Đối với những hàng hóa đang lưu thông trên thị trường thì hầu hết đều có mã số mã vạch. Phần mã số giúp chúng ta có thể nhận diện được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa; còn phần mã vạch sẽ được các thiết bị điện tử quét đọc để dễ dàng quản lý.
Mã số mã vạch còn mang lại lợi ích cho cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh và doanh nghiệp vì mặt hàng, sản phẩm của họ có thể được bày bán với thị trường rộng hơn như trong các siêu thị, đại lý, xuất khẩu ra nước ngoài,.....
HIện nay, mã vạch được sử dụng nhiều nhất là mã vạch EAN (tiếng anh là: European Article Number). Đây là mã vạch thuộc sự quản lý của EAN - UCC (European Article Numbering - Uniform Code Council) để xác định các sản phẩm của các doanh nghiệp đang bày bán trên thị trường.
Ngoài mã vạch EAN thì còn có những loại mã số mã vạch khác như: mã thùng EAN (DUN - 14); mã địa điểm GLN; mã số container vận chuyển SSCC;....
Mã EAN có ưu điểm là dễ dàng nhận biết được một số thông tin của hàng hóa, tiết kiệm được nhân lực và thời gian để quản lý.
Có hai loại mã vạch EAN được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới: (1) EAN - 13 và (2) EAN - 8. EAN - 13 được sử dụng nhiều hơn so với EAN - 8 vì dễ nhận biết, nhiều máy quét mã vạch có thể giải mã nhanh chóng. Nhưng EAN - 13 cũng có nhược điểm là bị giới hạn ký tự mã hóa nên không thể phát triển mở rộng hơn.
Mã vạch EAN - 13 được chia thành 04 nhóm, từ trái sang phải:
+ Nhóm 1 - 03 chữ số đầu là mã vạch quốc gia, vùng lãnh thổ: Việt Nam có mã vạch quốc gia là 893, Thái Lan có mã vạch quốc gia là 885.
+ Nhóm 2 - 04 chữ số tiếp theo là mã số doanh nghiệp: mã số này sẽ có quốc gia cấp cho doanh nghiệp nước mình
+ Nhóm 3 - 05 chữ số tiếp theo là mã số của hàng hóa: mã số hàng hóa do đơn vị sản xuất quy định đối với hành hóa của mình.
+ Nhóm 4 - số cuối cùng là số kiểm tra
Mã vạch EAN - 8 thì chia thành 03 nhóm, từ trái sang phải:
+ Nhóm 1 - 03 chữ số đầu là mã quốc gia, vùng lãnh thổ
+ Nhóm 2 - 04 chữ số tiếp theo là mã số mặt hàng của doanh nghiệp
+ Nhóm 3 - số cuối cùng là số để kiểm tra
Tóm lại, mã vạch là phương án hoàn toàn phù hợp với các doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể quản lý, kiểm soát số lượng sản phẩm của mình. Đồng thời, khi kiểm tra mã vạch thì ta có thể biết, xác định được nguồn gốc xuất xứ, tên công ty, địa chỉ sản xuất, ngày sản xuất,....Trên thực tế, mã số mã vạch không phải là căn cứ chính xác để người tiêu dùng đó là hàng giả, hàng nhái hay không nhưng thông qua đó khách hàng có thể nắm bắt được những thông tin cơ bản về sản phẩm và nhà sản xuất.
Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 13/2022/NĐ-CP và khoản 9 Điều 1 Nghị định 74/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, thủ tục đăng ký mã số, mã vạch được thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng mã số, mã vạch thì cần chuẩn bị những giấy tờ, tài liệu sau:
+ Đơn đăng ký sử dụng mã số, mã vạch (Mẫu số 12 Phu lục ban hành kèm theo Nghị định 13/2022/NĐ-CP)
+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định thành lập. (Nếu nộp trực tiếp thì cần cầm bản chính để đối chiều, còn nộp qua đường bưu điện thì phải nộp bản sao được chứng thực hoặc bản sao y bản chính có ký tên, đóng dấu)
+ Bảng kê danh mục sản phẩm đăng ký mã số, mã vạch
Bước 2: Nộp hồ sơ và trả kết quả
Sau khi hoàn thành hồ sơ đăng ký sử dụng mã số, mã vạch thì tổ chức, cá nhân sẽ nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan thường trực về mã số, mã vạch xét thấy hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì tiến hành thông báo cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ để sửa đổi, bổ sung.
Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ và tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đóng các khoản phí theo quy định thì trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan thường trực về mã số, mã vạch có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận mã số, mã vạch.
Lưu ý rằng thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận không quá 03 năm kể từ ngày cấp.
Căn cứ vào Điều 4 Thông tư 232/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cấp mã số mã vạch, mức phí đăng ký và sử dụng mã số mã vạch được quy định như sau:
+ Mức thu phí cấp và hướng dẫn sử dụng mã số mã vạch:
STT | Phân loại phí | Mức thu (đồng/mã) |
1 | Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 (không phân biệt mã số đăng ký sử dụng) | 1.000.000 |
2 | Sử dụng mã địa điểm toàn cầu | 300.000 |
3 | Sử dụng mã số thương phẩm toàn cầu 8 chữ số EAN - 8 (GTIN - 8) | 300.000 |
+ Mức thu phí đăng ký (xác nhận) sử dụng mã số mã vạch nước ngoài:
STT | Phân loại | Mức thu |
1 | Hồ sơ có ít hơn hoặc 50 mã sản phẩm | 500.000 đồng/hồ sơ |
2 | Hồ sơ trên 50 mã sản phẩm | 10.000 đồng/mã |
+ Mức thu phí duy trì sử dụng mã số mã vạch hàng năm (niên phí):
STT | Phân loại phí | Mức thu (đồng/năm) |
1 | Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 | |
1.1 | Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 loại 10 số (tương ứng với trường hợp doanh nghiệp được sử dụng 100 số vật phẩm) | 500.000 |
1.2 | Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 loại 9 số (tương ứng với trường hợp doanh nghiệp được sử dụng 1.000 số vật phẩm) | 800.000 |
1.3 | Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 loại 8 số (tương ứng với trường hợp doanh nghiệp được sử dụng 10.000 số vật phẩm) | 1.500.000 |
1.4 | Sử dụng mã số doanh nghiệp GS1 loại 7 số (tương ứng với trường hợp doanh nghiệp được sử dụng 100.000 số vật phẩm) | 2.000.000 |
2 | Sử dụng mã địa điểm toàn cầu (GLN) | 200.000 |
3 | Sử dụng mã số thương phẩm toàn cầu 8 chữ số EAN - 8 (GTIN - 8) | 200.000 |
Tổ chức, cá nhân được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch sau ngày 30 tháng 6 nộp 50% mức phí duy trì tương ứng với từng loại mã số mã vạch.
Thời hạn kê khai, nộp phí chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước.
Từ đó, chủ Giấy chứng nhận cần chú ý đến thời hạn đăng ký gia hạn cũng như thời hạn kê khai, nộp phí để tránh trường hợp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hay những hậu quả pháp lý khác.
Theo quy định tại Điều 32 Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hành hóa (được bổ sung bởi khoản 56 Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP), những hành vi vi phạm về sử dụng mã số, mã vạch sẽ bị xử phạt như sau:
(1) Bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu thực hiện hành vi sau:
+ Không đăng ký lại với cơ quan có thẩm quyền khi có sự thay đổi về tên gọi, địa chỉ giao dịch trên giấy phép kinh doanh hoặc không thông báo bằng văn bản khi Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch bị mất hoặc hỏng.
