Thuê, mượn tài khoản ngân hàng có vi phạm pháp luật?

Do cả tin hay chỉ vì món lợi nhỏ trước mắt mà nhiều người dễ dàng cho người khác mượn tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch cá nhân dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường... Vậy thuê, mượn tài khoản ngân hàng có vi phạm pháp luật không?

1. Thuê, mượn tài khoản ngân hàng có vi phạm pháp luật?

Căn cứ theo quy định tại khoản 5, khoản 9, khoản 10 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm c khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP quy định xử lý hành vi vi phạm quy định về hoạt động thanh toán, như sau:

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

+ Làm giả chứng từ thanh toán khi cung ứng, sử dụng dịch vụ thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm

Theo đó, khi có hành vi thuê, mượn tài khoản ngân hàng thì cá nhân có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đến 50.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng và còn bị buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Đối với tổ chức thì mức phạt sẽ từ 80.000.000 đến 100.000.000 đồng. Cho nên các chủ tài khoản lưu ý không cho thuê, mượn tài khoản thanh toán để tránh bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.

Ngoài ra, theo quy định tại điều 17 của Bộ luật Hình sự năm 2015, đồng phạm là có từ hai người trở lên cố ý thực hiện một hành vi phạm tội. Nếu bản thân biết được người sử dụng tài khoản ấy vào việc lừa đảo mà vẫn cố tình cho thuê thì sẽ là hành vi đồng phạm với tội phạm lừa đảo. Trong trường hợp thực sự không biết về mục đích thuê tài khoản của mình để lừa đảo thì không phải đồng phạm.

Như vậy, đối tượng vi phạm ngoài việc chịu trách nhiệm về xử phạt tiền còn phải chịu trách nhiệm hình sự. Mặt khác, việc cho mượn tên, giấy tờ để làm thẻ, mở tài khoản, cho thuê tài khoản hiểu theo góc độ nào đó cũng là một hình thức tiếp tay cho đối tượng lừa đảo, nếu các tài khoản này trở thành phương tiện cho các đối tượng lừa đảo nhận tiền của các phi vụ lừa đảo và kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến hoạt động giao dịch cũng như bảo đảm tài sản của tổ chức, cá nhân.

Do đó nếu lỡ rơi vào hoàn cảnh như vậy thì phải chứng minh được rằng bản thân không biết người thuê tài khoản để sử dụng vào mục đích phạm pháp nói chung và lừa đảo nói riêng và hoàn toàn không liên quan tới việc làm sai trái của người thuê tài khoản.

2. Rủi ro khi mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng

Lợi dụng tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, nhiều người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, không nhận diện được thủ đoạn tội phạm nên hiện nay có nhiều đối tượng lôi kéo, dẫn dụ thuê mướn để sử dụng thông tin, giấy tờ cá nhân đăng ký mở tài khoản ngân hàng.

Sau đó, các đối tượng này thu mua lại với giá từ 500.000 - 1 triệu đồng, nhưng yêu cầu người bán tài khoản gửi giấy tờ liên quan qua đường xe khách, bưu điện đến địa điểm đối tượng cung cấp, hoàn toàn không gặp mặt trực tiếp.

Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng tội phạm thường thực hiện đó là đăng rao mua bán tài khoản trên không gian mạng, dụ dỗ thuê mở tài khoản để "đạt chỉ tiêu kinh doanh" với khoản "thù lao" hấp dẫn. Thậm chí còn có tình trạng trộm, mượn giấy tờ tùy thân của khách hàng để mở tài khoản ảo.

Với những tài khoản được mua bán này, các đối tượng phạm tôi sẽ sử dụng làm địa chỉ nhận tiền lừa đảo trên mạng, sử dụng làm công cụ để rửa tiền. Thậm chí còn xuất hiện cả việc lợi dung tài khoản để vay tiền, mở thẻ tín dụng, từ đó "bùng" tiền vay, chiếm đoạt hạn mức thẻ tín dụng.

