Các bước lựa chọn nhà thầu đối với mua sắm trực tiếp

Mua sắm trực tiếp là một hình thức đặc biệt trong đấu thầu. Bài viết dưới đây của Luật Hòa Nhựt sẽ cung cấp đến quý độc giả những thông tin liên quan đến hình thức mua sắm trực tiếp trong đấu thầu theo quy định pháp luật hiện hành:

1. Thế nào là mua sắm trực tiếp trong đấu thầu? Áp dụng với gói thầu nào?

Đấu thầu được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó mua sắm trực tiếp là một trong những hình thức được áp dụng để lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa tương tự thuộc cùng một dự án, dự toán mua sắm hoặc thuộc dự án, dự toán mua sắm khác. Gói thấu được hiểu là một phần hoặc toàn bộ dự án, dự toán mua sắm; gói thầu có thể gồm những nội dung mua sắm giống nhau thuộc nhiều dự án hoặc là khối lượng mua sắm một lần, khối lượng mua sắm cho một thời kỳ đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung.

Như vậy, hình thức mua sắm trực tiếp chỉ áp dụng đối với đấu thầu mua sắm hàng hóa và thực hiện lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thông qua phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ.

2. Điều kiện áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp trong lựa chọn nhà thầu

Mua sắm trực tiếp chỉ được áp dụng khi thỏa mãn đầy đủ các điều kiện được quy định tại Điều 24 Luật Đấu thầu năm 2013, cụ thể:

- Nhà thầu đã trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế và đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu trước đó. Với điều kiện này có thể thấy, trước hết để thực hiện mua sắm trực tiếp thì nhà thầu phải là chủ thể đã trúng thầu và đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu, theo đó, hợp đồng được hiểu là văn bản thỏa thuận giữa chủ đầu tư với nhà thầu được lựa chọn trong thực hiện gói thầu thuộc dự án; giữa bên mời thầu với nhà thầu được lựa chọn trong mua sắm thường xuyên; giữa đơn vị mua sắm tập trung hoặc giữa đơn vị có nhu cầu mua sắm với nhà thầu được lựa chọn trong mua sắm tập trung; giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư được lựa chọn hoặc giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư được lựa chọn và doanh nghiệp dự án trong lựa chọn nhà đầu tư. Thứ hai, nhà đầu tư đã trúng thầu thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế, tức là mua sắm trực tiếp chỉ có thể phát sinh thông qua việc đã thực hiện một trong hai hình thức đấu thầu này trước đó.

- Gói thầu có nội dung, tính chất tương tự và quy mô nhỏ hơn 130% so với gói thầu đã ký hợp đồng trước đó. Thực tế, không có một giải thích chính xác nào về nội dung, tính chất tương tự, nó có thể là cùng một loại hàng hóa mua sắm, khối lượng hàng hóa mua sắm, còn đối với gói thầu quy mô nhỏ, có thể hiểu là gói thầu có giá gói thầu trong hạn mức do Chính phủ quy định và phải nhỏ hơn 130% so với gói thầu trước đó.

- Đơn giá của các phần việc thuộc gói thầu áp dụng mua sắm trực tiếp không được vượt đơn giá của các phần việc tương ứng thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó

- Thời hạn từ khi ký hợp đồng của gói thầu trước đó đến ngày phê duyệt kết quả mua sắm trực tiếp không quá 12 tháng.

Như vậy hình thức mua sắm trực tiếp để lựa chọn nhà thầu sẽ được áp dụng trong trường hợp bổ sung hợp đồng cũ đã thực hiện xong (dưới một năm) hoặc hợp đồng đang thực hiện với điều kiện chủ đầu tư có nhu cầu tăng thêm số lượng hàng hóa hoặc khối lượng công việc mà trước đó đã được tiến hành đấu thầu, tuy nhiên phải đảm bảo không được vượt mức giá hoặc đơn giá trong hợp đồng đã ký trước đó. Trước khi ký hợp đồng, nhà thầu đòi hỏi phải chứng minh có đủ năng lực về kỹ thuật và tài chính để thực hiện gói thầu. 

