) Hạch toán tài chính độc lập;

c) Không đang trong quá trình giải thể; không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật;

d) Đã đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;

đ) Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại Điều 6 của Luật này;

e) Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu;

g) Có tên trong danh sách ngắn đối với trường hợp đã lựa chọn được danh sách ngắn;

h) Phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước đối với nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu quốc tế tại Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ phần công việc nào của gói thầu.

2. Nhà thầu, nhà đầu tư là cá nhân có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật của nước mà cá nhân đó là công dân;

b) Có chứng chỉ chuyên môn phù hợp theo quy định của pháp luật;

c) Đăng ký hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật;

d) Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

đ) Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu.

3. Nhà thầu, nhà đầu tư có tư cách hợp lệ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh; trường hợp liên danh phải có văn bản thỏa thuận giữa các thành viên, trong đó quy định rõ trách nhiệm của thành viên đứng đầu liên danh và trách nhiệm chung, trách nhiệm riêng của từng thành viên trong liên danh".

Chi phí liên quan đến đến hoạt động đấu thầu được quy định tại điều 13 của Luật đấu thầu 2013:

"Điều 13. Chi phí trong đấu thầu

1. Chi phí trong lựa chọn nhà thầu bao gồm:

a) Chi phí liên quan đến việc chuẩn bị hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và tham dự thầu thuộc trách nhiệm của nhà thầu;

b) Chi phí liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu được xác định trong tổng mức đầu tư hoặc dự toán mua sắm;

c) Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được phát miễn phí cho nhà thầu;

d) Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được bán hoặc phát miễn phí cho nhà thầu.

2. Chi phí trong lựa chọn nhà đầu tư bao gồm:

a) Chi phí liên quan đến việc chuẩn bị hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và tham dự thầu thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư;

b) Chi phí liên quan đến quá trình lựa chọn nhà đầu tư được bố trí từ vốn nhà nước, các nguồn vốn hợp pháp khác và được xác định trong tổng mức đầu tư;

c) Nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án phải trả chi phí trong lựa chọn nhà đầu tư;

d) Hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được bán cho nhà đầu tư.

3. Chi phí trong đấu thầu qua mạng bao gồm:

a) Chi phí tham gia hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, chi phí đăng tải thông tin về đấu thầu và các chi phí khác;

b) Chi phí tham dự thầu, tổ chức đấu thầu theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này".

Phía bên bạn là cung cấp hàng hóa liên quan đến thiết bị y tế, bạn có thểm tham khảo thêm các quy định của pháp luật tại mục 3 luật đấu thầu 2013 quy định về mua thuốc, vật tư y tế tại các điều luật lần lượt là 48,49,50,51,52 của Luật đấu thầu 2013.

5. Liên danh thực hiện gói thầu dưới 5 tỷ đồng ?

Chào luật sư! Tôi có gói thầu dưới 5 tỷ đồng, theo Nghị định 56/2009/NĐ-CP thì gói thầu dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Vậy trường hợp doanh nghiệp nhỏ không đủ năng lực thì liên danh với doanh nghiệp vừa được không? Nếu không thì căn cứ vào văn bản nào ?

Xin luật sư giải thích giúp. Trân trọng cảm ơn!

Trả lời:

Theo quy định của pháp luật hiện hành, nhà thầu có quyền tham gia đấu thầu với tư cách là nhà thầu độc lập hoặc nhà thầu liên danh. Khoản 35 Điều 4 Luật đấu thầu năm 2013 quy định:

35. Nhà thầu chính là nhà thầu chịu trách nhiệm tham dự thầu, đứng tên dự thầu và trực tiếp ký, thực hiện hợp đồng nếu được lựa chọn. Nhà thầu chính có thể là nhà thầu độc lập hoặc thành viên của nhà thầu liên danh.

Như vậy, doanh nghiệp tham gia đấu thầu với tư cách là nhà thầu độc lập hoặc là thành viên của nhà thầu liên danh thì đều là nhà thầu chính và phải có tư cách hợp lệ, có đủ năng lực theo quy định, phù hợp với quy mô, tính chất, loại công việc do mình đảm nhận.

Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/06/2014 quy định:

3. Đối với gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 05 tỷ đồng chỉ cho phép nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp tham gia đấu thầu.

Trong tình huống của bạn, gói thầu hiện tại của bạn có giá gói thầu nhỏ hơn 5 tỷ đồng, nếu đây là gói thầu xây lắp thì gói thầu này chỉ cho phép doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ tham gia đấu thầu. Như đã phân tích ở trên về nhà thầu liên danh, các thành viên của nhà thầu liên danh đều phải phù hợp về quy mô thì mới được tham gia đấu thầu. Vì vậy, doanh nghiệp nhỏ không được phép liên danh với doanh nghiệp vừa để thực hiện gói thầu này.

Bạn có thể tham khảo thêm Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/06/2009 của Chính phủ để biêt thêm về các tiêu chí xác định doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!

 

Link nội dung: https://luathoanhut.vn/to-chuc-tham-dinh-va-to-chuc-phe-duyet-ho-so-moi-thau-a19855.html