Kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh liên quan đến IPRs

Hiệp định TRIPS yêu cầu các thành viên quy định các biện pháp hình sự và hình phạt được áp dụng ít nhất đối với các trường hợp cố ý giả mạo nhãn hiệu hoặc sao chép lậu với quy mô thương mại. Các thành viên cũng phải quy định các chế tài như phạt tù, phạt tiền, tịch thu, trưng thu, tiêu hủy hàng hoá

1. Những quy định linh hoạt

Các quy định linh hoạt, được quy định tại khoản 2 Điều 8 và khoản 2 Điều 40 Hiệp định TRIPS, cho phép các thành viên áp dụng ‘các biện pháp thích hợp’ để ngăn chặn, xử lí những hành vi hạn chế cạnh tranh liên quan đến IPRs. Với quy định tại khoản 2 Điều 8, các thành viên thừa nhận rằng: những hành vi hạn chế cạnh tranh liên quan đến IPRs ‘có thể cần… phải được ngăn ngừa’, và các thành viên được trao quyền xử lí những hành vi này. Cụm từ ‘có thể cần’ thừa nhận thẩm quyền của các thành viên đối với những hành vi hạn chế cạnh tranh liên quan đến IPRs. Những hành vi này bao gồm lạm dụng IPRs bởi những người nắm giữ quyền, cản trở hoạt động thương mại một cách bất hợp pháp, gây ảnh hưởng xấu đến chuyển giao công nghệ quốc tế. Quyền kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh phát sinh từ hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ được quy định tại Điều 40. Điều 40 bao gồm bốn khoản, trong đó các khoản 1 và 2 quy định về nội dung, còn các khoản 3 và 4 quy định về các vấn đề thực thi. Điều 40 là quy định ‘đặc biệt’ trong mối quan hệ với khoản 2 Điều 8, theo đó Điều 40 nêu giới hạn phạm vi của khoản 2 Điều 8 và chỉ liên quan đến một số hành vi của chủ thể nắm giữ IPRs được liệt kê tại khoản 2 Điều 8. Điều 40 thuộc Mục 8 của Hiệp định TRIPS và mục này có tiêu đề ‘Kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ’. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 40 đề cập thuật ngữ chung ‘một số hoạt động hoặc điều kiện chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ’ bao hàm tất cả các hành vi xoanh quanh việc xác lập và thực hiện hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ. Do đó, hành vi đơn phương và các điều khoản hợp đồng mang tính giới hạn liên quan đến IPRs đều thuộc phạm vi điều chỉnh của khoản 1 Điều 40. Khoản 1 Điều 40 thừa nhận rằng: ‘Một số hoạt động hoặc điều kiện chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ liên quan đến IPRs có tính chất hạn chế cạnh tranh có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động thương mại và có thể cản trở việc chuyển giao và phổ biến công nghệ’. Do đó, khoản 1 Điều 40 cũng ‘nước đôi’ như khoản 2 Điều 8. Trong khi khoản 1 Điều 40 không liệt kê những hoạt động hoặc điều kiện chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ bị coi là hạn chế cạnh tranh, khoản 2 Điều 40 liệt kê một số hoạt động này như ‘điều kiện chuyển giao IPRs dưới hình thức độc quyền, điều kiện ngăn cấm việc không thừa nhận hiệu lực và việc chuyển giao quyền sử dụng trọn gói’. Tuy nhiên, từ ‘chẳng hạn’ cho thấy đây không phải là danh mục được liệt kê đầy đủ. Điều này cho phép các thành viên WTO định nghĩa ‘điều kiện và hoạt động chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ’. Hơn nữa, khoản 2 Điều 40 nhấn mạnh việc cho phép các thành viên WTO thiết lập và xác định nội dung pháp luật cạnh tranh nhằm khống chế hoặc ngăn chặn điều kiện và hoạt động chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ bị coi là hạn chế cạnh tranh. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 40 ghi nhận thẩm quyền của các thành viên được ‘áp dụng các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa, khống chế’ những hoạt động đó, đồng thời đòi hỏi các thành viên tuân thủ những nghĩa vụ tối thiểu nhất định. Tóm lại, khoản 2 Điều 8, khoản 1 Điều 40 và khoản 2 Điều 40 cho phép các thành viên WTO được tự do trong việc xử lí những hành vi hạn chế cạnh tranh liên quan đến IPRs. Cụ thể, các thành viên có quyền xử lí những hành vi đó; định nghĩa hành vi hạn chế cạnh tranh liên quan đến IPRs, và điều kiện hoặc hoạt động chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ; thiết lập và xác định nội dung của pháp luật cạnh tranh nhằm khống chế hoặc ngăn chặn những hành vi nêu trên.

