1. Chế độ gặp thân nhân của phạm nhân là người dưới 18 tuổi
Thưa luật sư, cho tôi hỏi với phạm nhân là người dưới 18 tuổi thì được kéo dài thời gian thăm gặp người thân tại phòng riêng khi có các giấy tờ nào? Xin cảm ơn!
>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.868644
Trả lời:
Chế độ thăm gặp thân nhân đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư 14/2020/TT-BCA, cụ thể như sau:
Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được gặp thân nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 76 Luật Thi hành án hình sự năm 2019. Phạm nhân là người dưới 18 tuổi có ít nhất hai quý liền kề với thời điểm gặp thân nhân được xếp loại tốt và thời gian từ khi xếp loại quý liền kề gần nhất đến thời điểm gặp thân nhân được nhận xét, đánh giá, xếp loại chấp hành án phạt tù tốt và được khen thưởng do có thành tích lao động, học tập theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thì Giám thị trại giam có thể xem xét, giải quyết việc kéo dài thời gian gặp ông, bà nội; ông, bà ngoại; bố, mẹ đẻ ở phòng riêng nhưng không quá 24 giờ.
Các giấy tờ để phạm nhân dưới 18 tuổi được kéo dài thời gian thăm gặp người thân tại phòng riêng được quy định tại Khoản 5 Điều 5 Thông tư 14/2020/TT-BCA , cụ thể như sau:
Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được kéo dài thời gian gặp thân nhân ở phòng riêng không quá 24 giờ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này phải có đơn xin gặp thân nhân ở phòng riêng, cam kết việc chấp hành pháp luật, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, nội quy Nhà gặp phạm nhân; thân nhân phạm nhân cũng phải có đơn xin gặp phạm nhân ở phòng riêng, cam kết việc chấp hành pháp luật, nội quy Nhà gặp phạm nhân.
Như vậy, trường hợp phạm nhân là người dưới 18 tuổi được kéo dài thời gian thăm gặp người thân tại phòng riêng phải có đơn xin gặp thân nhân ở phòng riêng, cam kết việc chấp hành pháp luật, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, nội quy Nhà gặp phạm nhân; thân nhân phạm nhân cũng phải có đơn xin gặp phạm nhân ở phòng riêng, cam kết việc chấp hành pháp luật, nội quy Nhà gặp phạm nhân.
2. Chế độ gặp đối với phạm nhân đang bị điều tra, truy tố về tội khác
Thưa Luật sư, theo quy định của pháp luật hiện hành thì phạm nhân đang bị điều tra, truy tố, xét xử về hành vi phạm tội khác có được thăm gặp nhân thân không? Xin cảm ơn!
Trả lời:
Chế độ thăm gặp đối với phạm nhân đang bị điều tra, truy tố, xét xử về hành vi phạm tội khác quy định tại Khoản 5 Điều 3 Thông tư 14/2020/TT-BCA, cụ thể như sau:
Phạm nhân đang bị điều tra, truy tố, xét xử về hành vi phạm tội khác mà cơ quan đang thụ lý vụ án có văn bản đề nghị cơ sở giam giữ phạm nhân không cho phạm nhân gặp thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc yêu cầu cơ sở giam giữ phạm nhân phối hợp để giám sát chế độ gặp của phạm nhân thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân xem xét thực hiện theo đề nghị của cơ quan đang thụ lý vụ án và giải thích rõ cho người đến gặp phạm nhân.
Như vậy, trường hợp phạm nhân đang bị điều tra, truy tố, xét xử về hành vi phạm tội khác thì có thể được gặp thân nhân hoặc không tùy thuộc vào quyết định của cơ quan đang thụ lý vụ án đó.
3. Những loại quà nào được gửi vào trại giam?
Thưa luật sư, Tôi là Minh đang sống tại Cần Thơ. Tôi có bố vợ đang bị đi tù. Tôi muốn đến thăm không biết có được không và được mang những loại quà gì cho bố vợ tôi và những loại quà nào bị cấm ? Mong Luật sư giải đáp. Xin cảm ơn!
Trả lời:
Theo khoản 8 điều 3 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015: Thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người có quan hệ ông bà nội, ông bà ngoại; bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng; vợ, chồng; anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cháu ruột với người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam là ông bà nội, ông bà ngoại.
