Có được chuyển nơi cư trú khi đang thi hành án treo không?

Thưa luật sư, chồng tôi được tòa cho hưởng án treo 1 năm, thời gian thử thách là 2 năm. Hiện chồng tôi đã chấp hành xong 1 năm án treo và 2 tháng thử thách rồi. Tôi được mẹ đẻ cho một mảnh đất ở tỉnh khác để làm ăn. Vậy xin hỏi liệu vợ chồng tôi có thể chuyển đến ở mảnh mới kia không. Xin cảm ơn!

1. Đang được hưởng án treo có được chuyển nơi cư trú?

Thưa luật sư, chồng tôi được tòa cho hưởng án treo 1 năm, thời gian thử thách là 2 năm. Hiện chồng tôi đã chấp hành xong 1 năm án treo và 2 tháng thử thách rồi. Tôi được mẹ đẻ cho một mảnh đất ở tỉnh khác để làm ăn. Vậy xin hỏi liệu vợ chồng tôi có thể chuyển đến ở mảnh đất mới kia không và phải làm như thế nào? Xin cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi:1900.868644

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 9/9/2014 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành Luật Cư trú, các trường hợp dưới đây tạm thời chưa được giải quyết thủ tục thay đổi nơi cư trú:

1. Người dưới đây, trong thời gian bị hạn chế quyền tự do cư trú thì tạm thời chưa được giải quyết thủ tục thay đổi nơi cư trú (trừ trường hợp có sự đồng ý cho thay đổi nơi cư trú bằng văn bản của cơ quan đã áp dụng biện pháp đó):

a) Người đang bị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú;

b) Người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án, được hưởng án treo hoặc đang được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù; người đang bị quản chế;

c) Người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành.

2. Người đang bị áp dụng hình phạt cấm cư trú thì không giải quyết các thủ tục về đăng ký thường trú, tạm trú tại những địa phương mà Tòa án cấm người đó cư trú.

Như vậy, với quy định nêu trên, để được chuyển nơi cư trú sang tỉnh khác thì chồng bạn cần có văn bản đồng ý của tòa án đã ra quyết định áp dụng án treo cho bác bạn.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 3 Thông tư 64/2019/ TT-BCA, người chấp hành án được xem xét, giải quyết thay đổi nơi cư trú nếu đảm bảo các yêu cầu sau:

Thứ nhất, bảo đảm các yêu cầu theo quy định của pháp luật về cư trú.

Thứ hai, có lý do chính đáng mà phải thay đổi nơi cư trú, thuộc một trong các trường hợp sau:

- Đang sinh sống cùng gia đình mà gia đình chuyển cư trú sang nơi khác;

- Chuyển đến nơi cư trú với vợ hoặc chồng sau khi kết hôn; chuyển nơi cư trú khác sau khi ly hôn;

- Chuyển đến nơi cư trú cùng cha, mẹ, ông, bà, con để thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trong trường hợp cha, mẹ, ông, bà, con bị bệnh hiểm nghèo mà không có người khác chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc trường hợp già yếu không nơi nương tựa;

- Chuyển đến nơi cư trú khác để đảm bảo việc công tác, học tập;

- Không còn nơi cư trú vì bị giải tỏa, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa;

- Buộc phải bán nhà để khắc phục hậu quả hoặc đảm bảo cuộc sống;

- Vì lý do dịch bệnh hoặc đảm bảo yêu cầu về quốc phòng an ninh;

- Các trường hợp khác do Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an quyết định.

Thứ ba, nơi cư trú chuyển đến phải có địa chỉ cụ thể, rõ ràng, ổn định lâu dài.

Thứ tư, việc giải quyết thay đổi nơi cư trú của người chấp hành án phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự; đảm bảo yêu cầu của công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án và việc ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng của người chấp hành án.

Như vậy, nếu chồng bạn đáp ứng các điều kiện, yêu cầu trên sẽ được xem xét, giải quyết thay đổi nơi cư trú trong cùng phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện; ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện trong cùng đơn vị hành chính cấp tỉnh; ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh. Trường hợp bạn được tòa án cho phép thay đổi nơi cư trú, thủ tục xin thay đổi (chuyển hộ khẩu) như sau:

Theo điều 21 Luật Cư trú năm 2006 về thủ tục đăng ký thường trú, người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an sau đây:

- Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;

- Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;

- Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật Cư trú;

- Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật Cư trú.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Sử dụng ma túy trong thời gian hưởng án treo?

Thưa luật sư, ,ngày 21/2/2019 con trai tôi bị TAND huyện Yên Mỹ xử phạt 6 tháng tù cho hưởng án treo thời gian thử thách là 1 năm về tội đánh bạc. Sau đó, vào ngày 01/07/2019 Công an huyện bắt quả tang con trai tôi đang sử dụng ma túy. Xin hỏi con tôi có bị chuyển sang hình phạt tù hay không?

Xin cảm ơn Luật sư

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 65 Bộ luật hình sự 2015 thì: "Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này".

