Đề xuất bổ sung quy định về bậc của Thẩm phán Tòa án nhân dân (Hình từ internet)
Về vấn đề này, LUẬT HÒA NHỰT giải đáp như sau:
1. Đề xuất bổ sung quy định về bậc của Thẩm phán Tòa án nhân dân
Khoản 2 Điều 91 Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã bổ sung quy định về bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân gồm:
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giữ bậc cao nhất trong ngạch Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
- Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao gồm 02 bậc, từ bậc 01 đến bậc 02;
- Thẩm phán gồm có 09 bậc, từ bậc 01 đến bậc 09.
Số lượng Thẩm phán, bậc Thẩm phán tại mỗi cấp Tòa án do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định.
2. Đề xuất bổ sung quy định về nâng bậc của Thẩm phán Tòa án nhân dân
Theo khoản 4 Điều 92 Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), việc nâng bậc Thẩm phán căn cứ vào phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, kết quả công việc và thời gian giữ bậc của họ.
- Kết quả công việc được xác định theo chất lượng và số lượng vụ việc tham gia giải quyết của Thẩm phán trong thời gian giữ bậc. Số lượng vụ việc tham gia giải quyết của Thẩm phán ở các cấp Tòa án do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định;
- Thời gian giữ bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
- Thẩm phán được khen thưởng do có công trạng hoặc thành tích đặc biệt xuất sắc có thể được xem xét nâng bậc trước thời hạn theo quy định của pháp luật.
3. Đề xuất bổ sung quy định trách nhiệm của Thẩm phán
Điều 103 của Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã bổ sung quy định về trách nhiệm của Thẩm phán như sau:
- Tuân thủ Hiến pháp và Luật; kiên quyết bảo vệ công lý.
- Độc lập, vô tư, khách quan trong xét xử.
- Bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng khác theo quy định của luật.
- Bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật tư pháp.
- Học tập, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm để nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xét xử, bản lĩnh nghề nghiệp và khả năng chuyên nghiệp của người Thẩm phán.
- Tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xét xử, kiến thức xã hội liên quan; về đạo đức, trách nhiệm và ứng xử của Thẩm phán theo quy định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
- Tôn trọng nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân theo luật.
- Ưu tiên sử dụng quỹ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
4. Đề xuất bổ sung quy định về thông tin về Thẩm phán vi phạm pháp luật
Điều 105 của Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã bổ sung quy định về thông tin về Thẩm phán vi phạm pháp luật như sau:
- Trường hợp Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo Chủ tịch nước biết. Trường hợp bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải báo cáo để Chủ tịch nước biết.
- Trường hợp Thẩm phán bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức thông báo cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao biết. Trường hợp bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc của Thẩm phán thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải thông báo cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao biết.