Thủ tục giải quyết trường hợp phạm nhân bỏ trốn, phạm nhân chết?

Thưa luật sư, tôi là Kiên đang công tác trong đơn vị Công an nhân dân, tôi có câu hỏi nhờ luật sư giải đáp: Trong thời gian chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, nếu phạm nhân chết thì thủ tục giải quyết như thế nào? Xin cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.868644

Trả lời:

Cơ sở pháp lý căn cứ quy định của Luật thi hành án hình sự năm 2019 có thể phân tích chi tiết như sau:

1. Thủ tục giải quyết trường hợp phạm nhân chết

1.1. Phạm nhân chết trong khi khi hành án

Khi phạm nhân chết tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thì cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát quân sự khu vực nơi có phạm nhân chết để xác định nguyên nhân. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện làm thủ tục đăng ký khai tử tại ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân chết và thông báo cho thân nhân.

Thân nhân của phạm nhân có thể là vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột của phạm nhân hoặc đại diện trước khi làm thủ tục mai táng.

Trường hợp phạm nhân chết ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó gửi giấy báo tử cho trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

Khi cơ quan có thẩm quyền cho phép làm các thủ tục mai táng người chết thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo về việc mai táng cho thân nhân hoặc người đại diện của phạm nhân. Theo quy định tại Điều 136 BLDS 2015 thì: "Người đại diện theo pháp luật của phạm nhân có thể là: Cha, mẹ đối với con chưa thành niên. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này (tức là không xác định được cha, mẹ và người giám hộ của người được giám hộ). Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Trường hợp thân nhân người chết có đơn đề nghị thì bàn giao tử thi đó cho họ, trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc đó ảnh hưởng đến an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. Sau thời hạn 24 giờ kể từ khi thông báo mà họ không nhận thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tổ chức mai táng theo quy định của pháp luật và thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định đình chỉ việc chấp hành án phạt tù và gửi cho thân nhân của phạm nhân chết, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi phạm nhân chết, Viện kiểm sát có thẩm quyền, Sở Tư pháp nơi Tòa án ra quyết định đình chỉ có trụ sở. ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân chết có trách nhiệm phối hợp với trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trong việc mai táng và quản lý mộ của phạm nhân. Kinh phí cho việc mai táng được Nhà nước cấp.

Trường hợp thân nhân hoặc đại diện của phạm nhân có đơn đề nghị được nhận tử thi hoặc hài cốt của phạm nhân và tự chịu chi phí, thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có thể xem xét, giải quyết, trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc đó ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường.

1.2. Trường hợp phạm nhân là người nước ngoài chết.

Trường hợp phạm nhân là người nước ngoài (phạm nhân nước ngoài là công dân nước ngoài hoặc là người không quốc tịch thường trú hoặc tạm trú ở Việt Nam), Giám thị trại giam phải báo ngay cho cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu nơi có phạm nhân chết để xác định nguyên nhân; đồng thời báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan quản lý hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan đại diện của nước mà người đó mang quốc tịch. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép, trại giam có trách nhiệm tổ chức mai táng

Đối với trường hợp phạm nhân chết là người nước ngoài, trong thời hạn 48 giờ kể từ khi thông báo về phạm nhân chết, nếu cơ quan đại diện ngoại giao không đề nghị nhận tử thi thì trại giam tổ chức mai táng. Kinh phí cho việc mai táng được Nhà nước cấp.

Cần lưu ý, việc nhận hài cốt chỉ được giải quyết sau thời hạn 03 năm kể từ ngày mai táng. Đối với việc nhận tử thi hoặc hài cốt của phạm nhân là người nước ngoài phải được cơ quan quản lý thi hành án hình sự xem xét, quyết định.

1.3. Phạm nhân chết khi đang tại ngoại chờ thi hành án.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 23 Luật THAHS 2019:

Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại chết thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu báo cáo Tòa án đã ra quyết định thi hành án để ra quyết định đình chỉ thi hành án.

1.4. Phạm nhân được hoãn chấp hành án chết.

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 25 Luật THAHS 2019:

Trong thời gian được hoãn chấp hành án phạt tù mà người được hoãn chấp hành án chết thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý người được hoãn chấp hành án phải báo cáo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu để thông báo cho Tòa án đã ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù ra quyết định đình chỉ thi hành án và giải quyết các thủ tục có liên quan.

1.5. Trường hợp người được tạm đình chỉ chết.

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 37 Luật THAHS 2019:

Trường hợp người được tạm đình chỉ chết, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý người đó báo cáo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu để thông báo cho Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ và Tòa án đã ra quyết định thi hành án. Trường hợp người được tạm đình chỉ chết khi đang điều trị tại bệnh viện theo quy định tại khoản 3 Điều này thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thông báo cho Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ và Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Viện kiểm sát cùng cấp.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định đình chỉ thi hành án và gửi cho cơ quan quy định tại các điểm b, c, d, e và g khoản 1 Điều này và Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án.

1.6 Trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện chết.

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 59 Luật THAHS 2019:

Trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện chết, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý người đó thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu để thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định đình chỉ thi hành án và gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý người đó, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định có trụ sở.

1.7. Trường hợp người được hưởng án treo chết

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 85 Luật THAHS 2019:

Trường hợp người được hưởng án treo chết, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu để thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định đình chỉ thi hành án và gửi cho cơ quan quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 84 của Luật này.

1.8. Trường hợp người chấp hành án cải tạo không giam giữ chết.

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 97 Luật THAHS 2019:

Trường hợp người chấp hành án chết, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu để thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định đình chỉ thi hành án và gửi cho cơ quan quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 96 của Luật này.

2. Giải quyết trường hợp phạm nhân bỏ trốn.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Thi hành án hình sự năm 2019:

“Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, người chấp hành án phải có mặt tại trụ sở cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu được chỉ định trong quyết định thi hành án; quá thời hạn này mà người đó không có mặt, Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp hoặc Vệ binh hỗ trợ tư pháp thực hiện áp giải thi hành án.

Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại bỏ trốn thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt…

Khi phạm nhân bỏ trốn, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải tổ chức truy bắt ngay, báo cáo về cơ quan quản lý thi hành án hình sự và thông báo cho Viện kiểm sát có thẩm quyền. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi phát hiện phạm nhân bỏ trốn mà việc truy bắt không có kết quả thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt.

Mọi trường hợp phạm nhân bỏ trốn đều phải được lập biên bản, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Phạm nhân đã bỏ trốn ra đầu thú thì cơ quan tiếp nhận phạm nhân đầu thú lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền hoặc giao phạm nhân đó cho cơ quan thi hành án hình sự nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.868644 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.

Link nội dung: https://luathoanhut.vn/thu-tuc-giai-quyet-truong-hop-pham-nhan-bo-tron-pham-nhan-chet-a22083.html