Nhiều người lao động đang quan ngại về vấn đề liên quan đến Bảo hiểm Xã hội (BHXH), đặc biệt là việc rút BHXH một lần. Theo thông tin được đề cập trong Tờ trình 527/TTr-CP, có hai phương án đề xuất về việc rút BHXH một lần như sau:
- Phương án 1: rút BHXH một lần được giải quyết với hai nhóm lao động.
+ Nhóm thứ nhất là người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực (dự kiến từ ngày 1/7/2025), sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.
+ Nhóm thứ 2: người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 01/7/2025) không được nhận BHXH một lần (chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần trong các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
- Phương án 2:
Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Phương án 2 được cho là hài hòa quyền lợi trước mắt của người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài.
Mặc dù số lượng người hưởng Bảo hiểm Xã hội (BHXH) một lần có thể không giảm đáng kể so với hiện tại, nhưng khi người lao động chỉ được rút BHXH một lần, họ vẫn không hoàn toàn rời khỏi hệ thống vì vẫn phải bảo lưu một phần thời gian đóng BHXH còn lại (không ảnh hưởng đến số người tham gia). Nếu họ tiếp tục tham gia, thì thời gian đóng này sẽ được tính vào để hưởng chế độ BHXH với quyền lợi cao hơn. Điều này sẽ tạo động lực cho người lao động tiếp tục tham gia, tích luỹ quỹ BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu khi nghỉ hưu. Hơn nữa, phương án này cũng tạo ra nhiều cơ hội hơn cho người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu.
Đề xuất chỉ được rút BHXH một lần với mức 50% đồng thời đảm bảo sự ổn định của hệ thống và bảo vệ quyền lợi của người lao động trong dài hạn. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những phương án được đề xuất trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), và hiện đang trong quá trình thu thập ý kiến, chưa phải là quyết định cuối cùng.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) cũng điều chỉnh và bổ sung quy định cho trường hợp người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi để nhận trợ cấp hưu trí xã hội. Theo đó, họ có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng, với mức trợ cấp ít nhất bằng với trợ cấp hưu trí xã hội, cho đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Việc hưởng trợ cấp hàng tháng này sẽ tùy thuộc vào thời gian đóng Bảo hiểm Xã hội, mức lương hoặc thu nhập hàng tháng khi tham gia đóng Bảo hiểm Xã hội. Trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng, họ cũng sẽ được hưởng Bảo hiểm Y tế do Nhà nước đảm bảo.
Để phù hợp với thực tế và khuyến khích các địa phương đảm bảo tính ổn định và không gây ra sự rối loạn, cũng như để tăng nguồn lực thực hiện, Dự thảo quy định rằng trợ cấp hưu trí xã hội do Nhà nước đảm bảo thông qua các địa phương sẽ được thực hiện cùng với các chính sách khác đối với người cao tuổi. Trong khi đó, trợ cấp hàng tháng do Quỹ Bảo hiểm Xã hội đảm bảo sẽ được cơ quan Bảo hiểm Xã hội thực hiện.
Ngoài ra, Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) cũng bổ sung quy định giao Chính phủ quyết định việc điều chỉnh giảm dần độ tuổi để hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của Nhà nước từng thời kỳ. Mục tiêu là đến năm 2030, khoảng 60% số người khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng lương hưu, Bảo hiểm Xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Thông qua việc phân tích số liệu về lao động rời khỏi hệ thống an sinh từ năm 2016 đến 2022, đã có khoảng 700.000 người rút Bảo hiểm Xã hội một lần/năm, và có dấu hiệu tăng lên, đặc biệt gần 80% trong số này ở độ tuổi từ 20-40. Lý do chính để rút Bảo hiểm là áp lực về tài chính.
Nếu người lao động tiếp tục gặp khó khăn và liên tục rút một lần thì trong tương lai họ sẽ không có chế độ lương hưu. Vì vậy, phương án 2, cho phép rút nhưng hạn chế mức hưởng 50%, sẽ giải quyết cùng lúc hai vấn đề: bảo đảm quyền lợi rút Bảo hiểm của lao động và đảm bảo bảo lưu chế độ hưu trí cho sau này.
Việc quy định rút 50% như trong dự thảo luật sẽ giúp tránh được những tranh luận và thắc mắc liên quan đến phần tiền 14% mà doanh nghiệp đóng để thực hiện chế độ Bảo hiểm Xã hội (BHXH) cho người lao động.
Về cách thức bảo lưu 50% mức hưởng còn lại, người lao động tham gia BHXH trong 10 năm, muốn rút sẽ được giải quyết tối đa 5 năm, và phần thời gian này coi như đã hưởng hết quyền lợi. 5 năm còn lại sẽ được bảo lưu trong hệ thống, và nếu người lao động tiếp tục đóng BHXH khi đi làm lại, thì thời gian này sẽ được tính vào để hưởng đầy đủ các chế độ BHXH với quyền lợi cao hơn.
"Trong quá trình đóng tiếp, người lao động sẽ được hưởng đầy đủ các chế độ như thai sản, ốm đau, bệnh nghề nghiệp, và tai nạn lao động. Nếu đến tuổi về hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH, người lao động có nhiều sự lựa chọn, có thể tiếp tục rút BHXH một lần, tự nguyện đóng một lần cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu, hoặc nhận trợ cấp hàng tháng và được nhà nước cấp Bảo hiểm Y tế", ông Cường nói.
Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội cũng cho biết thêm rằng dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã có nhiều điều chỉnh, bổ sung nhằm gia tăng quyền lợi và tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần, cũng như giảm điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm.
Căn cứ theo quy định tại Điều 61 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội 1 lần như sau:
- Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần theo quy định tại Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Trong trường hợp người lao động chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu hoặc nhận bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, họ sẽ được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Điều này có nghĩa là nếu người lao động nghỉ việc mà chưa nhận bảo hiểm xã hội một lần, thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ được bảo lưu và tính vào sau này. Tuy nhiên, nếu họ nhận bảo hiểm xã hội một lần, có thể họ sẽ đánh mất cơ hội hưởng lương hưu do không đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Việc rút bảo hiểm xã hội một lần có thể mang lại nhiều rủi ro cho người lao động, bởi vì họ sẽ bỏ lỡ cơ hội hưởng lương hưu để đảm bảo cuộc sống sau này, cũng như sẽ mất chế độ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe khi già. Theo tính toán của cơ quan bảo hiểm xã hội, nếu so sánh cùng một thời gian đóng bảo hiểm xã hội, tổng lợi ích từ việc hưởng lương hưu hàng tháng sẽ lớn hơn nhiều so với việc nhận bảo hiểm xã hội một lần. Vì vậy, cơ quan bảo hiểm xã hội khuyến khích người lao động nên bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Bắt buộc rút tối đa 50% BHXH một lần trong thời gian sắp tới có đúng không? mà Công ty Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email:[email protected] để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!
Link nội dung: https://luathoanhut.vn/bat-buoc-rut-toi-da-50-bhxh-mot-lan-trong-thoi-gian-sap-toi-co-dung-khong-a23784.html