Định nghĩa về cạnh tranh được nhiều tác giả trình bày dưới nhiều góc độ khác nhau trong các giai đoạn phát triển khác nhau của nền kinh tế xã hội. Theo Marx “Cạnh tranh là sự ganh đua, sự đấu tranh gay gắt giữa các nhà tư bản nhằm giành giật những điều kiện thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ hàng hoá để thu được lợi nhuận siêu ngạch”. Có thể hiểu, cạnh tranh là sự ganh đua về kinh tế giữa những chủ thể trong nền sản xuất hàng hóa nhằm giành giật những điều kiện thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ hoặc tiêu dùng hàng hóa để từ đó thu được nhiều lợi ích nhất cho mình.
Quy luật cạnh tranh là điều tiết một cách khách quan mối quan hệ ganh đua kinh tế giữa chủ thể sản xuất và trao đổi hàng hóa. Khi đã tham gia thị trường, các chủ thể sản xuất kinh doanh, bên cạnh sự hợp tác cần chấp nhận cạnh tranh, bất kỳ một doanh nghiệp nào tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh một loại hàng hoá nào đó trên thị trường đều phải chấp nhận cạnh tranh. Như vậy hoạt động cạnh tranh trong kinh tế thị trường là tất yếu. Canh tranh phát triển cùng với sự phát triển của nền sản xuất hàng hoá tư bản chủ nghĩa.
Kinh tế thị trường là mô hình kinh tế được vận hành dựa trên mối quan hệ giữa người mua và người bán theo quy luật cung cầu, để xác định giá cả thông qua giá cả và số lượng hàng hóa, dịch vụ sẵn sàng giao dịch trên thị trường.
Quy luật cạnh tranh tạm dịch sang tiếng Anh là Competition law. Cạnh tranh có thể diễn ra giữa người sản xuất với người tiêu dùng; hoặc giữa người tiêu dùng với người tiêu dùng; hoặc giữa người sản xuất với người sản xuất nhằm giành giật, thu được nhiều lợi ích nhất cho mình.
Ví dụ 1: Cạnh tranh có thể diễn ra giữa người sản xuất với người tiêu dùng như sau: Bên bán thì luôn muốn bán sản phẩm với giá cao nhất, còn bên mua luôn giá rẻ nhất có thể, cả hai bên đều muốn cạnh tranh làm sao để mình có lợi nhất.
Ví dụ 2: Cạnh tranh giữa người tiêu dùng với người tiêu dùng được thể hiện qua ví dụ: Những sản phẩm Limited khác với mẫu thường và chỉ bán ra một số lượng rất nhỏ, khiến cho sản phẩm trở nên đặc biệt và thu hút hơn với khách hàng. Những khách hàng muốn sở hữu nó trong tay thì cần cạnh tranh với nhau.
Ví dụ 3: Cạnh tranh giữa người sản xuất với người sản xuất được thể hiện thông qua ví dụ: Hai công ty X và Y đều sản xuất quần áo thời trang cho giới trẻ. Hai công ty cần có cho mình những chiến lược để cạnh tranh nhau thu hút được nhiều khách hàng hơn. Công ty X thường đưa ra những hàng mẫu mã không mới, không cập nhật xu hướng như công ty Y. Theo thời gian, công ty Y luôn bán hàng được nhiều hơn, công ty X thua lỗ và phá sản.
Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh được xem là linh hồn của thị trường. Nhờ có cạnh tranh, với sự thay đổi liên tục về nhu cầu và với bản tính tham lam của con người mà nền kinh tế thị trường đã đem lại những bước phát triển nhảy vọt mà loài người chưa từng có được trong các hình thái kinh tế trước đó, cạnh tranh trở thành động lực của sự phát triển. Theo đó, cạnh tranh mang lại những ý nghĩa sau đây:
Thứ nhất, quy luật cạnh tranh có vai trò điều phối các hoạt động kinh doanh trên thị trường
Sự tồn tại của cạnh tranh sẽ loại bỏ những khả năng lạm dụng quyền lực thị trường để bóc lột đối thủ cạnh tranh và bóc lột khách hàng. Như một quy luật sinh tồn của tự nhiên, cạnh tranh đảm bảo phân phối thu nhập và các nguồn lực kinh tế sẽ tập trung vào tay những doanh nghiệp giỏi, có khả năng và bản lĩnh trong kinh doanh và tồn tại được trên thị trường. Vai trò điều phối của cạnh tranh thể hiện thông qua các chu trình của quá trình cạnh tranh. Theo đó, chu trình sau có mức độ cạnh tranh và khả năng kinh doanh cao hơn so với chu trình trước. Do đó, khi một chu trình cạnh tranh được giả định là kết thúc, người chiến thắng sẽ có được thị phần (kèm theo chúng là nguồn nguyên liệu, vốn và lao động…) lớn hơn điểm xuất phát. Thành quả này lại được sử dụng làm khởi đầu cho giai đoạn cạnh tranh tiếp theo. Cứ thế, kết quả thực hiện các chiến lược kinh doanh và cạnh tranh hiệu quả sẽ làm cho doanh nghiệp có sự tích tụ dần trong quá trình kinh doanh để nâng cao dần vị thế của người chiến thắng trên thương trường.
