Hầu hết các cuộc điều tra, (khoảng 91 đến 98%) được bắt đầu từ tin báo của quần chúng cho cơ quan cảnh sát. Với những vụ án như giết người, tội phạm cổ cồn trắng, tội phạm về môi trường và các tội phạm ma tuý thường do một công chức hay một cơ quan Nhà nước báo cáo trực tiếp gửi cơ quan công tố. Tin báo, báo cáo có thể được trình lên bằng văn bản hoặc bằng lời với quan công tố, đồn cảnh sát, các cảnh sát viên đang tuần tra trên đường phố hoặc Toà án hình sự địa phương (Điều 158). Công tố viên và cảnh sát trong khi làm nhiệm vụ có nghiã vụ mặc nhiên hành động càng sớm càng tốt ngay khi nhận được tin báo tội phạm (các điều 160-163).
Nguyên tắc về tính hợp pháp của Bộ luật tố tụng hình sự yêu cầu cơ quan công tố phải điều tra khiếu nại ngay khi nhận được tin báo về tội phạm bị tình nghi đã đủ căn cứ “thoạt nhìn đã rõ - Prima facie case” (Điều 152 (II)). Tuy nhiên, trên thực tế cảnh sát giải quyết các tội phạm một cách có chọn lọc, đặc biệt khi tin báo liên quan đến tội phạm ít nghiêm trọng.
Cơ quan công tố có nhiệm vụ thu thập cả chứng cứ buộc tội lẫn chứng cứ gỡ tội và là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hành động một cách công bằng, không thiên vị trong lĩnh vực tư pháp hình sự (điều 161(II)). Từ năm 1975, Công tố viên có vị trí quan trọng trong giai đoạn tiền xét xử và có toàn quyền tiến hành điều tra trên tất cả các phương diện. Vì cơ quan công tố không đủ người nên cảnh sát thường được yêu cầu hỗ trợ công tố viên theo lệnh của cơ quan công tố, và theo quan điểm của người Đức, họ thường ví cơ quan công tố là một bộ phận đầu não mà không có thay chân trong giai đoạn điều tra.
Mặc dù các văn bản pháp luật quy định cơ quan công tố chỉ đạo cuộc điều tra và có quyền hướng dẫn cảnh sát (các điều từ 161 đến 163 (II)) nhưng trên thực tế, cơ quan cảnh sát luôn điều tra một cách độc lập. Theo quy định của pháp luật họ có nghĩa vụ phải tiến hành điều tra ngay khi nhận được tin báo về tội phạm mà không cần chờ lệnh của cơ quan công tố. Chỉ trong những trường hợp rất ngoại lệ thì Công tố viên mới tự mình điều tra. Tuy nhiên, thông thường cảnh sát cũng phải liên hệ với Công tố viên, đặc biệt khi giải quyết các vụ án nghiêm trọng hay các tội phạm kinh tế. Có một bộ phận của cơ quan công tố chuyên trách về tội phạm lừa đảo, gian lận nghiêm trọng, ở bộ phận này Công tố viên có ảnh hưởng lớn đến hướng điều tra và đưa ra hướng dẫn trực tiếp đến hoạt động điều tra, đưa ra tư vấn về chứng cứ chuyên ngành, quyết định việc trưng cầu chuyên gia giám định…Theo nguyên tắc, đặc biệt ở các thành phố lớn, cơ quan công tố chỉ được thông báo về vụ án sau khi cảnh sát đã thảo xong kết luận điều tra và tại giai đoạn này thì đã quá muộn để Công tố viên có thể can thiệp vào quá trình giải quyết vụ án. Vai trò chính của Công tố viên, do đó, chỉ đơn thuần là truy tố chứ không phải điều tra tội phạM
ở Đức, cảnh sát được chia làm 2 loại là cảnh sát hình sự và cảnh sát bảo vệ. Theo qui định, cảnh sát bảo vệ thường điều tra các tội phạm ít nghiêm trọng, trong khi cảnh sát hình sự điều tra các tội phạm nghiêm trọng và những tội phạm đòi hỏi tính chuyên nghiệp trong một số lĩnh vực nhất định như các tội lừa đảo tài chính hay tội phạm về môi trường. Việc thành lập và tổ chức lực lượng cảnh sát là vấn đề riêng của từng bang và về nguyên tắc không có lực lượng cảnh sát tập trung liên bang. Các lực lượng cảnh sát hoạt động dưới quyền của Bộ trưởng Bộ Nội vụ từng bang.
