Trong Luật chứng khoán số 70/2006/QH11 ban hành ngày 29/06/2006 có quy định cụ thể về nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán. Theo đó, bảo lãnh phát hành chứng khoán là hoạt động mà tổ chức bảo lãnh cam kết về việc mua một phần hoặc mua toàn bộ chứng khoán của tổ chức phát hành trước khi phát hành ra thị trường để đem bán lại. Trong trường hợp số chứng khoán phát hành không được phân phối hết thì tổ chức sẽ cam kết bảo lãnh mua toàn bộ số chứng khoán còn lại hoặc cố gắng tối đa để phân phối ra công chúng.
Các tổ chức bảo lãnh phải là những công ty chứng khoán đã đủ điều kiện được cấp giấy phép hoạt động nghiệp vụ bảo lãnh. Nếu không thì tổ chức phải là một ngân hàng thương mại được ủy ban chứng khoán đồng ý thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán theo quy định của Bộ tài chính.
Thông thường một công ty có thể bảo lãnh trọn vẹn một đợt phát hành của tổ chức, nhưng nếu số lượng chứng khoán quá lớn thì phải có sự kết hợp giữa nhiều tổ chức bảo lãnh phát hành khác. Có thể là hai hoặc ba công ty cùng bảo lãnh một đợt phát hành.
– Hoàn thiện công tác quản trị tài chính trong doanh nghiệp: Thông qua việc xem xét tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức phát hành để tư vấn phát hành chứng khoán, tổ chức bảo lãnh phát hành sẽ giúp cho các tổ chức phát hành phát hiện ra những bất hợp lý trong quá trình tổ chức, điều hành, quản trị tài chính doanh nghiệp để từ đó đưa ra các giải pháp giúp tổ chức phát hành điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thiện mô hình quản trị tài chính trong doanh nghiệp.
– Nâng cao khả năng thành công của đợt phát hành. Các nhân viên của tổ chức bảo lãnh phát hành là những người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực kinh tế tài chính, cộng với việc họ là các nhà kinh doanh chứng khoán chuyên nghiệp, được chuyên môn hóa trong lĩnh vực bảo lãnh phát hành chứng khoán, nên họ có lợi thế hơn trong việc nắm bắt các nhu cầu của thị trường. Nhờ đó họ có thể đưa ra lời tư vấn đáng giá cho tổ chức phát hành nên phát hành loại chứng khoán nào vừa phù hợp với nhu cầu huy động vốn, khả năng, điều kiện của tổ chức phát hành , vừa phù hợp với nhu cầu đầu tư trên thị trường. Trong quá trình phân phối chứng khoán, do là nhà phân phối chuyên nghiệp, tổ chức bảo lãnh phát hành có sẵn một mạng lưới phân phối và các mối quan hệ từ trước với các đại lý phát hành, với các nhà đầu tư, nhất là các tổ chức đầu tư lớn, do vậy việc phân phối chứng khoán chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi hơn so với trường hợp tổ chức phát hành tự phân phối chào bán chứng khoán. Vì vậy, có thể nói rằng các tổ chức bảo lãnh chính là nhà “cố vấn” đáng tin cậy giúp tổ chức phát hành có được những quyết định hợp lý trong quá trình huy động vốn, đồng thời tổ chức bảo lãnh phát hành sẽ là “cầu nối” quan trọng để đảm bảo thành công việc chào bán và phân phối chứng khoán ra công chúng.
– Hạn chế và chia sẻ rủi ro: Nếu tổ chức phát hành tự mình tổ chức phát hành và chào bán chứng khoán thì tổ chức phát hành sẽ gánh chịu mọi rủi ro nếu như đợt phát hành không thành công. Còn nếu phát hành qua tổ chức bảo lãnh, sẽ có sự chia sẻ rủi ro giữa hai bên khi có rủi ro. Các đơn vị bảo lãnh trong tổ hợp cũng có thể chia sẻ rủi ro cho nhau.
