Liên đới trách nhiệm:
Theo Luật giao thông đường bộ 2008 quy định người đủ điều kiện lái xe tham gia giao thông phải đáp ứng được quy định sau: đủ độ tuổi, sức khỏe và có GPLX. Khi điều khiển phương tiện, người lái xe phải mang theo giấy đăng ký xe, GPLX, đăng kiểm, bảo hiểm...
Nếu chủ xe giao xe cho người khác điều khiển mà vi phạm quy định về an toàn giao thông thì chủ xe không bị xử phạt, mà người vi phạm phải đóng phạt. Nếu bị tạm giữ phương tiện thì chủ xe và người vi phạm đến cơ quan chức năng nhận lại xe.
Trong trường hợp người mượn xe đủ điều kiện tham gia giao thông gây ra tai nạn chết người thì người này phải chịu trách nhiệm hình sự theo điều 267 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, chủ phương tiện không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trách nhiệm dân sự:
Về phần dân sự trách nhiệm dân sự có thể chủ xe cũng phải liên đới trách nhiệm. Theo quy định, xe máy, ôtô là nguồn nguy hiểm cao độ. Vì vậy, chủ xe hoặc người được giao xe chiếm hữu sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại, kể cả khi không có lỗi, trừ khi các bên có thỏa thuận khác, thiệt hại do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc do bất khả kháng.
Có thể bị xử lý hình sự:
Không chỉ gặp rắc rối khi cho người khác mượn xe, chủ xe còn có thể bị xử lý hình sự nếu giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông. Pháp luật quy định rất rõ việc này, song trên thực tế ít người biết hành vi này là vi phạm pháp luật. Thói quen này phần lớn xuất phát từ sự nuông chiều con cái của các bậc phụ huynh hay từ sự quen biết, cả nể người thân, bạn bè...
Theo điều 264 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông đường bộ mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm
Nếu hành vi đó gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 02 đến 07 năm.
Đối với người không đủ điều kiện tham gia giao thông, nếu gây ra tai nạn thì bên cạnh việc phải chịu trách nhiệm hình sự, người vi phạm còn bị phạt tiền cụ thể theo từng lỗi vi phạm như không có GPLX hoặc GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, không đúng độ tuổi điều khiển phương tiện...
Xử lý xe mượn đi gây án:
Trong một vụ án hình sự, nếu nghi can, bị can, bị cáo sử dụng xe do mình đứng tên để thực hiện hành vi phạm tội như cướp giật tài sản, cướp tài sản, trộm cắp, giết người... thì chiếc xe này được xem là công cụ, phương tiện gây án, sẽ bị tịch thu.
Nếu chủ xe không biết nghi can, bị can, bị cáo mượn xe để đi gây án thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Để phục vụ điều tra, cơ quan công an phải tạm giữ phương tiện. Sau khi xác minh, nếu chiếc xe này không liên quan đến hành vi phạm tội thì khi xét xử, tòa án sẽ tuyên trả lại xe cho chủ xe.
Tuy nhiên, nếu chủ xe biết đối tượng mượn xe gây án mà vẫn giao xe cho họ thì hành vi này sẽ bị truy tố cùng tội danh với các đối tượng trên, vai trò là đồng phạm giúp sức, chiếc xe trên cũng sẽ bị tịch thu.
Căn cứ theo quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ quy định: Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bởi vậy, trước khi cho người khác mượn xe bạn cần xem xét kỹ “tình trạng” của người mượn xe, và nói không với người không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác…
Khi cho người khác mượn xe, chủ xe cần biết rõ người đó là ai, có đủ điều kiện để điều khiển hay không, mục đích sử dụng...
Một số trường hợp người mượn xe đủ điều kiện tham gia giao thông nhưng lại sử dụng vào những mục đích phi pháp. Những trường hợp này rất khó kiểm soát vì khi mượn xe không ai nói dùng để đi cướp bao giờ.
Trước khi giao xe, chủ xe nên yêu cầu người mượn xe viết cam kết, đi đâu, làm gì, thời gian bao lâu... Có thể điều này sẽ làm người mượn phật lòng, nhưng đó là cách cần thiết để tự bảo vệ mình.
Việc mượn gián tiếp thông qua điện thoại nhắn tin có thể dễ dàng từ chối, nhưng chủ xe sẽ rơi vào tình huống cực kỳ khó xử khi được đề nghị mượn trực tiếp tại những buổi gặp gỡ với lý do trải nghiệm thử. Bởi đó đều là những bạn bè, anh em việc từ chối sẽ dẫn đến mất tình bạn là điều dễ hiểu. Trường hợp này nếu hiểu rõ tính tình người mượn, tiềm lực kinh tế, cách chạy xe thì có thể cân nhắc cho mượn. Còn nếu cảm thấy không ổn hãy tìm một lý do chính đáng như “nhà có việc” để từ chối khéo và về luôn tránh xích mích.
Hoặc nếu không có cơ hội từ chối thì nói đến vấn đề nào đó xe đang gặp phải như “tay lái cứng” “khó điều khiển” đây là biện pháp tương đối hữu hiệu trong nhiều trường hợp. Ngoài ra chủ xe nên thủ sẳn bảo hiểm tự nguyện cho xe bởi xe là một tài sản rất có giá trị.
Có hai nguyên nhân chính dẫn tới việc gây tai nạn giao thông đó là do lỗi của người điều khiển hoặc do lỗi kỹ thuật của xe.
Trường hợp tai nạn do lỗi kỹ thuật của phương tiện:
Theo khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015, phương tiện giao thông vận tải cơ giới được xếp vào nhóm nguồn nguy hiểm cao độ. Theo đó, chủ sở hữu phương tiện giao thông phải vận hành, sử dụng; bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định.
Nếu phương tiện đang đi trên đường mà xảy ra sự cố như mất phanh, nổ lốp,… mà gây tai nạn thì thiệt hại xảy ra được xác định là do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Như vậy, nếu người mượn xe gây tai nạn thì người này phải có trách nhiệm bồi thường. Chủ xe chỉ phải bồi thường nếu các bên có thỏa thuận về việc chủ xe sẽ chịu trách nhiệm ngay cả khi đã giao xe cho người khác sử dụng mà gây tai nạn.
Trường hợp tai nạn do lỗi của người điều khiển phương tiện:
Trường hợp xảy ra tai nạn do hành vi vi phạm luật giao thông của người lái xe thì người này sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015
Theo đó, nếu tai nạn xảy ra do lỗi của người điều khiển phương tiện thì người này có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại. Chủ xe cho mượn phương tiện không phải bồi thường
Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!
Link nội dung: https://luathoanhut.vn/neu-khong-muon-bi-truy-cuu-hinh-su-thi-nen-biet-dieu-nay-truoc-khi-cho-ban-be-muon-xe-a20236.html