Cảnh sát đóng vai trò chính trong quá trình điều tra. Vì Viện công tố không có lực lượng để thực hiện nhiệm vụ điều tra nên phải yêu cầu cảnh sát hỗ trợ. Mặc dù về nguyên tắc, Công tố viên là người chỉ đạo tiến trình tố tụng giai đoạn tiền xét xử và đưa ra các mệnh lệnh cho cảnh sát theo Điều 152 của Luật Toà án nhưng trên thực tế cảnh sát thường chủ động tiến hành các hoạt động điều tra. Chỉ trong những trường hợp phức tạp và nghiêm trọng thì cảnh sát điều tra mới chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Công tố viên. Khi cảnh sát hoàn thành việc điều tra, hồ sơ sẽ được chuyển cho bên công tố để quyết định có truy tố hay không. Tuy nhiên, trách nhiệm pháp lý đối với tất cả các hoạt động điều tra vẫn thuộc về cơ quan công tố.
Tất cả các nhân viên cảnh sát có nghĩa vụ tiến hành điều tra nếu nghi ngờ có tội phạm xảy ra (Điều 163 (I)). Do đó, họ có cả quyền và nghĩa vụ “khởi động”. Họ hành động thay mặt Công tố viên và luôn được coi là “cánh tay nối dài của cơ quan công tố”. Mặc dù vậy, họ không có đầy đủ các thẩm quyền cưỡng chế tố tụng như Công tố viên. Nói chung, các nhân viên cảnh sát chỉ có một số quyền như bắt kẻ bị tình nghi, chụp ảnh, lấy dấu vân tay và nhận dạng. Tuy nhiên, cảnh sát được coi là cơ quan “bổ trợ cho cơ quan công tố” có thể thực hiện 6 thẩm quyền cưỡng chế trong các trường hợp khẩn cấp như: Khám xét, thu giữ, lấy mẫu máu hoặc khám người đối với bị can hay nhân chứng, kiểm soát trên đường và điều tra qua máy tính.
Tuy nhiên, trong hoạt động điều tra, pháp luật tố tụng hình sự của Đức quy định rất chặt chẽ những hoạt động xâm phạm đến các quyền tự do của công dân. Những quyền như quyền bắt tạm giam, khám xét, bắt giữ, nghe chặn, ghi âm liên lạc các cuộc viên thông và khám người luôn bị kiểm soát nghiêm ngặt và phải tuân theo luật. Ngoài ra, theo phán quyết của Toà án tối cao liên bang, những hoạt động theo quyền hạn như vậy chỉ có hiệu lực nếu được áp dụng tương xứng với mục đích của từng hoạt động trên. Mọi bằng chứng liên quan thu được do vi phạm nguyên tắc này sẽ không được Tòa án chấp nhận.
Do đó, giai đoạn điều tra, tiền xét xử đòi hỏi phải có sự can thiệp của Toà án vào tất cả các hoạt động tố tụng xâm phạm đến quyền tự do cá nhân. Việc tạm giam trước khi xét xử phải do thẩm phán (không phải người tiến hành xét xử sau này) quyết định. Việc thực hiện những thẩm quyền khác như bắt, khám xét, thu giữ, khám người bị buộc tội hay một người khác hoặc nghe lén điện thoại trong những trường hợp rất đặc biệt do chính cơ quan công tố ra lệnh, quyết định. Quy định này nhằm đảm bảo chứng cứ được thu thập kịp thời và việc Tòa án liên quan đến quy trình này có thể làm chứng cứ bị mất hoặc bị làm sai lệch… Tuy nhiên, việc áp dụng những biện pháp như vậy ngay sau đó phải được Toà án kiểm soát với (một thẩm phán) công nhận, quyết định (chẳng hạn, điều 100b quy định về nghe lén điện thoại). Hơn nữa, đối tượng bị áp dụng các biện pháp trên có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định, phán quyết về tính hợp pháp của việc áp dụng các biện pháp đó (điều 98(II)). Trong trường hợp khẩn cấp, khi không có Toà án nào có thể ra lệnh ngay được thì nhân viên cảnh sát làm nhiệm vụ hỗ trợ cũng có những quyền hạn như công tố viên.
