Quyền nhận nuôi, quyền được nhận làm con nuôi của người đồng tính

Quyền nhận nuôi, quyền được nhận làm con nuôi là quyền được pháp luật công nhận và bảo vệ. Vậy theo quy định pháp luật hiện hành quyền nhận nuôi, quyền được nhận làm con nuôi của người đồng tính được quy định như thế nào?

1. Quyền nhận nuôi, quyền được nhận làm con nuôi của người đồng tính

1.1. Quyền nhận nuôi con nuôi của người đồng tính

Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Luật nuôi con nuôi 2010 có quy định về điều kiện đối với người nhận con nuôi như sau:

- Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

+ Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

+ Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

+ Có tư cách đạo đức tốt.

- Những người sau đây không được nhận con nuôi:

+ Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

+ Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

+ Đang chấp hành hình phạt tù;

+ Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

- Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 14 Luật nuôi con nuôi 2010.

Theo đó, pháp luật không cấm người đồng tính nhận con nuôi. Chính vì vậy, nếu bạn đáp ứng đủ điều kiện trên thì bạn sẽ được nhận con nuôi.

Việc nhận con nuôi sẽ phát sinh những vấn đề pháp lý sau:

- Nuôi con nuôi là một sự kiện hộ tịch: Quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi chỉ phát sinh sau khi việc nuôi con nuôi được đăng ký/được ghi vào Sổ đăng ký việc nuôi con nuôi. Cơ quan nhà nước thể hiện ý chí của mình thông qua hành vi công nhận hoặc không công nhận việc nuôi con nuôi trên cơ sở xem xét, đánh giá tính tự nguyện của các bên. 

- Nuôi con nuôi làm phát sinh quan hệ cha mẹ con: Khi việc nuôi con nuôi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đăng ký và ghi vào Sổ đăng ký việc nuôi con nuôi, quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi được công nhận và bảo vệ trước pháp luật. Quan hệ cha mẹ và con này có thể thay thế hoặc tồn tại đồng thời với quan hệ huyết thống và được dịch chuyển từ quan hệ huyết thống sang quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi.

1.2. Quyền được nhận làm con nuôi của người đồng tính

Một trong những quyền cơ bản của trẻ em được pháp luật bảo vệ là quyền được sống, được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường gia đình. Tuy nhiên không phải tất cả trẻ em sinh ra đều có cha mẹ và đều may mắn được sống trong môi trường gia đình. Trên thực tế, có rất nhiều trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi, khuyết tật, sống trong các gia đình nghèo không đủ điều kiện nuôi dưỡng cần một mái ấm gia đình thay thế. Một trong các biện pháp tìm gia đình thay thế đó chính là việc trẻ được nhận làm con nuôi cho một gia đình thay thế. Gia đình thay thế này sẽ giúp cho trẻ em được sống, được chăm sóc, nuôi dưỡng, được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu, ... được đáp ứng những nhu cầu và được bảo vệ quyền lợi một cách tốt nhất.

Vấn đề nuôi con nuôi là một vấn đề mang tính nhân đạo và nhân văn to lớn, tuy nhiên, trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp lợi dụng các quy định nhận nuôi con nuôi để trục lợi, để bóc lột sức lao động, thậm chí là buôn bán,... xâm hại đến quyền và không bảo vệ được lợi ích tốt nhát cho trẻ em. Chính vì vậy, vẫn có những biện pháp quy định hết sức chặt chẽ và phù hợp để bảo vệ những quyền, lợi ích này của trẻ được nhận nuôi. 

Như vậy, quyền nuôi con nuôi của người đồng tính là quyền của người đồng tính nhận một hay nhiều trẻ em không do mình trực tiếp sinh ra làm con, từ đó phát sinh quan hệ cha, mẹ với đứa trẻ đó, quyền này được pháp luật công nhận và bảo vệ.

2. Cặp đôi đồng tính có được nhận con nuôi không?

Mặc dù không được pháp luật Việt Nam công nhận nhưng hiện nay, có khá nhiều cặp đôi đồng tính đang sống chung với nhau như vợ chồng. Và không ít trong số đó rất mong muốn có được một người con nuôi để kết nối gia đình.