Theo quy định này, người đang chấp hành án là bố vợ nên bạn được coi là thân nhân.
Khoản 2 điều 27, điều 29 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 và điều 9, điều 10 Thông tư số 34/2017/TT-BCA, bạn được gửi quà cho bố vợ không quá ba lần trong một tháng. Quà là đồ ăn, uống mỗi lần gửi không quá ba lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.
Các loại quà được gửi gồm: Tiền, thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, đồ ăn, uống, đồ dùng sinh hoạt và tư trang cá nhân (trừ các đồ vật thuộc danh mục cấm).
Bạn được gửi tiền Việt Nam song phải lưu ký tại Trại tạm giam. Quá trình bị tạm giam, bố vợ bạn không được sử dụng tiền mặt mà sử dụng tiền lưu ký để mua đồ dùng sinh hoạt và đồ ăn, uống. Định lượng đồ ăn, uống được mua một lần không quá ba lần tiêu chuẩn ăn ngày thường. Bố vợ bạn sẽ được nhận lại tiền lưu ký (nếu còn) khi được trả tự do, chuyển đi cơ sở giam giữ khác hoặc giao lại cho thân nhân.
Đồ gửi là thuốc chữa bệnh, thuốc bổ phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng và có đơn thuốc của thầy thuốc tại cơ sở y tế của Nhà nước. Cán bộ y tế của Trại tạm giam có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và cho bố vợ bạn sử dụng thuốc theo chỉ định.
Ngoài ra bạn có thể gửi thư, sách, báo, tài liệu khi được cơ quan đang thụ lý vụ án cho phép và chịu sự kiểm duyệt của cơ quan này và sự kiểm tra của cơ sở giam giữ.
Điều 4 Thông tư số 32/2017/TT-BCA ngày 19/9/2017 của Bộ Công an cấm đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam: Điện thoại di động và các thiết bị thông tin liên lạc; thiết bị lưu trữ dữ liệu, máy ghi âm, máy ghi hình, máy nghe ca nhạc, radio; những thiết bị, đồ dùng có tính năng tương tự và các thiết bị kỹ thuật, điện tử khác; các đồ dùng bằng kim loại, sành, sứ, đá, thủy tinh, các đồ vật cứng, sắc nhọn khác...
Ngoài việc gửi quà khi thăm gặp, bạn có thể gửi quà cho bố vợ không quá ba kg mỗi lần hoặc gửi tiền qua bưu điện.
4. Phạm nhân được gặp vợ/chồng ở phòng riêng cần điều kiện gì?
Thưa luật sư, chồng tôi hiện đang bị giam ở trại giam Xuyên Mộc vì tội tàng trữ ma túy. Từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2020 anh ấy đều được xếp loại khá, vậy tháng 11/2020 này tôi muốn đến thăm anh ấy thì có được gặp nhau ở phòng riêng không? Tôi cần chuẩn bị những giấy tờ gì để có thể vào thăm anh ấy được? Mong luật sư hỗ trợ ạ!
Trả lời:
Phạm nhân được gặp thân nhân 01 lần trong 01 tháng, mỗi lần gặp không quá 01 giờ. Căn cứ kết quả xếp loại chấp hành án, yêu cầu giáo dục cải tạo, thành tích lao động, học tập của phạm nhân, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện quyết định kéo dài thời gian gặp thân nhân nhưng không quá 03 giờ hoặc được gặp vợ, chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ.
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 14/2020/TT-BCA thì phạm nhân được gặp vợ, chồng ở phòng riêng thì thuộc một trong các trường hợp sau:
Điều 3. Chế độ gặp của phạm nhân
1. Phạm nhân được gặp thân nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Thi hành án hình sự năm 2019. Phạm nhân có thể được kéo dài thời gian gặp thân nhân; gặp vợ, chồng ở phòng riêng khi thuộc một trong các trường hợp sau:
b) Có ít nhất hai quý liền kề thời điểm gặp thân nhân được xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên và thời gian từ khi xếp loại quý liền kề gần nhất đến thời điểm gặp thân nhân được nhận xét, đánh giá, xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên thì có thể được gặp vợ, chồng ở phòng riêng không quá 03 giờ;
c) Có ít nhất bốn quý liền kề thời điểm gặp thân nhân được xếp loại tốt và thời gian từ khi xếp loại quý liền kề gần nhất đến thời điểm gặp thân nhân được nhận xét, đánh giá, xếp loại chấp hành án phạt tù tốt và được khen thưởng do có thành tích lao động, học tập theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thì có thể được gặp vợ, chồng ở phòng riêng từ trên 03 giờ đến không quá 24 giờ;
Theo Khoản 3 Điều 12 Thông tư 06/2018/TT-BCA quy định về định kì xếp loại khá như sau:
3. Xếp loại quý
a) Cả ba tháng trong quý đều xếp loại khá;
b) Có một tháng xếp loại tốt, hai tháng còn lại xếp loại khá;.....