Tuy nhiên phát hành chứng khoán qua tổ chức bảo lãnh cũng có những nhược điểm nhất định, đó là: (1) Tổ chức phát hành phải trả cho tổ chức bảo lãnh một khoản phí bảo lãnh, phí này thường khá lớn và trong một số trường hợp, tùy thuộc vào hợp đồng ký kết, phí bảo lãnh không phụ thuộc vào số vốn huy động được từ đợt phát hành; (2) Nếu trình độ chuyên môn nghiệp vụ của tổ chức bảo lãnh phát hành không tốt, đợt phát hành không thành công có thể gây thiệt hại cho tổ chức phát hành.
– Tăng thu nhập cho tổ chức bảo lãnh: Thông qua nghiệp vụ bảo lãnh phát hành, các tổ chức bảo lãnh sẽ nhận được tiền hoa hồng. Số tiền này có thể xác định là phần chênh lệch giữa giá mua từ tổ chức phát hành và giá bán (POP) cho nhà đầu tư hoặc theo một tỷ lệ phần trăm giữa tổng giá trị đợt phát hành, khi đó giá mua từ tổ chức phát hành và giá bán cho nhà đầu tư là bằng nhau. Tiền hoa hồng cao hay thấp tùy thuộc vào hình thức bảo lãnh mà tổ chức bảo lãnh và tổ chức phát hành thảo thuận với nhau. Thông thường, hoa hồng bảo lãnh thường bao gồm 3 phần chính: phí quản lý, phí nhượng bán và phí bảo lãnh.
Phí quản lý là khoản phí dành cho tổ chức bảo lãnh chính để tổ chức này thành lập và quản lý tổ hợp bảo lãnh.
Phí nhượng bán là khoản phí dành cho các đơn vị bảo lãnh trực tiếp thực hiện phân phối chứng khoán, khoản phí này tương ứng với tỷ lệ chứng khoán mà đơn vị bảo lãnh thành viên được phân bổ.
Phí bảo lãnh là khoản phí dành cho các tổ chức bảo lãnh do họ phải chấp nhận các rủi ro có thể xảy ra trong đợt bảo lãnh. Nếu rủi ro của đợt bảo lãnh xảy ra, khoản phí này có thể không bù đắp được hết những thiệt hại song nó được coi như khoản đền bù rủi ro cho các tổ chức bảo lãnh.
– Tăng cường uy tín, tên tuổi của tổ chức bảo lãnh: Thông qua hoạt động bảo lãnh, các tổ chức bảo lãnh sẽ khuyếch trương hình ảnh và tên tuổi của mình trên thị trường tài chính trong và ngoài nước, từ đó sẽ giúp cho tổ chức bảo lãnh khẳng định được uy tín và thương hiệu của mình, tạo đà cho tổ chức bảo lãnh mở rộng địa bàn hoạt động và mạng lưới cung cấp các dịch vụ kinh doanh khác.
1. Công ty chứng khoán thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng thực hiện bảo lãnh theo phương thức nhận mua một phần hoặc toàn bộ chứng khoán của tổ chức phát hành chỉ được phép bảo lãnh phát hành tổng giá trị chứng khoán không được lớn hơn vốn chủ sở hữu và không được vượt quá 15 lần hiệu số giữa giá trị tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn tính theo báo cáo tài chính quý gần nhất.
2. Công ty chứng khoán không được bảo lãnh phát hành theo hình thức cam kết chắc chắn hoặc là người bảo lãnh chính trong các trường hợp sau đây:
a) Công ty chứng khoán, độc lập hoặc cùng công ty con hoặc cùng với người có liên quan sở hữu từ 10% trở lên vốn điều lệ của tổ chức phát hành, hoặc có quyền kiểm soát tổ chức phát hành, hoặc có quyền bổ nhiệm Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức phát hành;
b) Tối thiểu 30% vốn điều lệ của công ty chứng khoán và tối thiểu 30% vốn điều lệ của tổ chức phát hành do cùng một cá nhân hoặc một tổ chức nắm giữ;
c) Tổ chức phát hành, độc lập hoặc cùng các công ty con hoặc cùng với người có liên quan sở hữu từ 20% trở lên vốn điều lệ của công ty chứng khoán, hoặc có quyền kiểm soát công ty chứng khoán, hoặc có quyền bổ nhiệm Tổng Giám đốc (Giám đốc) của công ty chứng khoán;
d) Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) và người có liên quan của công ty chứng khoán đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức phát hành;
đ) Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) và người có liên quan của tổ chức phát hành là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của công ty chứng khoán;
e) Công ty chứng khoán và tổ chức phát hành có chung người đại diện theo pháp luật.