2. Những tiêu chuẩn tối thiểu

Bên cạnh những quy định linh hoạt về hành vi hạn chế cạnh tranh liên quan đến IPRs, khoản 2 Điều 8 và khoản 2 Điều 40 Hiệp định TRIPS quy định những tiêu chuẩn tối thiểu cho các biện pháp ngăn chặn hành vi hạn chế cạnh tranh liên quan đến IPRs. Cụ thể, các thành viên có quyền quyết định điều chỉnh hay không điều chỉnh hành vi hạn chế cạnh tranh liên quan đến IPRs bằng pháp luật cạnh tranh của nước mình. Nếu các thành viên điều chỉnh hành vi này, thì pháp luật cạnh tranh của nước này phải phù hợp với các quy định khác của Hiệp định TRIPS và thích hợp để ngăn chặn những hành vi hạn chế cạnh tranh liên quan đến IPRs. Nói cách khác, những biện pháp này phải đáp ứng hai điều kiện là sự ‘phù hợp’ và ‘thích hợp’. Hơn nữa, các khoản 3 và 4 Điều 40 yêu cầu các thành viên WTO có nghĩa vụ thương lượng và hợp tác trong kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh liên quan đến IPRs. Thứ nhất, khoản 2 Điều 8 và khoản 2 Điều 40 yêu cầu các biện pháp kiểm soát hoặc ngăn chặn hành vi hạn chế cạnh tranh liên quan đến IPRs phải ‘phù hợp’ với các quy định khác của Hiệp định TRIPS. Thứ hai, khoản 2 Điều 8 và khoản 2 Điều 40 yêu cầu các biện pháp này phải ‘thích hợp’ và ‘cần thiết’. Yêu cầu về sự ‘thích hợp’ được giải thích trong một số văn bản của WTO và được WTO giải thích chi tiết hơn trong một số án lệ liên quan đến GATT/GATS. Ví dụ: các vụ Korea-Measures Affecting Import of Fresh; Chilled and Frozen Beef; European Communities-Measures Affecting Asbestos-containing Products; European Communities-Trade Description of Sardines; Japan-Measures Affecting the Importation of Apples; United States-Measures Affecting the Cross-Border Supply of Gambling and Betting Services; European Communities- Measures Affecting the Approval and Marketing of Biotech Products. Thứ ba, các khoản 3 và 4 Điều 40 thiết lập nghĩa vụ thương lượng và hợp tác trong kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh liên quan đến hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ. Đây là thoả thuận quốc tế đa phương đầu tiên thiết lập nghĩa vụ hợp tác trong thực thi pháp luật chống độc quyền.

3. Các nghĩa vụ chung trong thực thi IPRs

Theo yêu cầu của Hiệp định TRIPS, pháp luật quốc gia của các thành viên WTO phải quy định các thủ tục thực thi, cho phép hành động một cách có hiệu quả chống lại hành vi xâm phạm IPRs được đề cập trong Hiệp định, trong đó bao gồm các chế tài khẩn cấp nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm và các chế tài nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm tiếp theo. Các thủ tục thực thi phải được áp dụng theo cách thức nhằm tránh tạo ra những rào cản cho hoạt động thương mại hợp pháp và nhằm quy định những biện pháp chống lạm dụng các thủ tục thực thi (khoản 1 Điều 41). Hơn nữa, các thủ tục thực thi phải đúng đắn và công bằng, không phức tạp và tốn kém một cách không cần thiết, không bao gồm những thời hạn bất hợp lí hoặc những trì hoãn không có lí do chính đáng (khoản 2 Điều 41). Trong vụ Canada-The term of Patent Protection, 308 Ban hội thẩm chỉ ra rằng:

Những chậm trễ mà người nộp đơn phải gánh chịu do sự không sát sao của người nộp đơn, do sắp đặt lại thủ tục, do không thanh toán phí và không phúc đáp thông báo của xét nghiệm viên sáng chế bị coi là không phù hợp với nguyên tắc chung rằng thủ tục thực thi không được phức tạp một cách không cần thiết như quy định nhấn mạnh tại khoản 2 Điều 41. Các quyết định xử lí vụ việc cần phải được: thể hiện bằng văn bản và nêu rõ lí do; ít nhất phải được trao cho các bên tham gia khiếu kiện mà không được chậm trễ quá mức; phải dựa vào chứng cứ mà các bên đã có cơ hội trình bày (khoản 3 Điều 41). Các bên tham gia khiếu kiện phải có cơ hội yêu cầu cơ quan tư pháp xem xét lại các quyết định hành chính cuối cùng và ít nhất là các khía cạnh pháp lí của các quyết định xét xử vụ việc ở cấp sơ thẩm. Quy định này không áp dụng cho những tuyên bố vô tội trong các vụ án hình sự (khoản 4 Điều 41).

4. Các chế tài, thủ tục dân sự và hành chính

Hiệp định TRIPS bao gồm những quy định chi tiết về thực thi IPRs bằng biện pháp dân sự và hành chính. Những quy định này tập trung vào các vấn đề sau đây: (i) Yêu cầu thủ tục thực thi phải đúng đắn và công bằng (Điều 42); (ii) Chứng cứ (Điều 43); (iii) Lệnh của toà án (Điều 44); (iv) Bồi thường thiệt hại (Điều 45); (v) Các biện pháp chế tài khác, ví dụ: cơ quan có thẩm quyền ra lệnh tiêu hủy hàng hoá vi phạm hoặc các vật liệu và phương tiện được sử dụng để tạo ra hàng hoá vi phạm (Điều 46); (vi) Quyền được thông tin (Điều 47); (vii) Bồi thường cho bị đơn (Điều 48); và (viii) Áp dụng những hướng dẫn nêu trên trong thực thi IPRs bằng biện pháp hành chính (Điều 49).