Như vậy, với trường hợp của bạn thì 2 quý gần nhất chồng bạn đều được xếp loại khá và thời gian từ khi xếp loại quý liền kề gần nhất đến thời điểm gặp bạn mà chồng bạn được nhận xét, đánh giá, xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên thì có thể được gặp bạn ở phòng riêng không quá 03 giờ.
Phạm nhân được gặp vợ, chồng ở phòng riêng theo quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 3 Thông tư 14 này phải có đủ thủ tục theo quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:
- Sổ gặp phạm nhân (trường hợp gặp lần đầu chưa có Sổ hoặc không có tên trong Sổ thì phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh là thân nhân phạm nhân) hoặc đơn xin gặp phạm nhân có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc, học tập
- CMND hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu
Kèm theo đó là các giấy tờ sau:
- Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Trích lục kết hôn hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của Ủy ban nhân dân cấp xã thể hiện thân nhân là vợ hoặc chồng của phạm nhân;
- Đơn xin gặp vợ, chồng ở phòng riêng của thân nhân phạm nhân đồng thời cam kết việc chấp hành pháp luật, nội quy Nhà gặp phạm nhân, thực hiện phòng, chống các bệnh truyền nhiễm;
- Đơn xin gặp vợ, chồng ở phòng riêng của phạm nhân đồng thời cam kết việc chấp hành pháp luật, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, nội quy Nhà gặp phạm nhân và các quy định pháp luật về dân số, kế hoạch hóa gia đình hiện hành;
- Phạm nhân nữ phải sử dụng biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai để bảo đảm thời gian chấp hành án phạt tù.
5. Quy định về việc thăm phạm nhân?
Thưa luật sư, tôi có đứa cháu ruột đang bị giam tại Trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng). Ngày 30/4 này tôi có thể vào thăm cháu tôi được không? Xin cảm ơn Luật sư!
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 14/2020/TT-BCA: Thân nhân được gặp phạm nhân gồm: Ông, bà nội; ông, bà ngoại; bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp; anh, chị, em ruột, dâu, rể; anh, chị em vợ (hoặc chồng); cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột. Mỗi lần đến gặp phạm nhân tối đa không quá 03 thân nhân, trường hợp đặc biệt do yêu cầu giáo dục cải tạo, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân có thể quyết định việc tăng số lượng thân nhân được gặp phạm nhân nhưng không quá 05 người và phải đảm bảo việc phạm nhân gặp thân nhân không làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn cơ sở giam giữ phạm nhân.
Như vậy, bạn là bác ruột nên bạn được phép vào gặp cháu của bạn.
Theo quy định tại
Phạm nhân được gặp thân nhân 01 lần trong 01 tháng, mỗi lần gặp không quá 01 giờ. Căn cứ kết quả xếp loại chấp hành án, yêu cầu giáo dục cải tạo, thành tích lao động, học tập của phạm nhân, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện quyết định kéo dài thời gian gặp thân nhân nhưng không quá 03 giờ hoặc được gặp vợ, chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ. Phạm nhân được khen thưởng hoặc lập công thì được gặp thân nhân thêm 01 lần trong 01 tháng.
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Thông tư 14/2020/TT-BCA thì:
Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân phải tổ chức cho phạm nhân gặp thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, tết theo giờ làm việc của đơn vị.
Như vậy, bạn có thể gặp cháu của bạn tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ theo giờ làm việc của trại giam. Tuy nhiên không quá 1 giờ/1 lần/tháng. Nếu như cháu bạn có kết quả xếp loại tốt thì có thể được gặp thêm với thời gian nhiều hơn.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.868644 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.