Chế định tội phạm và hình phạt theo pháp luật Hình sự CH Pháp

Khác với cách quy định của BLHS Việt Nam, BLHS Pháp không có một điều luật nào định nghĩa khái niệm tội phạm hay một số khái niệm liên quan như khái niệm lỗi cố ý, lỗi vô ý. Khái niệm tội phạm thực sự chỉ tồn tại trong khoa học pháp lý.

1. Khái quát về luật hình sự Pháp

Người Pháp theo trường phái luật thành văn. Họ quan niệm: “Nguồn của luật hình sự là toàn bộ những quy phạm pháp luật quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực luật hình sự. Các quy phạm này luôn có sự vận động, thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào sự phát triển của tư tưởng, của xã hội và đôi khi phụ thuộc cả chính sách của các chính trị gia”. Khác với luật hình sự Việt Nam, luật hình sự của Pháp có hai loại nguồn cơ bản: các quy phạm pháp luật trong luật quốc gia và các quy phạm pháp luật của luật quốc tế. Cho đến nay, người ta vẫn cũng tranh luận về vai trò của các công ước quốc tế trong lĩnh vực tư pháp hình sự nói chung, song ở Pháp, chúng có hiệu lực điều chỉnh nhiều vấn đề liên quan đến tố tụng hình sự (như dẫn độ tội phạm, tương trợ tư pháp) và luật hình sự chuyên biệt đối với trường hợp quy định các tội phạm cụ thể có sự tương đồng giữa Pháp và các quốc gia khác.

Các quy định chung của luật hình sự Pháp ít chịu ảnh hưởng của các quy phạm pháp luật quốc tế, trừ những quy phạm liên quan đến vấn đề quyền cơ bản của con người được thể hiện trong Hiến chương Liên Hợp quốc, Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Công ước Châu Âu về quyền con người năm 1950… Chẳng hạn, Công ước Châu Âu về quyền con người quy định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc bảo đảm an ninh cá nhân, nghiêm cấm mọi hình thức tra tấn và nghĩa vụ phải đưa ra những biện pháp trừng phạt thích đáng đối với những kẻ đó phạm tội đó. Giá trị lớn nhất của Công ước này là ở chỗ nó cho phép thẩm phán Toà án hình sự Pháp có thể từ chối việc áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự quốc gia xâm phạm quyền tự do cá nhân của con người (nếu như điều này được giả định là có).

Về mặt nguyên tắc, các văn bản pháp lý của Cộng đồng Châu Âu không có mối liên hệ gì với luật hình sự của Pháp bởi những văn bản này chủ yếu điều chỉnh các mối quan hệ về mặt Nhà nước giữa các quốc gia trong Cộng đồng Châu Âu. Tuy vậy, các luật gia của Pháp cho rằng, trong một số lĩnh vực cụ thể, nhà lập pháp hình sự Pháp cũng nội luật hoá một số hành vi bị cấm bởi luật của cộng đồng. Hơn nữa, cũng cần lưu ý rằng, luật cộng đồng quy định việc áp dụng pháp luật của các quốc gia thành viên (trong đó có luật hình sự Pháp) để xử lý những quan chức của cộng đồng có hành vi tham nhũng. “Không thực sự tạo ra quy phạm pháp luật hình sự song luật cộng đồng đã mở rộng phạm vi áp dụng của luật quốc gia trong một số trường hợp cụ thể của cộng đồng”. Hiện nay, nguồn cơ bản của luật hình sự Pháp là các quy phạm pháp luật quốc gia. Người Pháp chia loại nguồn này thành hai loại: Nguồn chủ yếu và nguồn mang tính chất bổ sung.

2. Nguồn chủ yếu của luật hình sự Pháp

Nguồn chủ yếu của luật hình sự Pháp là các đạo luật. Khác với luật của chế độ cũ là sự thống trị của các tập quán địa phương, quy phạm pháp luật hình sự (ngày nay) được thể hiện chủ yếu trong các đạo luật. Các quy phạm pháp luật hình sự của Pháp được tập trung chủ yếu trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1993. Đây là Bộ luật Hình sự mới của Pháp thay thế cho BLHS Na-pô-lê-ông năm 1810. Ngoài ra, quy phạm pháp luật hình sự cũng nằm rải rác trong các đạo luật khác như: Bộ luật giao thông, Bộ luật về bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Luật chung về các sắc thuế… Người Pháp đặc biệt coi trọng nguyên tắc không phải chịu trách nhiệm hình sự và hình phạt nếu không có luật quy định trước. Một biểu hiện cụ thể của nguyên tắc này là quy định cấm việc áp dụng hồi tố tại Điều 112-1 của BLHS Pháp. Theo các luật gia Pháp, đây là hòn đá tảng bảo đảm cho tính hiệu quả và hiệu lực của luật hình sự.

