Khi Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người đã được trao quyền sử dụng đất thì phải tiến hành trả cho người sử dụng đất giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị thu hồi. Quy trình, thủ tục về việc thu hồi đất được pháp luật quy định cụ thể, chặt chẽ gồm nhiều bước, nhiều giai đoạn và được thực hiện bởi các cơ quan khác nhau. Trên tinh thần Điều 69 và Điều 71 Luật Đất đai 2013, trình tự thủ tục thu hồi đất gồm các bước sau:
- Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành thông báo thu hồi đất. Việc thu hồi đất phải được tiến hành theo đúng thời hạn, thẩm quyền và nội dung theo luật quy định.
- Tiến hành điều tra, khảo sát, đo đạc và kiểm đếm đất đai và tài sản trên đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Quá trình này cần có sự phối hợp giữa Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng và người sử dụng đất để có thể tiến hành một cách trơn tru và hiệu quả.
- Dựa kết quả kiểm kê đất đai và tài sản trên đất, tiến hành lập ra phương án bồi thường thiệt hại và hỗ trợ tái định cư.Quá trình này được tổ chức chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, hỗ trợ tái định cư trong kế hoạch giải phóng mặt bằng chịu trách nhiệm và thực hiện.
- Hoàn chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Muốn hoàn chỉnh một hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng thì phải tiến hành niêm yết công khai phương án để lấy ý kiến người dân. Từ đó, tổng hợp tất cả ý kiến từ người dân để thực hiện đối thoại trực tiếp, thỏa thuận. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp đã nhận được từ người dân để lên kế hoạch thực hiện phương án, hoàn chỉnh hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng.
- Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
- Tiến hành thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt.
- Tiến hành bàn giao đất giữa người có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong trường hợp người có đất thu hồi vẫn không chịu bàn giao sau khi được vận động, thuyết phục thì tiến hành việc cưỡng chế theo quy định pháp luật.
Việc Ủy ban nhân dân có thẩm quyền thu hồi đất phải ban hành thông báo thu hồi đất khi thu hồi đất đã được pháp luật quy định rõ ràng trong Luật Đất đai 2013. Trường hợp thu hồi đất mà không báo trước cho người dân là không đúng với quy trình, thủ tục được quy định theo pháp luật. Đối với trường hợp sai phạm này của cơ quan nhà nước, người dân cần phải nhận thức rõ và tiến hành những biện pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình không bị xâm phạm. Người dân có thể lựa chọn hai phương thức sau khi bị thu hồi đất mà không được thông báo trước.
Người khiếu nại phải nộp đơn khiếu nại và các tài liệu có liên quan đính kèm tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Nội dung đơn phải đáp ứng yêu cầu pháp luật quy định. Kèm theo đơn khiếu nại là tài liệu đính kèm bao gồm tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại bị xâm phạm. Chủ tịch Ủy ban nhân dân sẽ có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.
Sau khi nhận đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình từ người dân, trong vòng 10 ngày, người có thẩm quyền thụ lý giải quyết và thông báo về việc thụ lý giải quyết. Trường hợp không thụ lý thì người khiếu nại sẽ được thông báo rõ về lý do.
Tiếp theo, người có thẩm quyền thụ lý và giải quyết sẽ tiến hành xác minh nội dung khiếu nại. Sau khi đã xác minh nội dung khiếu nại xong thì tiến hành tổ chức đối thoại. Tổ chức đối thoại là một bước cần thiết khi yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau. Từ đó làm căn cứ để tiến hành giải quyết khiếu nại.
Sau khi đã tiến hành xong các bước nêu trên thì cá nhân hoặc cơ quan có thẩm quyền thụ lý và giải quyết sẽ ra quyết định giải quyết khiếu nại.
Về ưu điểm của khiếu nại, giải quyết một cách nhanh chóng và ít tốn kém cho người dân. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn tồn tại một số hạn chế, các cơ quan hành chính cấp trên có xu hướng bao che cho sai phạm của các cơ quan hành chính cấp dưới.
Đầu tiên, người khởi kiện phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để nộp cho Tòa án nơi có thẩm quyền thụ lý và giải quyết vụ án. Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
- Đơn khởi kiện quyết định thu hồi đất
- Tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện
- Bản sao quyết định thu hồi đất và quyết định giải quyết khiếu nại nếu có.
