06 loại hàng hóa, dịch vụ được phép hạ giá từ ngày 01/7/2024 (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LUẬT HÒA NHỰT giải đáp như sau:
Đây là nội dung được đề cập tại Luật Giá 2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2024).
06 loại hàng hóa, dịch vụ được phép hạ giá từ ngày 01/7/2024
Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có quyền hạ giá bán hàng hóa, dịch vụ mà không bị coi là vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh, pháp luật về chống bán phá giá hàng nhập khẩu và phải niêm yết công khai về mức giá cũ, mức giá mới, thời hạn hạ giá đối với các trường hợp sau đây:
(1) Hàng tươi sống;
(2) Hàng hóa tồn kho;
(3) Hàng hóa, dịch vụ theo mùa vụ;
(4) Hàng hóa, dịch vụ để khuyến mại theo quy định của pháp luật;
(5) Hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, phá sản, giải thể; thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh;
(6) Hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước.
Ngoài quyền nêu trên, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ còn các quyền sau đây:
- Tự định giá và điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cụ thể. Được xem xét áp dụng nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá do Nhà nước quy định để định giá hàng hóa, dịch vụ.
- Tự định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh theo khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, phù hợp với căn cứ, nguyên tắc, phương pháp định giá hàng hóa, dịch vụ quy định tại Luật Giá 2023.
- Tham gia xây dựng và kết nối, chia sẻ thông tin vào cơ sở dữ liệu về giá.
- Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá xem xét, điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
- Tiếp cận thông tin về chính sách giá của Nhà nước; các biện pháp quản lý, điều tiết giá của Nhà nước.
- Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về giá; yêu cầu tổ chức, cá nhân bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định của pháp luật.
(Điều 8 Luật Giá 2023)
Tổ chức, cá nhân bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi gì trong lĩnh vực giá, thẩm định giá?
Theo khoản 2 Điều 7 Luật Giá 2023, các hành vi bị nghiêm cấm trong trong lĩnh vực giá, thẩm định giá áp dụng cho tổ chức, cá nhân bao gồm:
- Loan tin, đưa tin không đúng sự thật, không chính xác về tình hình kinh tế - xã hội gây nhiễu loạn thông tin thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ;
- Gian lận về giá bằng cách cố ý thay đổi các nội dung đã cam kết trong các giao dịch mà không thông báo trước với khách hàng về thời gian, địa điểm, điều kiện mua, bán, phương thức vận chuyển, thanh toán, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm giao hàng, cung ứng dịch vụ;
- Lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi;
- Cản trở hoạt động quản lý, điều tiết giá, thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Làm, cung cấp chứng thư thẩm định giá giả hoặc sử dụng chứng thư thẩm định giá giả cho mục đích quy định tại khoản 4 Điều 55 Luật Giá 2023;
- Làm, cung cấp chứng thư thẩm định giá khi không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá hoặc sử dụng chứng thư đó cho mục đích quy định tại khoản 4 Điều 55 Luật Giá 2023; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá khi không là thẩm định viên về giá;
- Mua chuộc, hối lộ; cấu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.
Link nội dung: https://luathoanhut.vn/06-loai-hang-hoa-dich-vu-duoc-phep-ha-gia-tu-ngay-0172024-a23063.html