Phúc tra kết quả khám tuyển nghĩa vụ quân sự thực hiện như thế nào?

Thời điểm tuyển quân tham gia nghĩa vụ quân sự hàng năm quy định như thế nào ? Quy định về độ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự ? Tiêu chuẩn sức khỏe để tham gia nghĩa vụ quân sự là gì ? và các vấn đề khác liên quan sẽ được luật sư tư vấn cụ thể:

1. Thủ tục phúc tra kết quả khám tuyển nghĩa vụ quân sự?

Thưa luật sư, xin hỏi: Thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự (nvqs) đã chấp hành lệnh gọi và đã lên trạm khám sức khỏe nvqs, tuy nhiên không đạt sức khỏe theo quy định.

Hiện nay có thông báo phúc tra lại sức khỏe thì như vậy có đúng với luật nvqs quy định không ? Nếu đúng thì cơ sở văn bản nào quy định ?

Cảm ơn!

- Đ.X.T 

Luật sư trả lời:

Nội dung khám sức khỏe bao gồm:

- Khám về thể lực; khám lâm sàng các chuyên khoa theo các chỉ tiêu quy định tại Mục II, Mẫu 2 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP, trong quá trình khám trường hợp công dân được khám có một trong các chuyên khoa xếp điểm 5 hoặc điểm 6 thì người khám chuyên khoa đó có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch Hội đồng khám sức khỏe xem xét, quyết định việc có tiếp tục khám các chuyên khoa khác;

- Trường hợp cần xét nghiệm cận lâm sàng phục vụ cho kết luận sức khỏe theo Yêu cầu của Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, bao gồm cả xét nghiệm phát hiện ma túy;

- Phân loại sức khỏe theo các quy định tại Điều 9 Thông tư 16/2016.

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 2 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự do Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ Quốc phòng ban hành, có quy định về vấn đề bạn thắc mắc như sau:

Khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự là việc thực hiện khám, phân loại, kết luận lại sức khỏe đối với chiến sỹ mới nhập ngũ vào Quân đội, do Hội đồng khám của đơn vị nhận quân thực hiện.

Bên cạnh đó, Thông tư này cũng quy địnhkhám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là việc thực hiện khám, phân loại, kết luận sức khỏe đối với công dân được gọi làm nghĩa vụ quân sự đã qua sơ tuyển sức khỏe và công dân đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự, do Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự huyện thực hiện, cụ thể:

Điều 7. Khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự

1. Hội đồng khám phúc tra sức khỏe

a) Thành phần Hội đồng khám phúc tra sức khỏe, gồm: cán bộ, nhân viên quân y của trung đoàn và tương đương trở lên. Khi cần thiết, Hội đồng được tăng cường thêm lực lượng chuyên môn của quân y tuyến trên;

b) Nhiệm vụ của Hội đồng khám phúc tra sức khỏe

- Tổ chức, triển khai khám, phân loại và kết luận lại sức khỏe cho toàn bộ chiến sỹ mới theo kế hoạch đã được phê duyệt;

- Tổng hợp báo cáo kết quả khám phúc tra sức khỏe.

2. Nội dung khám phúc tra sức khỏe

a) Theo quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ của Bộ Quốc phòng;

b) Phân loại sức khỏe theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

3. Quy trình khám phúc tra sức khỏe

a) Thông báo thời gian, địa điểm khám phúc tra sức khỏe;

b) Tổ chức khám phúc tra sức khỏe theo quy định tại Khoản 2 Điều này; đối với các trường hợp, phiếu sức khỏe có ghi chữ “T” (tạm thời), Hội đồng khám phúc tra sức khỏe phải kết luận:

- Nếu bệnh khỏi thì bỏ chữ “T” và chuyển loại sức khỏe;

- Nếu không khỏi hoặc có chiều hướng tiến triển xấu, cần phải tổ chức khám lại và có kết luận đủ sức khỏe hoặc không đủ sức khỏe gọi nhập ngũ phải trả về địa phương.

c) Tổng hợp báo cáo kết quả khám phúc tra sức khỏe theo Mẫu 4d Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này.

Việc khám phúc tra sức khoẻ này phải thực hiện bắt buộc theo lệnh gọi khám sức khỏe hoặc kiểm tra sức khỏe của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện nhằm mục đích kiểm tra lại, tiếp tục phân loại đối với các đối tượng đã kiểm tra sơ tuyển và kiểm tra sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự. Khám phúc tra sức khỏe không thể thực hiện dựa trên yêu cầu hay mong muốn của đối tượng riêng lẻ mà đây là một quy trình có kế hoạch cụ thể của hội đồng khám phúc tra sức khỏe.