Theo quy định tại Luật Nuôi con nuôi 2010, việc nhận con nuôi sẽ xác lập quan hệ cha, mẹ, con một cách lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người con, đảm bảo cho người con được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình.

Lúc này, việc nhận con nuôi phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cả người nhận nuôi và người được nhận nuôi, dựa trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, không trái đạo đức, xã hội.

Theo đó, Điều 8 Luật này nêu rõ: “Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng”.

Bởi cặp đôi đồng tính hiện vẫn chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận là một cặp vợ chồng hợp pháp nên không thỏa mãn điều kiện để cùng đứng ra nhận con nuôi. Nhưng một trong hai người có thể làm thủ tục nhận con nuôi trong trường hợp là một người độc thân.

Khi đó, người đăng ký nhận con nuôi phải đáp ứng được các yêu cầu quy định tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010.

Do đó, vì Việt Nam chưa thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa hai người có cùng giới tính nên các cặp đôi đồng tính hiện chưa đủ điều kiện để nhận con nuôi.

Tuy nhiên, một trong hai người có thể làm thủ tục nhận con nuôi với tư cách là người độc thân và phải thỏa mãn các điều kiện nhận con nuôi theo quy định tại Luật Nuôi con nuôi 2010.

3. Một số bất cập về độ tuổi nhận nuôi con nuôi

Bên cạnh quy định về độ tuổi của người được nhận nuôi thì tại điểm b khoản 1 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 có quy định cha, mẹ nuôi phải lớn hơn con nuôi ít nhất là 20 tuổi. Quy định này đặt ra nhằm đảm bảo cha, mẹ nuôi có đủ điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở trong việc nuôi con. Tuy nhiên, không có quy định cụ thể về độ tuổi của cha, mẹ nuôi và con nuôi. Điều này dẫn đến việc các cặp vợ chồng lớn tuổi gặp khó khăn trong việc nhận con nuôi. 

Ví du: Bà X. đã 65 tuổi, không có chồng con, đảm bảo điều kiện về sức khỏe, kinh tế. Vừa qua, bà nhặt được đứa trẻ vài tháng tuổi bị bỏ rơi, bà đã trình báo với chính quyền địa phương và mong muốn được nhận cháu bé làm con nuôi để quan tâm chăm sóc, thủ thỉ lúc về già.

Xét 02 trường hợp xảy ra:

- Trường hợp 1: Công chức Tư pháp - Hộ tịch giải quyết cho bà làm mẹ nuôi của cháu bé. Bà X. đã đáp ứng điều kiện về độ tuổi (cách cháu bé hơn 20 tuổi). Nếu cháu bé trở thành con nuôi của bà X. thì liệu rằng bà X. có thể chăm lo, dạy dỗ đến khi cháu bé trưởng thành. Điều này lại không đảm bảo mục đích của việc nuôi con nuôi là nhằm tạo ra mái ấm gia đình bền vững cho trẻ em. Thực tế, khi tiếp nhận những hồ sơ tương tự, công chức Tư pháp - Hộ tịch thường từ chối hồ sơ đăng ký vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

- Trường hợp 2: Công chức Tư pháp - Hộ tịch từ chối hồ sơ đăng ký của bà X. Điều này tạo ra sự bất cập, trong khi ở thời điểm hiện tại, bà X. đáp ứng đủ điều kiện để nhận nuôi cháu bé, nhưng bị từ chối hồ sơ.

Về nguyên tắc chung, việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, nhằm mang đến lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình (Điều 2 Luật Nuôi con nuôi 2010), việc từ chối hồ sơ của công chức Tư pháp - Hộ tịch là hợp tình, hợp lý. Tuy nhiên, điều này không mang lại lợi ích tốt nhất cho trẻ, mà còn có thể khiến trẻ rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì không nhận được sự nuôi dưỡng, quan tâm, chăm sóc.

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Quyền nhận nuôi, quyền được nhận làm con nuôi của người đồng tính mà Công ty Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.

Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: luathoanhut.vn@gmail.com để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!