Chia thừa kế, thời điểm, địa điểm mở thừa kế và ý nghĩa pháp lý?

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.

Câu hỏi: Thưa luật sư, Bà Nguyễn Uyển Vóc và ông Nguyễn Khắc Phương là vợ chồng và có với nhau 9 người con, bao gồm:

1) Nguyễn Khắc Hổ

2) Nguyễn Uyển Tri Oanh

3) Nguyễn Khắc Ân

4) Nguyễn Uyển Thọ

5) Nguyễn Uyển Tri Liên

6) Nguyễn Uyển Tri Lan

7) Nguyễn Khắc Phước

8) Nguyễn Khắc Lộc

9) Nguyễn Uyển Tri Tâm

Ông Nguyễn Khắc Phương đã chết ngày 30/9/1997 không để lại di chúc.

Đến nay bà Nguyễn Uyển Vóc cũng chết, bà có để lại di chúc muốn cho phần tài sản của bà cho 1 người con tên là Nguyễn Uyển Tri Oanh.

Tài sản chung của ông bà là 1 căn nhà địa chỉ số xx, phường yy, Quận 9, TP Hồ Chí Minh.

Anh Nguyễn Khắc Lộc và Nguyễn Khắc Phước không có khả năng lao động (hai người này hiện đang ở bên Mỹ và đang hưởng tiền trợ cấp của chính phủ Mỹ).

Câu hỏi:

1. Bà Nguyễn Uyển Tri Oanh sẽ được chia tỷ lệ thừa kế bao nhiêu?

2. Giả sử căn nhà trị giá 1 tỷ đồng thì bà Nguyễn Uyển Tri Oanh sẽ được hưởng số tiền cụ thể là bao nhiêu?

Luật sư tư vấn:

CĂN CỨ PHÁP LÝ:

1. Chia di sản thừa kế theo tỷ lệ hoặc theo tiền

1.1 Bà Nguyễn Uyển Tri Oanh sẽ được chia tỷ lệ thừa kế bao nhiêu?

Thời điểm ông Nguyễn Khắc Phương mất là thời điểm mở thừa kế di sản của ông Nguyễn Khắc Phương. Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại (Điều 614 Bộ luật dân sự 2015). Vì ông Nguyễn Khắc Phương mất không để lại di chúc nên tài sản của ông Nguyễn Khắc Phương sẽ được chia theo pháp luật.

Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật.

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;…

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.”

Như vậy, người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. 

Và căn cứ vào Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

Điều 66. Giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết.

1. Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.

2. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.”

Như vậy, những người thừa kế của ông Nguyễn Khắc Phương gồm 10 người: 9 người con và bà Nguyễn Uyển Vóc. Bà Nguyễn Uyển Tri Oanh sẽ được hưởng 1/10 di sản của ông Nguyễn Khắc Phương.

Thời điểm bà Nguyễn Uyển Vóc chết là thời điểm mở thừa kế di sản của bà Nguyễn Uyển Vóc. Theo quy định tại Điều 635 Bộ luật dân sự 2015: “Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc”. Việc thực hiện công chứng di chúc theo đúng quy định của pháp luật được coi là hợp pháp.Như vậy, Bản Di chúc lập ngày 04/7/2014 của bà Nguyễn Uyển Vóc đã thực hiện việc công chứng tại Khắc phòng Công chứng Quận 8, thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn hợp pháp.

Theo đó, nội dung di chúcngày 04/07/2014 của bà Nguyễn Uyển Vóc như sau:

“Sau khi bà Nguyễn Uyển Vóc qua đời thì:

- Bà: Nguyễn Uyển Tri Oanh Năm sinh: 1947

Chứng minh nhân dân số: 021407136 cấp tại CA TP Hồ Chí Minh

Thường trú: số xx, phường yy, Quận 9, TP Hồ Chí Minh.

Sẽ được hưởng toàn bộ di sản do tôi để lại là quyền thừa kế theo pháp luật của ông Nguyễn Khắc Phương và phần quyền sở hữu đối với phần còn lại của căn nhà (địa chỉ mới: số xx, phường yy, Quận 9, TP Hồ Chí Minh). Ngoài bà Nguyễn Uyển Tri Oanh ra, tôi không để lại di sản của tôi nêu trên cho bất cứ ai khác”.

Theo Bản Di chúc này thì bà Nguyễn Uyển Tri Oanh sẽ được hưởng 1/10 di sản của ông Nguyễn Khắc Phương và toàn bộ di sản của bà Nguyễn Uyển Vóc.

Tuy nhiên, tại Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.

1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.”

Do đó, anh Nguyễn Khắc Lộc và Nguyễn Khắc Phước không còn khả năng lao động nên sẽ được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật của bà Nguyễn Uyển Vóc mà không phụ thuộc vào nội dung của Di chúc lập ngày 04/07/2014.

