TANDTC giải đáp 17 vướng mắc trong xét xử có liên quan đến đất đai

Cho tôi hỏi Tòa án nhân dân tối cao có giải đáp vướng mắc trong xét xử liên quan đến đất đai nào không? – Thái Khang (Ninh Thuận)

TANDTC giải đáp 17 vướng mắc trong xét xử có liên quan đến đất đai

TANDTC giải đáp 17 vướng mắc trong xét xử có liên quan đến đất đai (Hình từ internet)

Về vấn đề này, LUẬT HÒA NHỰT giải đáp như sau:

TANDTC giải đáp 17 vướng mắc trong xét xử có liên quan đến đất đai

Ngày 03/10/2023, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn 196/TANDTC-PC thông báo kết quả giải đáp trực tuyến vướng mắc trong công tác xét xử.

Theo đó, ngày 24/4/2023, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị trực tuyến giải đáp một số vướng mắc trong công tác xét xử của các Tòa án. Trên cơ sở các vướng mắc và giải đáp của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp một số vướng mắc, trong đó giải đáp 17 vướng mắc trong xét xử có liên quan đến đất đai như sau:

Vướng mắc 1

Các đối tượng có hành vi lấn chiếm đất và đã xây dựng nhà, công trình, vật kiến trúc trái phép trên đất lấn chiếm. Sau đó, có một số đối tượng khác đến tiếp tục lấn chiếm trên những phần đất này và có hành vi đập phá nhà, công trình, vật kiến trúc đã xây dựng trái phép nêu trên. Hành vi đập phá nhà, công trình, vật kiến trúc xây dựng trái phép của các đối tượng trên có cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật Hình sự không?

Khoản 1 Điều 178 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:

Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ...

Các đối tượng xây dựng nhà, công trình, vật kiến trúc trái phép trên diện tích đất do Nhà nước quản lý là hành vi vi phạm pháp luật được quy định trong Luật Đất đai năm 2013, Luật Xây dựng năm 2014 và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật đó như thế nào và bằng biện pháp gì là thuộc thẩm quyền của cơ quan Nhà nước. Việc các đối tượng khác đến tiếp tục lấn chiếm trên những phần đất này và có hành vi đập phá nhà, công trình, vật kiến trúc đã xây dựng trái phép nêu trên thì phạm tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” được quy định tại Điều 178 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

Vướng mắc 2

Người phạm tội giả chữ ký của người sử dụng đất để thực hiện thủ tục xin cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp này, khi xét xử thì xử lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó như thế nào? Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hay tịch thu, tiêu hủy theo Điều 106 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015?

Theo Giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của Tòa án nhân dân tối cao thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyết định hành chính, nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

Tại khoản 1 Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết.

Như vậy, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, chỉ có thể bị hủy bỏ khi là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính hoặc khi Tòa án giải quyết vụ việc dân sự hoặc bị thu hồi bởi chính cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định tại Điều 106 của Luật Đất đai năm 2013. Do đó, trường hợp người phạm tội giả chữ ký của người sử dụng đất để thực hiện thủ tục xin cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này vào việc thực hiện hành vi phạm tội thì khi xét xử, Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 3 Điều 326 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó (bản chất là thu hồi giá trị pháp lý của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) mà không tịch thu, tiêu hủy theo Điều 106 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Còn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà các cơ quan tiến hành tố tụng thu giữ được trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử là tài liệu của vụ án và phải được lưu trong hồ sơ vụ án.

Vướng mắc 3

Nguyễn Văn A là người có quyền sử dụng thửa đất thổ cư tại phường X, quận Y, thành phố H. Năm 2017, A chuyển nhượng thửa đất trên cho anh Trần Văn B với giá 5 tỷ đồng, hợp đồng chuyển nhượng được công chứng theo đúng quy định của pháp luật, A đã nhận đủ tiền theo hợp đồng. Do bận công tác, anh B chưa nhận giấy tờ và nhờ A làm giúp thủ tục sang tên. Năm 2018, A lợi dụng việc anh B đi công tác xa, chủ động tìm gặp và bán thửa đất trên cho anh Hoàng Văn C với giá 3,5 tỷ đồng. Sau khi chuyển tiền cho A, anh C đã làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi anh C triển khai xây dựng công trình trên đất thì anh B phát hiện và làm đơn tố giác đến cơ quan điều tra. A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 của Bộ luật Hình sự; giá trị thửa đất được định giá là 4 tỷ đồng. Trường hợp này, việc xác định bị hại và tài sản chiếm đoạt là như thế nào?

