Quy định về thời hiệu thừa kế theo Bộ luật dân sự 2015

Kính gửi: Công ty Luật Hòa Nhựt, Năm 1972 gia đình tôi chuyển đến chỗ ở mới cho đến nay. Ông nội tôi chết 1945. Bà nội tôi có 4 người con nhưng có nhà ở riêng, do đó 1972 ba tôi đưa bà về sống trong mảnh đất nhà tôi.

Tháng 6 - 1990 bà nội tôi già chết (không có di chúc). Năm1993 ba tôi làm sổ đỏ đứng tên bà nội tôi. Diện tích đất ở 200m2. Đất bà nội tôi liền kề đất nhà tôi, từ khi bà nội mất, nhà tôi xây hàng rào thành một thửa đất nhưng có 2 sổ đỏ. Lưu ý là ba tôi có 5 người con và có nhà ở riêng trước khi bà nội tôi mất. Chỉ có vợ chồng tôi ba mẹ cho ở chung. Năm 2004 và 2006 ba mẹ tôi mất không có di chúc.Từ lúc bà nội mất, tôi sử dụng và làm nhà trên phần đất của bà nội ở ổn định cho đến nay không có ai kiện cáo gì. Vì các chú cô chắc cũng hiểu không liên quan gì đến đất của bà nội tôi. Còn các con của ba mẹ tôi thì đã ký vào giấy nhường quyền di sản của bà nội cho tôi có xác nhận của phường, phường củng vừa xác nhận cho vợ chồng tôi sử dụng mảnh đất bà nội tôi ổn định từ 1972 đến nay.

Tháng 11-2020 tôi đi sang tên sổ đỏ của bà nội cho tôi. Đã hết thời hiệu thừa kế, nhưng cơ quan một cửa thành phố A, tỉnh B cứ bắt phải có giấy công chứng thừa kế cho tôi họ mới làm. Nhưng tôi đến phòng công chứng nào họ củng không chịu làm, chỗ thì họ bảo chuyển thẳng tên cho tôi, chỗ thì họ bảo ra tòa án.Tôi không biết trường hợp như tôi trên đất nước mình có không và một cửa ở chỗ khác họ giải quyết thế nào. Mong luật sư tư vấn và quan trọng là chỉ dẫn cụ thể về thủ tục giấy tờ để tôi đối chiếu họ làm đúng hay là sai. Bây giờ thủ tục tù mù quá không biết đâu mà lần.

Cảm ơn luật sư. Trân trọng!

Luật sư tư vấn:

Căn cứ quy định của Bộ luật dân sự 2015; Luật đất đai 2013; Luật công chứng 2014 có thể phân tích chi tiết như sau:

1. Thời hiệu thừa kế là gì?

Năm 1993 ba Quý khách làm sổ đỏ đứng tên bà nội của Qúy khách. Diện tích đất ở 200m2. Bà nội quý khách mất tháng 6/1990 và khi mất không để lại di chúc. Vậy từ năm 1990 đến nay là 30 năm.

Theo quy định tại Điều 623 quy định về thời hiệu thừa kế: Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản. Bà quý khách mất tháng 6/1990, vì vậy thời điểm mở thừa kế là tháng 6/1990, từ đó đến nay đã hơn 30 năm, hết thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản.

“Điều 623. Thời hiệu thừa kế

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”

Quy định trên ghi nhận việc nếu hết thời hạn thừa kế trên thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản này. Bà nội quý khách mất đi không để lại di chúc, theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 651 và Điều 650 Bộ luật dân sự 2015.

2. Quy định về phân chia di sản thừa kế theo luật

Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

"Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế."

"Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản."

"Điều 652. Thừa kế thế vị

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống."

Qúy khách là người thừa kế theo quy định pháp luật, đồng thời theo thông tin Qúy khách cung cấp Qúy khách lại là người quản lý di sản. Vì vậy, di sản thuộc về Qúy khách.

Tuy nhiên, trường hợp này thực hiện thủ tục ra sao, như thế nào thì hiện tại chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về nội dung này. Thực tế vẫn có những cách áp dụng khác nhau tại mỗi địa phương.

3. Công chứng thỏa thuận phân chia di sản thừa kế như thế nào?

Quan điểm của Luật Hòa Nhựt cho rằng yêu cầu của cơ quan một cửa thành phố A, tỉnh B rằng phải có giấy công chứng thừa kế cho Qúy khách là có cơ sở. Văn phòng công chứng hoàn toàn có thể công nhận sự phân chia tài sản giữa những người thừa kế theo pháp luật của bà Nội (bao gồm: các con của bà, các con của bố mẹ bạn) quý khách về việc Qúy khách được hưởng thừa kế di sản của bà Nội để lại theo Điều 57 Luật công chứng 2014:

Điều 57. Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản

1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.

2. Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.

3. Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.

Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.

4. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.

Khi yêu cầu văn phòng công chứng công chứng, Qúy khách mang theo: Chứng minh nhân dân, sổ hổ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản để tiến hành thủ tục.

4. Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến thừa kế

4.1 Thời điểm mở thừa kế là thời điểm nào?

Điều 611 BLDS 2015 quy định: Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết.

4.2 Tại sao lại phải xác nhận tình trạng hôn nhân của người để lại di sản đã chết?

Để xác định di sản của người chết để lại bao gồm những di sản nào.

4.3 Tại sao có di chúc rồi vẫn phải xác nhận hàng thừa kế?

Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 về Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, theo đó: “Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con thành niên mà không có khả năng lao động.” Như vậy kể cả di chúc không cho những người nêu trong điều luật trên được hưởng thì họ vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, không phụ thuộc di chúc cho ai.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về “Tư vấn về đất đai ”. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và hồ sơ do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để quý khách tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline  1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!