Quy định thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn là bao lâu? Hãy cùng Luật Hòa Nhựt tìm hiểu qua bài viết sau đây

1. Thế nào là vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì vi phạm hành chính về thuế là hành vi có lỗi do tổ chức, cá nhân thực hiện vi phạm quyết định của pháp luật về quản lý thuế, pháp luật về thuế và các khoản thu khác mà không phải là tội phạm và theo quy định pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trong đó, các khoản thu khác bao gồm:

+ Tiền sử dụng đất

+ Tiền thuê đất, thuê mặt nước

+ Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên, khoáng sản

+ Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

+ Lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

+ Cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn của Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Còn theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì vi phạm hành chính đối với hóa đơn là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện vi phạm quy định của pháp luật về hóa đơn mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

2. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt hành chính về thuế, hóa đơn

Căn cứ Điều 40 Nghị định 125/2020/NĐ-CP có quy định về thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, cụ thể như sau:

Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định xử phạt. Trường hợp quá thời hiệu thi hành nêu trên mà cơ quan thuế chưa thực hiện giao, gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho cá nhân, tổ chức vi phạm theo quy định tại ĐIều 39 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì không thi hành quyết định xử phạt. Đối với trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Trường hợp mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

Đối với trường hợp cơ quan thuế đã giao, gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định tại Điều 39 Nghị định 125/2020/NĐ-CP nhưng cá nhân, tổ chức bị xử phạt chưa nộp hoặc chưa nộp đầy đủ tiền phạt, tiền thuế truy thu, tiền chậm nộp thì cơ quan thuế phải thực hiện theo dõi các khoản tiền chưa nộp trên hệ thống quản lý thuế và áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định để thu đủ số tiền phải nộp cho ngân sách Nhà nước.

3. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đối với trường hợp người bị xử phạt chết, mất tích; tổ chức bị xử phạt phá sản, giải thể

Điều 41 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP có quy định về việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn trong trường hợp người bị xử phạt chết, mất tích; tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản, cụ thể như sau:

Trường hợp người bị xử phạt đã chết, mất tích; tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản thì không thực hiện thi hành nội dung phạt tiền tại quyết định xử phạt nhưng vẫn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định. Người đã ra quyết định phải đưa ra quyết định thi hành một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo người bị xử phạt chết, mất tích; tổ chức bị xử phạt phá sản hay giải thể.

Đối với trường hợp quyết định xử phạt không có nội dung áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả thì người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định đình chỉ thi hành quyết định xử phạt.

Căn cứ xác định cá nhân chết, mất tích; tổ chức bị phá sản giải thể bao gồm:

+ Giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc các giấy tờ thay cho giấy báo tử theo quy định của pháp luật về hộ tịch hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết, mất tích (bản chính hoặc bản sao) trường hợp cá nhân chết hoặc mất tích.

+ Thông báo về việc doanh nghiệp, hợp tác xã giải thể của cơ quan đăng ký doanh nghiệp, cơ quan đăng ký hợp tác xã đối với trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị giải thể; thông báo chấm dứt mã số thuế của cơ quan thuế đối với trường hợp tổ chức bị giải thể không phải doanh nghiệp hay hợp tác xã (bản chính hoặc bản sao)

+ Quyết định tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản (bản chính hoặc bản sao)

Quyết định thi hành một phần quyết định xử phạt bao gồm các nội dung như: đình chỉ thi hành hình thức phạt tiền, lý do đình chỉ; nội dung quyết định xử phạt tiếp tục phải thi hành, tên tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp tục thi hành; thời hạn thi hành.

Việc thừa kế nghĩa vụ thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả của cá nhân đã chết, mất tích, tổ chức bị phá sản, giải thể. Những người nhận thừa kể có trách nhiệm thi hành đối với phần còn lại của quyết định xử phạt về biện pháp khắc phục hậu quả trong phạm vi di sản do người chết để lại. Trường hợp mà di sản thừa kế chưa được chia thì việc tiếp tục thi hành phần còn lại của quyết định xử phạt về biện pháp khắc phục hậu quả do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện. Còn trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thi hành phần còn lại của quyết định xử phạt về biện pháp khắc phục hậu quả do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp Nhà nước, cơ quan, tổ chức tiếp nhận di sản theo di chúc thì có trách nhiệm thi hành phần còn lại của quyết định xử phạt về biện pháp khắc phục hậu quả do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật hoặc là có nhưng đã từ chối nhận di sản thừa kế thì thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Người được Tòa án giao quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích có trách nhiệm thi hành phần còn lại của quyết định xử phạt (biện pháp khắc phục hậu quả) trong phạm vi tài sản được quản lý thay cho người mất tích.

Những tổ chức bị giải thể là đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoặc giải thể do tổ chức lại doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khác hoặc giải thể chi nhanh, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài, văn phòng điều hành của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam thì tổ chức bị giải thể không được miễn thi hành phạt tiền tại quyết định xử phạt.

4. Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Điều 38 Nghị định 125/2020/NĐ-CP có quy định về những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Trường hợp quy định tại Điều 9 nghị định 125/2020/NĐ-CP, cụ thể: 

+ Không thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đối với các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Người nộp thuế chậm thực hiện thủ tục thuế, hóa đơn bằng phương thức điện tử do sự cố kỹ thuật của hệ thống công nghệ thông tin được thông báo trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế thuộc các  trường hợp thực hiện hành vi vi phạm do sự kiện bất khả kháng.

+ Không thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp tiền thuế đối với người nộp thuế vi phạm hành chính về thuế do thực hiện theo văn bản hướng dẫn, quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đối với nội dung xác định nghĩa vụ về thuế của người nộp thuế (kể cả các văn bản hướng dẫn, quyết định xử lý được ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực), trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế chưa phát hiện sai sót của người nộp thuế trong việc xác định số tiền thuế phải nộp hoặc số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn nhưng sau đó hành vi vi phạm hành chính về thuế của người nộp thuế bị phát hiện.

+ Đối với các trường hợp khai thuế sai thì sẽ không xử phạt vi phạm hành chính khi người nộp thuế đã khai bổ sung hồ sơ khai thuế và đã tự giác nộp đủ số tiền thuế phải nộp trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế phát hiện không qua thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế hoặc trước khi cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện.

+ Không xử phạt đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế đối với cá nhân trực tiếp thực hiện việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân mà có phát sinh số tiền thuế được hoàn; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã bị ấn định thuế theo quy định tại Điều 51 Luật Quản lý thuế.

+ Không xử phạt đối với các hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế trong thời gian người nộp thuế được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế đó

Thứ hai, không xác định được đối tượng vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Thứ ba, đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn theo quy định hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Thứ tư, cá nhân vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đã chết, mất tích; tổ chức vi phạm hành chính đã bị giải thể, phá sản trong thời gian xem xét đưa ra quyết định xử phạt, trừ các trường hợp quy định tại điểm c khoản 4 Điều 41 Nghị định 125/2020/NĐ-CP

Thứ năm, chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm có dấu hiệu tội phạm để tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, b, c, d theo khoản 1 Điều 38 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì người có thẩm quyền xử phạt không cần đưa ra quyết định xử phạt nhưng phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định (nếu có)

Quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả phải nêu rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; các biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm cũng như thời hạn thực hiện.

Nếu còn khúc mắc, có thể liên hệ hotline: 1900.868644 hoặc email: luathoanhut.vn@gmail.com để được hỗ trợ. Xin cảm ơn