Rủi ro xảy ra đối với khách hàng khi sập bẫy đó là sẽ phát sinh nợ xấu do đối tượng lợi dụng tài khoản ngân hàng để vay tiền ngân hàng và khách hàng phải chịu trách nhiệm với khoản vay đứng tên trên hợp đồng. Khách hàng cũng sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý khi tài khoản bị sử dụng và mục đích phi pháp như rửa tiền, sử dụng làm địa chỉ nhận tiền lừa đảo.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra khuyến cáo người dân không mở hộ hoặc cho mượn giấy tờ tùy thân để đăng ký mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, các hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Trong đó, những trường hợp nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật nếu gây thiệt hại.

Việc cho người khác sử dụng tài khoản ngân hàng của mình để giao dịch là điều hoàn toàn không nên làm. Để tránh hệ lụy xảy ra, mọi người phải luôn cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp các thông tin bao gồm số thẻ, hiệu lực thẻ, mã số bảo vệ in trên mặt sau thẻ, mật khẩu giao dịch ngân hàng trực tuyến, mã PIN cho người khác, kể cả nhân viên ngân hàng. Đặc biệt, nên cẩn trọng khi cho người khác mượn tài khoản của mình, trong trường hợp cần thiết thì chủ tài khoản ủy quyền cho người khác sử dụng và việc ủy quyền này phải được lập thành văn bản, được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Khó khăn trong việc phát hiện, xử lý lừa đảo quan số tài khoản ngân hàng

Nhiều người đặt câu hỏi vì sao đã có thông tin về số điện thoại và số tài khoản ngân hàng nhưng vẫn chưa lần ra được tung tích của kẻ lừa đảo; bởi chỉ cần số tài khoản ngân hàng là có thể dễ dàng truy ra chủ tài khoản, thông tin cá nhân của người đứng sau…

Với số điện thoại, ngoài việc sử dụng các sim rác dễ dàng mua được, các đối tượng có thể sử dụng phần mềm để giả lập bất cứ số điện thoại nào mà chúng muốn. Bằng việc giả lập này, cuộc gọi tưởng là thực hiện qua mạng viễn thông, nhưng thực tế lại là cuộc gọi thông qua mạng internet bằng các ứng dụng điện tử. Thậm chí, đối tượng còn có thể giả giọng nói để xóa dấu vết.

Với tài khoản ngân hàng, hiện nay việc mua bán dữ liệu tài khoản diễn ra khá phổ biến và phức tạp. Nhiều người, bao gồm sinh viên, vì điều kiện kinh tế khó khăn mà sẵn sàng mua sim rác và cầm CMND/CCCD đến ngân hàng để mở nhiều tài khoản đứng tên mình.

Sau khi có các số tài khoản, người sở hữu sẽ rao bán cùng với số sim rác. Các đối tượng tội phạm sẽ lập tức thu mua về để sử dụng cho những hành vi phạm pháp.

Khi nạn nhân bị lừa đảo chuyển tiền vào các số tài khoản đối tượng cung cấp, người dân thường đến ngay ngân hàng do mình mở tài khoản yêu cầu hỗ trợ khóa tài khoản hoặc chặn việc giao dịch. Nhiều ngân hàng yêu cầu phải có công văn của cơ quan công an yêu cầu thì mới xử lý được.

Tuy nhiên, sự phối hợp giữa cơ quan công an với ngân hàng phải mất nhiều thủ tục và thời gian. Đến khi có sự đồng thuận giữa 2 cơ quan, thì các đối tượng đã chuyển tiền sang nhiều tài khoản khác. Khi cơ quan công an muốn phong tỏa tài khoản cá nhân phải thực hiện một số thủ tục nhất định theo trình tự pháp luật, thời gian chờ đợi rất bất cập.

Đến khi ngân hàng nhận được văn bản yêu cầu thì tiền trong tải khoản nhận của đối tượng đã chuyển đi hết, các đối tượng thường chuyển ngay sang các tài khoản khác trong thời gian ngắn.

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Thuê, mượn tài khoản ngân hàng có vi phạm pháp luật? mà Công ty Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: [email protected] để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!

Link nội dung: https://luathoanhut.vn/thue-muon-tai-khoan-ngan-hang-co-vi-pham-phap-luat-a21165.html