Không gộp sổ bảo hiểm có ảnh hưởng gì không?

Theo quy định pháp luật hiện hành một người có từ 2 sổ BHXH trở lên ghi thời gian đóng BHXH không trùng nhau thì cơ quan BHXH thu hồi tất cả các sổ BHXH, hoàn chỉnh lại cơ sở dữ liệu, in thời gian đóng, hưởng BHXH, BH thất nghiệp của các sổ BHXH vào sổ mới. Vậy không gộp sổ bảo hiểm có ảnh hưởng gì không?

1. Làm cách nào để biết mình có 2 sổ bảo hiểm xã hội?

Để kiểm tra mình có bao nhiêu sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) bạn có thể thực hiện tra cứu mã số BHXH cũng chính là số sổ BHXH của mình. Dưới đây là một số cách để bạn có thể tra cứu một trong hai cách sau:

- Tra cứu mã số bảo hiểm xã hội qua cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam:

+ Bạn truy cập vào trang web của BHXH Việt Nam (baohiemxahoi.gov.vn) chọn tra cứu trực tuyến sau đó chọn "tra cứu mã số BHXH"

+ Bạn điền thông tin vào các ô: Tỉnh/TP, Họ và tên, Ngày tháng năm sinh, sau đó tích vào ô “Tôi không phải là người máy” rồi xem kết quả. Bạn sẽ thấy mã số BHXH (số sổ) của mình ở cột đầu tiên.

- Ngoài ra, bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH nơi bạn đang làm việc hoặc sinh sống để yêu cầu tra cứu số sổ BHXH của mình. Bạn cần mang theo chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân để đối chiếu thông tin.

Bạn có thể tham khảo thêm các cách tra cứu mã số BHXH phổ biến khác tại đường dẫn sau: https://ebh.vn/tin-tuc/tra-cuu-bao-hiem-xa-hoi

2. Không gộp sổ bảo hiểm có ảnh hưởng gì không?

Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014, có rất nhiều chế độ mà người tham gia bảo hiểm muốn được hưởng phải cần đến sổ BHXH như hưu trí, thai sản, thất nghiệp…

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định 166/QĐ-BHXH, nguyên tắc trong giải quyết và chi trả các chế độ BHXH nêu rõ:

- Căn cứ để giải quyết hưởng các chế độ BHXH là sổ BHXH thể hiện quá trình đóng đồng bộ với cơ sở dữ liệu trên hệ thống của cơ quan BHXH.

- Khi giải quyết hưởng các chế độ BHXH phải đối chiếu sổ BHXH với cơ sở dữ liệu thu, sổ thẻ.

Nếu trường hợp đã được giải quyết hưởng BHXH mà có sự điều chỉnh, hủy, chấm dứt hưởng liên quan đến cơ sở dữ liệu thì trước hết phải điều chỉnh lại cơ sở dữ liệu trên hệ thống và sổ BHXH. Căn cứ cơ sở dữ liệu và sổ BHXH đã được điều chỉnh để thực hiện việc điều chỉnh, hủy, chấm dứt hưởng BHXH theo quy định.

Do đó, có thể khẳng định, sổ BHXH là căn cứ quan trọng không thể thiếu trong việc giải quyết các chế độ bảo hiểm cho người lao động.

Trong trường hợp có nhiều sổ mà không gộp sổ thì khi có nhu cầu hưởng bất cứ một chế độ bảo hiểm nào thì cơ quan BHXH cũng sẽ yêu cầu làm thủ tục gộp sổ rồi mới cho làm hồ sơ hưởng chế độ. Và tất nhiên, người lao động sẽ mất thêm thời gian làm thủ tục gộp sổ, quyền lợi sẽ không được giải quyết ngay, đặc biệt trong trường hợp cấp thiết.

3. Cách xử lý khi có 2 sổ bảo hiểm xã hội

Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014, một người lao động chỉ được cấp và bảo quản một sổ BHXH duy nhất. Nếu có từ 2 sổ BHXH trở lên, người lao động cần thực hiện thủ tục gộp sổ BHXH.

Có hai trường hợp khi người lao động có 2 sổ BHXH trở lên:

- Có 2 sổ bảo hiểm xã hội (trở lên) mà thời gian đóng bảo hiểm không trùng nhau

- Có 2 sổ bảo hiểm xã hội mà thời gian đóng bảo hiểm trùng nhau

Trường hợp có 2 sổ bảo hiểm xã hội (trở lên) mà thời gian đóng bảo hiểm không trùng nhau:

Trong trường hợp này, cơ quan BHXH sẽ thu hồi tất cả các sổ BHXH, hoàn chỉnh lại cơ sở dữ liệu, in thời gian đóng, hưởng BHXH của các sổ vào một sổ mới và cấp lại cho người lao động.

