1. Người thừa kế là gì?
Thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã mất cho người còn sống, trong đó tài sản để lại của người mất được coi là di sản. Hiện nay, thừa kế được chia thành thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc.
Theo Điều 613 Bộ luật dân sự 2015, người thừa kế được quy định cụ thể như sau:
"Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế."
Người thừa kế có thể nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật hoặc theo di chúc. Tuy nhiên cần lưu ý, người thừa kế không phải là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.
2. Con dâu có phải là người thừa kế của bố mẹ chồng không?
Hiện nay, những người thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 và chia ra làm ba hàng thừa kế, bao gồm:
- Hàng thừa kế thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba: cụ nội, cụ ngoại; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Như vậy căn cứ vào quy định trên, con dâu không thuộc hàng thừa kế nào của bố mẹ chồng.
3. Chồng chết vợ có được hưởng thừa kế của bố mẹ chồng không?
3.1. Trường hợp bố mẹ chồng có di chúc
Pháp luật luôn đề cao và bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản của một người. Trong việc lập di chúc, pháp luật không giới hạn người được hưởng di sản thừa kế mà hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của người để lại di sản.
Nếu trong quá trình chung sống, quan hệ giữa con dâu và bố mẹ chồng hòa thuận, yêu thương, chăm sóc lẫn nhau. Khi bố mẹ chồng chết đi có lập di chúc để lại tài sản thừa kế cho con dâu được hưởng một phần di sản thừa kế. Trong trường hợp này, con dâu sẽ được hưởng phần di sản thừa kế do bố mẹ chồng để lại đó.
Còn trong trường hợp, bố mẹ chồng vì lý do nào đó mà khi làm di chúc không để lại di sản thừa kế cho con dâu thì con dâu không có quyền hưởng di sản thừa kế do bố mẹ chồng để lại.
3.2. Trường hợp bố mẹ chồng không có di chúc
Căn cứ theo quy định đã trình bày tại mục 2 trên thì con dâu không thuộc hàng thừa kế theo pháp luật của bố, mẹ chồng.
Như vậy, trường hợp chồng chết trước hoặc cùng thời điểm với bố mẹ chồng thì con dâu không được hưởng di sản của bố mẹ chồng theo quy định pháp luật vì không nằm trong hàng thừa kế nào.
Tuy nhiên, trong trường hợp chồng chết sau thời điểm bố mẹ chồng chết thì con dâu sẽ được hưởng một phần di sản trên phần thừa kế của người chồng. Cụ thể, con trai thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên được hưởng di sản. Nếu sau đó người con trai (tức người chồng) mất đi thì phần di sản được chia đều cho những người thừa kế của người đó, bao gồm vợ của người con trai đã chết (tức là con dâu).
4. Các trường hợp con dâu được hưởng di sản thừa kế từ bố mẹ chồng
Mặc dù con dâu không thuộc hàng thừa kế nào của cha mẹ chồng, nhưng trong những trường hợp nhất định thì con dâu vẫn được hưởng di sản thừa kế của bố mẹ chồng. Cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Bố mẹ chồng chết có lập di chúc để lại tài sản cho con dâu
Trong nhiều gia đình, người con dâu đôi khi lại là người gần gũi, chăm sóc quan tâm cha mẹ chồng hơn con đẻ. Bởi vậy, khi cha mẹ chồng chết đi thường sẽ để lại di chúc phân chia phần tài sản của mình cho con dâu.
Bởi lẽ Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015 bảo vệ quyền được chỉ định người thừa kế của người để lại di chúc. Do đó, người con dâu sẽ được hưởng phần di sản thừa kế từ cha mẹ chồng theo định đoạt trong di chúc nếu cha mẹ chồng có để lại di chúc cho con dâu.
Trường hợp 2: Con dâu được hưởng thừa kế từ chồng
Ngoài trường hợp nêu trên, người con dâu còn có thể được hưởng thừa kế di sản của cha mẹ chồng trong trường hợp con trai của người để lại di sản thừa kế chết sau khi cha mẹ người đó chết.
Lúc này, sau khi cha mẹ chồng chết mà không để lại di chúc thì người con trai sẽ được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật. Nếu sau đó người con trai này cũng chết thì phần di sản thừa kế mà người này được hưởng từ cha mẹ sẽ được chia cho hàng thừa kế thứ nhất của họ, trong đó có người vợ (tức người con dâu).
Bởi vậy, nếu người chồng chết sau khi bố mẹ chồng chết thì người con dâu có quyền được hưởng phần di sản thừa kế mà trước đây chồng họ đã được hưởng từ bố mẹ.
Tuy nhiên cần lưu ý, nếu trong trường hợp cha mẹ chồng chết mà để lại di chúc không cho người con trai thừa hưởng di sản, thì đồng nghĩa với việc người con dâu cũng không được thừa kế khi chồng mình chết.
5. Quy trình nhận di sản thừa kế
Trong trường hợp người con dâu được hưởng thừa kế từ bố mẹ chồng, thì phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế như sau:
Bước 1: Lập văn bản khai nhận di sản: Những người được hưởng di sản thừa kế nộp hồ sơ tới phòng công chứng để lập thông báo về việc khai nhận di sản. Hồ sơ bao gồm:
- Di chúc (nếu có);
- Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản;
- Phiếu yêu cầu công chứng;
- Giấy tờ chứng minh người để lại di sản đã chết (giấy chứng tử, giấy báo tử, bản án tuyên bố một người đã chết,...)
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu tài sản của người để lại tài sản;
- Giấy tờ tùy thân của người thừa kế (chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu,...)
- Những giấy tờ khác (giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh,...)
Bước 2: Phòng công chứng niêm yết công khai thông báo mở thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại UBND xã phường nơi có tài sản hoặc nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản trong vòng 15 ngày.
Nếu sau thời gian niêm yết thông báo mở thủ tục khai nhận di sản thừa kế mà không phát sinh tranh chấp hay khiếu nại, người được hưởng di sản tiến hành khai nhận di sản tại phòng công chứng.
Bước 3: Sau khi nhận lại bản niêm yết thừa kế: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi niêm yết có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết và bảo quản việc niêm yết trong thời hạn niêm yết (Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP).
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề Chồng chết vợ có được hưởng thừa kế từ phía bố mẹ chồng không? và một số quy định pháp luật có liên quan. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Hòa Nhựt.
Nếu có bất kỳ vướng mắc nào trong quá trình giải quyết thủ tục thừa kế, quý khách hàng vui lòng liên hệ trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7. Gọi số 1900.868644 hoặc gửi email chi tiết tại: luathoanhut.vn@gmail.com. Chúng tôi rất mong nhận được sự hợp tác từ quý khách hàng. Trân trọng./.