Khi xem xét áp dụng một trong những biện pháp như vậy, cơ quan công tố phải làm đơn đề nghị thẩm phán Toà án địa phương ra lệnh. (điều 162). Lệnh phải được ban hành ngay khi có đủ chứng cứ chứng minh sự cần thiết tiến hành các biện pháp cưỡng chế, ngăn chặn đó (Điều 162). ở đây, thẩm phán không hành động theo quyền hạn tư pháp của Toà án mà thực hiện thẩm quyền mang tính hành chính của mình và không có quyền tự ý tiến hành điều tra, tìm hiểu. Trường hợp tài liệu vụ án do Công tố viên cung cấp không đủ sức thuyết phục để ra lệnh áp dụng các biện pháp đã nêu thì thẩm phán phải yêu cầu Công tố viên cung cấp thêm thông tin. Nếu Công tố viên không thể cung cấp thêm thông tin, thẩm phán phải từ chối việc áp dụng các biện pháp đó.
Nhân viên cảnh sát cũng có quyền bắt cá nhân, chụp ảnh, lấy dấu vân tay hoặc áp dụng một vài biện pháp nhận dạng người bị tình nghi.
Không chỉ trong gia đoạn điều tra mà trong tất cả các giai đoạn tố tụng, việc thẩm vấn bị cáo tuân theo cùng nguyên tắc. Trong lần thẩm vấn đầu tiên trước Thẩm phán, Công tố viên hay nhân viên cảnh sát, bị cáo phải:
+ Được thông báo về tội trạng mình bị cáo buộc và điều khoản có liên quan đến tội trạng đó trong Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, cảnh sát không nhất thiết phải nêu chính xác những điều khoản này.
+ Bị thẩm vấn về tình trạng cá nhân, nhưng hạn chế trong những thông tin cần thiết để nhận dạng, danh tính.
+ Được thông báo về quyền giữ im lặng, không nói bất kỳ vấn đề gì liên quan đến vụ việc.
+ Được thông báo về quyền chọn Luật sư bào chữa và quyền đề nghị thu thập chứng cứ gỡ tội (điều 136(II)).
+ Được có cơ hội bác bỏ mọi nghi ngờ chống lại mình và chỉ ra các tình huống có lợi cho sự biện hộ của mình.
Nếu bị cáo không được thông báo về những nội dung trên, chứng cứ buộc tội anh ta có thể bị loại bỏ, trừ phi bị cáo biết rõ quyền của mình hoặc chấp thuận các chứng cứ đó trước Toà.
Mọi cuộc thẩm tra, hỏi cung bị cáo hay nhân chứng phải được lập biên bản để làm chứng cứ trước Tòa. Mặc dù phạm vi thẩm vấn của cảnh sát rất rộng và có ảnh hưởng lớn tới các quyết định sau này của Công tố viên và Toà án nhưng không có quy định riêng nào liên quan đến cách thức ghi biên bản thẩm vấn của cảnh sát mặc dù nhân viên cảnh sát có nghĩa vụ ghi âm tất cả các cuộc thẩm vấn. Những cuộc thẩm vấn như vậy cũng tuân theo những nguyên tắc như áp dụng với Toà án. Biên bản của cảnh sát ghi lại các tình tiết mà nhân viên cảnh sát làm nhiệm vụ thẩm vấn thu thập được. Những nhân viên này cũng có quyền đánh giá tư cách cá nhân và thái độ của bị cáo, nhân chứng. Mọi ấn tượng và định kiến của cảnh sát đều có thể ảnh hưởng đến người đọc hồ sơ, nhất là Công tố viên và Thẩm phán.
