Theo quy định của Luật Sở hữu trí thì Quyền tác giả phát sinh từ thời điểm tác phẩm được sáng tạo và hoàn thành, và duy trì hiệu lực bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Quyền tác giả không bắt buộc phải đăng ký, cá nhân tổ chức là tác giả, hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có quyền đăng ký tác phẩm tại Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam để được ghi nhận bảo hộ. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm: Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm: tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; tác phẩm báo chí; bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác; tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian; tác phẩm âm nhạc; tác phẩm nhiếp ảnh; tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh); tác phẩm sân khấu; bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học; tác phẩm mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng; tác phẩm kiến trúc; chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
Trong đó tác phẩm điện ảnh và tác phẩm sân khấu được mô tả cụ thể như sau:
Tác phẩm điện ảnh là tác phẩm có nội dung, được biểu hiện bằng hình ảnh động liên tiếp hoặc hình ảnh do các thiết bị kỹ thuật, công nghệ tạo ra; có hoặc không có âm thanh và các hiệu ứng khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh. Hình ảnh tĩnh được lấy ra từ một tác phẩm điện ảnh là một phần của tác phẩm điện ảnh đó. Tác phẩm điện ảnh không bao gồm bản ghi hình nhằm mục đích phổ biến tin tức trên dịch vụ phát thanh, truyền hình, không gian mạng; chương trình biểu diễn nghệ thuật, trò chơi điện tử; bản ghi hình về hoạt động của một hoặc nhiều người, mô tả các sự kiện, tình huống hoặc chương trình thực tế.
Còn tác phẩm sân khấu là tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật biểu diễn, bao gồm: Chèo, tuồng, cải lương, múa, múa rối, múa đương đại, ba lê, kịch nói, opera, kịch dân ca, kịch hình thể, nhạc kịch, xiếc, tấu hài, tạp kỹ và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.
Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm sân khấu có thể được bảo hộ cả quyền tác giả và quyền liên quan
Quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh được quy định như sau:
Những người có quyền đứng tên trên tác phẩm điện ảnh, được nêu tên khi tác phẩm điện ảnh được công bố, sử dụng. gồm: Biên kịch, đạo diễn.
Quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo, diễn viên điện ảnh và những người thực hiện các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh được hưởng quyền tài sản đối với tác phẩm điện ảnh.
Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh là chủ sở hữu các quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và các quyền tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác bằng văn bản; có nghĩa vụ trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) theo hợp đồng với những người quy định tại điểm a và điểm b khoản này; Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh có thể thỏa thuận với những người quy định tại điểm a khoản này về việc đặt tên, sửa đổi tác phẩm; Trường hợp kịch bản, tác phẩm âm nhạc trong tác phẩm điện ảnh được sử dụng độc lập thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của kịch bản, tác phẩm âm nhạc được hưởng quyền tác giả một cách độc lập đối với kịch bản, tác phẩm âm nhạc đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác bằng văn bản.
Trường hợp bắt buộc do cách thức sử dụng tác phẩm điện ảnh thì có thể không nêu tên toàn bộ diễn viên điện ảnh và người thực hiện các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh quy định cụ thể tại Luật Sở hữu trí tuệ.
Trường hợp thỏa thuận về việc đặt tên, sửa đổi tác phẩm điện ảnh theo quy định cụ thể của Luật Sở hữu trí tuệ, biên kịch, đạo diễn không được lợi dụng quyền nhân thân của mình ngăn cản việc đặt tên, sửa đổi tác phẩm phù hợp với các điều kiện về sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm điện ảnh. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với kịch bản, tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong tác phẩm điện ảnh chỉ có thể cấm hành vi xuyên tạc kịch bản, tác phẩm âm nhạc hoặc sửa đổi, cắt xén kịch bản, tác phẩm âm nhạc gây phương hại đến danh dự, uy tín của họ.
Đối với tác phẩm điện ảnh là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc trình chiếu làm cho công chúng tiếp cận, cảm nhận được tác phẩm điện ảnh thông qua các phương tiện kỹ thuật nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm.
Tác giả kịch bản sân khấu được hưởng quyền nhân thân không thể chuyển giao;
Tác giả tác phẩm văn học, tác giả tác phẩm âm nhạc, đạo diễn sân khấu, chỉ huy âm nhạc, biên đạo múa, thiết kế sân khấu, phục trang và những người thực hiện các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm sân khấu được hưởng quyền quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật này;
Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để xây dựng tác phẩm sân khấu là chủ sở hữu các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và khoản 1 Điều 20 của Luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác bằng văn bản; có nghĩa vụ trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) theo hợp đồng với những người quy định tại điểm a và điểm b khoản này;
Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để xây dựng tác phẩm sân khấu có thể thỏa thuận với những người quy định tại điểm a khoản này về việc đặt tên, sửa đổi tác phẩm; Trường hợp tác phẩm văn học, tác phẩm âm nhạc trong tác phẩm sân khấu được sử dụng độc lập thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm văn học, tác phẩm âm nhạc được hưởng quyền tác giả một cách độc lập đối với tác phẩm văn học, tác phẩm âm nhạc đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác bằng văn bản.
Để đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu, người nộp hồ sơ đăng ký cần chuẩn bị 01 bộ tài liệu đầy đủ bao gồm:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu (theo mẫu);
- 02 bản sao tác phẩm. Tác phẩm điện ảnh phải bao gồm kịch bản văn học là sản phẩm sáng tạo của biên kịch dưới dạng văn bản thể hiện toàn bộ diễn biến của câu chuyện phim; kịch bản phân cảnh là sản phẩm sáng tạo của đạo diễn dưới dạng văn bản thể hiện kỹ thuật chuyên môn và phương pháp thực hiện các cảnh quay của bộ phim dựa trên kịch bản văn học.
- Văn bản ủy quyền nếu hồ sơ được nộp qua tổ chức dịch vụ, tư vấn quyền tác giả, quyền liên quan.
- Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung;
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
- Trường hợp trong tác phẩm có sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đó theo quy định của pháp luật.
Để sử dụng dịch vụ đăng ký bản quyền của Luật Hòa Nhựt, Quý khách hàng vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi qua các kênh sau:
Kênh liên hệ để được tư vấn và hỗ trợ về các vấn đề pháp luật khác: Gửi yêu cầu dịch vụ qua email: [email protected] hoặc gọi ngay tổng đài tư vấn chuyên môn số: 1900.868644.
Link nội dung: https://luathoanhut.vn/dang-ky-ban-quyen-tac-pham-dien-anh-san-khau-lam-nhu-the-nao-a23460.html