Phần mềm (Software) là viết tắt của phần mềm máy tính (Computer Software). Đây là một tập hợp những chỉ thị (Instruction) hoặc câu lệnh được viết bằng một hoặc nhiều ngôn ngữ lập trình. Các chỉ thị hoặc câu lệnh này được xếp theo một trật tự xác định, và các dữ liệu hay tài liệu liên quan nhằm tự động thực hiện một số nhiệm vụ, chức năng hoặc giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó.
Các loại phần mềm máy tính cơ bản:
Phần mềm hệ thống: Đây là phần mềm chính chạy trên máy tính. Phần mềm này sẽ chịu trách nhiệm kích hoạt phần cứng và điều khiển, điều phối hoạt động khi bạn mở máy tính. Tất cả các chương trình ứng dụng cũng được điều khiển bởi phần mềm hệ thống. Một số phần mềm hệ thống rất quen thộc đối với chúng ta đó là: Hệ điều hành; BIOS; Chương trình khởi động; Bộ hợp dịch; Trình điều khiển thiết bị driver.
Phần mềm ứng dụng: Phần mềm ứng dụng là một tập hợp các chương trình được thiết kế để thực hiện một nhiệm vụ cụ thể. Phần mềm ứng dụng không kiểm soát hoạt động của máy tính nên máy tính vẫn chạy bình thường khi không có phần mềm ứng dụng. Với phần mềm ứng dụng, người dùng có thể dễ dàng cài đặt hoặc gỡ bỏ. Phần mềm ứng dụng thường được thiết kế giao diện đơn giản, dễ sử dụng, mang đến những tiện ích tối ưu nhất cho người sử dụng.
Một số phần mềm ứng dụng rất quen thuộc là:
+ Phần mềm xử lý văn bản (MS Word, WordPad, Notepad): Người dùng sử dụng phần mềm này để tạo, chỉnh sửa, định dạng và thao tác văn bản, hình ảnh…
+ Phần mềm bảng tính (Microsoft Excel): Nó cho phép người dùng thực hiện các phép tính, lưu trữ dữ liệu, tạo biểu đồ…
+ Phần mềm đa phương tiện (VLC player, Window Media Player): Người dùng sử dụng phần mềm đa phương tiện để chỉnh sửa video, âm thanh và văn bản. Bạn có thể kết hợp các thông tin này với nhau để cho ra một sản phẩm phục vụ công việc hay học tập.
+ Phần mềm doanh nghiệp (SCM, BI, CRM, ERP): Phần mềm doanh nghiệp được phát triển phục vụ cho các hoạt động kinh doanh.
- Phần mềm lập trình: Phần mềm lập trình là một tập hợp hoặc tập hợp các công cụ giúp các nhà phát triển viết phần mềm hoặc chương trình khác. Phần mềm lập trình hỗ trợ tạo, gỡ lỗi và bảo trì phần mềm, ứng dụng hoặc chương trình. Hiểu một cách đơn giản, phần mềm này hỗ trợ dịch ngôn ngữ lập trình sang ngôn ngữ máy. Người dùng không sử dụng phần mềm lập trình này.
Bản quyền phần mềm là một cơ chế bảo hộ của pháp luật sở hữu trí tuệ đối với phần mềm hay chương trình máy tính bằng quyền tác giả. Do đó vi phạm bản quyền phần mềm có thể hiểu là các hành vi vi phạm quyền tác giả đối với chương trình máy tính. Theo quy định tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2022 thì trường hợp sau được xem là vi phạm bảo quyền phần mềm:
- Xâm phạm quyền nhân thân của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả.
- Xâm phạm quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả.
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ quy định tại các điều 25, 25a và 26 của Luật Luật Sở hữu trí tuệ.
- Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình nhằm thực hiện hành vi quy định tại Điều này và Điều 35 của Luật Sở hữu trí tuệ.
- Sản xuất, phân phối, nhập khẩu, chào bán, bán, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ nhằm mục đích thương mại các thiết bị, sản phẩm hoặc linh kiện, giới thiệu hoặc cung cấp dịch vụ khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, sản phẩm, linh kiện hoặc dịch vụ đó được sản xuất, sử dụng nhằm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền tác giả.
- Cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
- Cố ý phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng bản sao tác phẩm khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền đã bị xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian.