3. Các bước lựa chọn nhà thầu bằng hình thức mua sắm trực tiếp

Để thực sử đảm bảo hiệu quả trong quá trình áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp, nhà thầu phải thực hiện đúng quy trình, thủ tục áp dụng theo quy định tại Khoản 4, Điều 38 Luật Đấu thầu và Điều 60 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, cụ thể các bước lựa chọn nhà thầu được tiến hành như sau:

Bước 1: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu

Đầu tiên là lập hồ sơ yêu cầu. Việc lập hồ sơ yêu cầu phải căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Hồ sơ yêu cầu bao gồm các nội dung thông tin tóm tắt về dự án, gói thầu; yêu cầu nhà thầu cập nhật thông tin về năng lực; yêu cầu về tiến độ cung cấp và cam kết cung cấp hàng hóa bảo đảm kỹ thuật, chất lượng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu trước đó; yêu cầu về đơn giá của hàng hóa.

Trường hợp hàng hóa thuộc gói thầu áp dụng mua sắm trực tiếp là một trong nhiều loại hàng hóa thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó thì quy mô của hàng hóa áp dụng mua sắm trực tiếp phải nhỏ hơn 130% quy mô của hàng hóa cùng loại thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó

Hồ sơ yêu cầu phải được thẩm định theo quy định tại Điều 105 của Nghị định này trước khi phê duyệt. Việc phê duyệt hồ sơ yêu cầu phải bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định hồ sơ yêu cầu.

Bước 2: Tổ chức lựa chọn nhà thầu:

Hồ sơ yêu cầu được phát hành cho nhà thầu đã được lựa chọn trước đó. Trường hợp nhà thầu này không có khả năng tiếp tục thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp thì phát hành hồ sơ yêu cầu cho nhà thầu khác nếu nhà thầu này đáp ứng quy định tại Khoản 3 Điều 24 của Luật Đấu thầu năm 2013

Nhà thầu chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất theo yêu cầu của hồ sơ yêu cầu

Bước 3: Đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về các đề xuất của nhà thầu:

Đầu tiên là đánh giá hồ sơ đề xuất tức là thực hiện các quy trình:

+ Kiểm tra nội dung về kỹ thuật và đơn giá

+ Cập nhật thông tin về năng lực của nhà thầu

+ Đánh giá tiến độ thực hiện, biện pháp cung cấp hàng hóa, giải pháp kỹ thuật và biện pháp tổ chức thực hiện gói thầu

+ Các nội dung khác nếu có.

Tiếp theo là trong quá trình đánh giá, bên mời thầu mời nhà thầu đến thương thảo, làm rõ các nội dung thông tin cần thiết của hồ sơ đề xuất nhằm chứng minh sự đáp ứng của nhà thầu theo yêu cầu về năng lực, tiến độ, chất lượng, giải pháp kỹ thuật và biện pháp tổ chức thực hiện gói thầu

Cuối cùng, bên mời thầu phải bảo đảm đơn giá của các phần việc thuộc gói thầu áp dụng mua sắm trực tiếp không được vượt đơn giá của các phần việc tương ứng thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó, đồng thời phù hợp với giá cả thị trường tại thời điểm thương thảo hợp đồng.

Bước 4: Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả mua sắm trực tiếp

Kết quả lựa chọn nhà thầu phải được ,thẩm định theo quy định trước khi phê duyệt. Việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu phải bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt và báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu

Kết quả lựa chọn nhà thầu phải được thông báo bằng văn bản cho tất cả các nhà thầu tham gia nộp hồ sơ đề xuất và công khai theo quy định

Bước 5: Hoàn thiện và ký kết hợp đồng

Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả mua sắm trực tiếp, biên bản thương thảo hợp đồng, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ đề xuất và các tài liệu liên quan khác.

Và toàn bộ thông tin về Các bước lựa chọn nhà thầu đối với mua sắm trực tiếp đã được Công ty Luật Hòa Nhựt biên soạn tại bài viết trên đây và hy vọng rằng đó sẽ là những thông tin pháp lý hữu ích giúp quý khách có thể hiểu sâu về vấn đề này. Trong trường hợp quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc!

Nếu quý khách có nhu cầu muốn báo phí dịch vụ, quý khách hãy vui lòng gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: [email protected] để nhận được thông tin sớm nhất. Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!

Link nội dung: https://luathoanhut.vn/cac-buoc-lua-chon-nha-thau-doi-voi-mua-sam-truc-tiep-a21779.html