>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.868644
Luật sư tư vấn:
Phạm vi điều chỉnh của pháp luật là giới hạn của sự điều chỉnh các quan hệ xã hội của pháp luật.
Nếu xét theo nghĩa trực tiếp, pháp luật được ban hành là để điều chỉnh các quan hệ xã hội xuất hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trong một quốc gia như dân sự, lao động, tài chính, đất đai, hôn nhân và gia đình, sở hữu trí tuệ... khi đó phạm vi điều chỉnh của pháp luật là tổng hợp phạm vi điều chỉnh của tất cả các ngành luật riêng lẻ. Tuy nhiên, các ngành luật điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội không tổn tại một cách tách biệt với sự chia cắt bởi các đường ranh giới riêng biệt mà có khi giao thoa, xen kẽ, có khi trùng nhau, bao trùm lên nhau. Pháp luật nói chung của một quốc gia để điều chỉnh các quan hệ xã hội nói chung. Hệ thống pháp luật của một nước hợp lại từ nhiều ngành luật với tính chất, nội dung, phương pháp điều chỉnh khác nhau tương thích với các nhóm quan hệ xã hội có nội dung, tính chất khác nhau thuộc các lĩnh vực khác nhau của đời sống một đất nước.
Văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi điều chỉnh rộng hay hẹp, bao gồm những nhóm quan hệ xã hội nào, phụ thuộc rất lớn vào sự lựa chọn, đánh giá của người soạn thảo.
Những cơ sở khoa học sau đây giúp cho việc xác định đúng phạm điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật:
- Hiện trạng các quan hệ xã hội cần điều chỉnh bằng pháp luật. Cần xác định rõ hiện tại có những loại quan hệ xã hội nào cần điều chỉnh bằng pháp luật; dựa vào tính chất, mức độ quan trọng và ổn định, có thể chia ra thành những nhóm nào để dự liệu cần ban hành những văn bản nào, tránh bỏ lọt quan hệ cần điều chỉnh, đồng thời cũng tránh sự chồng chéo giữa các văn bản trong quá trình điều chỉnh.
- Thực trạng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Cần xác định hiện đang có những văn bản quy phạm pháp luật nào; văn bản nào còn có vai trò tích cực trong sự điều chỉnh, văn bản nào không còn phù hợp với đời sống xã hội, với mục đích quản lý của Nhà nước, từ đó xác định: cần sửa đổi, bổ sung hay cần ban hành mới những văn bản nào để đáp ứng đòi hỏi của xã hội.
- Nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị mình trong thời gian tới. Thông thường nhiệm vụ đó đã được thể hiện ngay trong kế hoạch, chương trình xây dựng pháp luật của cơ quan, đơn vị và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nhiệm vụ soạn thảo văn bản phát sinh đột xuất do yêu cầu của cấp có thẩm quyền hoặc đòi hỏi bức xúc, đột xuất của đời sống xã hội.
Theo quy định tại Điều 1 Luật Thi hành án hình sự 2019:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, biện pháp tư pháp; quyền, nghĩa vụ của người, pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp.
Theo như Luật thi hành án hình sự 2010, phạm vi điều chỉnh được quy định tại Điều 1 như sau:
Luật này quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, biện pháp tư pháp; quyền, nghĩa vụ của người chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp.
Như vậy, có thể nhận thấy, Luật thi hành án hình sự 2019 đã mở rộng thêm đối với việc xác định nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện; thi hành các hình phạt và biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại chấp hành án. Chương XI “Thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại” bao gồm 9 điều quy định về cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành án; quyết định, thủ tục, hồ sơ thi hành án; quyền, nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án; cưỡng chế thi hành án; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại; chuyển giao nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại tổ chức lại; cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp…
Xét từ góc độ lý luận, xác định phạm vi điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật là việc nhà làm luật giới hạn sự tác động của văn bản lên các quan hệ xã hội. Ngay từ trước khi soạn thảo văn bản, người soạn thảo đã phải xác định rõ: văn bản được ban hành để điều chỉnh những loại quan hệ xã hội nào.
