QCVN 16:2023/BXD: Chứng nhận hợp quy của các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LUẬT HÒA NHỰT giải đáp như sau:
QCVN 16:2023/BXD là quy chuẩn gì?
QCVN 16:2023/BXD là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.
QCVN 16:2023/BXD quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng nêu trong Bảng 1, Phần 2, thuộc nhóm 2 theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi là sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng) được sản xuất trong nước, nhập khẩu, kinh doanh, lưu thông trên thị trường và sử dụng vào các công trình xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.
Quy chuẩn này không áp dụng cho sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng nhập khẩu dưới dạng mẫu hàng để quảng cáo không có giá trị sử dụng; hàng mẫu để nghiên cứu; mẫu hàng để thử nghiệm; hàng hóa tạm nhập khẩu để trưng bày, giới thiệu tại hội chợ triển lãm; hàng hóa tạm nhập - tái xuất, không tiêu thụ và sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới, quà biếu, tặng trong định mức thuế; hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển; Hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ và hàng chuyên dụng phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.
Đối tượng áp dụng QCVN 16:2023/BXD bao gồm:
- Các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.
- Các tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy thực hiện việc đánh giá, chứng nhận hợp quy sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.
- Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.
Chứng nhận hợp quy của các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng từ ngày 01/01/2024
Từ ngày 01/01/2024, các quy định về chứng nhận hợp quy của các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng sẽ được thực hiện theo quy định tại QCVN 16:2023/BXD, cụ thể:
(1) Việc chứng nhận hợp quy cho các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng ở Bảng 1 Phần 2 của QCVN 16:2023/BXD được thực hiện theo các phương thức đánh giá nêu tại khoản 3.1.2.
(2) Các phương thức đánh giá chứng nhận hợp quy được quy định tại Thông tư 28/2012/TT-BKHCN quy định về Công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn và Thông tư 02/2017/TT-BKHCN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 28/2012/TT-BKHCN, cụ thể như sau:
- Phương thức 1: Thử nghiệm mẫu điển hình.
Hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy không quá 01 năm. Giấy chứng nhận hợp quy chỉ có giá trị đối với kiểu, loại sản phẩm, hàng hóa được lấy mẫu thử nghiệm.
Hàng hóa vật liệu xây dựng nhập khẩu áp dụng phương thức này khi:
+ Cơ sở sản xuất tại nước ngoài đã được cấp chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001 đối với lĩnh vực sản xuất sản phẩm vật liệu xây dựng này và chứng chỉ đang còn hiệu lực
+ Giám sát thông qua việc thử nghiệm mẫu mỗi lần nhập khẩu.
- Phương thức 5: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.
Hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy không quá 3 năm và giám sát hàng năm thông qua việc thử nghiệm mẫu tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.
Phương thức này áp dụng đối với các loại sản phẩm được sản xuất bởi cơ sở sản xuất trong nước hoặc nước ngoài đã xây dựng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng nhằm đảm bảo duy trì ổn định chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
- Phương thức 7: Thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa.
Hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy chỉ có giá trị cho lô sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng sản xuất, nhập khẩu.
Link nội dung: https://luathoanhut.vn/qcvn-162023bxd-chung-nhan-hop-quy-cua-cac-san-pham-hang-hoa-vat-lieu-xay-dung-a21861.html