Công tác giám sát, kiểm sát việc thi hành án hình sự

Hoạt động giám sát, kiểm sát giữ một vai trò rất quan trọn trong việc củng cố pháp chế và trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, đảm bảo cho quyền lực tư pháp được thực thi trên thực tế. Vậy công tác giám sát, kiểm sát việc thi hành án hình sự được thực hiện như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ:

1. Giám sát việc thi hành án hình sự.

Cơ sở pháp lý: Điều 6 Luật THAHS 2019:

Điều 6. Giám sát việc thi hành án hình sự.

Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát hoạt động của cơ quan, tố chức, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự và các cơ quan, tổ chức khác liên quan đến hoạt động thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật.

Theo đó, về chủ thể có quyền giám sát, luật quy định các chủ thể sau có quyền giám sát: Quốc hội, hội đồng nhân dân, mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận tổ quốc Việt Nam. Cụ thể:

1.1. Giám sát của quốc hội

Giám sát của Quốc hội là việc Quốc hội theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong thi hành án hình sự, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có tham quyền xử lý.

Nội dung giám sát của Quốc hội đối với việc thực thi công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước gồm:

- Theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động tuân theo Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội về thi hành án hình sự;

- Theo dõi, xem xét, đánh giá việc xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý;

- Theo dõi, xem xét, đánh giá vấn đề tuân theo Hiến pháp và pháp luật của các cơ quant hi hành án hình sự.

Giám sát của Quốc hội bao gồm giám sát tối cao và giám sát chuyên đề của Quốc hội, giám sát của ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Theo đó:

+ Giám sát tối cao là việc Quốc hội theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý. Giám sát tối cao được thực hiện tại kỳ họp Quốc hội.

+ Giám sát chuyên đề là việc Quốc hội theo dõi, xem xét, đánh giá vấn đề hoặc hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật.

Quốc hội giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; giám sát tối cao hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ; giám sát tối cao văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; giám sát tối cao nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

1. 2. Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc đề nghị các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thi hành án hình sự.

Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang tính xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích họp pháp, chính đáng của Nhân dân, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực trong thi hành án hình sự; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Theo quy định của Luật mặt trận tổ quốc năm 2015, hoạt động giám sát được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm phát huy dân chủ, sự tham gia của Nhân dân, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân; thực hiện công khai, minh bạch, không chồng chéo; không làm cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát.

Đối tượng giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan nhà nước, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức. Nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc thực hiện chính sách, pháp luật về thi hành án hình sự có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các tổ chức thành viên khác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thực hiện giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự và các cơ quan, tổ chức khác liên quan đến hoạt động thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Kiểm sát việc thi hành án hình sự.

Việc kiểm sát việc thi hành án hình sự được quy định cụ thể tại Điều 7 Luật Thi hành án hình sự:

Điều 7. Kiểm sát việc thi hành án hình sự

Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong thi hành án hình sự.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong kiểm sát thi hành án hình sự thể hiện ở chỗ, Viện kiểm sát có quyền hạn:

- Yêu cầu Tòa án cùng cấp và cấp dưới ra quyết định thi hành án hình sự đúng quy định của pháp luật; yêu cầu Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự tự kiểm tra việc thi hành án hình sự và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát; cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc thi hành án hình sự.

- Trực tiếp kiểm sát việc thi hành án hình sự của cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp và cấp dưới, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự; kiểm sát hồ sơ thi hành án hình sự của cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp và cấp dưới, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù của trại giam đóng tại địa phương, địa bàn; kiểm sát việc thi hành án đối với pháp nhân thương mại.

- Quyết định trả tự do ngay cho người đang chấp hành án phạt tù không có căn cứ và trái pháp luật,

- Đề nghị miễn, hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ chấp hành án; tham gia phiên họp xét giảm, miễn thời hạn chấp hành án, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, rút ngắn thời gian thử thách,

- Kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp, cấp dưới, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, người có thẩm quyền và cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự; yêu cầu đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong thi hành án hình sự; chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật,

- Tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, giáo dục người chấp hành án phạt tù; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thi hành án hình sự.

- Khởi tố hoặc yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật,

- Trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án, cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự.

Khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án hình sự, Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự cùng cấp và cấp dưới ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và của cấp dưới; thông báo kết quả giải quyết cho Viện kiểm sát; cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát. Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thi hành biện pháp tư pháp theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

3. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự.

Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, Điều 8 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định:

Điều 8. Phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự

1. Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự.

2. Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật về thi hành án hình sự

Theo đó, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự. Chính phủ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thi hành án hình sự. Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án hình sự có nhiệm vụ, quyền hạn phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự.

Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm quản lý công tác thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành án hình sự cho cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu; phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân. Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong việc xây dựng chương trình giáo dục pháp luật, giáo dục công dân; phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự.

Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật về thi hành án hình sự. Tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện để ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội động viên Nhân dân tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của chính quyền địa phương.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.868644 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.