Điều 8. Giám định sức khỏe nghĩa vụ quân sự

1. Hội đồng giám định y khoa tỉnh tổ chức giám định sức khỏe nghĩa vụ quân sự khi có các khiếu nại liên quan đến sức khỏe của công dân được gọi làm nghĩa vụ quân sự, công dân đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự và quân nhân dự bị, do Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện đề nghị.

2. Yêu cầu giám định: Giám định tình trạng bệnh tật theo đề nghị của Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện; kết luận giám định phải xác định rõ tình trạng bệnh tật và phân loại sức khỏe theo Bảng số 1, Bảng số 2 và Bảng số 3 tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Trong vòng 7-10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị giám định sức khỏe, Hội đồng giám định y khoa tỉnh phải có kết luận giám định sức khỏe công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự và gửi hồ sơ, kết quả giám định cho Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện.

4. Quyết định của Hội đồng giám định y khoa tỉnh là kết luận cuối cùng về khiếu nại sức khỏe của công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự và tuyển sinh quân sự.

Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 không quy định rõ việc phải tổ chức khám sức khỏe cho một công dân được gọi nhập ngũ bao nhiêu lần. Nhưng cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có quyền điều chỉnh linh hoạt vấn đề khám sức khỏe của công dân nếu như phát hiện có sơ suất, sai sót ... trong quá trình kiểm tra sức khỏe của công dân gọi nhập ngũ nên việc xã yêu cầu bạn đi khám sức khỏe lại để đảm bảo kết quả khám sức khỏe của công dân gọi nhập ngũ được chính xác cũng là điều hợp lý.

2. Tiêu chuẩn sức khỏe để tham gia nghĩa vụ quân sự là gì ?

Chào luật sư, năm nay em 18 tuổi em vừa được gửi giấy đi khám sức khỏe để nhập ngũ. Nhưng sức khỏe của e không được tốt em thường hay bị chảy máu cam 1 tháng khoảng 4 đến 5 lần. Còn về chiều cao và cân nặng thì e cao 1m62 nặng 48kg như vậy e có đủ sức khỏe để nhập ngũ không ạ ?

Cảm ơn luật sư!

Luật sư trả lời:

Điều 4 Thông tư 148/2018/TT-BQP quy định về tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành quy định về Tiêu chuẩn tuyển quân:

Điều 4. Tiêu chuẩn tuyển quân

1. Tuổi đời:

a) Công dân từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi.

b) Công dân nam được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo thì tuyển chọn và gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

2. Tiêu chuẩn chính trị:

a) Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA ngày 15 tháng 4 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

b) Đối với các cơ quan, đơn vị và vị trí trọng yếu cơ mật trong Quân đội; lực lượng Tiêu binh, Nghi lễ; lực lượng Vệ binh và Kiểm soát quân sự chuyên nghiệp thực hiện tuyển chọn theo quy định của Bộ Quốc phòng.

3. Tiêu chuẩn sức khỏe:

a) Tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

b) Đối với các cơ quan, đơn vị, vị trí quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều này, thực hiện tuyển chọn bảo đảm tiêu chuẩn riêng theo quy định của Bộ Quốc phòng.

c) Không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HlV, AIDS.

4. Tiêu chuẩn văn hóa:

a) Tuyển chọn và gọi nhập ngũ những công dân có trình độ văn hóa lớp 8 trở lên, lấy từ cao xuống thấp. Những địa phương có khó khăn không đảm bảo đủ chỉ tiêu giao quân thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định được tuyển chọn số công dân có trình độ văn hóa lớp 7.

b) Các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; đồng bào dân tộc thiểu số dưới 10.000 người thì được tuyển không quá 25% công dân có trình độ văn hóa cấp tiểu học, còn lại là trung học cơ sở trở lên.