+ Sử dụng mã số mã vạch khi Giấy chứng nhận hết hiệu lực; không xuất trình được văn bản hợp pháp chứng minh về quyền sử dụng mã số mã vạch khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
+ Không khai báo và cập nhập danh mục các mã số thương phẩm toàn cầu GTIN và mã số địa điểm toàn cầu GLN được sử dụng cho cơ quan có thẩm quyền
+ Khai báo thông tin về mã số mã vạch trên cơ sở dữ liệu mã số mã vạch quốc gia không đúng với thông tin thực tế thương phẩm sử dụng mã GTIN hoặc địa điểm sử dụng mã GLN thể hiện hoặc sử dụng mã truy vết, thẻ, tem nhãn hoặc định dạng bằng một phương thức thích hợp để cung cấp thông tin nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nhưng không có dữ liệu hoặc có dữ liệu nhưng nội dung, dữ liệu không đúng quy định, hoặc thực hiện gắn thẻ, tem, nhãn hoặc định dạng bằng một phương thức thích hợp để thể hiện cung cấp thông tin nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nhưng không khai báo, cập nhập thông tin đúng quy định về việc thực hiện hình thực, nội dung thẻ, tem, nhãn định dạng bằng một phương thức thích hợp.
(2) Bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với những hành vi vi phạm sau:
+ Sử dụng mã số mã vạch có đầu mã quốc gia Việt Nam mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp quyền sử dụng mã số mã vạch.
+ Sử dụng mã số mã vạch đã bị thu hồi
+ Bán, chuyển nhượng mã sô mã vạch
(3) Bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 về những hành vi:
+ Sử dụng mã số mã vạch nước ngoài để in trên sản phẩm, hàng hóa sản xuất, gia công, bao gói, sang chiết tại Việt Nam mà không được chủ sở hữu mã nước ngoài cho phép chuyển quyền sử dụng tại Việt Nam.
+ Sử dụng các dấu hiệu gây nhầm lẫn với mã số mã vạch của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và Tổ chức mã số mã vạch quốc tế.
(4) Bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vị:
+ Cung cấp hoặc sử dụng nguồn dữ liệu về mã số mã vạch không đúng với nguồn dữ liệu mã số mã vạch của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và Tổ chức mã số mã vạch quốc tế.
+ Cung cấp thông tin sai lệch về chủ sở hữu hoặc đối tượng sử dụng mã số mã vạch hợp pháp đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam cấp; phát triền và cung cấp các dịch vụ, giải pháp, ứng dụng dựa trên nền tảng mã số, mã vạch của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam khi chưa được phép.;....
(5) Không thực hiện đóng phí duy trì sử dụng mã số mã vạch đúng quy định thì bị phạt tiền từ 1 đến 3 lần số tiền phí duy trì sử dụng mã số mã vạch (tối đa à 50.000.000 đồng).
(6) Đối với hành vi buôn bán hàng hóa vi phạm quy định về mã số mã vạch thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 15.000.000 đồng và mức phạt phụ thuộc vào giá trị của hàng hóa là bao nhiêu.
Như vậy, việc đăng ký mã số mã vạch là không bắt buộc nhưng chúng ta cần cân nhắc giữa những ưu nhược điểm mà mã số mã vạch mang lại để có thể đưa ra quyết định có đăng ký sử dụng hay không. Nếu đăng ký sử dụng thì cá nhân, tổ chức cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về việc sử dụng mã số mã vạch.
Trên đây là nội dung về "Thủ tục đăng ký mã số mã vạch cho sản phẩm" mà Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến khách hàng. Nếu Quý khách hàng còn bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này hay vấn đề pháp lý thì vui lòng liên hệ tới bộ phận tổng đài tư vấn pháp luật qua số 1900.868644 hoặc gửi thư qua địa chỉ email [email protected] để được giải đáp kịp thời. Xin chân thành cảm ơn!
Link nội dung: https://luathoanhut.vn/thu-tuc-dang-ky-ma-so-ma-vach-cho-san-pham-a20818.html