Các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công là những hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư công, được quy định trong Luật Đầu tư công, gây lãng phí ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ của các dự án đầu tư công.
Nhìn chung, những hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư công mà bị nghiêm cấm luôn là những hành vi gây hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, của cộng đồng và của người dân. Những hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn lực công, làm lãng phí ngân sách, mất cân đối tài chính, mà còn gây ra những hậu quả tiêu cực về mặt xã hội, chính trị, an ninh và pháp luật. Vì vậy, việc nghiêm cấm cũng như xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư công là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhà nước và của toàn xã hội, nhằm bảo vệ lợi ích chung, tăng cường niềm tin của nhân dân và duy trì sự ổn định của đất nước.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là tại Điều 16 Luật Đầu tư công năm 2019 đã quy định về 11 hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công như sau:
Một là, quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Hai là, quyết định đầu tư chương trình, dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc không đúng với các nội dung về mục tiêu, phạm vi, quy mô, vượt tổng vốn đầu tư của chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu tư của chương trình, tổng mức đầu tư của dự án trái với quy định của pháp luật về đầu tư công.
Ba là, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
Bốn là, chủ chương trình, chủ đầu tư thông đồng với tổ chức tư vấn, nhà thầu dẫn tới quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước, tài nguyên của quốc gia; làm tổn hại, xâm phạm lợi ích hợp pháp của công dân và của cộng đồng.
Năm là, đưa, nhận, môi giới hối lộ.
Sáu là, yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt, gây nợ đọng xây dựng cơ bản.
Bảy là, sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật.
Tám là, làm giả, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu, liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, dự án.
Chín là, cố ý báo cáo, cung cấp thông tin không đúng, không trung thực, không khách quan ảnh hưởng đến việc lập, thẩm định, quyết định kế hoạch, chương trình, dự án, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án.
Mười là, cố ý hủy hoại, lừa dối, che giấu hoặc lưu giữ không đầy đủ tài liệu, chứng từ, hồ sơ liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, dự án.
Mười một là, cản trở việc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư công.
Từ các hành vi đã được đề cập ở trên, có thể thấy rằng, đầu tư công là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển nền kinh tế. Đầu tư công giúp cải thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ công, tạo ra việc làm và thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đầu tư công cũng tiềm ẩn những rủi ro về lãng phí, tham nhũng và hiệu quả kém. Do đó, những hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện đầu tư công, dù có chủ ý hay không, đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Các hoạt động liên quan tới quản lý đầu tư công hiện nay đều nhất thiết phải tuân thủ các nguyên tắc quản lý đầu tư công được quy định tại Điều 12 Luật Đầu tư công năm 2019, cụ thể các nguyên tắc như sau:
"1. Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
2. Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm của quốc gia và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
3. Thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
4. Quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực; không để thất thoát, lãng phí.
5. Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công."
Từ đây, có thể thấy, các hoạt động liên quan tới đầu tư công phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực công; phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, được xây dựng theo quy trình và tiêu chí do pháp luật quy định; được thực hiện đầy đủ và chính xác trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đảm bảo sự phối hợp, kiểm soát và giám sát hiệu quả. Đầu tư công phải quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn lực theo từng loại hình vốn; đảm bảo tính tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm và hiệu quả của các dự án; ngăn chặn thất thoát, lãng phí và tham nhũng; đồng thời đầu tư công phải công khai, minh bạch trong mọi hoạt động, từ lập kế hoạch, lựa chọn dự án, thực hiện đấu thầu, triển khai thi công cho đến nghiệm thu, thanh toán và kiểm tra.
Ngoài ra, các nguyên tắc quản lý đầu tư công nói trên theo quy định tại Điều 12 Luật Đầu tư công năm 2019 cũng đã được hướng dẫn cụ thể bởi Điều 6 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công. Theo đó:
- Việc quản lý, thanh toán vốn đầu tư công cho nhiệm vụ, dự án đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định về quản lý đầu tư công và ngân sách nhà nước của pháp luật hiện hành và quy định tại Nghị định này.
- Chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả; chấp hành đúng quy định của pháp luật về chế độ tài chính đầu tư. Chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về chế độ chi đầu tư phát triển, chi đầu tư xây dựng cơ bản quy định tại Luật Ngân sách nhà nước.
- Cơ quan cấp trên của chủ đầu tư có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thuộc phạm vi quản lý thực hiện kế hoạch đầu tư công, sử dụng vốn đầu tư công đúng quy định của pháp luật hiện hành.
- Cơ quan tài chính các cấp thực hiện công tác quản lý tài chính đầu tư công trong việc chấp hành chế độ, chính sách về quản lý, thanh toán vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật hiện hành và tại Nghị định này.
- Cơ quan kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư công có trách nhiệm kiểm soát, thanh toán vốn kịp thời, đầy đủ, đúng quy định cho các nhiệm vụ, dự án khi có đủ điều kiện thanh toán, đủ hồ sơ thanh toán theo quy định.
- Trường hợp đối với dự án đầu tư công tại nước ngoài:
+ Hợp đồng đã ký kết, pháp luật hiện hành của nước sở tại, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và pháp luật hiện hành của Việt Nam là căn cứ pháp lý thực hiện quản lý, tạm ứng, thanh toán vốn cho dự án đầu tư công tại nước ngoài.
+ Cơ quan chủ quản thay mặt chủ đầu tư đề nghị và thực hiện giao dịch thanh toán vốn đầu tư công với cơ quan kiểm soát, thanh toán.
Xin gửi lời cảm ơn chân thành đến quý khách hàng đã tin tưởng và đồng hành cùng Công ty Luật Hòa Nhựt trong thời gian qua. Chúng tôi cam kết cung cấp cho quý khách hàng những dịch vụ tư vấn pháp lý chuyên nghiệp, chất lượng và tận tình.
Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!
Link nội dung: https://luathoanhut.vn/cac-hanh-vi-bi-nghiem-cam-trong-dau-tu-cong-theo-quy-dinh-a19979.html