Và theo Bảng 1 Phụ lục 1 Thông tư số 16/2016/TTLT-BYT-BQP xếp loại tiêu chuẩn về thể lực như sau:

Loại sức khỏe Nam Nữ
Cao đứng (cm) Cân nặng (kg) Vòng ngực (cm) Cao đứng (cm) Cân nặng (kg)
1 >=163 >=51 >=81 >=154 >=48
2 160 - 162 47 - 50 78 - 80 152 - 153 44 - 47
3 157 - 159 43 - 46 75 - 77 150 - 151 42 - 43
4 155 - 156 41 - 42 73 - 74 148 - 149 40 - 41
5 153 - 154 40 71 - 72 147 38 - 39
6 > > > > >

Theo Bảng 2 Phụ lục 1 Thông tư số 16/2016/TTLT-BYT-BQP xếp loại tiêu chuẩn về mũi như sau:

36

Mũi:

- Mũi, hố mũi, vách ngăn bị lệch vẹo, dị dạng, nếu:

+ Không có rối loạn hô hấp và phát âm

3

+ Đã có rối loạn hô hấp, phát âm, nuốt mức độ nhẹ hoặc có ảnh hưởng đến cấu tạo lồng ngực

4 - 5

+ Có rối loạn chức năng hô hấp quan trọng, thường xuyên rối loạn phát âm

6

- Viêm mũi mạn tính đơn thuần (co thắt quá phát hoặc tiết dịch):

+ Nếu không có rối loạn chức năng hô hấp

2

+ Có rối loạn chức năng hô hấp rõ, tùy theo thể trạng

4 - 5

+ Teo đét, trĩ mũi (ozene) chảy máu cam thường xuyên

6

...

Như vậy, bạn cao 1m62, nặng 48kg thuộc nhóm sức khỏe loại 2 nên tiêu chuẩn về thể lực bạn đủ điều kiện để tham gia nghĩa vụ quân sự. Còn tiêu chuẩn các bệnh về mũi: do bạn bị chảy máu cam thường xuyên thì thuộc sức khỏe loại 6 nên bạn thuộc trường hợp không đủ điều kiện để đi nghĩa vụ quân sự.

3. Có được đi thay nghĩa vụ quân sự không ?

Nhà em có 2 thằng con trai một thằng sinh năm 1995 và 1997. Thằng em trai 1995 đã có giấy quyết định đi nghĩa vụ. Gia đình em khuyên mãi mà cháu 1995 không chịu đi. Và có ý định trốn. Vì 1995 không chịu đi nên cháu 1997 muốn đi thay. Xin cho em hỏi là nếu có người trong gia đình anh em ruột với nhau có được thay thế nhau đi không ?

Xin cảm ơn.

- N.T.N.N

Luật sư trả lời:

Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.

Theo quy định tại Điều 6 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015:

Điều 6. Nghĩa vụ phục vụ tại ngũ

1. Công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân.

2. Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ.

Theo đó, công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đều phải có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ, tức đều có nghĩa vụ đi nghĩa vụ quân sự.

Theo quy định, thì công dân nam sẽ đủ từ 18 tuổi sẽ được gọi nhập ngũ, cụ thể:

Điều 30. Độ tuổi gọi nhập ngũ

Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

Đây là trách nhiệm của mỗi cá nhân, anh trai cũng có nghĩa vụ phải nhập ngũ và em trai khi đủ tuổi cũng có nghĩa vụ nhập ngũ, nếu em trai sinh năm 1997, đang trong độ tuổi phải nhập ngũ mà không theo đào tạo trình độ cao đẳng, đại học thì sẽ được gọi nhập ngũ liên tục cho đến khi tham gia nghĩa vụ. Nên trường hợp của bạn, nếu em trai muốn đi nhập ngũ thì sẽ là đi theo xuất và nghĩa vụ của mình, chứ không thể đi thay anh trai, không được phép đi thay anh trai. Vì mọi công dân nam trong độ tuổi này chỉ cần không thuộc diện được tạm hoãn, được miễn nghĩa vụ quân sự thì đều phải đi nhập ngũ. Nếu anh trai bạn trốn nhập ngũ thì sẽ bị xử phạt theo quy định.

Theo Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu quy định:

Điều 4. Vi phạm các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự

1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu đối với công dân nam đủ 17 tuổi trong năm thuộc diện phải đăng ký nghĩa vụ quân sự.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Không đăng ký bổ sung khi có sự thay đổi về họ tên, địa chỉ nơi ở, nơi làm việc theo quy định;

c) Không thực hiện đăng ký di chuyển trước khi di chuyển nơi cư trú theo quy định;

d) Không thực hiện đăng ký vào ngạch dự bị theo quy định.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký nghĩa vụ quân sự, đăng ký bổ sung, đăng ký di chuyển, đăng ký vào ngạch dự bị đối với hành vi quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này.

