Cơ sở pháp lý liên quan và được sử dụng trong bài viết:
- Luật Chứng khoán ngày 26 tháng 11 năm 2019;
- Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
- Thông tư 97/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 hướng dẫn hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam.
I. Khái quát chung vấn đề
Cơ sở: Chương I Thông tư 97/2020/TT-BTC.
1. Trụ sở của văn phòng đại diện, chi nhánh
- Trụ sở của văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam được đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài, có địa chỉ được xác định, có số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có) và phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh lao động và các quy định pháp luật có liên quan.
- Văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam không được cho mượn, cho thuê lại trụ sở.
2. Ngôn ngữ giao dịch
Văn bản giao dịch chính thức của tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt hoặc đồng thời tiếng Việt và tiếng nước ngoài thông dụng.
3. Tên văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam
- Tên văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.
- Tên văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải bao gồm tên công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài và phải đảm bảo nguyên tắc sau:
+ Phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại và các quy định pháp luật có liên quan;
+ Tên văn phòng đại diện được đặt theo thứ tự “Văn phòng đại diện - tên công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài - tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”;
+ Tên chi nhánh được đặt theo thứ tự “Chi nhánh - tên công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài - tại Việt Nam”.
- Tên văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải được gắn tại trụ sở văn phòng đại diện, chi nhánh.
4. Trách nhiệm của Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc chi nhánh
- Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam và trước công ty mẹ về hoạt động của mình và của văn phòng đại diện, chi nhánh trong phạm vi được công ty mẹ ủy quyền.
- Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác trong văn phòng đại diện, chi nhánh để thực hiện quyền và nghĩa vụ của Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc chi nhánh theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam sau khi được công ty mẹ chấp thuận. Thời hạn ủy quyền tối đa là 90 ngày. Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc chi nhánh vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.
- Trường hợp hết thời hạn ủy quyền theo quy định tại khoản 2 Điều này mà Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc chi nhánh chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì người được ủy quyền phải thông báo cho công ty mẹ. Sau khi nhận được thông báo của người được ủy quyền, công ty mẹ có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc chi nhánh hiện hữu và việc bổ nhiệm Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc chi nhánh mới (nếu có). Người được ủy quyền có quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc chi nhánh trong phạm vi đã được ủy quyền, hiệu lực tối đa trong vòng 30 ngày sau khi được công ty mẹ chấp thuận.
- Công ty mẹ phải bổ nhiệm Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc chi nhánh mới trong các trường hợp sau:
+ Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam không hiện diện tại Việt Nam quá 30 ngày liên tiếp mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc chi nhánh;
+ Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam không hiện diện tại Việt Nam quá 90 ngày liên tiếp;
+ Trưởng văn phòng đại diện, Giám đốc chi nhánh bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
- Trưởng văn phòng đại diện, nhân viên tại văn phòng đại diện không được đồng thời đảm nhiệm các vị trí sau:
+ Giám đốc chi nhánh của công ty mẹ, Trưởng văn phòng đại diện, nhân viên của văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức nước ngoài khác tại Việt Nam;
+ Người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) hoặc nhân viên làm việc cho doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam;
+ Người đại diện theo pháp luật, thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của công ty mẹ hoặc cá nhân khác làm việc cho công ty mẹ, có quyền thay mặt công ty mẹ ký kết các hợp đồng kinh tế, giao dịch tài sản mà không cần ủy quyền bằng văn bản của công ty mẹ.
- Trưởng văn phòng đại diện chỉ được thay mặt công ty mẹ để ký kết các hợp đồng liên quan đến hoạt động kinh doanh, đầu tư của công ty mẹ với các tổ chức kinh tế Việt Nam trong trường hợp có ủy quyền hợp pháp bằng văn bản của đại diện có thẩm quyền của công ty mẹ. Giấy ủy quyền phải được lập riêng cho mỗi lần ký kết và phải gửi cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bản sao giấy ủy quyền này trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày giấy ủy quyền có hiệu lực.
5. Nghĩa vụ thuế, kế toán của văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán
Nghĩa vụ về thuế, kế toán của văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam như sau:
- Văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, người làm việc tại văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính theo pháp luật về thuế và quản lý thuế tại Việt Nam.
- Chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam thực hiện đầy đủ pháp luật về kế toán tại Việt Nam như đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ trong nước.
- Văn phòng đại diện công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam thực hiện công tác kế toán theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về kế toán đối với văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
6. Cơ chế tài chính của chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam
Chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải thực hiện cơ chế tài chính theo quy định của pháp luật Việt Nam như đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ trong nước.