Việc xác định phạm vi điều chỉnh của văn bản có vai trò rất quan trọng, trực tiếp ảnh hưởng tới chất lượng văn bản, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Điều đó là tất yếu, vì những lý do cơ bản sau đây:
- Không văn bản quy phạm pháp luật nào tồn tại độc lập mà luôn nằm trong một hệ thống, trong đó mỗi văn bản có một vị trí, vai trò riêng. Để tránh sự trùng lặp, chồng chéo giữa các quy định, cần xác định phạm vi điều chỉnh của mỗi văn bản là những nhóm quan hệ xã hội khác nhau về tính chất (ví dụ: các quan hệ nội bộ trong bộ máy nhà nước, quan hệ giữa Nhà nước với công dân, quan hệ giữ công dân với công dân trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội,..).
- Trong hệ thống pháp luật, có nhiều hình thức văn bản quy phạm pháp luật, mỗi hình thức có thứ bậc khác nhau lệ thuộc vào thẩm quyền của cơ quan ban hành văn bản trong bộ máy nhà nước. Các cơ quan này lại có thẩm quyền và cách thức hoạt động khác nhau trong việc ban hành văn bản, vì vậy, các hình thức văn bản khác nhau có đối tượng điều chỉnh là những nhóm quan hệ xã hội khác nhau về mức độ quan trọng (quan hệ xã hội đặc biệt quan trọng, quan trọng, ít quan trọng...). Điều đó phù hợp với việc phân định thẩm quyền của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, tránh tình trạng đùn đẩy hoặc chồng chéo trong hoạt động xây dựng pháp luật.
- Trong đời sống xã hội có những nhóm quan hệ xã hội đã hình thành, tồn tại trong một giai đoạn khá dài, Nhà nước đã có kinh nghiệm trong việc điều chỉnh và đã đưa chúng đi vào ổn định trong khuôn khổ phù hợp với lợi ích của Nhà nước. Nhưng cũng có những quan hệ xã hội mới hình thành, còn có thể vận động theo nhiều khuynh hướng khác nhau, Nhà nước chưa xác định được chắc chắn hướng điều chỉnh để các quan hệ đó vận động theo đúng mục đích của mình. Vì vậy, việc phân hoá chúng để điều chỉnh bằng những văn bản quy phạm pháp luật khác nhau là cần thiết.
Như vậy, Việc xác định phạm vi điều chỉnh của một văn bản quy phạm pháp luật là vô cùng cần thiết. Luật thi hành án hình sự 2010 được ban hành để điều chỉnh những quan hệ xã hội nào và có mối tương quan như thế nào trong hệ thống ngành luật của quốc gia.
So với Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh gồm: tha tù trước thời hạn có điều kiện, hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất đỉnh, cấm huy động vốn, biện pháp tư pháp; quyền, nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp.
Theo quy định tại Điều 66 Bộ luật Hình sự năm 2015, Điều 368 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung các quy định về tha tù trước thòi hạn có điều kiện; Điều 33 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, bao gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Hình phạt chính bao gồm: phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Hình phạt bổ sung bao gồm: cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính. Theo đó, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã mở rộng phạm vi đỉều chỉnh để thi hành những quy định nêu trên của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật thi hành án hình sự 2019 đã khắc phục bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác thi hành án. Có thể nói, Luật Thi hành án hình sự 2019 đã được sửa đổi toàn diện nhằm cụ thể hóa việc thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các đạo luật khác có liên quan, thể chế hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đồng thời khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn thi hành luật trước đây, bảo vệ quyền lợi của phạm nhân, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc.
Thi hành án hình sự là loại thi hành án nghiêm khắc nhất, tác động tới tính mạng, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người chấp hành án - người bị Tòa án phán xử đã phạm tội hình sự và bị áp dụng hình phạt hoặc biện pháp tư pháp. Mặc dù về tính chất vẫn được coi là loại hình mang tính giáo dục, nhân đạo và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, song thi hành án hình sự luôn thể hiện là loại hình mang tính tiêu cực, quyết liệt ở các dạng thức trừng trị, cải tạo theo pháp luật đối với người phạm tội, do đó, loại hình này được tổ chức thực hiện chặt chẽ nhằm tránh oan sai, tiêu cực, rủi ro về xã hội cũng như rủi ro đối với những người tham gia quá trình tổ chức, thi hành án.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.868644 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.
Link nội dung: https://luathoanhut.vn/diem-moi-ve-pham-vi-dieu-chinh-cua-luat-thi-hanh-an-hinh-su-2019-a22094.html