Crack phần mềm hay còn gọi là bẻ khóa phần mềm – đây là một cụm từ mà chúng ta vẫn hay sử dụng, nó ám chỉ một phần mềm có bản quyền bị bẻ khóa để được sử dụng miễn phí. Đối với các phần mềm miễn phí thì chúng ta sẽ không cần phải bẻ khóa. Chỉ với các phần mềm trả phí thì các Cracker trên thế giới mới tìm cách bẻ khóa để sử dụng nó một cách miễn phí. Thông thường, các phần mềm trả phí chỉ cho phép bạn sử dụng thử trong 1 khoảng thời gian nhất định, ví dụ như 15 ngày hoặc là 30 ngày tùy từng phần mềm. Và sẽ bị giới hạn tính năng ở các phiên bản dùng thử hoặc phiên bản miễn phí. Nếu như muốn sử dụng đầy đủ chức năng có trong phần mềm đó thì phải bỏ ra một khoản tiền để mua mã kích hoạt. Tuy nhiên hành vi Phá khoá một phần mềm là hành vi vi phạm bản quyền. Việc sử dụng một phần mềm do người khác phá khoá cũng là vi phạm bản quyền dù không trực tiếp phá khoá.
Hiện nay, để đối phó với hành vi vi phạm bản quyền, bạn có thể thực hiện các hình thức xử lý sau:
- Biện pháp Dân sự:
+ Khởi kiện tại Tòa án: Bạn có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo pháp luật tố tụng dân sự.
+ Yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm: Đòi hỏi bên vi phạm phải chấm dứt ngay lập tức hành vi vi phạm.
- Biện pháp Hành chính:
+ Yêu cầu cơ quan hành chính xử lý: Bạn có thể yêu cầu cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm.
+ Phạt tiền, tịch thu hàng hóa: Các biện pháp hành chính có thể bao gồm việc phạt tiền và tịch thu hàng hóa.
- Biện pháp Hình sự:
+ Nộp đơn tố giác: Nếu hành vi vi phạm có đủ yếu tố hình sự, bạn có thể nộp đơn tố giác đến cơ quan công an hoặc viện kiểm sát.
+ Khởi tố và truy tố: Nếu có đủ chứng cứ, bên vi phạm có thể bị khởi tố và truy tố trước tòa.
Để giảm thiểu tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm, bạn có thể thực hiện các giải pháp sau:
- Đăng ký Bảo hộ Quyền Tác giả: Đăng ký bảo hộ quyền tác giả phần mềm để có căn cứ pháp lý mạnh mẽ khi xảy ra tranh chấp và vi phạm;
- Chính sách Ưu đãi của Nhà sản xuất: Thiết lập chính sách giá ưu đãi, giảm giá để làm cho phần mềm trở nên phù hợp với người dùng và giảm kích thích sử dụng phần mềm lậu.
- Phát triển Phần mềm Mã nguồn Mở: Khuyến khích việc phát triển và sử dụng phần mềm mã nguồn mở, giúp tăng sự minh bạch và giảm vi phạm bản quyền.
- Giáo dục và Tuyên truyền: Tăng cường giáo dục về quyền tác giả và hậu quả của việc vi phạm bản quyền để tạo ý thức cho người sử dụng.
- Hợp tác với Cơ quan Quản lý: Hợp tác với cơ quan quản lý để đưa ra các biện pháp hành chính mạnh mẽ và kiểm soát tình hình vi phạm.
- Công nghệ Bảo vệ: Sử dụng công nghệ bảo vệ phần mềm như mã hóa, chữ ký số để ngăn chặn việc sao chép không phép.
- Kiểm tra và Theo dõi: Thực hiện kiểm tra định kỳ và theo dõi việc sử dụng phần mềm để phát hiện và xử lý ngay lập tức các hành vi vi phạm.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Hòa Nhựt về “Phá khoá một phần mềm có phải là hành vi vi phạm bản quyền không?” trường hợp còn điều gì thắc mắc vui lòng liên hệ qua 1900.868644 để được hỗ trợ hoặc để gửi yêu cầu dịch vụ qua email: [email protected].
Link nội dung: https://luathoanhut.vn/pha-khoa-mot-phan-mem-co-phai-la-hanh-vi-vi-pham-ban-quyen-khong-a23435.html