Giải đáp 06 vướng mắc trong xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng

Cho tôi hỏi Tòa án nhân dân tối cao có giải đáp vướng mắc trong xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng nào không? - Như Hảo (Thái Binh)

Giải đáp 06 vướng mắc trong xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng (Hình từ internet)

Về vấn đề này, LUẬT HÒA NHỰT giải đáp như sau:

Giải đáp 06 vướng mắc trong xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng

Ngày 03/10/2023, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn 196/TANDTC-PC thông báo kết quả giải đáp trực tuyến vướng mắc trong công tác xét xử.

Theo đó, ngày 24/4/2023, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị trực tuyến giải đáp một số vướng mắc trong công tác xét xử của các Tòa án. Trên cơ sở các vướng mắc và giải đáp của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp 06 vướng mắc trong xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng như sau:

Vướng mắc 1: Tòa án đang giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng có yêu cầu xử lý tài sản thế chấp thì phát hiện Tòa án khác đã thụ lý vụ án tranh chấp quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản thế chấp này. Trường hợp này phải nhập hai vụ án để giải quyết hay tạm đình chỉ giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng để chờ kết quả giải quyết từ vụ án tranh chấp quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản thế chấp?

Khoản 1 Điều 42 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về nhập vụ án dân sự như sau:

Tòa án nhập hai hoặc nhiều vụ án mà Tòa án đó đã thụ lý riêng biệt thành một vụ án để giải quyết nêu việc nhập và việc giải quyết trong cùng một vụ án bảo đảm đúng pháp luật.

Đối với vụ án có nhiều người có cùng yêu cầu khởi kiện đối với cùng một cá nhân hoặc cùng một cơ quan, tổ chức thì Tòa án có thể nhập các yêu cầu của họ để giải quyết trong cùng một vụ án.

Như vậy, pháp luật chỉ quy định việc nhập hai hoặc nhiều vụ án mà Tòa án đó đã thụ lý riêng biệt thành một vụ án để giải quyết, mà không quy định về trường hợp nhập các vụ án do các Tòa án khác nhau thụ lý giải quyết.

Trường hợp này, các Tòa án thụ lý giải quyết các vụ án đều có liên quan đến tài sản thế chấp, mà việc xác định ai là người có quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp tài sản này là căn cứ quan trọng để Tòa án giải quyết các vụ án. Do đó, Tòa án đang giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng phải tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo điểm d khoản 1 Điều 214 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để chờ kết quả giải quyết vụ án tranh chấp quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản thế chấp nêu trên. Khi có kết quả giải quyết vụ án này, Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án chấp hợp đồng tín dụng theo quy định pháp luật.

Vướng mắc 2: Trong vụ án tranh chấp Hợp đồng tín dụng, Ngân hàng khởi kiện yêu cầu bên vay trả nợ theo hợp đồng tín dụng, nếu bên vay không trả nợ sẽ yêu cầu xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Các đương sự không yêu cầu tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu. Trường hợp xét thấy hợp đồng thế chấp vô hiệu thì Tòa án có quyền tuyên Hợp đồng thế chấp đó vô hiệu không?

Đây là vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, bên vay thế chấp tài sản để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, Ngân hàng yêu cầu xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ nếu bên vay không trả nợ. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án phải xem xét hiệu lực của hợp đồng thế chấp tài sản này. Nếu hợp đồng thế chấp tài sản tuân thủ đúng quy định pháp luật thì Tòa án phải công nhận hợp đồng thế chấp tài sản có hiệu lực và xử tài sản thế chấp theo quy định pháp luật; nếu hợp đồng thế chấp tài sản vi phạm các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng theo quy định pháp luật thì Tòa án phải tuyên bố hợp đồng thế chấp tài sản vô hiệu mà không phụ thuộc vào việc đương sự có yêu cầu tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu hay không.

Vướng mắc 3: Trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, A vay của Ngân hàng một khoản tiền, để đảm bảo khoản vay nêu trên của A thì B, C, D, E đã đứng ra bảo đảm bằng quyền sử dụng đất riêng của mình. A vi phạm nghĩa vụ trả nợ, Ngân hàng khởi kiện yêu cầu A trả khoản vay trên, nếu không trả nợ thì yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm của B, C, D, E để thu hồi nợ. Ngân hàng không xác định được phạm vi bảo đảm cụ thể của mỗi tài sản bảo đảm cho khoản vay của A mà đề nghị Tòa án căn cứ vào thoả thuận bảo đảm toàn bộ khoản vay trong hợp đồng để giải quyết; B, C, D, E cũng không xác định được phạm vi tài sản của mình bảo đảm cho khoản vay của A. Trường hợp này, khi xét xử vụ án thì Toà án xác định phạm vi bảo đảm như thế nào?

Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định:

Một nghĩa vụ có thể được bảo đảm thực hiện bằng nhiều tài sản. Phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của từng tài sản trong số các tài sản bảo đảm được xác định theo thỏa thuận của bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm. Trường hợp không có thỏa thuận thì bất kì tài sản nào trong số đó được dùng để bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

Khoản 1 Điều 52 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định:

... Trường hợp một nghĩa vụ được bảo đảm bằng nhiều tài sản mà các bên không có thỏa thuận về việc lựa chọn tài sản bảo đảm để xử lý và pháp luật liên quan không có quy định khác thì bên nhận bảo đảm có quyền lựa chọn tài sản bảo đảm để xử lý hoặc xử lý tất cả các tài sản bảo đảm.

Như vậy, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của từng tài sản và việc lựa chọn tài sản bảo đảm để xử lý thì bất kỳ tài sản nào trong số tài sản bảo đảm của B, C, D, E đều được dùng để bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ; Ngân hàng có quyền lựa chọn tài sản bảo đảm để xử lý hoặc xử lý tất cả các tài sản bảo đảm. Trường hợp này, Ngân hàng có yêu cầu nếu A không trả nợ thì xử lý tài sản bảo đảm của B, C, D, E để thu hồi nợ. Do vậy, Tòa án phải xác định yêu cầu của Ngân hàng là xử lý tất cả các tài sản bảo đảm và mỗi tài sản đều được dùng để bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ để giải quyết theo quy định pháp luật.

Vướng mắc 4: Trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất nông nghiệp đã hết thời hạn sử dụng đất ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp này, Tòa án giải quyết tài sản thế chấp như thế nào?

Theo khoản 1 Điều 188 của Luật Đất đai năm 2013 quy định:

Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

Như vậy, tại thời điểm ký kết hợp đồng thế chấp, nếu tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất nông nghiệp đã hết thời hạn sử dụng ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép tiếp tục sử dụng đất thì không đủ điều kiện để giao kết hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất. Trường hợp này, Toà án xác định hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu khi có yêu cầu.

Trường hợp khi ký kết hợp đồng thế chấp, quyền sử dụng đất nông nghiệp vẫn còn thời hạn sử dụng nhưng khi giải quyết tranh chấp thì hết thời hạn sử dụng ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Tòa án cần có văn bản đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho biết quyền sử dụng đất đã thế chấp này có được gia hạn hay không. Nếu quyền sử dụng đất được gia hạn mà không phải làm thủ tục điều chỉnh thời hạn sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 74 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai[3] thì Tòa án công nhận hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tiếp tục xử lý tài sản thế chấp theo quy định pháp luật. Nếu quyền sử dụng đất không thuộc trường hợp được gia hạn thì Tòa án xác định hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn và tuyên bố chấm dứt hợp đồng thế chấp theo khoản 5 Điều 422 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Vướng mắc 5: Trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng có tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, Tổ chức tín dụng không tiến hành thẩm định tài sản trước khi ký hợp đồng thế chấp. Khi Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đối với tài sản thế chấp thì không xác định được vị trí đất thế chấp theo hợp đồng. Trường hợp này, hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất có hiệu lực pháp luật không?

Khi tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đối với tài sản thế chấp mà Tòa án không xác định được vị trí đất thế chấp theo hợp đồng thì Tòa án cần có văn bản đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên thế chấp trả lời về vị trí đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp để làm căn cứ xác định vị trí đất thế chấp. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền trả lời không xác định được vị trí đất thế chấp thì Tòa án tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu do không xác định được đối tượng của hợp đồng theo Điều 408 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Vướng mắc 6: Trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, bên vay thế chấp tài sản là ô tô của mình để vay tiền (việc thế chấp ô tô đã được đăng ký giao dịch bảo đảm, giấy tờ của xe ô tô do Ngân hàng đang quản lý, xe ô tô do bên vay sử dụng). Quá trình giải quyết vụ án, bên vay không có mặt tại địa phương, Tòa án xác minh thì không biết ô tô là tài sản thế chấp đang ở đâu và do ai quản lý nên không thể tiến hành thẩm định, định giá để làm căn cứ giải quyết vụ án. Trường hợp này Tòa án có được tuyên phát mại đối với chiếc xe ô tô để thi hành án được không?

Trường hợp Tòa án xác định hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật trong quá trình ký kết, hợp đồng có hiệu lực pháp luật thì việc không xác định được ô tô là tài sản thế chấp ở đâu tại thời điểm tranh chấp không làm vô hiệu hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp. Do đó, khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên vay không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì Tòa án tuyên phát mại tài sản thế chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 299 và Điều 303 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email luathoanhut.vn@gmail.com để được giải đáp. Trân trọng!