Theo đó, căn cứ theo Khoản 4 Điều 46 Quyết định số 595/QĐ-BHXH quy định cách xử lý trường hợp này như sau: 

- Một người có từ 2 sổ BHXH trở lên ghi thời gian đóng BHXH không trùng nhau thì cơ quan BHXH thu hồi tất cả các sổ BHXH, hoàn chỉnh lại cơ sở dữ liệu, in thời gian đóng, hưởng BHXH, BHTN của các sổ BHXH vào sổ mới

Như vậy, khi một người lao động có từ 2 sổ bảo hiểm xã hội trở lên mà thời gian đóng BHXH không trùng nhau thì cơ quan BHXH sẽ thu hồi tất cả các sổ BHXH hiện có và tiến hành cấp lại 01 sổ BHXH mới cho người đó.

Trường hợp có 2 sổ bảo hiểm xã hội mà thời gian đóng bảo hiểm trùng nhau:

- Trong trường hợp này, cơ quan BHXH sẽ hoàn trả cho người lao động số tiền đã đóng thừa vào quỹ hưu trí, tử tuất và quỹ BHTN, không bao gồm tiền lãi.

Theo đó, căn cứ theo Điểm e, Khoản 3.1, Điều 43 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định cách xử lý cho trường hợp này như sau:

- Trường hợp một người có từ 02 sổ BHXH trở lên có thời gian đóng BHXH, BHTN trùng nhau thì cơ quan BHXH thực hiện hoàn trả cho người lao động số tiền đơn vị và người lao động đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất và số tiền đã đóng vào quỹ BHTN (bao gồm cả số tiền thuộc trách nhiệm đóng BHXH, BHTN của người sử dụng lao động), không bao gồm tiền lãi

Người lao động sẽ được giữ lại một sổ BHXH theo các tiêu chí ưu tiên như sau:

+ Sổ có thời gian tham gia BHXH lâu hơn.

+ Sổ có mức lương đóng BHXH cao hơn.

+ Sổ đang hưởng các chế độ BHXH.

4. Lý do khiến người lao động có nhiều sổ BHXH

Bạn đi làm và nghỉ nhưng không biết, không nhớ phải lấy lại sổ:

Nhiều người lao động đi làm và ký hợp đồng lao động nhưng không hề hay biết gì về chế độ BHXH cả. Cho đến khi phát sinh nhu cầu thì lại phải quay lại từng nơi mình làm việc để xin lại sổ. Dẫn đến việc mỗi công ty bạn làm là 1 số sổ khác nhau và phải gộp.

Bạn đi làm và nghỉ nhưng công ty không trả lại sổ:

Đôi khi trong quá trình làm việc, bạn và doanh nghiệp bất đồng quan điểm nên đã xuất hiện tranh cãi. Dẫn đến việc bạn nghỉ ngang. Thật ra việc này là không đúng với quy định của pháp luật, và công ty có thể giữ lại sổ của bạn cho đến khi bạn quay lại bồi thường thiệt hại.

Ở trường hợp này, nhiều lao động do không muốn quay về công ty nên đã “bỏ” luôn, không lấy sổ. Vậy nên, lại tiếp tục phát sinh sổ mới tại công ty mới. Mà, có 2 sổ là phải gộp.

Bạn đi làm và không đọc số sổ cũ cho công ty mới:

Nhiều người lao động rất cẩn thận lấy lại sổ nhưng do giữ sổ quá kỹ nên quên không đọc số sổ cho công ty mới. Do đó, nhân sự công ty mới phải báo tăng mới, dẫn đến việc phát sinh số sổ. Và cuối cùng, là phải gộp.

Bạn nhận BHXH 1 lần rồi nhưng không quay lại lấy sổ:

Khi nhận BHXH 1 lần xong, người bạn đinh ninh rằng sổ đã không còn giá trị sử dụng nên không quay lại lấy sổ. Bạn lưu ý nhé:

- Nếu còn thời gian nhận BHTN chưa lãnh thì bạn phải lấy lại sổ sau khi nhận BHXH 1 lần

- Nếu không còn thời gian nhận BHTN chưa lãnh thì bạn cần giữ kỹ “Quyết định nhận BHXH 1 lần” để nộp cho công ty mới làm lại bìa sổ mới với số sổ cũ.

Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 46 Quyết định 595/QĐ-BHXH có nêu: Một người có từ 02 sổ BHXH trở lên ghi thời gian đóng không trùng nhau thì cơ quan BHXH thu hồi tất cả các sổ, hoàn chỉnh lại cơ sở dữ liệu, in thời gian đóng, hưởng BHXH, BHTN của các sổ BHXH vào sổ mới.

Như vậy, về nguyên tắc, mỗi người tham gia BHXH chỉ có duy nhất 01 sổ BHXH ghi nhận toàn bộ quá trình đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm của mình. Nếu có nhiều sổ thì nên sớm gộp sổ để không ảnh hưởng tới quyền lợi như đã phân tích ở trên.

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Không gộp sổ bảo hiểm có ảnh hưởng gì không? mà Công ty Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.

Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: [email protected] để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!

Link nội dung: https://luathoanhut.vn/khong-gop-so-bao-hiem-co-anh-huong-gi-khong-a21362.html