Trong quá trình thẩm vấn người bị tình nghi, pháp luật nghiêm cấm: Công tố viên, Thẩm phán và nhân viên cảnh sát có các hành động tàn tệ với những người này. Bị cáo có quyền giữ im lặng từ khi bắt đầu cuộc điều tra và phải được thông báo về quyền này trước phiên thẩm vấn, hỏi cung đầu tiên. Anh ta có quyền tham vấn Luật sư bào chữa tại lần thẩm vấn đầu tiên của cảnh sát, tuy nhiên, khi cảnh sát tiến hành thẩm vấn, Luật sư không được phép có mặt, ngay cả khi bị cáo bị thẩm vấn, trừ phi bị cáo từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào nếu không có mặt Luật sư. Sự hiện diện của Luật sư do cảnh sát quyết định mặc dù kinh nghiệm thực tế cho thấy Luật sư bào chữa có thể giúp hạn chế sai sót điều tra bằng cách đặt thêm các câu hỏi phụ và khuyến khích thân chủ của mình hợp tác với cảnh sát và thực tế này không giống với ở Việt Nam là người bào chữa có quyền có mặt khi hỏi cung bị can, nhưng lại giống nhau ở một điểm là nhân viên điều tra có quyền cho phép người bào chữa có mặt.
Đối với vấn đề bắt và tạm giam, luật Đức phân biệt giữa biện pháp tạm giam và bắt. Tạm giam trong giai đoạn tiền xét xử (giai đoạn điều tra) là sự hạn chế nghiêm khắc nhất quyền tự do cá nhân theo Bộ luật tố tụng hình sự. Do đó, chỉ có Thẩm phán mới có quyền ra lệnh này và lệnh này phải được thực hiện như một biện pháp an ninh chứ không phải với mục đích làm cho người bị tình nghi nếm mùi nhà tù khi mà giả định vô tội vẫn đang áp dụng. Theo qui định, thời hạn tạm giam trong giai đoạn tiền xét xử được tự động trừ vào thời gian chấp hành án, trừ khi bị can từ bỏ đặc quyền này do thái độ bất hợp tác sau khi phạm tội.
Việc tạm giam được thực hiên theo lệnh của Thẩm phán (Điều 114 (I)) dựa trên đơn yêu cầu của Công tố viên (các điều 125 I và 128 II). Lệnh tạm giam phải xác định rõ bị can và các chi tiết về tội trạng của người đó, cơ sở pháp lý cũng như cơ sở của việc bắt giữ và sự cần thiết của việc bắt giữ. Căn cứ cho phép ban hành một lệnh tạm giam là
+ Có cơ sở để nghi ngờ rằng bị can đã thực hiện hành vi phạm tội.
+ Bị can trốn tránh hoặc có nguy cơ trốn tránh, huỷ hoại chứng cứ hoặc tiếp tục phạm tội.
+ Có căn cứ để nghi ngờ bị can phạm tội nghiêm trọng.
“Trốn tránh” của bị can được hiểu là có dấu hiệu trốn, tránh bất hợp pháp. Nguy cơ trốn tránh được thể hiện qua việc bị can không có mặt khi bị triệu tập trong quá trình tố tụng. Nguy cơ phá huỷ chứng cứ được hiểu là khi bị can có những hành vi gây nghi ngờ việc anh ta sẽ can thiệp vào tiến trình điều tra bằng cách thay đổi, phá huỷ, lấp liếm hay xuyên tạc chứng cứ hoặc gây áp lực đối với các nhân chứng hay các chuyên gia giám định, với đồng phạm hoặc xúi giục người khác làm như vậy (Điều 112 (II)). Cơ sở để nghi ngờ bị can tiếp tục phạm tội nhằm ngăn ngừa bị can dễ có khả năng một số loại tội như xâm hại tình dục. Trên thực tế, căn cứ này hiếm khi được vận dụng vì thường áp dụng căn cứ “có nguy cơ bỏ trốn”.