Trong cuộc cạnh tranh, mọi nguồn lực kinh tế từ những doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả sẽ được lấy đi để trao cho những người có khả năng sử dụng một cách tốt hơn. Sự dịch chuyển như vậy đảm bảo cho các giá trị kinh tế của thị trường được sử dụng một cách tối ưu.
Thứ hai, quy luật cạnh tranh đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng
Trong môi trường cạnh tranh, người tiêu dùng có vị trí trung tâm, giữa các bên tham gia cạnh tranh. Nhu cầu của họ được đáp ứng một cách tốt nhất mà thị trường có thể cung ứng và chính họ là người có thể quyết định trong các bên cạnh tranh, ai được tồn tại và ai phải ra khỏi cuộc chơi. Nói cách khác, cạnh tranh đảm bảo cho người tiêu dùng có được cái mà họ muốn. Trong nền kinh tế thị trường, người tiêu dùng không còn phải sống trong tình trạng xếp hàng chờ mua nhu yếu phẩm như thời kỳ bao cấp, mà ngược lại, những nhà sản xuất kinh doanh luôn tìm đến để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng một cách tốt nhất. Trong môi trường cạnh tranh, các doanh nghiệp luôn phải ganh đua, tìm mọi cách hạ giá thành sản phẩm nhằm lôi kéo khách hàng đến với mình. Chính sự tương tác giữa nhu cầu của người tiêu dùng và khả năng đáp ứng của doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh đã làm cho giá cả hàng hoá và dịch vụ đạt được mức rẻ nhất có thể; các doanh nghiệp cố gắng để có thể thoả mãn nhu cầu của người tiêu dùng trong khả năng chi tiêu của họ. Tùy thuộc vào khả năng tài chính và nhu cầu của mình, người tiêu dùng sẽ quyết định việc sử dụng loại hàng hoá, dịch vụ cụ thể. Bên cạnh đó, phụ thuộc vào những tính toán về công nghệ, về chi phí…nhà sản xuất sẽ quyết định mức độ đáp ứng nhu cầu về loại sản phẩm, về giá và chất lượng của chúng.
Thứ ba, quy luật cạnh tranh đảm bảo cho việc sử dụng các nguồn lực kinh tế một cách hiệu quả nhất
Từ những phân tích trên đây, có thể suy ra những nỗ lực giảm chi phí để từ đó giảm giá thành của hàng hoá, dịch vụ đã buộc các doanh nghiệp phải tự đặt mình vào những điều kiện kinh doanh tiết kiệm bằng cách sử dụng một cách hiệu quả nhất các nguồn lực mà họ có được. Mọi sự lãng phí hoặc tính toán sai lầm trong sử dụng nguyên vật liệu đều có thể dẫn đến những thất bại trong kinh doanh. Nhìn ở tổng thể của nền kinh tế, cạnh tranh là động lực cơ bản giảm sự lãng phí trong kinh doanh, giúp cho những doanh nghiệp cân nhắc sử dụng mọi nguồn nguyên, nhiên, vật liệu một cách tối ưu nhất.
Thứ tư, quy luật cạnh tranh có tác dụng thúc đẩy việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh
Nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận, giảm chi phí sản xuất để đáp ứng ngày càng tốt hơn đòi hỏi của thị trường, mong giành phần thắng về mình đã thúc đẩy các doanh nghiệp không ngừng áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Cứ như thế, cuộc chạy đua đó sẽ thúc đẩy sự phát triển không ngừng của khoa học, kỹ thuật trong đời sống kinh tế và xã hội.
Thứ năm, quy luật cạnh tranh kích thích sự sáng tạo, là nguồn gốc của sự đổi mới liên tục trong đời sống kinh tế – xã hội
Cạnh tranh đòi hỏi Nhà nước và pháp luật phải tôn trọng tự do trong kinh doanh. Trong sự tự do kinh doanh, quyền được sáng tạo trong khuôn khổ tôn trọng lợi ích của chủ thể khác và của xã hội luôn được đề cao như một kim chỉ nam của sự phát triển. Sự sáng tạo làm cho cạnh tranh diễn ra liên tục theo chiều hướng gia tăng của quy mô và nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế. Sự sáng tạo không mệt mỏi của con người nhằm đáp ứng những nhu cầu trong cuộc cạnh tranh thay đổi qua nhiều thế hệ liên tiếp là cơ sở thúc đẩy sự phát triển liên tục và đổi mới không ngừng.
Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết của Luật Hòa Nhựt liên quan đến vấn đề: Quy luật cạnh tranh là gì? Ví dụ và ý nghĩa quy luật cạnh tranh. Mọi thắc mắc chưa rõ hay có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách hàng vui lòng liên hệ với bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline: 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được hỗ trợ và giải đáp kịp thời. Xin trân trọng cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Hòa Nhựt.
Link nội dung: https://luathoanhut.vn/quy-luat-canh-tranh-la-gi-vi-du-va-y-nghia-quy-luat-canh-tranh-a20196.html