Sắp có Nghị quyết hướng dẫn Bộ luật Hình sự về các tội phạm ma túy (Hình từ internet)
Về vấn đề này, LUẬT HÒA NHỰT giải đáp như sau:
Tòa án nhân dân tối cao đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Nghị quyết hướng dẫn Bộ luật Hình sự về các tội phạm ma túy.
Sắp có Nghị quyết hướng dẫn Bộ luật Hình sự về các tội phạm ma túy
Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng một số quy định của các điều 247, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 255, 256, 257, 258 và 259 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự) về các tội phạm về ma túy.
Nghị quyết này thay thế các nội dung hướng dẫn Điều 193 và Điều 194 của Bộ luật Hình sự tại Nghị quyết 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15/3/2001 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của các Điều 139, 193, 194, 278, 279 và 289 của Bộ luật Hình sự năm 1999.
Trường hợp người phạm tội đã bị xét xử trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực theo đúng các quy định, hướng dẫn trước đây và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không căn cứ vào Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Một số tình tiết định khung hình phạt các tội phạm ma túy trong dự thảo Nghị quyết hướng dẫn Bộ luật Hình sự về các tội phạm ma túy
- Tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” quy định tại khoản 2 các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254 và 256 của Bộ luật Hình sự được hiểu là người phạm tội đã dựa vào chức vụ, quyền hạn mà mình được đảm nhiệm để thực hiện hành vi phạm tội.
- Tình tiết “lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức” quy định tại khoản 2 các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253 và 254 của Bộ luật Hình sự là người phạm tội đã lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức nơi họ đang làm việc, công tác để thực hiện hành vi phạm tội.
- Tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại khoản 2 các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 255, 256, 257, 258 và 259 của Bộ luật Hình sự được hiểu là đã có từ 02 lần phạm tội trở lên mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp này người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng khối lượng, thể tích chất ma túy của các lần cộng lại, nếu điều luật có quy định về khối lượng, thể tích chất ma túy để định khung hình phạt.
Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy đối với một người từ 02 lần trở lên cũng bị coi là phạm tội 02 lần trở lên.
- Tình tiết “đối với 02 người trở lên” quy định tại khoản 2 các điều 251, 255, 256, 257 và 258 của Bộ luật Hình sự được hiểu là trong 01 lần phạm tội, người phạm tội đã thực hiện tội phạm đối với từ 02 người trở lên, không bao gồm bản thân người phạm tội (ví dụ: trong 01 lần phạm tội tổ chức cho từ 02 người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy; trong 01 lần phạm tội chứa chấp từ 02 người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy; trong 01 lần phạm tội cưỡng bức, lôi kéo từ 02 người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy).
- Tình tiết “qua biên giới” quy định tại khoản 2 Điều 250, điểm g khoản 2 Điều 251, điểm h khoản 2 Điều 253 và điểm e khoản 2 Điều 254 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã hoặc đang thực hiện hành vi vận chuyển, mua bán chất ma túy, tiền chất, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy ra khỏi biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển, trên không và trong lòng đất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cũng được coi là hành vi vận chuyển, mua bán chất ma túy, tiền chất, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nếu người phạm tội đã thực hiện thủ tục xuất cảnh.