Quy định độ tuổi Thành lập Công ty, Góp vốn, Thừa kế Doanh nghiệp?

"Khởi nghiệp" một xu thế phổ biến trong thời đại công nghệ 4.0 như bây giờ. Tuy nhiên, không phải người kinh doanh nào cũng nắm rõ được quy định của pháp luật về độ tuổi để có thể "khởi nghiệp" thành công. Do đó, mời quý khách hàng cùng tìm hiểu kĩ hơn về vấn đề này cùng Luật Hòa Nhựt.

1. Quy định độ tuổi thành lập, góp vốn vào công ty

Với nền kinh tế thị trường hội nhập sôi động như hiện nay của Việt Nam thì lứa tuổi khởi nghiệp rất đa dạng và phong phú và để kiểm soát, điều phối một cách phù hợp thì pháp luật nước ta cũng đã có những quy định cụ thể về cá nhân có đủ điều kiện để thành lập doanh nghiệp, trong đó có cả độ tuổi thích hợp:

Căn cứ theo khoản 1 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định:

"Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này." 

Theo đó khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định cụ thể: 

"Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

a) Cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh      thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại các doanh nghiệp hoặc quản lý tại các doanh nghiệp nhà nước; 

d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại các doanh nghiệp khác;

đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế hành vi năng lực dân sự; người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng. 

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

g) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự."

Có thể thấy một trong những trường hợp quy định không được phép thành lập và quản lý doanh nghiệp đó là:

"Người chưa thành niên; người bị hạn chế hành vi năng lực dân sự; người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân."

Như vậy nếu xét về độ tuổi  thì cá nhân chưa thành niên sẽ không được phép thành lập và quản lý doanh nghiệp. Và theo căn cứ tại Khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 về người chưa thành niên là những người chưa đủ mười tám tuổi.

Do đó, cá nhân đủ mười tám tuổi sẽ có quyền thành lập và quản lý công ty.  

Bên cạnh đó tại khoản 3 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 có quy định như sau: 

"Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng."

Kết hợp với quy định tại Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì đối với trường hợp góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào doanh nghiệp pháp luật không giới hạn độ tuổi tham gia. Vì thế, người thành niên hay chưa thành niên đều có quyền góp vốn vào công ty. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là không phải bất cứ công dân từ đủ tuổi theo quy định của pháp luật là có thể tham gia thành lập, quản lý và góp vốn vào doanh nghiệp. Vì ngoài đáp ứng về độ tuổi thì cá nhân từ đủ mười tám tuổi trở lên còn cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không nằm trong trường hợp bị cấm. 

 2. Độ tuổi quy định được phép thừa kế doanh nghiệp

Người thừa kế là người được hưởng di sản theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật. Và người thừa kế là cá nhân thì phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc nếu là người được sinh ra và còn sồng sau thời điểm mở thừa kế thì phải đã thành thai trước khgi người để lại di sản chết. Bên cạnh đó, thừa kế công ty có thể hiểu là thừa kế phần vốn góp, cổ phần và/hoặc quản lý, điều hành công ty.

Thêm vào đó, theo khoản 2,3 và 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì việc thừa kế phần vốn góp, cổ phần của người chưa thành niên sẽ thông qua người đại diện theo pháp luật, cụ thể: 

- Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi sẽ do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

- Đối với người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi. 

- Người từ đủ mười lăm đến chưa đủ mười tám tuổi sẽ được tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản cần phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Cùng với quy định tại Điều 136 Bộ luật Dân sự năm 2015, người đại diện theo pháp luật của cá nhân như sau:

- Cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

- Người giám hộ đối với người được giám hộ;

- Người được Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. 

Trong trường hợp người giám hộ là người địa diện theo pháp luật của người thừa kế dưới 18 tuổi thì áp dụng Điều 52 Bộ luật Dân sự năm 2015 thứ tự được xác định như sau:

- Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người dám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ;

- Trường hợp không có người giám hộ quy định như trên thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ;

- Trường hợp không có người giám hộ quy định như khoản 1 khoản 2 thì bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột hoặc dì ruột làm người giám hộ. 

Những người này sẽ là người đại diện theo pháp luật của người thừa kế dưới mười tám tuổi và thay thế, đại diện cho họ tiếp quản, sở hữu công ty cho đến khi họ đủ mười tám tuổi. 

Ngoài ra với trường hợp chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên mất, theo khoản 3 Điều 78 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định, trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ sở hữu công ty hoặc thành viên trong công ty. Nếu chủ sở hữu công ty chỉ có duy nhất người thừa kế là người dưới 18 tuổi thì theo quy định của luật doanh nghiệp thì người này không thể trở thành chủ sở hữu công ty. 

Như vậy thì để được thành lập và quản lý công ty thì cá nhân phải đủ 18 tuổi, còn nếu dưới 18 tuổi thì có thể góp vốn, mua cổ phần công ty thông qua người đại diện theo pháp luật và không hạn chế độ tuổi thừa kế doanh nghiệp nhưng phải đáp ứng đủ điều kiện theo pháp luật. 

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác quý khách hàng vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại, hãy gọi: 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!

Link nội dung: https://luathoanhut.vn/quy-dinh-do-tuoi-thanh-lap-cong-ty-gop-von-thua-ke-doanh-nghiep-a20458.html