Phân tích các quy định về quyền khiếu nại trong thi hành án hình sự

Thưa luật sư, tôi đang tìm hiểu các quy định của luật thi hành án liên quan đến quyền khiếu nại. Xin hỏi khiếu nại về thi hành án hình sự trong những trường hợp nào? Cơ quan nào giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự?....

1. Quy định của pháp luật về quyền khiếu nại trong thi hành án hình sự.

Theo quy định tại Điều 176 Luật THAHS 2019, quyền khiếu nại trong thi hành án hình sự được quy định như sau:

1. Người, pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan (sau đây gọi là người khiếu nại) có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền thi hành án hình sự nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Việc khiếu nại của pháp nhân thương mại chấp hành án được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại.

2. Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 30 ngày kể từ ngày nhận hoặc biết được quyết định, hành vi thi hành án hình sự mà người khiếu nại cho rằng có vi phạm pháp luật. Thời hiệu khiếu nại lần hai là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền.

Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

1.1. Chủ thể có quyền khiếu nại

Theo đó: Người chấp hành án hình sự là người bị kết án, phải chịu hình phạt theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định thi hành. Pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự là pháp nhân thương mại (có thể là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc đơn vị sự nghiệp) bị kết án, phải chịu hình phạt, biện pháp tư pháp theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại có thể là:

- Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;

- Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;

- Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án và có thể là người đứng đầu doanh nghiệp, người đứng đầu tổ chức kinh tế hoặc người đứng đầu đơn vị sự nghiệp. Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 của Bộ luật Dân sự.

Theo Luật Khiếu nại năm 2011 thì khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật,

Cơ quan có thẩm quyền thi hành án hình sự có thể là:

- Cơ quan quản lý thi hành án hình sự gồm: Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an và cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng,

- Cơ quan thi hành án hình sự gồm: Trại giam thuộc Bộ Công an, trại giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại giam thuộc quân khu (sau đây gọi là trại giam); cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh); cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện); cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu),

- Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự gồm: Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại tạm giam thuộc Công an cấp tinh, trại tạm giam cấp quân khu (sau đây gọi là trại tạm giam); ủy ban nhân dân cấp xã; đơn vị quân đội cấp trung đoàn và tương đương (sau đây gọi là đơn vị quân đội). Người có thẩm quyền thi hành án hình sự có thể là người của cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự hoặc cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự.

1.2. Thời hiệu khiếu nại

Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 30 ngày kể từ ngày nhận hoặc biết được quyết định, hành vi thi hành án hình sự mà người khiếu nại cho rằng có vi phạm pháp luật. Thời hiệu khiếu nại lần hai là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền. Giải quyết khiếu nại là việc thụ lý, xác minh, kết luận và ra quyết định giải quyết khiếu nại. Người giải quyết khiếu nại là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và có thể là cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thỉ hành án hình sự, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, Viện kiểm sát, Tòa án

Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại. Lý do bất khả kháng là những việc, tình huống, sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép như thiên tai, địch hoạ, hoả hoạn... không do mình gây ra. Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình như ở nơi xa, ở vùng biên giới, hải đảo, tai nạn, ốm nặng.

2. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự được quy định tại Điều 178 Luật THAHS 2019, cụ thể như sau:

- Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có liên quan trong quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự ở xã, phường, thị trấn.

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi sau đây: (a) Quyết định, hành vi trái pháp luật của Phó thủ trưởng, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc quyền quản lý của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều này, đó là các trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện; (b) Quyết định, hành vi trái pháp luật của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã, ủy ban nhân dân cấp xã được Tòa án giao giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án; (c) Quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã được Tòa án giao giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án.

- Trưởng Công an cấp huyện giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi sau đây: (a) Quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện; (b) Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi sau đây: (a) Quyết định, hành vi trái pháp luật của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc quyền quản lý của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều này, đó là các trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện; (b) Quyết định, hành vi trái pháp luật của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại.

- Giám đốc Công an cấp tỉnh giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi sau đây: (a) Quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh; (b) Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện.

- Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc quyền quản lý của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều này, đó là các trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.

- Bộ trưởng Bộ Công an giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi sau đây, trừ trường họp quy định tại khoản 8 Điều này [đó là các trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện]: (a) Quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an; (b) Quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an.

- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật trong quản lý, giáo dục phạm nhân của người được giao quản lý, giáo dục phạm nhân. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh giải quyết khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương giải quyết khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu. Quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có hiệu lực thi hành.

3. Những trường hợp khiếu nại không được thụ lý giải quyết.

Những trường hợp khiếu nại không được thụ lý giải quyết gồm:

Thứ nhất: Quyết định, hành vi bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.

Thứ hai, Người khiếu nại là cá nhân không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Thứ ba, người đại diện không có giấy tờ chứng minh về việc đại diện hợp pháp của mình.

Thứ tư, thời hiệu khiếu nại đã hết.

Thứ năm, việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.868644 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.

Link nội dung: https://luathoanhut.vn/phan-tich-cac-quy-dinh-ve-quyen-khieu-nai-trong-thi-hanh-an-hinh-su-a22084.html