Việc tạm giam đối với các tội phạm ít nghiêm trọng chỉ có thể được tiến hành trên cơ sở có nguy cơ bị can bỏ trốn và bị hạn chế bởi qui định tại điều 113 Bộ luật tố tụng hình sự. Việc tạm giam phải bị hủy bỏ nếu có thể áp dụng các biện pháp ít thô bạo hơn mà vẫn đạt được mục đích đề ra. Trên thực tế, các biện pháp thường được áp dụng thay thế là yêu cầu người phạm tội ra trình diện tại đồn cảnh sát vào một ngày nhất định hoặc áp dụng biện pháp cho tại ngoại có đặt tiền kèm theo các điều kiện khác.
Lệnh tạm giam phải được huỷ bỏ trong các trường hợp sau:
+ Bị cáo được tuyên vô tội, không thể mở phiên toà hoặc thủ tục tố tụng bị đình chỉ.
+ Ngay khi các căn cứ tạm giam không còn nữa hoặc khi việc tiếp tục tạm giam sẽ vi phạm nguyên tắc tương xứng giữa việc tạm giam với mức độ nghiêm trọng của tội phạm và hình phạt có thể áp dụng.
Đối với vấn đề khám xét và thu giữ vật chứng trong giai đoạn điều tra, luật tố tụng hình sự Đức quy định khá cụ thể về thẩm quyền ra lệnh và cơ quan thực hiện những mệnh lệnh này. Mọi cuộc khám xét phải được tiến hành theo lệnh của Thẩm phán mặc dù có những trường hợp ngoại lệ như khi có nguy cơ mất chứng cứ, Công tố viên và nhân viên cảnh sát bổ trợ có thể ra lệnh khám xét (Điều 105). Lệnh khám của Toà án phải ghi rõ tình tiết liên quan đến tội phạm và mô tả rõ ràng các đồ vật có thể bị khám xét. Vì việc khám xét nói chung vi phạm nghiêm trọng quyền tự do cá nhân nên lý do, căn cứ khám xét phải được nêu ra đầy đủ. Nếu không thể mô tả chính xác đồ vật bị khám xét thì ít nhất phải có hạn chế về loại đồ vật hoặc đưa ra ví dụ về loại đồ vật đó.
Tài liệu thu đươc từ việc khám xét phải được Công tố viên kiểm tra. Những người khác tham gia điều tra cũng có thể xem xét các tài liệu đó nhưng chỉ khi được chủ sở hữu đồng ý. Chủ sở hữu có quyền yêu cầu liệt kê danh sách những đồ vật bị khám xét. Nếu quá trình khám xét thu được các đồ vật khác, có dấu hiệu nghi ngờ về một tội phạm khác thì những đồ vật đó cũng có thể bị thu giữ tạm thời để xác định xem chúng có liên quan đến một vụ phạm tội khác hay không (Điều 108). Trường hợp ghi âm điện thoại, Toà án tối cao phải loại trừ lời khai của nhân chứng và lời thú tội của bị cáo nếu việc ghi âm điện thoại đó là bất hợp pháp.
Những đồ vật có giá trị chứng minh có thể bị thu giữ nếu người kiểm soát chúng không tự nguyện đưa ra. Mặt khác, việc thu giữ có thể được thực hiện dù chỉ dựa vào những nghi ngờ bề ngoài, không cần thiết phải có biểu hiện rõ ràng về hành động. Thẩm quyền ra lệnh thu giữ thuộc về Thẩm phán nhưng trong trường hợp khẩn cấp thì Công tố viên và cảnh sát viên bổ trợ của công tố viên cũng có thể ra lệnh này. Lệnh thu giữ của Toà án phải mô tả chính xác đồ vật bị thu giữ và lý do thu giữ.
Nhìn chung, trong giai đoạn tiền xét xử (ở Đức không có khái niệm về giai đoạn truy tố) có thể thấy rằng Công tố viên có nhiều thẩm quyền hơn so với cảnh sát đối với việc ra lệnh áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng trong giai đoạn tiền xét xử. Giống như cảnh sát, công tố viên có thể thực hiện những quyền này chỉ trong trường hợp khẩn cấp bởi vì bất cứ sự vi phạm các quyền cá nhân nào cũng chịu sự hạn chế và kiểm soát nghiêm ngặt của Thẩm phán. Cũng giống như cảnh sát, công tố viên có thể ra lệnh khám người và lấy mẫu máu của người bị buộc tội, khám những người khác, thu giữ, khám xét, kiểm soát trên đường, tạm thời thu giữ đồ vật vì lý do an ninh, bắt và điều tra qua máy tính. Việc thu giữ thư tín, điện tín, chặn và nghe lén các cuộc liên lạc và kê biên bất động sản thuộc quyền Công tố viên. Cũng giống như cảnh sát, Công tố viên có quyền ra lệnh và thực hiện những thẩm quyền trong trường hợp khẩn cấp nhưng sau đó phải có sự phê chuẩn của toà án.