Ngoài loại nguồn chính là các đạo luật nêu trên, luật hình sự Pháp cũng có những nguồn mang tính bổ sung mà lý luận luật hình sự Pháp gọi là nguồn thứ hai là tập quán và các nguyên tắc chung của luật hình sự. Thực ra, vai trò thực tế của loại nguồn này rất hạn chế do quan niệm đề cao tính hình thức trong quy định liên quan đến tội phạm và hình phạt của người Pháp. Các tập quán chủ yếu đóng vai trò giải thích, làm rõ nội dung pháp lý của các quy phạm pháp luật Nhà nước trong một số trường hợp cụ thể khi mà nội hàm những khái niệm diễn đạt trong các quy phạm đó quá khái quát và liên quan đến nhiều vấn đề mang tính chất tế nhị. Các nguyên tắc chung trong luật hình sự Pháp có lẽ gắn nhiều đến hoạt động tố tụng hơn là đối với vấn đề xác định tội phạm và hình phạt. Có một số nguyên tắc thường được vận dụng nhiều trong thực tiễn như: Nguyên tắc suy đoán vô tội; nguyên tắc tôn trọng quyền phòng vệ chính đáng của con người…

3. Khái quát về Bộ luật Hình sự hiện hành của Pháp

Bộ luật Hình sự hiện hành của Pháp có hiệu lực từ ngày 01/3/1994 với cấu trúc ban đầu gồm 4 quyển, sau đó được bổ sung thêm 3 quyển nữa thành 7 quyển: Quyển I – Những quy định chung; Quyển II – Trọng tội và những tội phạm thường xâm phạm đến con người; Quyển III – Trọng tội và những tội phạm thường xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản; Quyển IV – Trọng tội và những tội phạm thường xâm phạm đến sự an toàn của quốc gia, của chế độ Nhà nước Pháp và nền an ninh chung; Quyển V – Các trọng tội và những tội phạm thường khác; Quyển VI – Tội vi cảnh; Quyển VII – Các quy định áp dụng riêng đối với những vùng lãnh thổ Hải ngoại, vùng Nouvelle – Calédonie và Mayotte.

 

4. Chế định tội phạm   

Khác với cách quy định của BLHS Việt Nam, BLHS Pháp không có một điều luật nào định nghĩa khái niệm tội phạm hay một số khái niệm liên quan như khái niệm lỗi cố ý, lỗi vô ý. Khái niệm tội phạm thực sự chỉ tồn tại trong khoa học pháp lý.
Giới luật học Pháp đưa ra nhiều cách định nghĩa về tội phạm khác nhau. Có người quan niệm: “Tội phạm, hiểu theo nghĩa chung nhất có thể được định nghĩa là hành vi chống lại xã hội và đối với hành vi đó cần thiết phải được xử lý bởi một hình phạt”. Người khác lại cho rằng: “Tội phạm là xử sự bị cấm bởi một đạo luật hình sự và do việc bị cấm này, người thực hiện nó sẽ bị trừng phạt bởi một hình phạt hình sự. Trong luật hình sự Pháp, tội phạm được cấu thành từ 03 yếu tố: Yếu tố trái luật, yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần. Người Pháp gọi 03 yếu tố này là các yếu tố cấu thành tội phạm. Thực chất, quan niệm về  các yếu tố cấu thành tội phạm trong luật hình sự Pháp không giống với cách sử dụng thuật ngữ này trong luật hình sự Việt Nam.

Trong luật hình sự Việt Nam, các yếu tố cấu thành tội phạm được hiểu như là sự thể hiện của tội phạm về phương diện hình thức cấu trúc. Nếu nghiên cứu về mặt cấu trúc, tội phạm có đặc điểm chung là đều được hợp thành bởi những yếu tố nhất định, tồn tại không tách rời nhau nhưng có thể phân chia được trong tư duy. Chính vì quan niệm các yếu tố cấu thành tội phạm là hình thức cấu trúc của tội phạm nên khoa học pháp lý hình sự Việt Nam mới tách tội phạm thành 04 yếu tố: Khách thể, mặt khách quan và chủ thể, mặt chủ quan. Qua các yếu tố này, có thể thấy rằng người Việt Nam không coi yếu tố “trái pháp luật” là một yếu tố của tội phạm bởi bản thân yếu tố này được khoa học luật hình sự Việt Nam tách riêng ra để xây dựng một khái niệm mới: Khái niệm hình thức pháp lý của tội phạm hay khái niệm cấu thành tội phạm. Trong sự so sánh với luật hình sự Việt Nam, khái niệm cấu thành tội phạm trong luật hình sự Pháp tương đương với khái niệm các dấu hiệu (đặc điểm) của tội phạm trong luật hình sự Việt Nam. Nếu như giới khoa học pháp lý Việt Nam cho rằng tội phạm có 04 dấu hiệu chủ yếu: Tính nguy hiểm cho xã hội, tính có lỗi, tính trái pháp luật hình sự và tính chịu hình phạt thì người Pháp cho rằng tội phạm chỉ có 03 dấu hiệu là: Dấu hiệu phản ánh yếu tố luật định, dấu hiệu phản ánh yếu tố vật chất và dấu hiệu phản ánh yếu tố tinh thần của tội phạm.