Nguyễn Văn A phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Bị hại là anh Hoàng Văn C vì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa A và anh B được xác lập trước và hợp pháp theo quy định tại Điều 117 và Điều 401 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (Hợp đồng đã được công chứng, chứng thực, anh B đã thực hiện xong nghĩa vụ trả tiền, A đã nhận đủ tiền). Việc A tiếp tục bán đất cho anh C là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của anh C. Do đó, tài sản bị chiếm đoạt là 3,5 tỷ đồng mà A đã nhận của anh C.

Vướng mắc 4

Trong quá trình giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đề nghị hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đề nghị này có phải là yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập không?

Trong trường hợp này, cần xác định đề nghị hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là yêu cầu của đương sự, nhưng không phải là yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập. Khi giải quyết vụ việc dân sự liên quan đến việc hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải được Tòa án xem xét giải quyết trong cùng một vụ việc dân sự theo quy định tại Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Vướng mắc 5

Nguyên đơn A khởi kiện bị đơn B yêu cầu Tòa án giải quyết việc tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Trong quá trình giải quyết vụ án, xác định tài sản gắn liền với đất tranh chấp thuộc quyền sở hữu của C. Tòa án đã yêu cầu nhưng A không khởi kiện bổ sung; B không có yêu cầu phản tố và C không có yêu cầu độc lập về tài sản gắn liền với đất. Khi xét xử, có đủ căn cứ xác định toàn bộ các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ để chấp nhận. Vậy, tại phần Quyết định của Bản án chỉ cần tuyên: Không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc ....; mà không cần phải tuyên ai có quyền quản lý, sử dụng đất; ai có quyền sở hữu tài sản trên đất hay không?

Khoản 1 Điều 5 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.

Như vậy, đối với trường hợp nêu trên, trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án phải hỏi đương sự để làm rõ yêu cầu của từng đương sự. Nếu B, C không có yêu cầu về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thì Tòa án phải nhận định vấn đề này trong bản án và chỉ cần tuyên trong bản án là không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của A về tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Do B, C không yêu cầu giải quyết về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nên sẽ được giải quyết bằng một vụ án khác nếu có yêu cầu.

Vướng mắc 6

Trong vụ án dân sự về tranh chấp quyền sử dụng đất có yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Tòa án xét thấy cần phải hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thẩm quyền giải quyết như thế nào?

Khoản 4 Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định tương ứng của Luật Tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Khoản 1 Điều 31 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định Tòa án cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:

Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Khoản 4 Điều 32 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:

Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

Điểm 7, mục IV Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 hướng dẫn:

...Trường hợp đương sự khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế, không yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 26 và khoản 1 Điều 35 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Trường hợp đương sự yêu cầu chia di sản thừa kế đồng thời yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; căn cứ Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Theo các quy định của pháp luật và hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao nêu trên thì khi giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất có yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Tòa án xét thấy cần phải hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Vướng mắc 7

Trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, A vay của Ngân hàng một khoản tiền, để đảm bảo khoản vay nêu trên của A thì B, C, D, E đã đứng ra bảo đảm bằng quyền sử dụng đất riêng của mình. A vi phạm nghĩa vụ trả nợ, Ngân hàng khởi kiện yêu cầu A trả khoản vay trên, nếu không trả nợ thì yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm của B, C, D, E để thu hồi nợ. Ngân hàng không xác định được phạm vi bảo đảm cụ thể của mỗi tài sản bảo đảm cho khoản vay của A mà đề nghị Tòa án căn cứ vào thoả thuận bảo đảm toàn bộ khoản vay trong hợp đồng để giải quyết; B, C, D, E cũng không xác định được phạm vi tài sản của mình bảo đảm cho khoản vay của A. Trường hợp này, khi xét xử vụ án thì Toà án xác định phạm vi bảo đảm như thế nào?

Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định:

Một nghĩa vụ có thể được bảo đảm thực hiện bằng nhiều tài sản. Phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của từng tài sản trong số các tài sản bảo đảm được xác định theo thỏa thuận của bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm. Trường hợp không có thỏa thuận thì bất kì tài sản nào trong số đó được dùng để bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

Khoản 1 Điều 52 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định:

... Trường hợp một nghĩa vụ được bảo đảm bằng nhiều tài sản mà các bên không có thỏa thuận về việc lựa chọn tài sản bảo đảm để xử lý và pháp luật liên quan không có quy định khác thì bên nhận bảo đảm có quyền lựa chọn tài sản bảo đảm để xử lý hoặc xử lý tất cả các tài sản bảo đảm.

Như vậy, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của từng tài sản và việc lựa chọn tài sản bảo đảm để xử lý thì bất kỳ tài sản nào trong số tài sản bảo đảm của B, C, D, E đều được dùng để bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ; Ngân hàng có quyền lựa chọn tài sản bảo đảm để xử lý hoặc xử lý tất cả các tài sản bảo đảm. Trường hợp này, Ngân hàng có yêu cầu nếu A không trả nợ thì xử lý tài sản bảo đảm của B, C, D, E để thu hồi nợ. Do vậy, Tòa án phải xác định yêu cầu của Ngân hàng là xử lý tất cả các tài sản bảo đảm và mỗi tài sản đều được dùng để bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ để giải quyết theo quy định pháp luật.

Vướng mắc 8

Trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất nông nghiệp đã hết thời hạn sử dụng đất ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp này, Tòa án giải quyết tài sản thế chấp như thế nào?

Theo khoản 1 Điều 188 của Luật Đất đai năm 2013 quy định:

Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

Như vậy, tại thời điểm ký kết hợp đồng thế chấp, nếu tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất nông nghiệp đã hết thời hạn sử dụng ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép tiếp tục sử dụng đất thì không đủ điều kiện để giao kết hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất. Trường hợp này, Toà án xác định hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu khi có yêu cầu.

Trường hợp khi ký kết hợp đồng thế chấp, quyền sử dụng đất nông nghiệp vẫn còn thời hạn sử dụng nhưng khi giải quyết tranh chấp thì hết thời hạn sử dụng ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Tòa án cần có văn bản đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho biết quyền sử dụng đất đã thế chấp này có được gia hạn hay không. Nếu quyền sử dụng đất được gia hạn mà không phải làm thủ tục điều chỉnh thời hạn sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 74 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai thì Tòa án công nhận hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tiếp tục xử lý tài sản thế chấp theo quy định pháp luật. Nếu quyền sử dụng đất không thuộc trường hợp được gia hạn thì Tòa án xác định hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn và tuyên bố chấm dứt hợp đồng thế chấp theo khoản 5 Điều 422 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Vướng mắc 9

Trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng có tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, Tổ chức tín dụng không tiến hành thẩm định tài sản trước khi ký hợp đồng thế chấp. Khi Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đối với tài sản thế chấp thì không xác định được vị trí đất thế chấp theo hợp đồng. Trường hợp này, hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất có hiệu lực pháp luật không?

Khi tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đối với tài sản thế chấp mà Tòa án không xác định được vị trí đất thế chấp theo hợp đồng thì Tòa án cần có văn bản đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên thế chấp trả lời về vị trí đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp để làm căn cứ xác định vị trí đất thế chấp. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền trả lời không xác định được vị trí đất thế chấp thì Tòa án tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu do không xác định được đối tượng của hợp đồng theo Điều 408 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Vướng mắc 10

Người sử dụng đất đang thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Ngân hàng nhưng lại nhận đặt cọc để chuyển nhượng quyền sử dụng đất đang thế chấp. Khi ký kết hợp đồng đặt cọc, người nhận đặt cọc cam kết sẽ trả hết nợ ngân hàng và giải chấp để thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời hạn cam kết. Tuy nhiên, sau đó người nhận đặt cọc không trả nợ Ngân hàng để ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất như đã thỏa thuận. Trường hợp này hợp đồng đặt cọc để giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất đang thế chấp tại ngân hàng có bị vô hiệu không và xác định lỗi làm cho hợp đồng đặt cọc vô hiệu hoặc lỗi làm cho hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không ký kết được xác định thế nào?