Kết quả là trong suốt giai đoạn tiền xét xử, không chỉ thẩm quyền của Công tố viên mà cả những quyết định bãi bỏ tố tụng (đình chỉ) của họ đều là đối tượng kiểm soát của Thẩm phán tiền xét xử. Tuy nhiên, dưới góc độ phương pháp và chủ động trong hoạt động điều tra, công tố viên độc lập và hoàn toàn chịu trách nhiệm. Do đó, Công tố viên có quyền kiểm soát cảnh sát, bao gồm cả quyền chỉ đạo hoạt động điều tra, đưa ra các hướng dẫn, được thông báo về tiến độ điều tra và ra các lệnh để cảnh sát thực hiện nếu các hoạt động điều tra liên quan, ảnh hưởng đến các quyền cơ bản của công dân.
Trong những năm gần đây đã có sự chuyển dịch trách nhiệm từ phía Công tố viên sang cảnh sát. Theo đó, cảnh sát có thể tự mình tiến hành điều tra và đình chỉ tố tụng đối với một số tội phạm ít nghiêm trọng. Kỹ thuật thông tin điện tử hiện đại như hệ thống máy tính của cảnh sát (INPOL) và các hệ thống thu thập dữ liệu khác đã làm tăng thẩm quyền của cảnh sát. Tuy nhiên, điều này làm cho quan hệ giữa cảnh sát và công tố viên trở nên căng thẳng vì công tố viên không được tiếp cận các hệ thống máy tính của cảnh sát và do đó không nắm chắc những dữ liệu được cảnh sát lưu giữ trên máy tính sau đó có bị xoá bỏ (theo luật quy định) hay không. Luật sửa đổi luật hình sự và tố tụng hình sự năm 1994 đã khắc phục nhược điểm này bằng cách một mặt tạo ra cách liên hệ giữa Công tố viên và cảnh sát, mặt khác lại tạo ra kênh liên lạc giữa công tố viên với Cơ quan tình báo liên bang (FIS). Từ ngày 1 tháng 12 năm 1994, Cơ quan tình báo liên bang có thẩm quyền thu thập các thông tin tình báo về các loại tội phạm liên quan đến buôn lậu ma tuý, khủng bố, giả mạo giấy tờ và rửa tiền. Các dữ liệu thu thập được phải được chuyển cho cơ quan công tố và nhờ đó xoá đi sự ngăn cách giữa thu thập thông tin tình báo và công tố.
Một điểm đáng chú ý nữa trong giai đoạn tiền xét xử là Thẩm phán của Đức khi tham gia tiến hành tố tụng có các chức năng khác nhau trong giai đoạn tiền xét xử và xét xử. ở giai đoạn điều tra, Thẩm phán tiền xét xử (chứ không phải là Công tố viên) thực hiện chức năng kiểm soát đối với các cơ quan có chức năng điều tra. Bất chấp vai trò chỉ đạo của Công tố viên đã được Bộ luật tố tụng hình sự quy định thì Công tố viên không thể ra tất cả các mệnh lệnh áp dụng các biện pháp cưỡng chế và hầu hết thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng nghiêm khắc nhất thuộc về Thẩm phán tiền xét xử. Thẩm phán có quyền xem xét tính hợp pháp của các biện pháp do Công tố viên áp dụng chứ không chỉ xem xét tính cần thiết của các biện pháp đó. Tuy nhiên, thẩm phán không có quyền thực hiện điều tra tư pháp. Nếu thông tin mà thẩm phán yêu cầu chưa được đáp ứng đủ thì ông ta phải đề nghị cảnh sát hoặc Công tố viên cung cấp thêm bằng chứng.