7. Thanh tra, kiểm tra hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán
Nội dung thanh tra, kiểm tra hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam như sau:
- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam theo quy định pháp luật hiện hành.
- Công ty mẹ và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại nước ngoài nơi công ty mẹ đóng trụ sở chính trước khi thực hiện kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của chi nhánh tại Việt Nam phải thông báo và gửi đề cương nội dung kiểm tra cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận của công ty mẹ hoặc của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại nước ngoài, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ tại Việt Nam gửi cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kết quả kiểm tra, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, kết luận thanh tra, kiểm tra của công ty mẹ, cơ quan quản lý có thẩm quyền tại nước ngoài đối với hoạt động của chi nhánh tại Việt Nam.
II. Hoạt động của văn phòng đại diện công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam
Cơ sở:Chương II Thông tư 97/2020/TT-BTC.
1. Phạm vi hoạt động, quyền và nghĩa vụ của văn phòng đại diện và nhân viên tại văn phòng đại diện
- Phạm vi hoạt động của văn phòng đại diện công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 78 Luật Chứng khoán.
- Quyền và nghĩa vụ của văn phòng đại diện công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam:
+ Được mở tài khoản bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ tại ngân hàng thương mại được phép hoạt động kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam và chỉ được sử dụng tài khoản này vào hoạt động của văn phòng đại diện. Việc mở, sử dụng và đóng tài khoản của văn phòng đại diện thực hiện theo quy định pháp luật có liên quan;
+ Được tuyển dụng người lao động Việt Nam và lao động nước ngoài vào làm việc tại văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tuyển dụng người lao động nước ngoài làm việc tại văn phòng đại diện tại Việt Nam, công ty mẹ hoặc văn phòng đại diện (trong trường hợp được công ty mẹ ủy quyền) phải thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc tuyển dụng nhân sự nước ngoài kèm theo các văn bản xác nhận sự chấp thuận của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Lao động;
+ Có dấu riêng theo quy định của pháp luật Việt Nam và chỉ được sử dụng dấu này trong các văn bản giao dịch thuộc quyền hạn và chức năng của văn phòng đại diện;
+ Chỉ được thực hiện những hoạt động theo nội dung và trong thời hạn hoạt động quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện; không được thực hiện các hoạt động kinh doanh chứng khoán tại Việt Nam; không được thực hiện việc quản lý tài sản, quản lý vốn đầu tư cho các nhà đầu tư, kể cả phần vốn đầu tư của công ty mẹ tại Việt Nam và các hoạt động kinh doanh chứng khoán khác tại Việt Nam;
+ Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
2. Ngày chính thức hoạt động
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày chính thức hoạt động, văn phòng đại diện công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo hoạt động của mình theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này và các tài liệu xác thực đã hoàn tất việc công bố thông tin hoạt động theo quy định của Luật Chứng khoán.
3. Nghĩa vụ báo cáo, lưu trữ hồ sơ của văn phòng đại diện
- Văn phòng đại diện công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian hoạt động có nghĩa vụ báo cáo hoạt động định kỳ hằng quý, năm cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Nội dung báo cáo theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
- Thời hạn nộp các báo cáo định kỳ quy định tại khoản 1 Điều này như sau:
a) Đối với báo cáo quý: Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý;
b) Đối với báo cáo năm: Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm.
- Thời gian chốt số liệu đối với báo cáo định kỳ quy định tại khoản 1 Điều này như sau:
a) Đối với báo cáo quý: Tính từ ngày đầu tiên của quý báo cáo đến ngày cuối cùng của quý báo cáo;
b) Đối với báo cáo năm: Tính từ ngày 01 tháng 01 năm báo cáo đến ngày 31 tháng 12 năm báo cáo;
c) Văn phòng đại diện công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam mới thành lập, thời gian hoạt động chưa đủ một kỳ báo cáo thì kỳ báo cáo tính từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đến ngày cuối cùng của kỳ báo cáo.
- Văn phòng đại diện công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các báo cáo định kỳ dưới hình thức văn bản điện tử hoặc văn bản giấy.
- Văn phòng đại diện công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải lưu trữ tại trụ sở đầy đủ, chính xác, kịp thời các tài liệu, hồ sơ và cập nhật thông tin, dữ liệu liên quan đến hoạt động của văn phòng đại diện. Trong trường hợp cần thiết, khi có yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, văn phòng đại diện công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam có nghĩa vụ kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu hoặc giải trình các vấn đề có liên quan đến hoạt động của mình và hoạt động của công ty mẹ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trên đây là nội dung Luật Hòa Nhựt đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.868644 hoặc địa chỉ email luathoanhut.vn@gmail.com để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Hòa Nhựt. Rất mong nhận được sự hợp tác!