Điều 111-1 BLHS Pháp quy định: “Căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của các hành vi được quy định trong luật, tội phạm được chia thành trọng tội, thường tội và tội vi cảnh”. Theo quy định của điều luật nói trên, tội phạm trong luật hình sự Pháp được chia thành 03 loại: Trọng tội, thường tội và tội vi cảnh. Mặc dù Điều 111-1 BLHS Pháp khẳng định chỉ có một tiêu chí duy nhất phân chia các tội phạm là mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, song trong thực tế, việc phân loại tội phạm thành ba nhóm nói trên còn dựa vào thẩm quyền xác định các loại tội phạm đó. Thẩm quyền quy định trọng tội và thường tội thuộc về cơ quan lập pháp dưới hình thức ban hành các đạo luật (Bộ luật Hình sự hoặc các đạo luật chuyên ngành thuộc các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống trong đó có xác định tội phạm và hình phạt). Thẩm quyền quy định tội vi cảnh thuộc về Hội đồng Nhà nước dưới dạng các điều lệ. Chính vì vậy, BLHS Pháp, ngoài phần lập pháp với 07 quyển nêu trên còn có phần điều lệ với tư cách là nội dung thứ hai không thể thiếu của Bộ luật này.

Nghiên cứu chế định tội phạm trong luật hình sự Pháp, cần lưu ý đến các quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của thể nhân. Theo Điều 112-8 BLHS Pháp, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một thể nhân chỉ được thực hiện khi người này đó đủ 13 tuổi trở lên. Như thế, so với luật hình sự Việt Nam, luật hình sự Pháp quy định độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự sớm hơn so với độ tuổi được quy định trong luật Việt Nam. Một điểm khác nữa so với luật Việt Nam là luật Pháp không quy định độ tuổi mà trong đó năng lực trách nhiệm hình sự được coi là hạn chế. Trong thực tiễn áp dụng pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng Pháp ít khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên bởi họ xác định “xử lý hình sự người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm mục đích bảo vệ, trông nom, chăm sóc và giáo dục người đó là chính” (Điều 112-8 BLHS Pháp).

Điều 121-4 BLHS Pháp quy định: “Được coi là chủ thể của tội phạm nếu thuộc một trong hai trường hợp sau đây: (i) Đã thực hiện một tội phạm; (ii) Có âm mưu thực hiện một trọng tội hoặc một thường tội trong những trường hợp do pháp luật quy định”. Khái niệm “âm mưu phạm tội” trong luật hình sự Pháp được quan niệm là trường hợp người phạm tội “đó bắt đầu thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội” (Điều 121-5 BLHS Pháp). Trong cách hiểu tương ứng của luật Việt Nam, đây là trường hợp phạm tội chưa đạt. Người phạm tội chưa đạt, theo quy định của luật hình sự Pháp chỉ phải chịu trách nhiệm về trong tội hoặc một thường tội trong những trường hợp đó được luật xác định trước.

Chủ thể trong luật hình sự Pháp không chỉ là thể nhân mà còn có thể là pháp nhân. Theo tinh thần của Điều 131-39 BLHS Pháp, ngoại trừ Nhà nước Pháp, pháp nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh tế – xã hội (Nhà nước hoặc phi nhà nước), pháp nhân công quyền, các đảng phái chính trị hoặc công đoàn đều cú thể phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp thực hiện hành vi phạm tội. Tuy vậy, phạm vi và các hình thức hình phạt cụ thể cú thể áp dụng với các pháp nhân công quyền hoặc các hội đoàn chính trị hạn chế hơn so với các loại pháp nhân khác. Điều 121-2 BLHS Pháp quy định: “Trách nhiệm hình sự của pháp nhân không loại trừ trách nhiệm hình sự của thể nhân tham gia thực hiện hành vi phạm tội hoặc những đồng phạm thực hiện hành vi đó”.