Các biện pháp tạm thời

Các biện pháp tạm thời được áp dụng nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm IPRs, đặc biệt nhằm ngăn chặn hàng hoá vào các kênh thương mại, trong đó bao gồm hàng hoá nhập khẩu ngay sau khi hoàn thành thủ tục hải quan và nhằm lưu giữ các chứng cứ liên quan đến hành vi bị khiếu kiện là xâm phạm quyền (khoản 1 Điều 50). Các biện pháp tạm thời cũng được áp dụng, ‘khi mà bất kì sự chậm trễ nào cũng có thể tạo nguy cơ gây hậu quả không khắc phục được cho chủ thể nắm giữ quyền, hoặc khi thấy rằng chứng cứ đang có nguy cơ bị tiêu hủy’ (khoản 2 Điều 50). Cơ quan xét xử và cơ quan hành chính có thẩm quyền áp dụng các biện pháp tạm thời. Nhằm chống lại sự lạm dụng các biện pháp tạm thời, Hiệp định TRIPS quy định cơ quan xét xử có thể yêu cầu nguyên đơn: (i) Cung cấp bất kì chứng cứ nào có thể có được một cách hợp lí, đủ sức thuyết phục rằng nguyên đơn là chủ thể quyền, và quyền của nguyên đơn đang bị xâm phạm hoặc rõ ràng có nguy cơ bị xâm phạm (khoản 3 Điều 50); và (ii) Buộc nguyên đơn nộp một khoản bảo đảm hoặc bảo hiểm tương đương đủ để bảo vệ bị đơn và ngăn chặn sự lạm dụng (khoản 3 Điều 50). Bên cạnh đó, trong một thời hạn hợp lí, bị đơn có quyền yêu cầu xem xét lại lệnh áp dụng các biện pháp tạm thời để quyết định những biện pháp này có phải sửa đổi, hủy bỏ hay nên giữ nguyên (khoản 4 Điều 50).

5. Những yêu cầu đặc biệt liên quan đến các biện pháp kiểm soát biên giới

Các biện pháp kiểm soát biên giới được quy định nhằm xử lí hàng hoá giả mạo nhãn hiệu hoặc hàng hoá sao chép lậu (Điều 51). Các biện pháp này cho phép cơ quan hải quan ngăn chặn hàng hoá nhập khẩu là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu hoặc hàng hoá sao chép lậu được đưa vào lưu thông tự do. Theo quy định tại Điều 60, các thành viên có thể không áp dụng quy định này trong trường hợp nhập khẩu với số lượng nhỏ và không có mục đích thương mại, ví dụ, hàng hoá trong hành lí cá nhân của hành khách hoặc hàng hoá nhỏ được kí gửi. Hiệp định TRIPS dành quyền tự quyết cho các thành viên WTO trong áp dụng các thủ tục tương ứng đối với những hàng hoá xâm phạm được tập kết để xuất khẩu ra khỏi lãnh thổ của mình (Điều 51). Tương tự như đối với các biện pháp tạm thời, Hiệp định TRIPS đưa ra một số quy định nhằm ngăn chặn lạm dụng các biện pháp kiểm soát biên giới. Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu nguyên đơn nộp khoản bảo đảm hoặc bảo hiểm tương đương đủ để bảo vệ bị đơn và các cơ quan có thẩm quyền, đồng thời ngăn chặn sự lạm dụng. Người nhập khẩu và nguyên đơn phải được thông báo ngay về việc đình chỉ thông quan đối với hàng hoá (Điều 54). Nếu chủ thể nắm giữ quyền thất bại trong việc đề xướng các thủ tục ra quyết định giải quyết vụ việc trong thời hạn 10 ngày làm việc, thì thông thường hàng hoá sẽ phải được thông quan (Điều 55). Trong trường hợp hàng hoá được cho là vi phạm liên quan đến kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, thiết kế bố trí hoặc thông tin bí mật, hàng hoá sẽ được thông quan nếu người nhập khẩu nộp khoản bảo đảm đủ bảo vệ chủ thể nắm giữ quyền đối với bất kì xâm phạm nào, thậm chí khi các thủ tục ra quyết định giải quyết vụ việc đã được tiến hành (khoản 2 Điều 53). Về chế tài, cơ quan có thẩm quyền có quyền ra lệnh tiêu hủy hàng hoá vi phạm hoặc đưa những hàng hoá này ra khỏi các kênh thương mại theo cách thức không gây tổn hại tới các quyền khiếu kiện của chủ thể nắm giữ quyền (Điều 59).

Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!

Link nội dung: https://luathoanhut.vn/kiem-soat-hanh-vi-han-che-canh-tranh-lien-quan-den-iprs-a20506.html