Trường hợp này cần xác định hợp đồng đặt cọc là hợp đồng độc lập, có hiệu lực nhằm bảo đảm giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các bên. Việc người nhận đặt cọc không trả nợ Ngân hàng dẫn đến việc không thể ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất như đã thỏa thuận là vi phạm thỏa thuận của hợp đồng đặt cọc, cần xác định đây là lỗi của bên nhận đặt cọc.

Vướng mắc 11

Đối với trường hợp bất động sản là tài sản chung của vợ chồng nhưng chỉ có một bên vợ (hoặc chồng) tham gia khi ký kết hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng (mua bán), thế chấp..., bên còn lại không tham gia ký kết, không đồng ý đối với hợp đồng đó; hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng (mua bán), thế chấp không vi phạm các điều kiện có hiệu lực khác. Hợp đồng đó vô hiệu toàn bộ hay vô hiệu một phần?

Theo Điều 130 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch.

Khoản 1, 2 Điều 213 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia.

2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

Khoản 1 Điều 29 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.

Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.

2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

a) Bất động sản;

….

Theo các quy định trên thì việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng là bất động sản phải do hai vợ chồng thỏa thuận hoặc phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng. Do đó, trong trường hợp vợ chồng không có thỏa thuận định đoạt tài sản chung hoặc không có văn bản thỏa thuận phân chia tài sản; chỉ có một bên vợ hoặc chồng tham gia ký kết hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng, thế chấp... bên còn lại không tham gia ký kết, không đồng ý thì hợp đồng đó vô hiệu toàn bộ.

Tuy nhiên, trường hợp nhà đất là tài sản chung của vợ chồng mà chỉ có một người đứng tên ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đó cho người khác người còn lại không ký tên trong hợp đồng; nếu có đủ căn cứ xác định bên chuyển nhượng đã nhận đủ số tiền theo thỏa thuận, người không ký tên trong hợp đồng biết và cùng sử dụng tiền chuyển nhượng nhà đất; bên nhận chuyển nhượng nhà đất đã nhận và quản lý, sử dụng nhà đất đó công khai; người không ký tên trong hợp đồng biết mà không có ý kiến phản đối gì thì phải xác định là người đó đồng ý với việc chuyển nhượng nhà đất (theo Án lệ số 04/2016/AL ngày 06/4/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).

Vướng mắc 12

Trong vụ án hành chính về khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, Tòa án xét thấy một phần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền cấp không đúng quy định của pháp luật, trường hợp này Tòa án tuyên hủy một phần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay phải tuyên hủy toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp?

Theo hướng dẫn tại điểm 1 mục I Công văn 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề về tố tụng hành chính, tố tụng dân sự thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyết định hành chính.

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 193 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thẩm quyền “Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có); ...”

Như vậy, theo các quy định nêu trên thì khi xét xử Hội đồng xét xử có quyền tuyên hủy một phần quyết định hành chính. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án có yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án xem xét, quyết định, cụ thể như sau:

- Trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ cấp chung cho một thửa đất mà có sai sót thì Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện và tuyên hủy toàn bộ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp chung cho nhiều thửa đất riêng biệt; trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật thì Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện và tuyên hủy toàn bộ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp chung cho nhiều thửa đất riêng biệt; trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đúng quy định của pháp luật, nhưng có sai sót đối với một hoặc một số thửa đất về diện tích, tứ cận hay loại đất và phần này độc lập, không ảnh hưởng đến phần còn lại thì Tòa án chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với thửa đất hoặc những thửa đất có sai sót); buộc Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo đúng quy định của pháp luật đất đai. Tại phần nhận định của bản án, Hội đồng xét xử phải phân tích, đánh giá, xác định rõ phần nào đúng, phần nào sai trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Vướng mắc 13

Trong thực tế có trường hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời, vậy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời có phải là quyết định hành chính không, có là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính không?

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 203 của Luật Đất đai năm 2013, tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 203 của Luật Đất đai năm 2013, tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 thì đương sự được lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hoặc tại Tòa án nhân dân.