3. Công ty chứng khoán nhận bảo lãnh phát hành chứng khoán phải mở tài khoản riêng biệt tại ngân hàng thương mại để nhận tiền đặt mua chứng khoán của nhà đầu tư.
1. Để cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư chứng khoán cho khách hàng, công ty chứng khoán phải ký kết hợp đồng với khách hàng với các nội dung tối thiểu như sau:
a) Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên tham gia hợp đồng;
b) Phạm vi tư vấn đầu tư chứng khoán;
c) Phương thức cung cấp dịch vụ;
d) Phí dịch vụ.
2. Công ty chứng khoán phải thu thập và quản lý thông tin về khách hàng, bao gồm:
a) Tình hình tài chính của khách hàng;
b) Mục tiêu đầu tư của khách hàng;
c) Khả năng chấp nhận rủi ro của khách hàng;
d) Kinh nghiệm và hiểu biết về đầu tư của khách hàng.
3. Các nội dung tư vấn đầu tư chứng khoán phải có cơ sở hợp lý và phù hợp dựa trên thông tin đáng tin cậy, phân tích lôgic. Khuyến nghị đầu tư chứng khoán được đưa ra phải liên quan và phù hợp với nội dung phân tích chứng khoán và thị trường chứng khoán. Các báo cáo phân tích chứng khoán và thị trường, khuyến nghị đầu tư phải ghi rõ nguồn trích dẫn số liệu và tên người chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo, khuyến nghị đầu tư chứng khoán.
4. Công ty chứng khoán tư vấn đầu tư cho khách hàng phải đảm bảo rằng khách hàng đưa ra quyết định đầu tư trên cơ sở được cung cấp thông tin đầy đủ bao gồm cả nội dung và rủi ro của sản phẩm, dịch vụ cung cấp.
5. Công ty chứng khoán phải bảo mật các thông tin nhận được từ người sử dụng dịch vụ tư vấn trong quá trình cung ứng dịch vụ tư vấn trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc pháp luật có quy định khác.
6. Công ty chứng khoán phải tư vấn đầu tư phù hợp với mục tiêu đầu tư và tình hình tài chính của khách hàng và phải chịu trách nhiệm về kết quả phân tích và độ tin cậy của thông tin cung cấp cho khách hàng.
7. Công ty chứng khoán không được cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư chứng khoán cho công ty mà mình nắm giữ từ 10% trở lên vốn điều lệ.
1. Công ty chứng khoán khi thực hiện dịch vụ tài chính khác theo quy định tại Khoản 5 Điều 86 Luật Chứng khoán phải có liên quan và hỗ trợ cho các nghiệp vụ đã được cấp phép của công ty chứng khoán và phải đảm bảo không được ảnh hưởng đến lợi ích của khách hàng, của chính công ty chứng khoán và của thị trường.
2. Công ty chứng khoán không được cung cấp dịch vụ tư vấn chào bán, tư vấn niêm yết chứng khoán, tư vấn cổ phần hóa, tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp cho công ty mà mình nắm giữ từ 10% trở lên vốn điều lệ.
3. Công ty chứng khoán chỉ được cung cấp dịch vụ tài chính khác phù hợp với quy định của pháp luật sau khi báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bằng văn bản. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền yêu cầu tạm ngừng, đình chỉ việc cung cấp dịch vụ tài chính khác của công ty chứng khoán nếu việc cung cấp dịch vụ đó trái với quy định của pháp luật hoặc gây rủi ro hệ thống thị trường chứng khoán.
Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!
Link nội dung: https://luathoanhut.vn/quy-dinh-cua-phap-luat-ve-nghiep-vu-bao-lanh-phat-hanh-chung-khoan-a19937.html