Điều 5. Vi phạm quy định sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung sơ tuyển ghi trong giấy gọi sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện sơ tuyển nghĩa vụ quân sự theo kế hoạch của Hội đồng nghĩa vụ quân sự đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 6. Vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự

1. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong giấy gọi kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Người khám sức khỏe gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;

b) Đưa tiền hoặc các lợi ích vật chất khác cho cán bộ, nhân viên y tế để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự;

c) Cán bộ, nhân viên y tế cố ý làm sai lệch các yếu tố về sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện kiểm tra hoặc khám sức khỏe theo kế hoạch của Hội đồng nghĩa vụ quân sự đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp mà cán bộ, nhân viên y tế có được đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này;

c) Buộc thực hiện lại việc khám sức khỏe đối với người được khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c Khoản 2 Điều này.

Điều 7. Vi phạm quy định về nhập ngũ

1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chấp hành lệnh gọi nhập ngũ đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

Nếu đã xử lý hành chính mà bạn không chấp hành, thì có thể bạn bị khởi tố, chịu trách nhiệm hình sự về Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015:

Điều 332. Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự

1. Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

b) Phạm tội trong thời chiến;

c) Lôi kéo người khác phạm tội.

Hành vi phạm tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự được thể hiện thông qua các hành vi sau:

+ Không chấp hành quy định của Nhà nước về đăng ký nghĩa vụ quân sự là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc đăng ký nghĩa vụ quan sự theo quy định của pháp luật như: đã có lệnh gọi, nhưng không đến cơ quan quân sự đăng ký nghĩa vụ quan sự hoặc đến không đúng thời gian, địa điểm đăng ký…

+ Không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ là hành vi của người đăng ký nghĩa vụ quan sự, có lệnh gọi nhập ngũ nhưng không nhập ngũ hoặc đã đến nơi nhập ngũ lại bỏ trốn không thực hiện các thủ tục cần thiết để nhập ngũ.

+ Không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện là trường hợp người có đủ điều kiện theo quy định của luật nghĩa vụ quan sự phải có nghĩa vụ huấn luyện và đã có lệnh gọi tập trung huấn luyện nhưng không đến nơi tập trung huấn luyện hoặc có đến nhưng bỏ về nên không thực hiện được trương trình huấn luyện.

Cơ sở để xác định hành vi vi phạm thuộc tội này là quy định của Luật nghĩa vụ quânsự. Những hành vi nêu trên chỉ bị coi là tội phạm khi đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội này và chưa được xoá án tích về hành vi này mà còn vi phạm. Hành vi “trốn tránh” nếu thực hiện trước khi địa phương giao quân cho đơn vị quân đội tiếp nhận thì mới cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi này xảy ra sau đó thì chỉ có thể cấu tội đào ngũ.

4. Quy định về độ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự ?

Thưa luật sư, trong giấy khai sinh em không có ngày tháng sinh, chỉ có năm sinh .Vậy ngày nào em mới hết thời gian nghĩa vụ quân sự ?

Em xin cảm ơn !

Luật sư tư vấn:

- Theo Điều 30 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định Độ tuổi gọi nhập ngũ:

" Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.".

Như vậy, hiện trong giấy khai sinh của bạn không có ngày sinh nhưng có năm sinh thì Hội đồng nghĩa vụ quân sự xã sẽ dựa trên năm sinh của bạn để tính độ tuổi gọi nhập ngũ , độ tuổi gọi nhập ngũ được quy định cụ thể theo quy định nêu trên.

5. Thời điểm tuyển quân tham gia nghĩa vụ quân sự đợt 2 ?

Thưa luật sư, Luật sư cho em hỏi khi nào xét nghĩa vụ quân sự đợt 2 các năm ạ ?

Em xin cảm ơn!

Người gửi : Võ C

Luật sư trả lời:

Điều 33, luật nghĩa vụ quân sự 2015 có quy định:

Điều 33. Số lần, thời điểm gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân trong năm

Hằng năm, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân một lần vào tháng hai hoặc tháng ba; trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh thì được gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân lần thứ hai. Đối với địa phương có thảm họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm thì được điều chỉnh thời gian gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

Vậy việc gọi nhập ngũ lần 2 trong năm chỉ đặt ra trong trường hợp cần thiết hoặc vì lý do quốc phòng, an ninh chứ không cố định hằng năm. Có thể hiểu rằng việc triệu lập lần 2 đối với các đợt nhập ngũ chỉ là chính sách tăng cường (không cố định) và một thời điểm cụ thể không có lịch cố định hàng năm.

Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email luathoanhut.vn@gmail.com để được giải đáp. Trân trọng!