Các hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh bị cấm?

Cạnh tranh là một quy luật cơ bản của nền kinh tế thị trường. Nhờ có cạnh tranh, hàng hóa ngày càng trở nên phong phú, đa dạng, giá cả ngày càng hạ, chất lượng ngày càng cao, dịch vụ khác hàng cũng tốt hơn. Tuy nhiên xét theo phương diện khác, cạnh tranh cũng chính là yếu tố gây ra những hậu quả tiêu cực về kinh tế - xã hội.

Cạnh tranh gay gắt sẽ dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế cạnh tranh ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế cũng như ảnh hưởng tới người tiêu dùng và chất lượng sản phẩm, dịch vụ được kinh doanh.

1. Khái niệm cạnh tranh, nguyên tắc cạnh tranh trong kinh doanh

Ở mỗi giai đoạn phát triển của nền kinh tế xã hội, khái niệm về cạnh tranh lại được hiểu dưới những góc độ khác nhau. Dưới thời kỳ Chủ nghĩa tư bản (CNTB) phát triển vượt bậc C. Mác đã quan niệm: “Cạnh tranh chủ nghĩa tư bản là sự ganh đua, đấu tranh gay gắt giữa các nhà tư bản nhằm giành giật những điều kiện thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ hàng hoá để thu được lợi nhuận siêu ngạch”. CNTB phát triển đến đỉnh điểm chuyển sang chủ nghĩa đế quốc rồi suy vong và cho đến ngày nay nền kinh tế thế giới đã dần đi vào qũy đạo của sự ổn định và xu hướng chính là hội nhập, hoà đồng giữa các nền kinh tế, cơ chế hoạt động là cơ chế thị trường có sự quản lý và điều tiết của Nhà nước khiến cho khái niệm cạnh tranh mất hẳn tính giai cấp, tính chính trị nhưng về bản chất thì vẫn không thay đổi: Cạnh tranh vẫn là sự đấu tranh gay gắt, sự ganh đua giữa các tổ chức, các doanh nghiệp nhằm đạt được những điều kiện thuận lợi trong sản xuất và kinh doanh để đạt được những mục tiêu của tổ chức, doanh nghiệp đó.

Như vậy dù có rất nhiều khái niệm về cạnh tranh nhưng suy cho cùng, chúng đề giống nhau ở các mặt sau:

Mục đích: “Lôi kéo khách hàng”, tìm kiếm lợi nhuận và nâng cao vị thế của doanh nghiệp trên thương trường đồng thời làm lành mạnh hoá các quan hệ xã hội.

Phương pháp thực hiện: Tạo và vận dụng những lợi thế so sánh trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh khác.

Thời gian: Trong bất kỳ tuyến thị trường hay sản phẩm nào, vũ khí cạnh tranh thích hợp hay đổi theo thời gian. Chính vì thế cạnh tranh được hiểu là sự liên tục trong cả quá trình.

Ngày nay hầu như tất cả các nước trên thế giới đều thừa nhận cạnh tranh, coi cạnh tranh là một tất yếu khách quan. Ở Việt Nam, cùng với việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, cạnh tranh đã từng bước được tiếp nhận như một nguyên tắc cơ bản trong tổ chức quản lý và điều khiển nền kinh tế quốc dân nói chung, trong tổ chức và điều hành kinh doanh trong các doanh nghiệp nói riêng. Cạnh tranh không những là môi trường và động lực của sự phát triển mà còn là một yếu tố quan trọng làm lành mạnh hoá các quan hệ xã hội, tạo động lực cho sự phát triển.

Bên cạnh tác động tích cực, đôi khi cạnh tranh mang lại những ảnh hưởng khá tiêu cực, làm vẩn đục môi trường kinh doanh, đó là khi các chủ thể kinh doanh thực hiện những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế khả năng cạnh tranh, phát triển của những chủ thể kinh doanh khác. Nhận thấy điều này, Luật cạnh tranh đã buộc các bên phải tuân thủ nguyên tắc trung thực, công bằng và lành mạnh, không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, của người tiêu dùng để làm trong sạch môi trường kinh doanh, góp phần thực hiện đúng mục đích chân chính của cạnh tranh trong kinh doanh.

2. Khái niệm về hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật cạnh tranh 2018 (LCT 2018):

Hành vi hạn chế cạnh tranh là hành vi gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh, bao gồm hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và lạm dụng vị trí độc quyền.

Như vậy, theo định nghĩa này, hành vi hạn chế cạnh tranh bao gồm có hai nhóm hành vi sau:

+) Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, được quy định tại Chương II Luật cạnh tranh 2018.

+) Hành vi làm dụng vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh trên thị trường quy định tại Chương IV Luật cạnh tranh 2018.

Cạnh tranh không lành mạnh, theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.

3. Các hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm

Các thoả thuận hạn chế cạnh tranh được quy định tại Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018 gồm các nhóm hành vi sau:

1. Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

2. Thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

3. Thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

4. Thỏa thuận để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

5. Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh.

6. Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên tham gia thỏa thuận.

7. Thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư.

8. Thỏa thuận áp đặt hoặc ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác hoặc thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.

9. Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận.

10. Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận.

11. Thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.

Các thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định tại Điều 12 Luật Cạnh tranh gồm:

- Các thoả thuận hạn chế cạnh tranh tại khoản 1, 2, 3 giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan;

- Các thoả thuận hạn chế cạnh tranh nêu tại khoản 4, 5, 6 giữa bất kỳ doanh nghiệp nào - đây là thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm tuyệt đối, không có trường hợp được miễn trừ.

- Các thoản thuận hạn chế cạnh tranh tại khoản 7, 8, 9, 10 và 11 giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan nếu thoả thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường;

- Thoả thuận hạn chế cạnh tranh tại các khoản 1, 2, 3, 7, 8, 9, 10 và 11 giữa các doanh nghiệp kinh doanh ở các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hoá, dịch vụ nhất định nếu thoả thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.

Các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm

Doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường là những doanh nghiệp có sức mạnh thi trường đáng kể hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan. Nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường là nhóm các doanh nghiệp nếu cùng hành động gây tác động hạn chế cạnh tranh và có sức mạnh thị trường đáng kể hoặc có tổng thị phần/thị trường liên quan thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên;

- Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên;

- Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên;

- Năm doanh nghiệp có tổng thị phần từ 85% trở lên.

Trong đó, không có doanh nghiệp nào có thị phần dưới 10% trên thị trường liên quan.

Doanh nghiệp có vị trí độc quyền là doanh nghiệp không có đối thủ nào cạnh tranh về hàng hoá, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan.

Các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm gồm các hành vi theo quy định tại Điều 27 Luật cạnh tranh gồm:

1. Doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện hành vi sau đây:

a) Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh;

b) Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;

c) Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;

d) Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;

đ) Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;

e) Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác;

g) Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm theo quy định của luật khác.

2. Doanh nghiệp có vị trí độc quyền thực hiện hành vi sau đây:

a) Hành vi quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này;

b) Áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng;

c) Lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng;

d) Hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo quy định của luật khác.

Các hành vi tập trung kinh tế bị cấm:

Tập trung kinh tế, đối với nhiều người có lẽ đây là khái niệm không mấy quen thuộc. Có thể hiểu đơn giản, tập trung kinh tế thực chất là hình thức tổ chức lại doanh nghiệp như:

- Sáp nhập doanh nghiệp,

- Hợp nhất doanh nghiệp,

- Mua lại doanh nghiệp,

- Liên doanh giữa các doanh nghiệp và các hình thức khác theo quy định pháp luật.

Theo quy định tại Điều 30 Luật cạnh tranh, hành vi tập trung kinh tế bị cấm nếu hành vi đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam.

4. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm

Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm tại Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018 bao gồm các nhóm sau:

- Nhóm các hành vi xâm phạm bất hợp pháp thông tin, bí mật trong kinh doanh bằng các hình thức: Tấn công các biện pháp bảo vệ của người sở hữu thông tin nhằm tiếp cận, thu thập thông tin, bí mật kinh doanh; Tiết lộ, sử dụng thông tin, bí mật kinh doanh mà không được chủ sở hữu cho phép.

- Buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác không được giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó bằng các biện pháp đe doạ, bạo lực hoặc cưỡng ép.

- Trực tiếp hoặc gián tiếp cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác gây ảnh hưởng xấu tới uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

- Trực tiếp hoặc gián tiếp gây rối, cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác.

- Bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ các doanh nghiệp khác cùng kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đó.

- Lôi kéo khách hàng bằng các hình thức bất chính.

- Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác

5. Chế tài đối với các trường hợp vi phạm quy định về cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh

Doanh nghiệp vi phạm các quy định về thoả thuận hạn chế cạnh tranh, vi phạm quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền, vi phạm quy định về tập trung kinh tế, cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm các quy định về cạnh tranh khác có thể phải gánh chịu những chế tài sau:

Thứ nhất, chế tài hành chính - là các biện pháp, hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Các hình thức và mức xử phạt vi phạm hành chính đối với từng hành vi vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh được quy định chi tiết tại Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh

Thứ hai, chế tài hính sự - áp dụng đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Chế tài hình sự áp dụng đối với tội vi phạm quy định về cạnh tranh quy định tại Điều 217 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Thứ ba, chế tài dân sự - như bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra, buộc xin lỗi hoặc cải chính công khai,... Việc áp dụng chế tài dân sự có thể cùng lúc với chế tài hành chính hoặc chế tài hình sự.

Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!

Link nội dung: https://luathoanhut.vn/cac-hanh-vi-han-che-canh-tranh-canh-tranh-khong-lanh-manh-bi-cam-a19891.html