5. Chế định hình phạt  

Hệ thống hình phạt trong luật hình sự Pháp rất phức tạp. Dường như ở đây, nhà làm luật Pháp muốn thực hiện một cách triệt để nhất, về phương diện lập pháp hình sự, nguyên tắc phân hoá, cá thể hoá trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với người phạm tội. Từng loại tội phạm, từng loại chủ thể thực hiện tội phạm đều được quy định những loại hình phạt riêng hết sức đặc sắc.

Đối với thể nhân phạm tội, tuỳ thuộc vào loại tội phạm mà người phạm tội thực hiện là trọng tội, thường tội và tội vi cảnh, hình phạt được quy định cụ thể như sau:

– Hình phạt đối với trọng tội mà thể nhân đã thực hiện bao gồm: Tù chung thân; tước tự do đến 30 năm; tước tự do đến 20 năm; tước tự do đến 15 năm.

– Trong trường hợp phạm thường tội, thể nhân có thể bị phạt:

+ Tù giam hình phạt tù giam được chia thành 7 mức là: Tù giam đến 10 năm; tù giam đến 07 năm; tù giam đến 05 năm; tù giam đến 03 năm; tù giam đến 02 năm; tù giam đến 01 năm; tù giam đến 06 tháng.

+ Phạt tiền theo ngày thu nhập của người phạm tội. Số tiền tối đa được xác định cho một ngày thu nhập của người phạm tội không quá 2000 francs. Tổng số ngày thu nhập bị phạt không quá 360 ngày. Lao động công ích ngày lao động công ích mà người phạm tội phải thực hiện không được trả lương. Hình phạt này có thể được áp dụng kèm theo hình phạt tự giam. Thời gian lao động công ích từ 40 đến 240 giờ. Theo quy định của luật hình sự Pháp, người phạm tội có thể từ chối hình phạt này trước khi thẩm phán ra phán quyết về hình phạt đối với họ.

+ Hạn chế hoặc tước bỏ một số quyền của người phạm tội những hạn chế này được quy định tại Điều 131-6 bao gồm: Treo bằng lái xe trong vòng 05 năm; cấm điều khiển các loại phương tiện giao thông trong vòng 5 năm; tước giấy phép lái xe và cấm việc xin cấp giấy phép lái xe mới trong vòng 05 năm; tịch thu phương tiện giao thông của người bị kết án; tạm giữ phương tiện của người bị kết án; cấm tàng trữ hoặc mang theo các loại vũ khí trong vòng 05 năm; tịch thu vũ khí của người phạm tội; thu hồi giấy phép săn bắn và cấm việc cấp lại loại giấy này trong vòng 05 năm; cấm việc phát hành séc trong vòng 05 năm; tịch thu công cụ, phương tiện phạm tội hoặc do phạm tội mà có.

+ Các hình phạt bổ sung quy định tại Điều 131-10 BLHS Pháp gồm có: Cách chức; tạm giữ hoặc tịch thu một vật nào đó của người phạm tội; đóng cửa một cơ sở sản xuất của người phạm tội; công bố bản án kết tội người phạm tội trên báo chí hoặc phương tiện thông tin đại chúng khác.

– Hình phạt đối với thể nhân phạm tội vi cảnh bao gồm: Phạt tiền, khoản tiền phạt được chia thành 05 mức tuỳ theo tội vi cảnh mà thể nhân đã phạm, từ 250 francs đến 10.000 francs. Hạn chế hoặc tước bỏ một số quyền của người phạm tội.

Đối với pháp nhân phạm trọng tội hoặc thường tội, hình phạt có thể được áp dụng là: Phạt tiền, mức tiền phạt pháp nhân phạm tội tối đa không quá 05 lần mức tiền phạt đối với thể nhân phạm tội tương ứng. (Điều 131-38 BLHS Pháp). Áp dụng một hoặc nhiều hình phạt sau: Giải thể pháp nhân; cấm thực hiện (trực tiếp hoặc gián tiếp) một hoặc một vài hoạt động nghề nghiệp của pháp nhân; đóng cửa một hoặc nhiều cơ sở của pháp nhân có hành vi phạm tội; cấm việc phát hành séc; tịch thu tang vật dựng vào việc thực hiện hành vi phạm tội hoặc do phạm tội mà có; công bố công khai bản án kết tội pháp nhân trên báo chí hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác (Điều 131-39 BLHS Pháp).

Trong trường hợp pháp nhân phạm một tội vi cảnh, Toà án có thể áp dụng các hình phạt như: Phạt tiền; cấm phát hành séc trong thời hạn 05 năm; tịch thu tang vật của tội phạm hoặc do phạm tội mà có (Điều 131-42 BLHS Pháp).

Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!

Link nội dung: https://luathoanhut.vn/che-dinh-toi-pham-va-hinh-phat-theo-phap-luat-hinh-su-ch-phap-a20229.html