Người đi bộ gây tai nạn giao thông bị xử lý như thế nào?

Pháp luật hiện hành đã quy định rất rõ về phần đường dành cho người đi bộ, về quyền và nghĩa vụ của người đi bộ khi tham gia giao thông cũng như các chế tài xử phạt. Vậy người đi bộ gây tai nạn giao thông bị xử lý như thế nào?

1. Người đi bộ qua đường khi không có vạch kẻ đường có vi phạm không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.

Người đi bộ qua đường không đúng vạch kẻ đường dành cho người đi bộ có vi phạm không? có 02 trường hợp xảy ra như sau:

- Trường hợp 1: Nếu đoạn đường có bố trí vạch kẻ đường cho người đi bộ qua đường như trước các trường học, bệnh viện hoặc tại các chốt đèn tín hiệu giao thông mà người đi bộ không đi qua đường trên các vị trí này thì đã vi phạm Luật giao thông đường bộ.

- Trường hợp 2: Nếu đoạn đường không bố trí vạch kẻ đường cho người đi bộ qua đường thì trong trường hợp này người đi bộ qua đường phải có trách nhiệm quan sát và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường mà không vi phạm Luật giao thông đường bộ.

Các trường hợp phải nhường đường cho người đi bộ được quy định tại khoản 4 Điều 11 của Luật giao thông đường bộ 2008 theo nguyên tắc:

- Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.

- Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.

- Người đi bộ vi phạm khi không thực hiện nguyên tắc chung là đi bộ trên lề đường, hè phố hoặc đi sát mép đường khi không có lề đường và hè phố.

- Người đi bộ không qua đường khi không có nơi bố trí qua đường; hay đi qua đường nơi không có vị trí qua đường mà không quan sát nhường đường đảm bảo an toàn khi đi qua đường.

Nếu người đi bộ vi phạm thì bị áp dụng chế tài giống như người điều khiển phương tiện giao thông khác. Nếu tạo chướng ngại vật gây tai nạn giao thông nghiêm trọng  trở lên thì bị áp dụng chế tài hình sự phạt tù, bồi thường thiệt hại. Vi phạm hành chính thì bị xử lý theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019.

2. Người đi bộ gây tai nạn giao thông bị xử lý như thế nào?

Ở nước ta, trong các vụ án về giao thông đường bộ có tập quán cho rằng các phương tiện lớn luôn luôn có lỗi. Ví dụ: người đi bộ va chạm với xe máy thì xe máy có lỗi, xe máy va chạm với ôtô thì ôtô có lỗi.

Tập quán này rõ ràng rất bất hợp lý và thiếu công bằng, bởi lẽ nếu phương tiện giao thông lớn không có lỗi thì tại sao họ lại phải bồi thường thiệt hại do lỗi của người khác gây ra, và nếu họ cũng bị thiệt hại từ tai nạn giao thông đó thì ai sẽ bồi thường cho họ?

Tình trạng tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ trên các địa bàn tỉnh thành phố hiện nay xảy ra vô cùng phổ biến. Đã có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra ba nguyên nhân lớn là do người đi bộ không tuân thủ các quy định của luật an toàn giao thông đường bộ theo như phân tích ở trên. Các đối tượng là người đi bộ qua đường không đúng nơi dành cho người đi bộ khiến cho các phương tiện đang lưu thông không xử lý kịp thời dẫn đến vụ việc và chạm trực tiếp với người đi bộ, hoặc do tránh người đi bộ mà các phương tiện giao thông đã va chạm hoặc gây tai nạn giao thông với các phương tiện khác kéo theo những hệ quả không đáng có về sức khoẻ, tài sản, thậm chí là tính mạng. 

 Bên cạnh đó cũng xảy ra một số trường hợp người đi bộ chấp hành đúng quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ tuy nhiên người điều khiển phương tiện khi đi trên đường đã không chú ý quan sát mà không nhường đường cho người đi bộ cho nên đã xảy ra vụ việc tai nạn giao thông.