Khoản 1 Điều 75, khoản 1 Điều 79, khoản 1 Điều 80 của Luật Đất đai năm 2013 đều quy định các trường hợp bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đối với đất đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Như vậy, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời là quyết định hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất, nên theo quy định tại khoản 3 Điều 3 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời là quyết định hành chính, thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính (nếu còn thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính).

Vướng mắc 14

Trong vụ án hành chính khởi kiện yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng người được cấp Giấy chứng nhận đã thế chấp tại Ngân hàng. Trường hợp này, quá trình giải quyết vụ án mà Ngân hàng có yêu cầu Tòa án công nhận Hợp đồng thế chấp và không hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì quyền sử dụng đất đã được thế chấp hợp pháp cho Ngân hàng thì Tòa án có đưa Ngân hàng vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không? Nếu đưa Ngân hàng vào tham gia tố tụng thì giải quyết thế nào?

Khoản 10 Điều 3 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định:

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức, cá nhân tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ tự mình hoặc đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận hoặc được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp vụ án hành chính có yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Giấy này đang thế chấp tại Ngân hàng thì phải đưa Ngân hàng tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong vụ án hành chính, Tòa án không có quyền hủy hoặc công nhận hợp đồng thế chấp, nhưng có quyền xem xét, đánh giá hợp đồng thế chấp để hủy hoặc không hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Vướng mắc 15

Ông A và bà B tranh chấp quyền sử dụng đất đối với diện tích đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện C ban hành Quyết định X để giải quyết tranh chấp giữa ông A và bà B. Hết thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính đối với Quyết định X, bà B khởi kiện vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất với ông A (cùng thửa đất đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện C giải quyết tranh chấp bằng quyết định X) đồng thời yêu cầu Tòa án hủy quyết định X. Trường hợp này Tòa án có được thụ lý vụ án dân sự và xem xét việc hủy quyết định X theo Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hay không?

Theo quy định tại Điều 203 của Luật Đất đai năm 2013 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thì tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết; Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 thì đương sự được lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hoặc tại Tòa án nhân dân.

Trường hợp nêu trên việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông A và bà B đã được giải quyết bằng quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện C), trong thời hạn luật định bà B không khiếu nại, không khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định X. Do vậy, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện cho bà B. Trường hợp sau khi thụ lý vụ án dân sự, Tòa án mới biết sự việc đã được giải quyết bằng quyết định X của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện C thì Tòa án căn cứ vào điểm g khoản 1 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Vướng mắc 16

Quyết định phê duyệt giá đất cụ thể cho dự án của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức hay không và quyết định này có phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính không?

Khoản 1, khoản 2 Điều 3 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định:

1. Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.

2. Quyết định hành chính bị kiện là quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà quyết định đó làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Như vậy, đối với quyết định phê duyệt giá đất cần phải chia thành hai trường hợp:

- Trường hợp quyết định phê duyệt giá đất tổng thể cho toàn bộ dự án mà không có danh sách các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất kèm theo, thì đây là quyết định hành chính nhưng chưa làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân nên căn cứ vào khoản 2 Điều 3 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quyết định này không phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

- Trường hợp quyết định phê duyệt giá đất tổng thể cho toàn bộ dự án mà có danh sách các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất kèm theo thì quyết định này làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân nên theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015, quyết định này là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

Vướng mắc 17

Trong quyết định phê duyệt bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho gia đình ông A. Ông A đồng ý với đơn giá bồi thường, hỗ trợ nhưng không đồng ý với chính sách tái định cư. Ông A khởi kiện đến Tòa án. Trường hợp này xác định đối tượng khởi kiện như thế nào?

Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 83 của Luật Đất đai năm 2013 về hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất thì nhà nước hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở.

Như vậy, khi nhà nước thu hồi đất ở thì tùy từng trường hợp cụ thể để xem xét hỗ trợ tái định cư.

Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì quyết định phê duyệt bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho gia đình ông A là quyết định hành chính và quyết định này ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông A nên ông A có quyền khởi kiện một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính này.

Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!

Link nội dung: https://luathoanhut.vn/tandtc-giai-dap-17-vuong-mac-trong-xet-xu-co-lien-quan-den-dat-dai-a21253.html