Mức phạt giả mạo công văn của Bộ Giáo dục cho học sinh nghỉ học?

Luật Hòa Nhựt giải đáp các thắc mắc về hành vi làm giả công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học để cổ vũ U23 Việt Nam bị xử phạt thế nào theo quy định của pháp luật hiện hành:

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự trực tuyến, gọi:  1900.868644

Luật sư tư vấn:

Ngày 24/01/2018 trên các trang mạng xã hội xuất hiện tràn lan hình ảnh một văn bản được cho là Công văn 6051 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đề nghị cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng được nghỉ học chiều ngày 27/01/2018 để cổ vũ trận chung kết U23 châu Á giữa Việt Nam và Uzbekistan. 

Văn bản được đăng tải này có dấu đỏ, có chữ ký của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, tuy nhiên, ông Nguyễn Viết Lộc - Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ GD&ĐT đã khẳng định: “Đây là công văn giả mạo, Bộ GD&ĐT đã đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra làm rõ. Đồng thời, bộ đã có văn bản gửi các sở GD&ĐT, cơ sở GD&ĐT trên cả nước cảnh báo về văn bản giả mạo này”. Ngoài ra, ông Bùi Văn Ga cũng cho biết: "Tôi đã thôi công tác quản lý từ tháng 12/2017 nên văn bản không thể do tôi ký được".

Như vậy có thể thấy văn bản trên là do cá nhân, nhóm người nào đó giả mạo nhằm mục đích trêu đùa hoặc mục đích riêng khác. Chỉ cần xét trên phương diện về hình thức, có thể dễ dàng nhận ra văn bản này phạm phải một số lỗi cơ bản về soạn thảo văn bản hành chính như về việc ghi ngày tháng năm, văn bản hành chính yêu cầu đối với những số chỉ ngày nhỏ hơn 10 và tháng 1, 2 phải ghi thêm số 0 ở trước. Tức là phải ghi là tháng 01 thay vì ghi là tháng 1.  Nội dung " Kính gửi " có ghi nhận văn bản này được gửi đến " các đai học, học viện, các trường đại học" , chúng ta dễ dàng nhận thấy sự trùng lặp do sai sót người giả mạo mắc phải. 

 Mức phạt giả mạo công văn của Bộ Giáo dục cho học sinh nghỉ học?

Phía Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị phía cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác phối hợp điều tra và xử lý đối với hành vi giả mạo này. Theo quy định tại điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức thì hành vi trên có thể bị xử lý như sau:

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm. 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: 

a) Có tổ chức; 

b) Phạm tội 02 lần trở lên; 

c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; 

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; 

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; 

e) Tái phạm nguy hiểm. 

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: 

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; 

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; 

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên. 

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”.

Trên đây là tư vấn của Luật Hòa Nhựt về Giả mạo công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học để cổ vũ U23 Việt Nam sẽ bị xử lý như thế nào ?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.868644 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.

Link nội dung: https://luathoanhut.vn/muc-phat-gia-mao-cong-van-cua-bo-giao-duc-cho-hoc-sinh-nghi-hoc-a22097.html