Thông thường trong một vụ tai nạn giao thông hậu quả xảy ra có thể là: thiệt hại tính mạng, sức khỏe, hư hỏng xe, tài sản khác cũng như các thiệt hại về mất sức lao động, thiệt hại về tinh thần... Những thiệt hại này sẽ do bên có lỗi chịu trách nhiệm bồi thường (trừ trường hợp chủ sở hữu xe phải bồi thường thay cho người có lỗi). Nếu các bên đều có lỗi thì phải chịu bồi thường thiệt hại theo tỉ lệ lỗi của mình gây ra.

Xử phạt vi phạm hành chính:

Người đi bộ sẽ phải có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc khi tham gia giao thông đường bộ. Nếu như người đi bộ không tuân thủ các nguyên tắc nêu trên thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo quy định tại Điều 9 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (được sửa đổi tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng), mức xử phạt đối với người đi bộ vi phạm quy tắc về an toàn giao thông đường bộ như sau:

Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với các đối tượng được xác định là người đi bộ thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:

- Có hành vi không đi đúng phần đường quy định dành cho người đi bộ, vượt qua dải phân cách trái quy định của pháp luật, có hành vi đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không đảm bảo an toàn giao thông đường bộ;

- Không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng hoặc không chấp hành chỉ dẫn của các đèn tín hiệu, không chấp hành các biển báo hiệu vào vạch kẻ đường;

- Không chấp hành hiệu lệnh và hướng dẫn của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ hoặc người kiểm soát giao thông;

- Mang vác các vật cồng kềnh gây cản trở cho quá trình tham gia giao thông đường bộ;

- Đu bám vào các phương tiện giao thông đang lưu thông.

Như vậy có thể nói, nếu như người đi bộ các quy định về an toàn giao thông đường bộ và gây ra tai nạn giao thông nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc một trong các hành vi nêu trên thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Truy cứu trách nhiệm hình sự:

Người đi bộ gây tai nạn giao thông với mức độ đặc biệt nghiêm trọng hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ căn cứ theo quy định tại Điều 260 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017. 

Chủ thể của tội phạm được quy định là người tham gia giao thông đường bộ, gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ. 

3. Nguyên nhân nhiều người đi bộ vi phạm quy định giao thông?

Việc người đi bộ vi phạm quy định pháp luật về giao thông đường bộ diễn ra khá phổ biến, có nguyên nhân từ việc họ chưa bao giờ bị xử lý. Khác với những người tham gia giao thông bằng phương tiện như ô tô, xe máy thì việc đi không đúng làn đường, phần đường, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều... đều bị xử phạt, thậm chí số tiền phạt lên tới vài triệu và nhiều trường hợp bị áp dụng biện pháp bổ sung như tạm giữ giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện vi phạm thì người đi bộ hầu như không bị xử phạt gì.

Thực tế cho thấy, những người tham gia giao thông bằng phương tiện được sẽ dễ xử lý hơn người đi bộ vì có thấy họ vi phạm cũng không biết tạm giữ gì vì ngoài việc không có phương tiện, họ đưa ra lý do không mang tiền, không mang giấy tờ tuỳ thân. Một thực tế nữa là, ngoài những nơi có cầu vượt và đường hầm dành cho người đi bộ khi sang đường thì nhiều tuyến phố hiện nay vỉa hè đang bị chiếm dụng, thậm chí không có vỉa hè nên người đi bộ bị “đẩy xuống đường” tham gia giao thông cùng các phương tiện, rất nguy hiểm.

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Người đi bộ gây tai nạn giao thông bị xử lý như thế nào mà Công ty Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.

Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: [email protected] để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!

Link nội dung: https://luathoanhut.vn/nguoi-di-bo-gay-tai-nan-giao-thong-bi-xu-ly-nhu-the-nao-a21293.html