Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ trực tiếp vào thu nhập chịu thuế, cụ thể là thuế thu nhập cá nhân trước khi tính thuế đối với các thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công theo quy định pháp luật của người nộp thuế là cá nhân cư trú.
Khoản giảm trừ này được định nghĩa khá đầy đủ trong Luật thuế thu nhập cá nhân. Hướng đến những người có thu nhập cao đến một ngưỡng nào đó so với mặt bằng chung của toàn xã hội, Nhà nước đã quy định gia cảnh khi thuộc một số trường hợp nhất định.
Giảm trừ gia cảnh được áp dụng giảm trừ cho hai đối tượng sau:
- Cho chính bản thân người đóng thuế thu nhập cá nhân.
- Cho cá nhân phụ thuộc vào người nộp thuế.
Ý nghĩa của việc giảm trừ gia cảnh:
Việc ghi nhận quyền được giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tiễn xã hội, đồng thời đảm bảo công bằng cho đối tượng nộp thuế.
Trên thực tế, có hai ý nghĩa thuộc 2 khía cạnh chính sau:
- Về mặt đạo đức xã hội.
Về mặt đạo đức xã hội, việc giảm trừ gia cảnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thứ nhất, tạo điều kiện cho người chịu thuế thu nhập cá nhân để họ thực hiện các nghĩa vụ vật chất mang tính đạo đức đối với những người thân trong gia đình. Từ đó củng cố thêm tình đoàn kết và phát huy tinh thần tương trợ lẫn nhau.
Việc tôn trọng các nghĩa vụ vật chất đối với các thành viên trong gia đình, những người thân thích là một trong những nét truyền thống văn hóa phổ biến tại các quốc gia phương Đông. Chính vì thế, quy định về việc giảm thuế với người phụ thuộc sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu xã hội của Nhà nước.
- Về mặt kinh tế xã hội.
Về mặt kinh tế, giảm trừ gia cảnh đối với người chịu thuế thu nhập cá nhân là việc loại khỏi thu nhập tính thuế. Đây là biện pháp hiệu quả nhằm tái tạo sức lao động của người chịu thuế. Đồng thời tạo điều kiện cho người lao động nâng cao năng suất làm việc hoặc ít nhất là không thấp hơn mức trước đó.
2. Có được đăng ký giảm trừ gia cảnh cho cháu nội, cháu ngoại không?
Tổng cục Thuế hướng dẫn về việc giảm trừ gia cảnh tại Công văn 4758/TCT-DNNCN ngày 26/10/2023.
Theo đó, Tổng cục Thuế hướng dẫn về giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là cháu nội, cháu ngoại (mà vẫn còn bố mẹ đang trong độ tuổi lao động, vẫn có khả năng lao động và nuôi dưỡng) như sau:
Tại điểm d khoản 1 Điều 9Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 và Nghị định 65/2013/NĐ-CP quy định về các khoản giảm trừ gia cảnh như sau:
Các khoản giảm trừ theo hướng dẫn tại Điều này là các khoản được trừ vào thu nhập chịu thuế của cả nhân trước khi xác định thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh. Cụ thể như sau:
Theo quy định tại Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007; khoản 4, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân; Điều 12 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, việc giảm trừ gia cảnh được thực hiện như sau:
- Người phụ thuộc bao gồm:
Các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng và đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều này bao gồm:
+ Anh ruột, chị ruột, em ruột của người nộp thuế.
+ Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chủ ruột, bác ruột của người nộp thuế.
+ Cháu ruột của người nộp thuế bao gồm: con của anh ruột, chị ruột, em ruột.
+ Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.
Cá nhân được tính là người phụ thuộc theo hướng dẫn tại các tiết d.2, d.3, d.4, điểm d, khoản 1, Điều này phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
+ Bị khuyết tật, không có khả năng lao động.
+ Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.
- Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quả 1.000.000 đồng.
Căn cứ theo quy định tại Điều 104 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu như sau:
- Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 105 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.
- Cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại; trường hợp ông bà nội, ông bà ngoại không có con để nuôi dưỡng mình thì cháu đã thành niên có nghĩa vụ nuôi dưỡng.
Điều 105 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của anh, chị, em như sau:
- Anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là cháu nội, cháu ngoại (mà vẫn còn bố mẹ đang trong độ tuổi lao động, vẫn có khả năng lao động và nuôi dưỡng) thì không thuộc đối tượng được giảm trừ gia cảnh theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
- Do điều kiện kinh tế xã hội hiện nay và trong tương lai gần không ngừng tăng cao, thêm vào đó, chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng. Vì lẽ đó, đã đến lúc cần điều chỉnh lại mức thu nhập được giảm trừ đối với chính người có thu nhập và đối với người phụ thuộc. Riêng đối với người phụ thuộc, cần tăng mức thu nhập được giảm trừ ít nhất bằng 50% so với mức giảm trừ áp dụng đối với chính đối tượng nộp thuế.
- Cần mở rộng thu nhập được giảm trừ gia cảnh đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng bất động sản cho những chủ thể không có khoản thu nhập từ từ tiền lương, tiền công. Đây là yêu cầu phù hợp với thực tiễn, khi ngày càng nhiều có nhà đầu tư chứng khoán, kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp và cuộc sống của họ phụ thuộc vào nguồn thu nhập chính này.
- Cần quy định cho phép người không cư trú cũng được quyền giảm trừ gia cảnh đối với chính họ cho phần thu nhập phát sinh tương ứng với thời gian họ có mặt tại Việt Nam. Mức giảm trừ bằng với mức giảm trừ áp dụng đối với cá nhân cư trú.
- Cần mở rộng phạm vi người phụ thuộc. Bên cạnh các đối tượng là người phụ thuộc theo quy định của pháp luật hiện hành cần mở rộng thêm trường hợp những người khác có căn cứ là người phụ thuộc vào đối tượng nộp thuế, như cháu phải nuôi ông bà do các con của ông bà đã hết tuổi lao động hoặc bị tàn tật và không có thu nhập; anh chị phải nuôi em khi bố mẹ đã hết tuổi lao động hoặc bị tàn tật và không có thu nhập… Đây là quy định hợp lý và có thể thực hiện được trong điều kiện công nghệ và pháp lý hiện nay.
Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!
Link nội dung: https://luathoanhut.vn/co-duoc-dang-ky-giam-tru-gia-canh-cho-chau-noi-chau-ngoai-khong-a20107.html