Chuyển nhượng quyền tác giả là một khái niệm pháp lý liên quan đến việc chuyển giao toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu quyền tác giả cho một bên khác. Theo quy định tại Điều 45 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022 thì: “Chuyển nhượng quyền tác giả là việc chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao quyền sở hữu đối với các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19, Điều 20 của Luật này cho tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan”. Khi chuyển nhượng quyền tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả không được chuyển giao quyền nhân thân (ngoại trừ quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 là quyền công bố tác phẩm) của mình, hay còn thường được hiểu là quyền được công nhận là người sáng tạo ra tác phẩm và quyền bảo vệ danh tiếng và uy tín của mình.
Ngoài ra, đối với trường hợp tác phẩm có đồng chủ sở hữu thì việc chuyển nhượng phải có sự thỏa thuận của tất cả các đồng chủ sở hữu; trong trường hợp có đồng chủ sở hữu nhưng tác phẩm có các phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập thì chủ sở hữu quyền tác giả có quyền chuyển nhượng quyền tác giả đối với phần riêng biệt của mình cho tổ chức, cá nhân khác.
Có thể thấy, chuyển nhượng quyền tác giả là một hình thức giao dịch phổ biến trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật hiện nay. Khi một chủ sở hữu quyền tác giả chuyển nhượng quyền tác giả của mình cho một bên khác, nghĩa là chủ sở hữu quyền tác giả đồng ý từ bỏ quyền tài sản đối với tác phẩm của mình (hoặc quyền công bố tác phẩm) và nhường cho bên nhận quyền sử dụng, phát hành, biên tập, chuyển thể hay bất kỳ hình thức khai thác nào khác. Chuyển nhượng quyền tác giả có thể là toàn bộ hay một phần, có thời hạn hay vô thời hạn, có tính độc quyền hay không độc quyền, tùy thuộc vào điều khoản của hợp đồng hoặc các thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chuyển nhượng quyền tác giả đem lại nhiều lợi ích cho cả hai bên. Đối với chủ sở hữu quyền tác giả, đây là cách để thu được lợi ích kinh tế từ tác phẩm của mình, đồng thời tiết kiệm thời gian và công sức cho việc quản lý và bảo vệ quyền tác giả. Đối với bên nhận, đây là cách để sở hữu một tác phẩm có giá trị, có thể khai thác theo ý muốn và tránh những rủi ro pháp lý liên quan đến vi phạm quyền tác giả. Đồng thời, việc chuyển nhượng này cũng giúp cho việc phát triển và sử dụng tác phẩm trở nên linh hoạt hơn.
Hiện nay, việc chuyển nhượng quyền tác giả giữa chủ sở hữu quyền tác giả với tổ chức, cá nhân thường được thực hiện thông qua hình thức ký kết hợp đồng (thỏa thuận), đồng thời tiến hành xin cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Việc thực hiện thủ tục này được tiến hành theo các bước cụ thể như sau:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là tại Điều 46 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022 thì hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả phải được lập thành văn bản, và bao gồm những nội dung, điều khoản chính cụ thể như sau:
(i) Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng (chủ sở hữu quyền tác giả) và bên được chuyển nhượng (tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền tác giả);
(ii) Căn cứ chuyển nhượng;
(iii) Giá, phương thức thanh toán;
(iv) Quyền và nghĩa vụ của các bên;
(v) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 46 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022 cũng quy định rằng việc thực hiện, sửa đổi, chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả sẽ được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành.
Sau khi soạn thảo hợp đồng, các bên còn phải tiến hành thủ tục xin cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả để hoàn tất quá trình chuyển nhượng quyền tác giả. Theo đó, hồ sơ đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả sẽ bao gồm những giấy tờ, tài liệu được quy định tại Điều 41 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan và một số giấy tờ, tài liệu khác, cụ thể như sau:
(i) Tờ khai đăng ký quyền tác giả (theo mẫu) do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ;
(ii) 02 bản sao của tác phẩm;
(iii) Văn bản ủy quyền nếu người nộp hồ sơ là người được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả ủy quyền theo quy định tại khoản 6 Điều 38 của Nghị định này;
(iv) Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả kèm bản sao tác phẩm đã được đóng dấu, ghi số Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả;
(v) Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả (giữa chủ sở hữu tác giả và bên nhận chuyển nhượng);
(vi) Bản sao có chứng thực CCCD của chủ sở hữu quyền tác giả và bên nhận chuyển nhượng nếu là cá nhân, hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu chủ sở hữu quyền tác giả, bên nhận chuyển nhượng là pháp nhân;
(vii) Văn bản đồng ý của đồng chủ sở hữu (trong trường hợp quyền tác giả thuộc sở hữu chung);
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ, tài liệu như trên, các bên (người đại diện các bên) tiến hành nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện tới văn phòng thuộc Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành rà soát, phân loại, xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. Thông báo cho bên nộp hồ sơ nếu hồ sơ cần được sửa đổi, bổ sung.
Trong thời hạn 12 ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ có xác nhận hợp lệ và quyết định chấp nhận hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành thông báo cho bên nộp hồ sơ để tiến hành nộp các khoản lệ phí theo quy định. Sau khi bên nộp hồ sơ hoàn thành việc nộp lệ phí, cơ quan có thẩm quyền tiến hành cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả mới theo tên và thông tin của bên nhận chuyển nhượng, thủ tục chuyển nhượng quyền tác giả sẽ hoàn tất.
Đối với lệ phí cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, theo quy định của pháp luật hiện hành sẽ được dao động từ 50.000 đến 300.000 đồng, tùy thuộc vào từng loại hình của tác phẩm mà được chuyển nhượng quyền tác giả.
Công ty Luật Hòa Nhựt xin gửi lời cảm ơn chân thành đến quý khách hàng đã tin tưởng và đồng hành cùng chúng tôi trong thời gian qua. Chúng tôi luôn cam kết lắng nghe, giải đáp và hỗ trợ quý khách hàng một cách tận tâm và chuyên nghiệp trong mọi vấn đề pháp lý.
Chúng tôi tự hào có đội ngũ tư vấn viên chuyên môn cao, nhiệt huyết và thân thiện, sẵn sàng phục vụ quý khách hàng mọi lúc mọi nơi. Quý khách hàng chỉ cần liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900.868644 hoặc email [email protected], chúng tôi sẽ cung cấp cho quý khách hàng những tư vấn pháp lý trực tuyến uy tín và hiệu quả nhất.
Chúng tôi mong muốn nhận được những phản hồi và góp ý từ quý khách hàng để không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ của chúng tôi. Sự hợp tác và ủng hộ của quý khách hàng là nguồn động viên để chúng tôi phát triển và hoàn thiện hơn mỗi ngày.
Link nội dung: https://luathoanhut.vn/thu-tuc-chuyen-nhuong-quyen-tac-gia-nhu-the-nao-theo-quy-dinh-a20365.html