Như vậy, căn cứ theo di chúc của bà Nguyễn Uyển Vóc và quy định của pháp luật thì bà Nguyễn Uyển Tri Oanh sẽ được hưởng số tài sản là 1/10 di sản của ông Nguyễn Khắc Phương và phần di sản của bà Nguyễn Uyển Vóc sau khi trừ đi phần mà anh Nguyễn Khắc Lộc và Nguyễn Khắc Phước được hưởng của bà Nguyễn Uyển Vóc theo quy định nêu trên.

1.2 Giả sử căn nhà trị giá 1 tỷ đồng thì bà Nguyễn Uyển Tri Oanh sẽ được hưởng số tiền cụ thể là bao nhiêu?

Căn cứ theo quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014, cụ thể:

“Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”

Như lập luận ở câu 1, đồng thời giả sử di sản của ông Nguyễn Khắc Phương và bà Nguyễn Uyển Vóc được chia đôi thì tài sản mỗi người để lại sẽ tương ứng với ½ giá trị căn nhà địa chỉ số xx, phường yy, Quận 9, TP Hồ Chí Minh. Với giá trị căn nhà là 1.000.000.000 đồng thì di sản của ông Nguyễn Khắc Phương để lại 500.000.000 đồng và di sản của bà Nguyễn Uyển Vóc là 500.000.000 đồng.

Một suất thừa kế theo pháp luật di sản của ông Nguyễn Khắc Phương là:

500.000.000 đồng/10 suất = 50.000.000 đồng

Do đó, di sản của bà Nguyễn Uyển Vóc là:

500.000.000 đồng + 50.000.000 đồng = 550.000.000 đồng

Anh Nguyễn Khắc Lộc và Nguyễn Khắc Phước được hưởng phần di sản của bà Nguyễn Uyển Vóc bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật. Những người thừa kế theo pháp luật của bà Nguyễn Uyển Vóc bao gồm: 9 người con. Nên tổng số tiền anh Nguyễn Khắc Lộc và Nguyễn Khắc Phước được hưởng là:

550.000.000đồng /9 x 2/3 x 2 = 81.481.481 đồng

Số tiền bà Nguyễn Uyển Tri Oanh được hưởng từ di sản của bà Nguyễn Uyển Vóc và ông Nguyễn Khắc Phương là:

50.000.000 đồng + (550.000.000đồng – 81.481.481 đồng) = 518.518.519 đồng.

2. Thời điểm mở thừa kế? Ý nghĩa pháp lý của việc xác định thời điểm mở thừa kế?

Thời điểm, địa điểm mở thừa kế được hiểu như sau:

Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trong trường hợp Toà án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định theo nội dung bản án, quyết định của Tòa án về ngày chết.

Ý nghĩa của thời điểm mở thừa kế:

+ Thời điểm mở thừa kế là thời điểm quan trọng để xác định chính xác tài sản, quyền và NV về tài sản của người thừa kế để lại có những gì và đển khi chia di sản còn bao nhiêu.

+ Thời điểm mở thừa kế là căn cứ xác định những người thừa kế của người đã chết, vì người thừa kế phải là cá nhân sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản thừa kế chết.

+ Người được Tòa tuyên bố chết (chết về mặt pháp lý); Ngày chết sẽ theo quyết định của Tòa án.

+ Thời điểm có hiệu lực của di chúc chung của vợ chồng.

3. Địa điểm mở thừa kế? Ý nghĩa pháp lý của việc xác định địa điểm mở thừa kế?

Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ hoặc phần lớn di sản. Địa điểm mở thừa kế được quy định trong BLDS.

Ý nghĩa của việc xác định địa điểm mở thừa kế.:

Địa điểm mở thừa kế được xác định vì ở nơi đó thường tiến hành các công việc :

+ Kiểm kê ngay tài sản của người đã chết (trong TH cần thiết);

+ Xác định ai là người thừa kế theo pháp luật, di chúc; ..

+ Ngoài ra ng trong diện từ chối nhận di sản thì phải thông báo cho cơ quan Công chứng nhà nước hoặc UBND xã phường thị trấn nơi mở thừa kế

+ Hoặc trường hợp có tranh chấp thì Tòa án nơi mở thừa kế có thẩm quyền giải quyết.

Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật Hòa Nhựt, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài tư vấn pháp luật thừa kế của Công ty Luật Hòa Nhựt 1900.868644 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email [email protected] để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!

Link nội dung: https://luathoanhut.vn/chia-thua-ke-thoi-diem-dia-diem-mo-thua-ke-va-y-nghia-phap-ly-a21987.html