Cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu tại Việt Nam

Để có được lợi nhuận lớn, nhiều cá nhân, tổ chức bất chấp các hành vi lợi dụng uy tín của các nhãn hiệu nổi tiếng. Đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nó dễ gây lầm tưởng chất lượng của các sản phẩm kém chất lượng. Do vậy, Luật Hòa Nhựt sẽ giải đáp quý khách hàng về hành vi cạnh tranh không lành mạnh như sau:

1. Cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu là gì?

Theo quy định tại Luật Cạnh tranh 2018 định nghĩa cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.

Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh được đề cập tới lần đầu tiên trong Công ước Paris năm 1883. Đây cũng được coi là công ước quốc tế đầu tiên và quan trọng nhất điều chỉnh hoạt động bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp.

Theo văn bản mới nhất của Công ước Paris năm 1883, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 10bis: “Bất cứ hành động nào trái với tập quán trung thực trong công nghiệp và thương mại đều bị coi là hành động cạnh tranh không lành mạnh”. Theo đó, cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp nói chung bao gồm 3 hành vi:

- Hành vi gây ra sự nhầm lẫn;

- Hành vi làm mất uy tín của đối thủ cạnh tranh;

- Hành vi có thể lừa dối công chúng.

Tuy nhiên, trong số 3 hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên chỉ có hai hành vi: gây ra sự nhầm lẫn và hành vi có thể lừa dối công chúng là có liên quan trực tiếp đến nhãn hiệu.

2. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu tại Việt Nam

Pháp luật kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu ở Việt Nam hiện nay có cơ chế điều chỉnh dựa trên nền tảng của Luật cạnh tranh và Luật Sở hữu trí tuệ. Trên cơ sở của Công ước quốc tế đầu tiên và quan trọng nhất điều chỉnh hoạt động bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp – Công ước Paris năm 1883, tại khoản 1 Điều 130 của Luật sở hữu trí tuệ quy định các hành vi cụ thể như sau:

Thứ nhất, hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn với nhãn hiệu.

Chỉ dẫn thương mại có thể được hiểu là các dấu hiệu, thông tin nhằm hướng dẫn thương mại hàng hoá, dịch vụ, bao gồm nhãn hiệu, tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng bao bì của hàng hoá, nhãn hàng hoá. 

Về hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn, điểm c Khoản 1 Điều 19 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (TT số 11/2015/TT-BKHCN) quy định: “Chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn là chỉ dẫn thương mại chứa các dấu hiệu (yếu tố cấu thành, cách trình bày, cách kết hợp giữa các yếu tố, màu sắc, ấn tượng tổng quan đối với người tiêu dùng) trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với chỉ dẫn thương mại tương ứng của chủ thể quyền yêu cầu xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh được sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự.”

Các dạng hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn được quy định tại  Luật Sở hữu trí tuệ là:

- Hành vi gắn chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn với nhãn hiệu lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện quảng cáo.

- Hành vi bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu hàng hoá có gắn chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn với nhãn hiệu.

- Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hoá, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hoá, dịch vụ

Thứ hai, hành vi sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại nước ngoài ở Việt Nam, mà việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng.

Công ước Paris năm 1883 có một điều khoản quy định về việc cấm người đại diện, đại lý của nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu bất hợp pháp như sau: “Điều 6 septies. Nhãn hiệu: Đăng ký nhãn hiệu dưới tên của người đại diện hoặc đại lý mà không được chủ nhãn hiệu cho phép

- Nếu đại lý hoặc người đại diện của người là chủ nhãn hiệu tại một trong số các nước thành viên của Liên minh vẫn nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho chính mình tại một hoặc nhiều nước thành viên của Liên minh, mà không được sự cho phép của người chủ đó thì chủ nhãn hiệu có quyền phản đối việc đăng ký hoặc đề nghị huỷ bỏ việc đăng ký đó, hoặc, nếu luật quốc gia cho phép, chuyển việc đăng ký đó cho mình, trừ trường hợp đại lý hoặc người đại diện biện hộ được cho hành động của mình.

- Người chủ nhãn hiệu, theo các quy định nêu trên, có quyền phản đối việc đại lý hoặc người đại diện sử dụng nhãn hiệu của mình nếu không cho phép việc sử dụng đó.”

Tương tự với quy định này, pháp luật Việt Nam cụ thể hóa và xác định rõ hành vi đó là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cụ thể được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ: “Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng.”

Thứ ba, hành vi chiếm hữu, sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ.

Thủ tục đăng ký tên miền được thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử, đăng ký trước thì được quyền sử dụng trước, ngoại trừ các tên miền thuộc phạm vi được ưu tiên bảo vệ theo quy định hoặc các tên miền được dành cho đấu giá theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Chủ thể đăng ký tên miền phải chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng tên miền đăng ký theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, không phải hành vi chiếm hữu, sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu cũng được xác định là hành vi cạnh trạnh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu. Để xác định hành vi đó có phải là hành vi cạnh tranh không lành mạnh không cần căn cứ vào các trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 19 TT số 11/2015/TT-BKHCN:

“Sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” có dãy ký tự trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ hoặc được sử dụng rộng rãi để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, chào hàng, bán hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc có liên quan trên trang thông tin điện tử mà địa chỉ tên miền đó dẫn tới; gây nhầm lẫn và lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng hoặc vật chất đối với chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý đó; hoặc

Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” có dãy ký tự trùng với nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý có uy tín, danh tiếng tại Việt Nam và có căn cứ chứng minh tổ chức, cá nhân chỉ đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng tên miền nhằm bán lại để kiếm lời hoặc cản trở chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đó đăng ký tên miền”

3. Đăng ký nhãn hiệu để ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh tại Việt Nam

Có thể thấy, cạnh tranh là một yếu tố tất yếu của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, cạnh tranh không lành mạnh lại là những hành vi trái với những chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu có thể gây ra những hậu quả và ảnh hưởng tiêu cực đối với doanh nghiệp và các bên liên quan. Vì vậy, việc xác định đúng và kịp thời đối tượng có dấu hiệu thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu được coi là bước đầu tiên và là điều kiện tiên quyết để triển khai các bước tiếp theo trong quá trình kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm bảo vệ quyền lợi và uy tín của doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng cũng như đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh trong môi trường kinh doanh. Các cá nhân, tổ chức sở hữu nhãn hiệu nên đăng ký quyền sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu của mình để đảm bảo về quyền, việc sử dụng của mình đối với nhãn hiệu đó

Luật Hòa Nhựt đã giải đáp cho quý khách hàng về hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu tại Việt Nam. Nếu quý khách hàng còn có thắc mắc nào hãy liên hệ 1900.868644 hoặc gửi thư đến email luathoanhut.vn@gmail.com.