Nhìn chung, Thẩm phán có toàn quyền quyết định có sử dụng chứng cứ là tài liệu để thay thế cho việc thẩm tra bằng lời tại phiên toà hay không (Điều 251 và 254 Bộ luật TTHS). Ngoài ra, quyền tự quyết đó cũng có thể áp dụng trong việc thẩm vấn có tuyên thệ đối với nhân chứng hay các chuyên gia giám định (Điều 161a(I), 65 Bộ luật TTHS), thu giữ giấy phép lái xe (Điều 111a Bộ luật TTHS), ra lệnh tạm giam trước khi xét xử (Điều 114, 126a Bộ luật TTHS), khám xét, bắt giữ hoặc kê biên tài sản (Điều 98, 111e, 111n, 105), khám người, chặn các cuộc đàm thoại, kiểm soát trên đường hoặc điều tra có máy tính hỗ trợ …Trong trường hợp khẩn cấp Thẩm phán có thể tự quyết định hành động như một “Công tố viên khi khẩn cấp”
Điều tra vụ án hình sự là giai đoạn mà pháp luật tố tụng hình sự quy định. Theo đó, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát phải thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm thu thập và nghiên cứu các chứng cứ của vụ án nhằm giải quyết vụ án một cách khách quan, kịp thời và đúng người, đúng tội.
Kiểm soát không mang tính quyền lực nhà nước, được tiến hành thông qua hoạt động điều tra vụ án hình sự là việc người bào chữa, cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng khiếu nại, đăng tải thông tin, tố giác của Nhân dân, cơ quan, tổ chức đối với hoạt động của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Điều 72 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định về người bào chữa và Điều 73 về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, người bào chữa có quyền: “gặp, hỏi người bị buộc tội; có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc, người bào chữa có thể hỏingười bị bắt, người bị tạm giữ, bị can…”.
Như vậy, việc người bào chữa, đặc biệt là luật sư tham gia hoạt động TTHS không chỉ giúp cho người bị buộc tội, bị bắt, giữ, giam bảo đảm quyền và lợi ích, đồng thời cũng giám sát hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, tôn trọng sự thật khách quan của vụ án.
Đối với hoạt động kiểm soát quyền lực trong TTHS, vai trò của các phương tiện truyền thông, cơ quan thông tấn báo chí, tố giác, tin báo về tội phạm, khiếu nại các quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, tố cáo của Nhân dân, cơ quan, tổ chức… không chỉ là kênh phản biện xã hội, mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc giám sát các quyết định, các hành vi TTHS của cơ quan điều tra, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, phát hiện những sai phạm để kiến nghị hoặc khiếu nại các sai phạm. Đồng thời, đây cũng là kênh để người dân có thể tiếp cận các hành vi tố tụng của cơ quan điều tra cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
7.3 Kiểm soát quyền lực trong điều tra vụ án hình sự?
Kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra vụ án hình sự là hệ thống cơ chế được tiến hành bởi Nhà nước và toàn xã hội để giám sát hoạt động điều tra của cơ quan điều tra.
Dựa trên hình thức kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra có thể phân chia thành nhóm kiểm soát quyền lực bên trong, bao gồm: cơ quan điều tra cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và nhóm kiểm soát quyền lực từ bên ngoài những cơ quan này. Đồng thời, cơ chế kiểm soát bên ngoài phân chia thành nhóm kiểm soát bên trong Nhà nước và nhóm kiểm soát bên ngoài không mang tính quyền lực nhà nước. Trên thực tiễn hệ thống kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra là một chuỗi quy trình có mối quan hệ ràng buộc, nghiêm ngặt và chặt chẽ buộc cơ quan điều tra phải hoạt động theo đúng pháp luật, bảo đảm quyền lực nhà nước được thực thi đúng, đủ, chính xác và công bằng.
Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!
Link nội dung: https://luathoanhut.vn/quy-dinh-cua-phap-luat-chlb-duc-trong-giai-doan-dieu-tra-vu-an-hinh-su-a20239.html