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2 Điều 93 Luật THAHS 2019 thì:

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo đã bị kiểm điểm theo quy định tại Điều 91 của Luật này nhưng sau khi kiểm điểm vẫn tiếp tục vi phạm và đã được nhắc nhở bằng văn bản mà vẫn cố ý vi phạm thì Công an cấp xã đề xuất Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo, đề nghị cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tiến hành trình tự, thủ tục đề nghị Tòa án có thẩm quyền quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo

Điều 91 Luật THAHS 2019 quy định như sau:

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục tổ chức kiểm điểm:

a) Vi phạm nghĩa vụ quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 87 của Luật này và đã bị nhắc nhở bằng văn bản về việc vi phạm mà tiếp tục vi phạm;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Như vậy, việc sử dụng trái phép chất ma túy của bạn sẽ bị bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại khoản 1 Điều 21 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính, bạn sẽ bị UBND xã Kiểm điểm, nếu bạn đã bị kiểm điểm theo quy định tại Điều 91 của Luật này nhưng sau khi kiểm điểm vẫn tiếp tục vi phạm và đã được nhắc nhở bằng văn bản mà vẫn cố ý vi phạm thì Công an cấp xã đề xuất Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo, đề nghị cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tiến hành trình tự, thủ tục đề nghị Tòa án có thẩm quyền quyết định bắt bạn phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

3. Quy định về vắng mặt tại nơi cư trú đối với người được hưởng án treo?

Thưa luật sư, tôi có một thắc mắc này muốn luật sư giải đáp, hiện nay pháp luật quy định như thế nào về thời hạn vắng mặt tại nơi cư trú đối với người đang được hưởng án treo, tôi muốn xin vắng mặt thì cần làm thủ tục như thế nào? Xin cảm ơn Luật sư!

Trả lời:

Tại Điều 92 Luật Thi hành án hình sự 2019, có quy định:

- Người được hưởng án treo có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép theo quy định tại khoản 2 Điều này, phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú. Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian thử thách, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó.

Người được hưởng án treo khi vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục; trường hợp không đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người được hưởng án treo khi đến nơi cư trú mới phải trình báo với Công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú. Trường hợp người được hưởng án treo vi phạm pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đến tạm trú, lưu trú phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục kèm theo tài liệu có liên quan.

- Việc giải quyết trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc thực hiện theo quy định tại Điều 68 của Luật này.

- Người được hưởng án treo không được xuất cảnh trong thời gian thử thách.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì bạn có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép Ủy ban nhân dân cấp xã, và thực hiện khai báo tạm vắng, tạm trú. Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 60 ngày, tổng thời gian vắng mặt không quá 1/3 thời gian thử thách.

4. Trong thời gian hưởng án treo có được đi du lịch nước ngoài?

Thưa luật sư,Tôi bị tòa tuyên án và được khoan hồng cho hưởng án treo trong khoảng thời gian 24 tháng. Trong thời gian hưởng án treo thì tôi có được đi du lịch hay không? Xin cảm ơn Luật sư!

Trả lời:

Điều 21 Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BCA ngày 31/12/2015 quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

“1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.

2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.

3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.

4. Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.

5. Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.

6. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

7. Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ.”

Trường hợp của bạn, việc hưởng án treo đồng nghĩa với việc bạn đang chấp hành bản án hình sự nên bạn sẽ không thuộc trường hợp được xuất cảnh, nhập cảnh. Nói cách khác, nếu bạn muốn đi làm ở nước ngoài, thì trường hợp này pháp luật không cho phép.

5. Có được đi làm ở tỉnh khác khi hưởng án treo?

Chào luật sư, xin hỏi : Tôi đang trong thời gian chấp hành án treo thì có được đi làm ở tỉnh khác hay không? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 92 Luật thi hành án hình sự 2019 thì giải quyết việc vắn mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được hưởng án treo được quy định như sau:

1. Người được hưởng án treo có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép theo quy định tại khoản 2 Điều này, phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú. Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian thử thách, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó.

2. Người được hưởng án treo khi vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục; trường hợp không đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người được hưởng án treo khi đến nơi cư trú mới phải trình báo với Công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú. Trường hợp người được hưởng án treo vi phạm pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đến tạm trú, lưu trú phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục kèm theo tài liệu có liên quan.

3. Việc giải quyết trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc thực hiện theo quy định tại Điều 68 của Luật này.

4. Người được hưởng án treo không được xuất cảnh trong thời gian thử thách.

Tại Khoản 3 Điều 88 của Luật trên quy định về việc lao động, học tập của người được hưởng án treo như sau:

3. Người được hưởng án treo không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú tạo điều kiện tìm việc làm.

Như vậy, Luật chỉ cấm người hưởng án treo xuất cảnh, không có quy định cấm người đang hưởng án treo đi làm ở địa phương khác, tuy nhiên khi ngươi hưởng án treo đi khỏi nơi cư trú thì phải có lý do chính đáng và phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, còn phải trình báo với Công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú. Như vậy, mặc dù không cấm những cũng rất khó thực hiện, anh có thể đi làm ở tỉnh khác nếu thực hiện theo đúng thủ tục trên.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.868644 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.