- Bản sao sổ hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân.
- Hồ sơ giải quyết khiếu nại nếu có và bản thống kê danh mục các tài liệu.
Khi đã chuẩn bị xong hồ sơ đầy đủ người khởi kiện tiến hành nộp hồ sơ tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định:
- Nếu đối tượng khởi kiện là quyết định thu hồi đất do Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành thì thẩm quyền thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính.
- Nếu đối tượng khởi kiện là quyết định thu hồi đất là do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành thì thẩm quyền thuộc về Tòa án nhân dân cấp cao.
Sau khi nhận được đơn khởi kiện từ người dân, Chánh án Tòa án phân công một thẩm phán xem xét đơn khởi kiện để tiến hành xem xét về việc thụ lý trong vòng ba ngày.
Thời hạn chuẩn bị xét xử cho các vụ án hành chính là 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.
Về ưu điểm khi nộp đơn lên Tòa án là có thể hạn chế được tình trạng bao che sai phạm của các cơ quan hành chính, đảm bảo tính công bằng và vô tư, khách quan cao hơn. Tuy nhiên người dân sẽ phải nộp tạm ứng án phí trong khi khiếu nại tới cơ quan hành chính thì không bị mất chi phí. Ngoài ra, quá trình xem xét và thụ lý vụ án của Tòa án được quy định vô cùng chặt chẽ. Trong trường hợp đã khởi kiện ra Tòa và được giải quyết bằng một bản án có hiệu lực pháp luật thì không thể khiếu nại hành chính được
Vậy nên trong trường hợp bị thu hồi đất mà không được thông báo trước, người dân có thể lựa chọn một trong hai phương án giải quyết có thể tham khảo là:
- Khiếu nại quyết định thu hồi đất tới cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp lựa chọn phương thức khiếu nại mà không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì người dân có thể lựa chọn khởi kiện ra Tòa hoặc tiếp tục khiếu nại lên cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan đã giải quyết khiếu nại lần đầu.
- Khởi kiện quyết định thu hồi đất tới Tòa án có thẩm quyền.
Khi lựa chọn phương án giải quyết, người dân nên cân nhắc mặt ưu điểm, hạn chế của hai phương án trên và tình hình thực tế của bản thân để đưa ra quyết định sao phù hợp.
Khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất thì sẽ tiến hành trả cho người sử dụng đất giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị thu hồi, bao gồm hai phương thức:
- Nhà nước bồi thường cho người sử dụng đất bằng đất ở hoặc nhà ở nếu không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi. Ngoài ra, nếu địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở.
- Nhà nước bồi thường cho người sử dụng đất bằng tiền nếu vẫn còn đất ở, nhà ở trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi. Ngoài ra, trong trường hợp được bồi thường bằng đất ở nhưng người bị thu hồi đất không có nhu cầu thì sẽ bồi thường bằng tiền thay thế.
Đối với tiền đền bù khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định sẽ dựa trên giá bồi thường đã được niêm yết cố định chứ không căn cứ vào giá thị trường. So với xu hướng gia tăng giá theo thời gian của bất đồng sản thì đồng tiền đều lạm phát qua mỗi năm và giảm giá trị sau một thời gian nhất định. Tuy nhiên tiền mặt có thể giải quyết kịp thời những nhu cầu cần thiết của người dân như làm ăn hoặc chi trả cho những khoản chi tiêu sinh hoạt chứ không như bất động sản. Nếu người bị thu hồi đất có thể lựa chọn việc bồi thường khi thu hồi đất theo phương thức nào thì nên cân nhắc các ưu điểm, hạn chế và đưa ra quyết định.
Trên đây là bài viết về chủ đề: Người dân cần làm gì khi thu hồi đất mà không báo trước? Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về mặt pháp lý, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline: 1900.868644 hoặc email: [email protected]. Xin trân trọng cảm ơn.
Link nội dung: https://luathoanhut.vn/nguoi-dan-can-lam-gi-khi-thu-hoi-dat-ma-khong-bao-truoc-a22849.html